Lẵng Quả Thông

white noise for sleeping link
shopee-sale

Paustovsky ra đời ngày 31 tháng 5 năm 1892 trong một ngõ hẻm thành Mátxcơva. Dòng họ ông gốc kazak1 miền Zaporozhe, sau mới chuyển tới cư ngụ ở vùng ven sông Roshi gần tỉnh lỵ Belaya Serkov. Cha ông làm nhân viên thống kê ngành đường sắt. Ông nội là một cựu chiến binh kadak dưới thời Nga hoàng Nikolaev.
 
Cụ thân sinh ra Paustovsky là người mơ mộng và là người ở không yên chỗ. Sau thời gian tòng sự tại Mátxcơva, ông đổi đi Vino, rồi Pskov, sau cùng mới đậu lại Kiev. Mẹ Paustovsky lớn lên trong một gia đình tư chức ở một nhà máy đường. Tính khắc khổ, bà nắm mọi quyền hành trong nhà. Gia đình Paustovsky đông người, đủ tính đủ nết, nhưng hết thẩy đều yêu nghệ thuật. Cậu bé Paustovsky lớn lên trong tiếng đàn dương cầm, những giọng ca, những cuộc cãi vã nghệ thuật và những rạp hát.
 
Cậu bé bắt đầu cuộc đời học trò ở trường trung học số 1 thành phố Kiev. Khi cậu học tới lớp 6 thì gia đình khánh kiệt, cậu phải tự nuôi thân bằng một nghề bất đắc dĩ không xứng với tuổi học trò là nghề “gia sư”.
 
Đó là tóm tắt mấy dòng về con người về sau này trở thành nhà văn. Tôi chép lại tiểu sử ông ở đây theo thói thường phải viết tiểu sử nhà văn mà mình giới thiệu, chứ tôi biết tiểu sử chẳng giải thích được bao nhiêu vì sao Paustovsky chọn nghề văn chứ không phải nghề nào khác.
 
Truyện ngắn đầu tiên của Paustovsky được in khi Paustovsky còn là học sinh năm chót của trường trung học. Nó xuất hiện trong tạp chí “Những Ngọn Lửa”, là tạp chí văn học duy nhất của Kiev hồi bấy giờ, vào khoảng năm 1911. Sau khi tốt nghiệp trung học, Paustovsky thi vào đại học Tổng hợp Kiev. Hai năm sau, Paustovsky chuyển qua một trường đại học khác ở Mátxcơva và ở hẳn thành phố này từ đấy.
 
Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất bùng nổ. Paustovsky làm nghề bán vé xe điện, rồi lái xe điện, rồi y tá trong các đoàn tàu quân y con thoi chạy đi chạy lại giữa hậu phương và tiền tuyến. Mùa thu năm 1915 ông bỏ công việc dân sự để đi theo một đơn vị quân y dã chiến và làm một chuyến đi dài suốt từ thành phố Lublin (Ba Lan) đến tỉnh lỵ Nesvizh ở Belorussya. Trên đường, tình cờ nhặt được một mẩu báo, ông mới biết hai anh ông đã tử trận trong cùng một ngày trên hai mặt trận khác nhau. Paustovsky vội vã trở về với mẹ. Bà cụ lúc đó đang ở Mátxcơva.
 
Nhưng Paustovsky không thể ngồi lâu một chỗ. Bệnh xê dịch giày vò ông và ông lại lên đường, tiếp tục cuộc sống nay đây mai đó. Ông đi Ekaterinoslav để làm việc trong nhà máy luyện kim của công ty Briansky. Rồi bỏ đấy mà đi Yuzovka, từ đó đến Taranrog, làm trong các nhà máy. Ở Taranrog, Paustovsky khởi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình – “Những Kẻ Lãng Mạn”. Mùa thu năm 1916, Paustovsky lại một lần nữa bỏ Taranrog để đến nhận công tác tại Công ty liên hiệp hải sản Azovskoye.
 
Cách mạng Tháng Hai bùng nổ khi Paustovsky đang ở Mátxcơva. Lúc đó ông đã bước vào nghề báo. Ông viết: “Sự hình thành con người và nhà văn trong tôi bắt đầu từ những năm ấy, nó xảy ra dưới chính quyền Xô-viết và quyết định toàn bộ cuộc đời tôi từ đấy về sau”.
 
Sau thời gian ở Mátxcơva, ông lại quay về với mẹ, bà cụ lúc ấy đã sống ở Ukraina. Từ Kiev, nơi ông chỉ cư ngụ một thời gian ngắn, Paustovsky đi Ôđessa. Ở thành phố cửa biển này ông được sống trong môi trường các nhà văn trẻ và tài năng: Ilf, Bagritzky, Babel, Shenghel, Lev Slavin… Nhưng rồi ông lại giã từ những người bạn tuyệt vời của mình để trở về để tiếp tục cuộc hành trình vô định. Ông đi Sukhum, Batum, Tifflis. Từ Tifflis, Paustovsky đến Armenya, rồi lang bạt sang tận Ba Tư.
 
Năm 1923, Paustovsky trở về Mátxcơva trong một chuyến dừng chân, xin làm biên tập viên cho một tờ báo. Cũng từ đó tên tuổi của ông bắt đầu trở thành quen thuộc với độc giả qua những tác phẩm nối tiếp nhau ra đời.
 
Cuốn sách đầu tiên được Paustovsky coi là tác phẩm thực sự của ông là tuyển tập truyện ngắn “Những Con Tàu Đi Ngược Chiều Nhau”.
 
Mùa hè năm 1932 Paustovsky bắt đầu cuốn “Kara-Bugaz” và một số truyện ngắn khác mà về sau này ông đã kể lại khá tỉ mỉ trong “Bông Hồng Vàng”.
 
Sau khi “Kara-Bugaz” ra đời, Paustovsky xin ra ngoài biên chế, tức là thôi không làm cho nhà nước và ăn lương nhà nước nữa, để chuyên viết văn, “cái công việc duy nhất, choán hết mọi việc khác, có lúc thực cay cực, nhưng là cái bao giờ tôi cũng yêu mến”. Ở chế độ Xã hội Chủ nghĩa, việc xin ra ngoài biên chế để sống tự do được coi như một việc làm không bình thường, một hành động rồ dại, hoặc một hành động dũng cảm, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Trong cuộc sống tự do khỏi công việc nhà nước Paustovsky còn đi nhiều hơn nữa. Dấu chân ông in khắp mọi miền đất nước Xô-viết, từ bán đảo Konsky đến những sa mạc vùng Trung Á, từ các thành phố băng tuyết ở Cực Bắc đến những bờ biển ấm áp vùng Krưm tới những miền rừng rậm rạp của Sibir. Ngoài ra, ông còn đến Tiệp Khắc, đi tàu biển vòng quanh châu Âu, qua các thành phố Istanbul, Athena, Napoli, Roma, Paris, Rotterdam, Stockholm…
 
Trong Đại chiến Thế giới lần thứ Hai, ông làm phóng viên chiến tranh của Mặt trận phía Nam và ở đó ông cũng đi rất nhiều.
Đời ông, từ lúc còn nhỏ cho đến năm 1921, được ghi lại khá đầy đủ trong các cuốn truyện mang tính hồi ký “Những Năm Xa Xôi”, “Tuổi Trẻ Không Yên”, “Sự Bắt Đầu Của Thế Kỷ Ta Chưa Biết”.
 
Paustovsky nói rằng nhà văn cần phải biết tạo ra tiểu sử cho mình. Tức là, ông muốn nói, nhà văn cần phải chủ động ném mình vào trong những xoáy lốc của cuộc đời, để được sống nhiều, sống thật trong nó, tự mình tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho công việc viết văn sau này. Ông nhìn những nhà văn cạo giấy, những viên chức văn chương bằng cái nhìn khinh bỉ.
 
Ông không chỉ viết nhiều, mà còn viết hay. Hiếm có nhà văn nào ở nước Nga được in toàn tập trong khi còn sống.2
 
Paustovsky là nhà văn không biết hài lòng về mình. Ông luôn nói rằng những gì ông đã viết chỉ là bước đầu, chứ toàn bộ công việc thực sự thì bao giờ cũng vậy, còn ở phía trước.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com