Kỷ Luật Không Nước Mắt

white noise for sleeping link
shopee-sale

Những cơn cáu giận của trẻ! Bài tập về nhà! Giờ ăn! Giờ ngủ! Và rồi con bắt đầu hình thành thái độ…

Trong quá trình nuôi dạy con cái, chúng ta rất dễ bị căng thẳng và sự căng thẳng đó sẽ ở mức độ đáng ngại nhất khi phải giải quyết các vấn đề liên quan đến hành vi. Mặt khác, trẻ em ngày nay cũng đang chịu nhiều căng thẳng hơn trước kia. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các va chạm, bất đồng giữa cha mẹ và con cái xảy ra thường xuyên, trong khi sự đồng thuận dường như lại rất hiếm hoi. Tuy nhiên, tình trạng này không phải là không thể tránh khỏi. Bạn có thể áp dụng khuôn phép kỷ luật để nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực với con và giảm bớt các vấn đề về hành vi của trẻ.

Hãy bắt đầu bằng cách dành một chút thời gian để suy nghĩ xem theo bạn thì kỷ luật nghĩa là gì. Bạn sẽ giống như đa số phụ huynh khác nếu chỉ hiểu kỷ luật đồng nghĩa với việc áp dụng những hình phạt khi con phạm lỗi. Tuy nhiên, trong quyển sách này, chúng tôi sẽ diễn giải rộng hơn so với cách hiểu đó.

Kỷ luật là bao gồm cả việc tư vấn, động viên, bỏ qua, huấn luyện, thực hành, khen ngợi con trẻ và đôi khi cũng cần có hình phạt cho chúng, tùy thuộc vào hệ thống các giá trị của gia đình bạn. Kỷ luật tốt là khoản đầu tư chắc chắn cho tương lai của con chứ không chỉ đơn thuần là sự điều chỉnh hành vi của trẻ trước mặt bạn tại thời điểm nào đó. Kỷ luật cũng sẽ định hình thái độ của con theo hướng mà bạn mong muốn. Trên hết, kỷ luật chính là giáo dục.

Bạn cần phải hiểu rằng kỷ luật không hẳn là hình phạt, hình phạt chỉ là một phương tiện của kỷ luật. Quyển sách này sẽ cung cấp cho bạn một kho tàng các chiến lược hiệu quả tương đương với hình phạt, bao gồm việc khuyến khích động viên, nêu gương làm mẫu và sửa sai. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách học hỏi từ mỗi kinh nghiệm xử lý tình huống hành vi của con và cách tự điều chỉnh phương pháp của mình. Ngoài ra, bạn cần phải kiểm lại các đặc thù trong đời sống cá nhân của mình (như mức độ bận rộn, thời gian và nguồn lực của bản thân), cũng như các mối quan hệ của bạn với mọi người xung quanh, cách bạn tự chăm sóc bản thân để xem chúng liên quan thế nào đến hành vi của con.

Yêu thương phải đi đôi với kỷ luật.

Trẻ em cần cảm nhận được tình yêu thương từ những người nuôi dạy chúng và biết giá trị của chúng đối với thế giới này. Nhưng yêu thương không đồng nghĩa với việc nuông chiều trẻ mọi lúc. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con còn có nghĩa là dám nói “Không” với con ngay cả trong lúc trẻ đang được quan tâm, yêu quý nhất. Yêu thương phải đi đôi với kỷ luật. Bởi vì cùng với nhau, kỷ luật và yêu thương sẽ tạo nên nền tảng vững chắc nhất cho cuộc đời của một đứa trẻ.

Bạn hãy hình dung mình là một người làm vườn và bắt đầu lên ý tưởng thiết kế, trồng trọt trên mảnh vườn màu mỡ sau nhà. Trước tiên, bạn phải lên kế hoạch sẽ trồng cây gì và trồng vào chỗ nào trong vườn. Sau đó, bạn phải bắt đầu dọn cỏ, phát quang và nên cẩn thận xác định trong đám cây dại ấy có gì hay ho cần giữ lại không, trước khi đưa ra quyết định chặt bỏ. Sau đó, bạn cần làm đất, bón phân và cuối cùng mới gieo hạt. Tuy vậy, việc trồng cây mới chỉ là bước khởi đầu. Bạn còn phải phun tưới, chăm sóc, nuôi dưỡng để cây được phát triển xanh tốt. Và, tất nhiên, bạn cũng cần tiếp tục bón phân, tưới nước và theo dõi cả mảnh vườn theo một lịch trình hợp lý.

Chúng tôi sẽ cùng bạn làm tất cả những điều đó thông qua việc hướng dẫn bạn chăm sóc gia đình mình như chính mảnh vườn kia. Giống như mỗi cái cây khác nhau thì cần được chăm sóc trong điều kiện đất và ánh sáng khác nhau, mỗi đứa con của bạn cũng cần kiểu kỷ luật phù hợp với riêng bé.

Hiểu được động cơ của con sẽ giúp bạn loại bỏ một số “cây” hành vi xấu trong mảnh vườn của mình và gieo vào đó những hạt giống mới tốt lành. Sự chuyên tâm vào việc nuôi dạy con cũng đem lại hiệu quả giống như việc áp dụng lịch phun tưới hợp lý cho cây: nó nuôi dưỡng con trẻ. Không lâu sau khi gieo hạt, mầm non sẽ lớn lên thành cây con, vươn những phiến lá non lên bầu trời xanh đón nắng và bộ rễ sẽ bám chặt vào lòng đất để thu nhận dinh dưỡng. Với tình yêu thương và kỷ luật đã khắc sâu trong mình, con sẽ vươn lên mạnh mẽ và không bị khuất phục trước những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc sống sau này. Các phương pháp kỷ luật tốt sẽ giúp con phát triển thành một công dân có sức khỏe tốt, nghị lực và thành đạt.

Biến con từ một em bé ngây ngô hôm nay thành một người lớn trưởng thành là tất cả những gì các bậc làm cha làm mẹ phải thực hiện. Do đó, trước khi tiếp cận những lời khuyên, các Chiến lược Toàn diện, hay các phân tích sâu về tâm lý thì hãy bắt đầu bằng việc khẳng định rằng:

Bạn đang đảm đương một công việc vĩ đại!

Chúng tôi, các tác giả của quyển sách này, cũng là những người làm cha làm mẹ; do đó, chúng tôi biết rằng không dễ gì giữ được suy nghĩ tích cực như thế này khi đang trong tình huống khó khăn. Nếu không có khả năng tiên tri được tương lai thì thật khó mà biết được liệu những gì mình đang làm có đúng hay không, nhất là dường như mỗi ngày mới đến lại mang theo một vấn đề rắc rối nào đó. Đây là lý do mấu chốt tại sao chúng tôi muốn viết quyển sách này. Chúng tôi muốn lý giải tại sao trẻ em cư xử như vậy và giúp bạn kết nối bối cảnh của những lý do tại sao đó với phản ứng của bạn trước hành vi của trẻ. Một khi bạn đã hiểu được tại sao thì bạn sẽ có thể tìm ra cách thực hiện một số thay đổi.

Biết cư xử tốt là kỹ năng mà tất cả trẻ em cần phải học và làm được, cũng giống như việc tập đi bô, ngồi xích đu hay học bảng chữ cái vậy. Bẩm sinh, trẻ không thể biết tất cả các quy tắc, ranh giới và thái độ hành xử tốt. Chúng không biết làm sao để giảng hòa cho các cuộc xung đột với anh chị em trong nhà, không biết cách tự đi ngủ hoặc ngôn từ của các bé còn rất giới hạn so với người lớn chúng ta. Những điều này phải được chỉ dạy cụ thể cho bé như cách chúng ta gieo trồng và nuôi dưỡng những hạt giống quý.

Quyển sách này bắt đầu bằng cách giải thích những hành vi mang tính truyền thông điệp của trẻ.

Phần 1 là những giải thích về hành vi theo mô hình ABC, cho phép bạn giải mã những gì con đang cố gắng nói với bạn khi chúng hành xử như vậy. Cho dù bạn sắp khởi hành hay đang tìm cách làm cho hành trình nuôi dạy con trở nên suôn sẻ hơn, hoặc thậm chí khi bạn đã đến gần cuối đường và tự hỏi liệu mình có sai lầm không, thì 16 Chiến lược Toàn diện mà chúng tôi đưa ra sẽ giúp bạn tránh khỏi hoặc giảm nhiệt cho các tình huống khó khăn, dừng các hành vi xấu của con trẻ lại và hướng trẻ về phía trước theo hướng tích cực.

Phần 2 cung cấp cho độc giả cái nhìn sâu sắc về một số tình huống thông thường nhất mà khi đó, trẻ có thể phải vượt qua những thử thách về hành vi như: những cơn cáu giận, lúc làm bài tập về nhà, giờ ăn, giờ ngủ và thái độ ứng xử. Được trình bày hoàn chỉnh với các ví dụ cụ thể và thậm chí là các bảng mẫu để bạn có thể áp dụng trực tiếp với trường hợp của con mình, phần này cung cấp các chiến lược hồi đáp phù hợp với những nguyên lý cơ bản trong sự phát triển của trẻ, giúp bạn xử lý mọi vấn đề nảy sinh một cách bình tĩnh, không căng thẳng và đầy tự tin.

Phần 3 là những bước chủ động mà bạn có thể thực hiện để phát triển những nét tính cách tích cực ở con, giúp con trở thành một người trưởng thành hạnh phúc, sống hữu ích và thành công. Từ những điều cốt yếu để xây dựng được mạng lưới các mối quan hệ xã hội lành mạnh, cho đến việc thấm nhuần ý nghĩa của sự kiên cường và bền bỉ, tất cả đều là những kiến thức đem lại lợi ích cho cả gia đình bạn.

Cuối cùng, trong Phần 4, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn các loại “báo động đỏ” báo hiệu rằng trẻ đang bị căng thẳng và bạn cần cân nhắc việc tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có chuyên môn. Không có một nhịp độ hoặc lý giải nào về cách mỗi cá nhân sẽ đáp ứng lại một tình huống căng thẳng đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phân tích một số tình huống phổ biến và hướng dẫn bạn cách ra quyết định trong từng trường hợp ấy.

Bằng cách đầu tư đáng kể thời gian và có những chiến lược hiệu quả ngay từ bây giờ, bạn có thể giúp con có được những thói quen và hành vi tích cực được biểu hiện một cách tự nhiên khi bé lớn lên. Giữ kỷ luật là một quá trình dài hạn: nó chưa bao giờ là chuyện dễ dàng thực hiện và nó có thể khiến chúng ta rất mệt mỏi khi phải tuân thủ nghiêm ngặt. Mặc dù vậy, nó chính là cái giá bạn phải trả để nhìn thấy con người tuyệt vời mà con đang dần trở thành dưới sự dìu dắt của bạn. Giữ vững lập trường là chìa khóa để loại bỏ những căng thẳng có thể gặp phải trong quá trình nuôi dạy con. Hiểu được lý do ẩn sau hành vi của con và có phản ứng thích hợp sẽ giúp bạn bớt căng thẳng. Đây là triết lý của kỷ luật không nước mắt.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây