Kiếm Sống – Maxim Gorky

white noise for sleeping link
shopee-sale

Kiếm sống[1] là phần hai trong tác phẩm bộ ba tự thuật[2] của M. Gorky, miêu tả thời niên thiếu của cậu bé Alyosha Peskov, tức Gorky, từ năm 1878 đến năm 1884. Trong phần đầu, M. Gorky đã kết thúc Thời thơ ấu của mình bằng những dòng chua chát:

“Sau khi chôn cất mẹ tôi được vài ngày, ông ngoại bảo tôi:

– Này Leksei, mày không phải là cái mề đay, mày không thể lủng lẳng mãi trên cổ tao, mày hãy đi ra đời mà kiếm sống…

Và thế là tôi bước vào đời.”

Mới mười tuổi đầu, cậu bé mồ côi Alyosha đã bắt đầu ở với người đời, tìm hiểu cuộc sống và đấu tranh để tìm ra lối thoát cho mình. Giai đoạn này đã hình thành mối quan hệ mới của Alyosha với con người và thế giới xung quanh. Bước vào đời để kiếm sống, Alyosha luôn va chạm với sự hèn hạ, tồi tệ của bọn “tiểu thị dân”, những kẻ luôn tự cho mình là “ưu việt nhất thành phố”, họ tưởng rằng họ “biết những phép cư xử đúng đắn nhất và dựa trên những phép tắc mù mờ đối với tôi đó mà kết tội mọi người một cách tàn nhẫn, không thương tiếc”. Những kẻ này thường có thái độ ganh tị, ghen ghét với điều tốt đẹp ở những người mà họ không sao hiểu nổi. Để biện bạch cho cuộc sống nhỏ nhen và nghèo nàn, khiến nó tăng thêm cái vẻ quan trọng bề ngoài, họ, giống như ông lão Kashmirin keo kiệt, hung dữ hay bà già Matryona độc ác, ích kỉ, luôn luôn lôi kéo Chúa vào những việc tẹp nhẹp buồn tẻ của mình, biến Chúa thành một sức mạnh trừng phạt mù quáng để bảo vệ cho tội lỗi và lợi ích cá nhân…

Alyosha càng ngày càng thấy rõ mặt trái của cuộc sống, thấy những sự nhục mạ nhân cách, những lao động vô nghĩa, khổ sai. Lúc ấy, theo như lời Gorky kể, cuộc sống của Alyosha như vĩnh viễn bị quy định một cách chặt chẽ trong các hình thức và các mối quan hệ mà Alyosha trông thấy ngày này qua ngày khác, mỗi ngày một buồn tẻ, gay gắt hơn, khiến khó mà nghĩ tới khả năng thay đổi, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Nhưng khi ấy, sách vở – kho tàng tư tưởng sáng tạo của con người – đã tới giúp Alyosha. Những tác phẩm của các nhà văn Nga ưu tú, của các tác giả nước ngoài như Walter Scott, Dickens… đã giúp cậu hiểu được rất nhiều điều mà trước đó cậu vẫn băn khoăn. Sách vở đã giúp Alyosha khắc phục tâm trạng bối rối, mất niềm tin vào con người. Mỗi cuốn sách hay như mở ra trước mắt Alyosha một cánh cửa sổ hướng về thế giới mới mẻ mà cậu bé chưa từng biết, chưa từng thấy. Càng đọc nhiều sách, Alyosha càng thấy gần gũi với thế giới hơn, cuộc sống đối với cậu càng sáng sủa, có ý nghĩa hơn. Sau này, Gorky nhớ lại: “Sách vở đã chỉ cho tôi chỗ đứng của mình trong cuộc sống, nói cho tôi biết rằng con người thật vĩ đại và đẹp đẽ, luôn hướng về cái tốt đẹp hơn, rằng con người đã gây ra nhiều chuyện trên trái đất và vì thế mà họ phải chịu biết bao đau khổ.”[3]

Một nhân vật trong Kiếm sống là Jikharev đã nói với Alyosha với vẻ đồng tình: “Cháu không có thái độ dửng dưng mà luôn tập trung vào công việc. Cháu cứ nên như thế mãi, điều đó rất tốt!” Alyosha đã dũng cảm lao vào cuộc sống, dũng cảm “bước vào đời” mặc dù nhiều khi va chạm phải mặt trái xấu xa ghê tởm của nó.

Gorky viết:

“Trong tôi có hai con người: Một người sau khi đã biết quá nhiều điều ghê tởm và bẩn thỉu, trở nên sợ hãi cuộc sống, nản lòng bởi hiểu quá rõ các chuyện khủng khiếp xảy ra hằng ngày. Người ấy bắt đầu nhìn cuộc sống, nhìn mọi người với thái độ thiếu tin tưởng và hoài nghi, thương hại một cách bất lực cả bản thân và những người xung quanh. Con người ấy mơ ước một cuộc sống cô độc, yên tĩnh, chỉ có sách vở, không dính líu đến ai, mơ về một tu viện, một chòi canh trong rừng, một vọng gác đường sắt, mơ được đến Ba Tư, được đảm nhiệm cương vị một người gác đêm ở ngoại ô thành phố. Càng ít người càng tốt, càng tránh xa con người càng tốt…

Còn người kia được nuôi dưỡng bằng ý chí thiêng liêng của các cuốn sách hay và sâu sắc, mỗi khi cảm thấy sức mạnh của những điều khủng khiếp xảy ra hằng ngày kia có thể dễ dàng đè bẹp mình, làm nhơ bẩn trái tim mình, nên cố sức tự vệ, cắn chặt răng, siết chặt nắm đấm, luôn sẵn sàng xông vào bất kì cuộc tranh cãi và trận chiến đấu nào. Con người này giàu tình yêu thương, và giống như những nhân vật dũng cảm trong các cuốn tiểu thuyết Pháp, chỉ cần đến câu thứ ba là đã rút ngay gươm ra khỏi bao và sẵn sàng chiến đấu.”

Trên bước đường kiếm sống, Alyosha đã gặp và sống với những người lao động bình thường: thợ mộc, thợ nề, thợ làm tượng thánh, phu khuân vác… và cả các nghệ sĩ, nhà thơ, nhà triết học… Mỗi người đều cần thiết và quan trọng đối với Alyosha, giúp tâm hồn cậu thêm phong phú, khiến cậu trở nên mạnh mẽ, khôn ngoan, có đủ nghị lực đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Trong quá trình tiếp xúc với những người này, tính cách của Alyosha dần dần hình thành.

Bác đầu bếp Smouri, một trong những “người thầy” của Alyosha, một người vốn nghiêm nghị và thích cô độc, có tâm hồn hiền hậu và tấm lòng công bằng, cao thượng. Khi Alyosha đọc cho bác nghe chuyện Taras Bulba của Gogol, tới cảnh cái chết của vị thủ lĩnh Cossack thì Smouri, người mà tất cả mọi người trên tàu đều sợ, đã khóc nức nở. Chính nhờ cuộc gặp gỡ với Smouri mà Alyosha bắt đầu say mê đọc sách. Càng tiếp xúc với những người Nga bình thường, càng tìm hiểu họ sâu hơn, Alyosha càng thấy “những người chủ” là tầm thường, tẻ nhạt, thế giới của họ hóa ra không bền vững và chắc chắn như cậu tưởng.

Alyosha đã trải qua cả một “trường học đường đời” khi làm việc ở xưởng làm tượng thánh. Những người thợ trong xưởng mà Alyosha tiếp xúc là những người có tinh thần ham hiểu biết, có tâm hồn phong phú và có tài năng. Ở mỗi người, Alyosha đều cảm thấy họ thực sự hiểu biết cuộc sống và nghệ thuật. Những người đó tuy sống tù túng trong xưởng nhưng vẫn đầy lòng cao thượng, sức mạnh và vẻ đẹp. Không phải vô cớ khi kể về Sitanov, Gorky nhắc rằng trong anh hình như có một cái gì giống với “nhà quý tộc Tây Ban Nha”, nhân vật mà Sitanov yêu thích hơn cả.

Đặc biệt, Jikharev đã khiến Alyosha rất đỗi ngạc nhiên; đó là một nghệ sĩ nhân dân, một người bị giày vò vì khát vọng hiểu biết và sáng tác tự do. “Chúng ta biết được những gì? Chúng ta sống thật quá tầm thường… Còn đâu là tâm hồn? Tâm hồn ở đâu rồi? Nguyên bản thì có đấy; nhưng trái tim thì không…” Alyosha lo lắng và vui mừng nghe những lời lạ tai ấy của Jikharev.

Những người này càng ngày càng nhận thức rõ sự bất công, vô nghĩa của thứ lao động cưỡng bách. Họ bị dồn vào cảnh lao động kiệt sức và đơn điệu, mất hết niềm vui và phúc lợi ở đời. Họ thèm muốn ánh sáng, tri thức, cái đẹp. Những cuốn sách mà Alyosha đọc đã khiến họ say mê, rung động. Khi Alyosha đọc tập thơ Con quỷ của Lermontov, những người này khiến cậu hết sức ngạc nhiên bởi khả năng thụ cảm nghệ thuật rất tinh vi và sâu sắc của họ.

Qua những năm sống phiêu bạt ấy, trong Alyosha nảy sinh tình yêu mạnh mẽ với con người, thứ tình yêu mà cậu sẽ mang suốt đời. “Chú được cái tốt là đối với ai chú cũng coi như họ hàng thân thích cả, cái đó rất tốt!” Kapendiukhin đã nói với Alyosha như vậy.

Alyosha luôn có mặt trên con đường đi tìm chân lí, mục đích cuộc sống, đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi vẫn giày vò cậu: “Làm thế nào để giúp đỡ mọi người?” Đối với Alyosha, việc tìm hiểu ông lão thợ mộc Osip là một điều “hết sức cần thiết”. Tính tình phức tạp của Osip giúp cho Alyosha hiểu được bản chất mâu thuẫn của nông dân (Về Osip, năm 1897 Gorky đã viết trong truyện ngắn Vanka Mazin và năm 1912 trong truyện ngắn Băng chuyển). Alyosha biết tìm ở mọi người những điều cần thiết với cậu, mặc dù những người ấy khác xa cậu.

Trong tâm thức, Alyosha đã phân biệt được ước mơ và thực tế. Giờ đây, cậu không chỉ hướng về sách vở, thơ ca, truyện thần thoại để tìm kiếm sự dũng cảm và chân lí mà biết hướng vào hiện thực: “Điều đó càng khiến tôi ngạc nhiên hơn, tôi cảm thấy rất rõ những mâu thuẫn giữa thực tế và sách vở. Trước mặt tôi là con người sinh động mà trong sách vở không thấy được: bác Smouri, anh thợ đốt lò Yaakov, ông khách lưu lạc Aleksasha Vassiliep, bác Jikharev, chị thợ giặt Natalya…” Hình ảnh của những con người sinh động này chiếm một vị trí quan trọng trong tâm trí cậu bé Alyosha.

Chương cuối của Kiếm sống xuất hiện một hình tượng đầy ý nghĩa – cảnh “trái đất nửa thức nửa ngủ”. Alyosha muốn đá tung tất cả trái đất và ngay cả chính mình nữa để cho tất cả mọi vật “xoay như một cơn lốc mừng vui trong điệu múa tưng bừng của những người yêu nhau say đắm, những người yêu cuộc sống này – cuộc sống mở đầu cho một cuộc sống khác tươi đẹp, phấn khởi và ngay thật”…

Nhưng trong giai đoạn này, hiểu biết của Alyosha còn hạn chế, cậu chưa trả lời được câu hỏi: Cụ thể phải làm gì để giúp mọi người, phải thực hiện lí tưởng xây dựng một thế giới hợp lí và công bằng như thế nào?

Tác phẩm Kiếm sống kết thúc bằng những suy nghĩ già dặn của cậu thiếu niên Alyosha mười sáu tuổi, sau những năm lăn lộn với sóng gió của cuộc đời để kiếm sống.

“Tôi nghĩ bụng:

‘Ta phải làm được một việc gì chứ, nếu không thì ta sẽ sống vô ích…’

Vào những ngày thu ảm đạm, khi không những không nhìn thấy, không cảm thấy, mà còn quên mất cả mặt trời, tôi thường bị lạc trong rừng. Tôi đi chệch đường, chẳng tìm được lối hẻm nào; cuối cùng, sau khi sục sạo đến mệt bã người, tôi cắn răng đi xuyên qua rừng rậm, giẫm trên những cành cây mục nát, những mô đất tròng trành của vũng lầy. Cuối cùng, tôi luôn tìm được đường đi.

Tôi quyết định cũng sẽ sống một cuộc đời như vậy.”

Nhưng mãi đến sau này, phải qua nhiều năm được tôi luyện trong “những trường đại học” thực tế của cuộc đời, chàng thanh niên Alyosha Peskov mới tìm được hướng đi cho mình.

Truyện tự thuật không phải là một thể loại mới trong văn học. Trước kia ở Nga, Saltykov Shchedrin, Lev Tolstoy, Aksakov… cũng đã từng viết truyện tự thuật. Gorky phát triển một cách sáng tạo truyền thống ưu tú của quá khứ và nâng cao tính tư tưởng của thể truyện này.

Tác phẩm tự thuật của Gorky đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Nó là chiếc chìa khóa giúp ta hiểu thấu nguồn gốc thiên tài của Gorky, nắm chắc mối quan hệ vô cùng sâu sắc giữa Gorky với nhân dân, đất nước và cuộc sống. Con đường Gorky đã trải qua là con đường tiêu biểu của nhiều người Nga mòn mỏi trong cảnh bần cùng hóa bi thảm, trong lao động cực nhọc, sự vươn lên của tuổi trẻ với khát khao sáng tạo thường chịu áp chế, bóp nghẹt, nhưng những người trẻ tuổi vẫn tràn trề lòng tin, vượt mọi trở ngại trên con đường đi tìm lẽ sống. Gorky không coi tiểu sử của Alyosha Peskov là một hiện tượng siêu việt, ông từng tuyên bố: “Lịch sử của Gorky không phải là một trường hợp duy nhất và không phải là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt.”[4] Các nét tính cách nổi bật của Alyosha là: Lòng biết ơn nồng nhiệt với những người có lòng tốt với mình; tình cảm thương yêu những bạn cùng trang lứa đau khổ hơn mình; khát vọng chính nghĩa tới mức say sưa; mối căm thù sâu sắc đối với bọn áp bức tàn bạo; tinh thần bất khuất, khắc phục khó khăn; lòng yêu lao động… Nổi bật nhất là tinh thần hiếu học, chí cầu tiến, óc quan sát tinh vi, thói quen nhìn thẳng vào sự việc để phân biệt rõ ràng cái tốt, cái xấu. Alyosha không sống thụ động, tính cách cậu dần được hình thành vững vàng trong cuộc đấu tranh chống lại nguồn gốc của cái xấu xa trong đời sóng, trong khao khát hướng tới những điều tốt đẹp, công bằng và nhân đạo.

Gặp Gorky lần đầu tiên năm 1905, Lenin nói: “Phải học ở Gorky cách nhìn và cách nghe.” Tác phẩm tự thuật của Gorky là một kho vốn sống phong phú, miêu tả lại bước đường gian truân đã dẫn dắt Gorky tới tuổi trưởng thành, nêu lên những ấn tượng sâu sắc nhất đã gợi hình, gợi ý, chuẩn bị cho đời sống văn học của Gorky. Tác phẩm không chỉ là tiểu sử riêng của một cá nhân mà còn là bức chân dung của cả một thế hệ, bức họa rộng lớn về phong cảnh, đất nước và xã hội Nga cuối thế kỉ XIX với những nét khắc họa điêu luyện, sâu sắc về cả diện mạo và tâm lí sinh động của con người. Tính điển hình của các hiện tượng được miêu tả trong tác phẩm bộ ba Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi khái quát cao độ, làm rung động và chiếm được cảm tình lớn của độc giả. Nhà văn Alexander Shirvanzade[5] đã nói về tác phẩm bộ ba tự thuật của Gorky như sau: ‘Theo quan điểm của tôi, toàn bộ cuốn sách tượng trưng cho cuộc sống của nhân dân Nga; cuốn sách kể về tâm hồn nặng trĩu không chỉ của dân tộc Nga mà của các dân tộc nói chung. Anh xem, tôi có phải là người Nga đâu, tôi là người Armenia, sinh trưởng và sống khác xa cuộc sống Nga, vậy mà những gì anh miêu tả rất giống cuộc sống của dân tộc tôi. Anh hãy tin rằng nhà văn Pháp, nhà văn Anh, hay nhà văn ở bất kì nước nào, xuất thân từ nhân dân hoặc hiểu biết cuộc sống của dân tộc mình, cũng sẽ nói với anh những điều như vậy.”[6]

Nhà cách mạng Đức Rosa Luxemburg[7] trong bài luận văn Tinh thần văn học Nga có bàn tới tác phẩm tự thuật của M. Gorky như sau: “Chú bé kêu gào như một con sói con bị truy bức, nhe nanh vuốt sắc nhọn trước số mệnh. Cái tuổi thơ ấu đầy khốn quẫn, đau khổ, nhục nhã, hoài nghi, lưu lạc, gần gũi với những cặn bã của xã hội ấy bao hàm tất cả những đặc trưng có tính chất điển hình trong cuộc sống của giai cấp vô sản nước Nga đương thời. Phải đọc hồi kí của Gorky mới có thể lường được quá trình phát triển kinh khủng của ông – từ dưới đáy của xã hội vươn đến đỉnh cao của thế giới quan khoa học, của nghệ thuật thiên tài và của sự tu dưỡng văn hóa. Vận mệnh cá nhân của Gorky tượng trưng cho giai cấp vô sản Nga – giai cấp nhìn bề ngoài thì thiếu văn hóa, thô bạo, dưới thời Nga hoàng đã trải qua những thử thách của cuộc đấu tranh tàn khốc và trong một thời gian ngắn ngủi đến kinh người, trong vòng hai mươi năm, trở thành lực lượng tích cực của lịch sử.”[8]

Đối với Gorky, cuộc sống và số phận ông cũng là cuộc sống và số phận của nhân dân ông; những điều khủng khiếp xảy ra xung quanh ông có ghê gớm đến thế nào đi chăng nữa cũng không thể làm ông mất lòng tin vào cuộc sống. Ông vẫn nhìn thấy trong cuộc sống những mầm non tốt đẹp của tương lai và vạch ra con đường của quá trình phát triển lịch sử sau này. Đó là một trong những điểm khác biệt giữa tác phẩm tự thuật của Gorky và các tác phẩm tự thuật cổ điển khác. Trên cơ sở tài liệu tự thuật, Gorky đề ra một trong những vấn đề quan trọng nhất của hiện thực xã hội chủ nghĩa – vấn đề hình thành tính cách con người tiêu biểu cho những mói quan hệ mới – mà sau này nhiều nhà văn khác kế thừa. Có thể nói tác phẩm tự thuật của Gorky là một tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa cổ điển đặc sắc, bởi vì Gorky đã cương quyết vạch trần chủ nghĩa tư bản theo lập trường quan điểm của Đảng, đồng thời cũng khẳng định tương lai vĩ đại của dân tộc Nga.

Các nhà nghiên cứu và phê bình văn học nhiều lần nhận định rằng, chỉ xét riêng các chi tiết miêu tả một cách tế nhị, tinh vi tâm hồn, đặc điểm tâm lí, nghệ thuật thể hiện nội tâm, tác phẩm bộ ba tự thuật của Gorky có thể sánh ngang với các tác phẩm ưu tú của nền văn học thế giới. Tuy nhiên, điểm nổi bật trong sáng tác của Gorky là quá trình hình thành tư tưởng cách mạng, quá trình con người nhận thức xã hội. Đó chính là cái sáng tạo mà Gorky đã đóng góp vào truyền thống văn học vẻ vang của quá khứ, và chính điều đó đã xác định giá trị tác phẩm bộ ba tự thuật của Gorky với sự phát triển của nền văn học Xô viết và thế giới.

Trần Khuyến
Mời các bạn đón đọc Kiếm Sống của tác giả Maxim Gorky.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com