Khúc Lan Can Gãy

white noise for sleeping link
shopee-sale

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Khúc Lan Can Gãy

Chương 1

Những tiếng chuông liên tục vang lên nghe rộn ràng suốt cả khoảng sân vuông. Giống như những tiếng reo vui đang nổi dậy trong lòng. Khoảng không gian vây quanh chợt sống động lạ thường. Tôi cũng nhận thấy trong tôi sự sống động ấy. Cảm xúc nào đây? Hình như là thứ cảm xúc đã quên thật lâu rồi và giờ đây cố nhớ. Trí óc lôi trí óc đi vùn vụt…

A! Đúng là thứ cảm xúc của ngày đầu tiên đi học lớp vỡ lòng. Vâng, chỉ có ngày đi học đầu đời, người ta mới có thứ rung động ấy. Một lần duy nhất và quý giá. Nhưng tôi, tại sao tôi đang trở lại tâm trạng của thuở xa xưa? Có phải chăng tôi đã mặc nhiên công nhận rằng mình đã bắt đầu sống một đời sống khác, làm một con người khác, từ một ngày mà tôi đã ngã xuống?

Đúng như thế, tôi đang bắt đầu lại. Bắt đầu lại sinh hoạt, bắt đầu lại cảm nghĩ. Có nghĩa là bắt đầu sống một đời. 
  
Tiếng chuông đã dứt mà đám học trò vẫn chưa vào lớp hết. Có người đi vào dãy lớp tầng dưới. Có người đi lên lầu. Tôi nghe sự nôn nao dâng lên cao mãi. Tôi muốn đi theo họ. Nhưng ban nãy ông giám thị đã có dặn rồi: 
–         Anh đứng đây một lát đi, rồi tôi sẽ dẫn lên. Lớp của anh ở trên lầu. 
Tôi đành đứng ở cửa văn phòng, nhìn hoạt cảnh đó và bỗng nghe như lòng hơi se lại. Em tôi đã ra về rồi. Nếu có nó ở đây, chắc nó đã dìu tôi lên lầu. Nhưng tôi đã bảo em tôi về vì không muốn nó lo lắng quá nhiều cho tôi. 
  
Trước mặt tôi, lượn lờ những tà áo trắng, và có cả những chiếc áo màu. Vài người dừng lại nhìn tôi chăm chăm. Vài đôi mắt nhìn xuống chân tôi. Một trăm phần trăm là họ nhìn chân trái của tôi, và chiếc nạng. Sự khiếm khuyết này lúc nào cũng dự bị những ý nghĩ của thiên hạ. Tôi vẫn thường giữ vẻ thản nhiên trước tia nhìn của mọi người. Tôi không cho sự ngạc nhiên của họ là ác, là xấu. Ai cũng phải như thế. Sự có mặt của tôi trong trường, sáng hôm nay, hẳn là một việc đáng bàn tán. Tôi là một người tàn tật. Tôi bị mất một chân. Tôi hiện diện với một chiếc nạng. Điều đó tôi cho là đã quen thuộc với mình. Một cách riêng, tôi là một người thương phế binh, trong hàng vạn người thương phế binh của đất nước. Tôi trở lại mái trường cũ của tôi, làm một người mới đối với tất cả mọi người. Thế thôi. 
  
Rồi một lát sân trường cũng đã vắng. Ai cũng vào lớp cả rồi. Ông Giám thị bây giờ đi ra, nói với tôi:

– Lớp Mười một A phải không?

Tôi “dạ” và hơi mỉm cười. Ông Giám thị vẫn không có gì thay đổi, chỉ có điều hơi đãng trí hơn xưa. Có lẽ công việc quá nhiều làm tâm trí ông bận rộn. Tôi biết thế nên đã không nhắc gì về mình, đứa học trò cũ của lớp Đệ Nhị A trường này. Ông vẫn đinh ninh tôi là một người mới. Ông nhìn tôi, chắc lưỡi, rồi hơi cúi xuống để tôi choàng tay qua cổ ông. Tôi nói nhỏ:

 

– Xin phép thầy…

– Anh khỏi khách sáo.

 

Và ông dìu tôi lên cầu thang. 
  
Chiếc cầu thang vẫn không có gì mới lạ. Vẫn những bậc xi-măng láng bóng vì giầy guốc của học trò. Và tôi nhớ như in, bậc thứ năm có một chỗ mẻ lớn, mà đã có lần tôi trật chân té ngã. Bây giờ vẫn thế. Chỗ mẻ hình như lớn hơn. Ở khúc quanh của cầu thang, tôi lại nhìn thấy mấy chữ sơn trên tường “LỄ PHÉP, SIÊNG NĂNG, GIỮ KỶ LUẬT”. Tôi vui mừng như đang gặp lại những người bạn cũ. Êm đềm quá, thân ái quá, trường lớp và đời học sinh! Mười mấy bậc thang hầu như quá dài đối với tôi. Ngày trước tôi vẫn thường chạy từng hai bậc lên lầu, nhanh vô kể. Bây giờ lại phải nương vai ông giám thị mà bước. Tiếng nạng gõ trên nền xi-măng nghe khô khan. 
  
Nhưng rồi cũng đến lớp học của tôi. Tôi muốn dừng lại để thở, để sắp xếp lại những ý nghĩ. Nhưng ông Giám thị vẫn dìu tôi đi. Ông và tôi đứng lại ở cửa lớp. Tiếng nạng gỗ chạm nền nhà khiến vài mái đầu ngẩng lên. Đôi người nữa ngẩng lên. Ông Giám thị dẫn tôi vào lớp, nói như giới thiệu:

– Hôm nay lớp các em có một người bạn mới. Em nào thấy bàn mình còn chỗ trống thì mời anh ấy vào ngồi chung.

Có vài tiếng lao xao. Có vài tiếng cười khúc khích. Hình như có cả lời bình phẩm. Tôi đứng yên, không một cảm nghĩ, cho đến lúc vị giáo sư rời bàn tiến đến gần tôi. Người gỡ cặp kính già ra, nhìn tôi đăm đăm. Tôi bỗng muốn kêu to lên một tiếng. Nhưng cổ họng như đã nghẹn cứng. Thầy tôi ngờ ngợ hỏi:

–  Anh…, con có phải là Nghiêm đây không?

Cảm xúc như sắp vỡ bờ, tôi cúi đầu đáp:

– Dạ thưa thầy, đúng con là Nghiêm đây thầy ạ.

– Nguyễn…Văn Nghiêm phải không?

– Dạ.

….

 

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây