Lời Tác giả:
Mùa xuân năm 1986, tôi dọn vào một căn phòng có hai cửa sổ, ở suốt ba học kỳ cuối cùng của năm cấp ba.
Căn phòng ở tầng năm, hai cửa sổ một quay về phía Nam, một quay về phía Tây.
Cửa sổ quay về phía Nam nhìn ra trường trung học nữ bên cạnh, đó là hoạt động giải trí lớn nhất của tôi.
Thỉnh thoảng các bạn nữ vô tình ngước lên nhìn thấy tôi đang dựa vào cửa sổ, sẽ lén lút nói thầm với nhau.
Có lẽ là nói mấy lời kiểu như cái thằng cha vớ vẩn kia lại đang nhìn trộm bọn mình, chắc chắn là cái đồ biến thái, vân vân…
Khi đó tôi chẳng hề thấy xấu hổ, ngược lại còn đắc ý cười hi hi, còn giơ ngón tay hình chữ V với họ.
Tuổi trẻ quả nhiên thật tốt.
Cửa sổ bên phía Tây, là hướng biển, cũng là hướng quê nhà.
Tuy vốn không nhìn thấy biển, nhưng trong lòng có biển, mắt sẽ tự nhiên nhìn thấy biển.
Đối với thằng tôi khi đó còn chưa tròn mười bảy tuổi mà nói, vẫn có một sự quyến luyến mạnh mẽ với quê hương.
Vì thế khi nhớ nhà, tôi sẽ đứng ở cửa sổ phía Tây, nhìn về xa xa.
Sau này nhà không nhìn thấy, tôi bèn đóng cánh cửa này lại, không mở ra nữa.
Nhưng đó lại là một câu chuyện khác rồi.
Mang danh một nhà văn, tôi sợ nhất là bị hỏi những câu kiểu như cảm hứng tới từ đâu.
Tôi không thể nào nói ra những câu hoa mỹ như cảm hứng đến từ lúm đồng tiền tươi rói trên khuôn mặt mỹ miều của thiếu nữ thanh xuân, hay là đến từ bà lão tóc bạc dù đã cúi đầu cũng không thể giấu đi vết đồi mồi của năm tháng vân vân…
Chỉ có thể nói ra một cái đáp án vớ vẩn là cảm hứng của tôi đến từ cảm nhận của bản thân với cuộc sống. Bởi vì sau khi dọn vào căn phòng đó, tôi đã quen việc tiếp xúc với chính bản thân mình, trong cuộc sống không có hình bóng của người khác.
Tôi bắt đầu dùng trái tim để cảm nhận mỗi sự việc, sự vật, con người trong cuộc sống.
Mười mấy năm nay, mỗi khi cuộc sống khiến tôi có suy nghĩ muốn bắt đầu lại từ đầu, trong lòng tôi sẽ thử quay về căn phòng đó, tìm lại cái “từ đầu” kia.
Xét về một ý nghĩa nào đó, nơi ấy là khởi điểm cho cuộc sống của tôi.
Có lẽ tôi thuộc loại người không lớn được, nói cách khác là căn bản không tài nào trưởng thành.
Bởi vì nguyên trạng cuộc sống của tôi, mười chín năm trước trong căn phòng đó, đã được đắp nặn hoàn chỉnh.
Sau này hoặc giả có thể sửa chữa, nhưng hình dáng sẽ không thay đổi bao nhiêu.
Trong quá trình sáng tác của tôi, ý nghĩ “bắt đầu lại từ đầu” tổng cộng có hai lần.
Lần đầu là nửa năm sau khi viết xong Lần đầu thân mật.
Bởi vì khi viết Lần đầu thân mật, tôi không ngừng đọc được những nhận xét của người khác đối với mình.
Nhưng tôi hoặc tác phẩm của tôi trong lời người khác, đối với tôi là hoàn toàn xa lạ.
Tôi bắt đầu cảm thấy hoảng loạn, không biết phải làm sao.
Vì sợ lạc đường, nên lựa chọn đứng yên tại chỗ.
Cho đến khi tôi quay về căn phòng đó, tìm lại được một bản thân mình chưa từng thay đổi. Cũng phảng phất ngửi thấy mùi vị hồng trà lạc thần quen thuộc, là mùi vị duy nhất trong cuộc sống khi đó.
Bây giờ mùi vị của cuộc sống, hoặc là chính bản thân cuộc sống, căn bản không thể giống như trước được nữa.
Chỉ còn lại bản thân mình là không thay đổi.
Vì thế tôi dùng những dòng chữ rất đơn giản, viết nên Hồng trà lạc thần.
Lần thứ hai – cũng chính là lần này – ý nghĩ muốn bắt đầu lại từ đầu, là một tháng trước khi cất bút viết Khổng tước rừng sâu.
Nguyên nhân rất đơn giản: Tôi mệt rồi.
Đứa trẻ ham chơi đến mấy mệt rồi cũng sẽ muốn về nhà, vì thế tôi muốn quay lại căn phòng đó.
Khổng tước rừng sâu thực ra tên là Khổng tước, bản thảo trong máy tính của tôi luôn đặt cái tên này.
Lúc đầu khi mới viết từng lấy tạm cái tên là: Trắc nghiệm tâm lý, để có thể tiếp tục viết tiếp.
Nhưng viết được năm trăm chữ, dùng dằng năm ngày trời, vẫn tuyên bố bỏ cuộc.
Tôi không thể dùng cái tên tạm thời để tự lừa gạt chính mình, cho dù là để bất đắc dĩ hoàn thành tác phẩm.
Tôi đương nhiên không phải ám chỉ bản thân mình là một người chính trực, tuy rằng đây là sự thật.
Cuối cùng tôi nghĩ tới: Khổng tước, cảm giác đúng rồi, có thể tiếp tục đặt bút.
Mới viết được một vạn chữ, tôi đọc báo trên máy bay biết được có một bộ phim cũng tên là Khổng tước.
Xuống máy bay vào nhà hàng ăn cơm, trên bàn có một tờ quảng cáo: Xưởng rượu Trí Lợi Khổng Tước ra mắt loại rượu mới!
Hôm sau đi vào Thuỷ Cung, trong hơn một chục loài cá đang quan sát, chỉ vào một loại hỏi ông chủ:
“Đây là cá gì?”
“Cá khổng tước.” Ông chủ đáp.
Tôi ý thức được cái tên Khổng tước có lẽ rất dễ trùng với các tác phẩm sáng tạo khác, lên mạng tìm một hồi, kết quả phát hiện ra một tiểu thuyết trùng tên đã xuất bản từ lâu.
Đó là nỗi hận thứ hai của người viết văn.
(Nỗi hận thứ nhất là một cảm hứng tuyệt vời khó khăn lắm mới tự động tìm đến cửa, vì thế vô cùng phấn khích đi du lịch Hàn Quốc chơi lại bị tai nạn giao thông mất đi trí nhớ. Bên Hàn Quốc tai nạn giao thông nhiều, các bạn không thấy trong phim Hàn Quốc toàn là tình tiết gặp tai nạn giao thông mất trí nhớ sao?)
Tôi có một cảm giác tang thương kỳ lạ, bèn dừng bút, một lần dừng là dừng cả tháng trời.
Vì tôn trọng người khác cũng là để tránh phiền phức, tôi thử đổi tên khác.
Đáng tiếc cái ý tưởng khổng tước này đã sớm ăn sâu trong đầu, tôi không thể cũng không muốn thay đổi, thà rằng từ bỏ cho xong.
Nhưng tiểu thuyết một khi đã viết, chết cũng phải hoàn thành, đó là tâm niệm của tôi.
Tôi đương nhiên không phải đang ám chỉ mình là một người chung thuỷ kiên trinh, tuy đây cũng vẫn là sự thật.
Cứng đầu hoàn tất cuốn Khổng tước mười vạn chữ, trước khi xuất bản thêm hai chữ rừng sâu vào đằng sau.
Tôi chẳng giỏi đặt tên truyện, thậm chí thường vì chuyện đặt tên mà xảy ra sự cố.
Lần đầu thân mật nghe giống tiểu thuyết sắc tình, bị quy vào loại giáo dục giới tính.
Cục cảnh sát Đài Bắc có lần tịch thu được một đống văn hoá phẩm đồi truỵ, trong đó có cả quyển sách này.
Cà phê Ireland giới thiệu cách pha chế cà phê, bị quy vào dòng sách liên quan đến cà phê, thực phẩm.
Tên quán cà phê trong truyện, thậm chí cũng trùng với một quán cà phê nào đó, địa điểm cũng gần nhau.
Cây tầm gửi giống cuốn bách khoa toàn thư về thực vật, còn vì sự tranh cãi giữa hai chữ “tầm gửi”, có người đề nghị tôi đi học tiếng Hán cho giỏi rồi hẵng viết tiểu thuyết.
Hoa hồng đêm nghe lại giống hồi ký của một cô gái quán bar.
Bởi vì là tiểu thuyết tôi viết, vì thế đương nhiên sẽ bị coi là tiểu thuyết tình yêu.
Thậm chí tôi đã từng hoài nghi nếu sau này có ngày tôi viết một bộ tiểu thuyết về người ngoài hành tinh đổ bộ địa cầu, chỉ cần trong đó có tình tiết người ngoài hành tinh yêu một sinh vật địa cầu, vậy nó cũng sẽ bị coi là tiểu thuyết tình yêu mất.
Cho dù như vậy, trong cuốn tiểu thuyết sẽ bị xếp vào loại tiểu thuyết tình yêu này, ở một mức độ nào đó lại là phản tình yêu.
Tình yêu đối với tất cả mọi người đều rất quan trọng, nhưng chưa chắc đã là quan trọng nhất.
Trong cuốn tiểu thuyết này không ngừng nhắc tới bài trắc nghiệm tâm lý kia, chỉ là để chứng tỏ mỗi người đều có quan điểm giá trị hoặc sự lựa chọn của riêng mình.
Đi trước thời đại năm năm gọi là tiên tri, sẽ được tôn sùng và kính trọng.
Nhưng đi trước thời đại năm mươi năm sẽ bị coi là yêu quái, bị hết thảy mọi người đòi mạng.
Quan điểm về giá trị là hàm số của thời đại, nói theo cách nói khoa học, gọi là unsteady.
Có lúc sự đúng hay sai của cái này, ở một thời đại khác hoặc một địa điểm khác, sẽ có những sự đánh giá khác nhau.
Thông thường viết lời tựa thường hay viết một chút cảm nghĩ hoặc những gì liên quan đến nội dung câu chuyện, hình như tôi hơi lạc đề rồi.
Có người bạn từng nói, lời tựa tôi viết rất giống tiểu thuyết.
“Vậy tiểu thuyết tôi viết thì sao?” Tôi hỏi đầy mong đợi.
“Rất dài dòng.” Cậu ấy trả lời, vẻ mặt không nhẫn nại.
Tôi tin rằng cuốn tiểu thuyết này tuyệt đối không dài dòng, bởi vì nó là cuốn tiểu thuyết mạng trong tưởng tượng của tôi.
“Tiểu thuyết mạng” là một loại hình rất kỳ quặc, đặc điểm lớn nhất của nó chính là:
Người không viết tiểu thuyết trên mạng thường có thể quả quyết nói cho bạn biết rất rõ ràng rằng nó là cái gì, còn những người viết tiểu thuyết trên mạng thì mãi không thể hiểu mà chỉ có thể hàm hồ nói cho bạn biết nó là cái gì.
Tất cả mọi người đều tập trung vào từ “mạng”, mà quên đi rằng nó còn là “tiểu thuyết”.
Vì thế có phải được đăng trên mạng không, đã trở thành tiêu chí duy nhất để phân biệt tiểu thuyết mạng.
Ấn tượng mà tiểu thuyết trên mạng đem đến cho mọi người là ngắn gọn và cợt nhả, tuy lấy việc có đăng trên mạng không làm tiêu chí phân biệt, nhưng trên thước đo của thực tế có một vạch ngăn rất rõ rệt, tiểu thuyết mạng vĩnh viễn ở phía bên trái của vạch ngăn này.
Vạch ngăn đó tên là giá trị văn học, hay độ sâu của văn học.
Vì thế tiểu thuyết mạng không có định nghĩa chính xác, chỉ có ấn tượng xác định rõ rệt.
Có giống với ấn tượng mà khổng tước đem lại cho mọi người không?
Nếu bạn là khổng tước, bạn không cần phải lao tâm khổ tứ cố gắng thay đổi ấn tượng sẵn có của người khác về việc bạn là người ham hư vinh.
Bạn chỉ cần xoè đuôi, thể hiện bản thân mình tuyệt đẹp nhất ở mức có thể.
Tôi rất thích câu nói của thầy giáo ở cuối cuốn tiểu thuyết này: “Người khác không thể phán xét em, trắc nghiệm tâm lý cũng không thể, chỉ có em mới làm được điều đó.”
Chúng ta luôn tìm đủ mọi cách để trở thành một người nào đó, rất ít khi nghĩ tới phải làm thế nào để hoàn thiện chính mình.
Tôi rất may mắn vì bản thân không và cũng sẽ không muốn trở thành người khác, bởi vì từ mười chín năm trước trong căn phòng đó, tôi đã tìm thấy bản thân mình.
Chuyện còn lại, chỉ là làm thế nào để hoàn thiện chính mình mà thôi.
Mời các bạn đón đọc Khổng Tước Rừng Sâu của tác giả Thái Trí Hằng.
Nguồn: dtv-ebook.com