“Khổng Tử Tinh Hoa” – tác phẩm nổi tiếng với hơn 10 triệu bản đã được bán ra trên thế giới – chứa đựng những giá trị tinh túy, vĩnh hằng, minh triết nhất trong tư tưởng và triết lý sống của Khổng Tử. Khác hẳn với cách diễn giải “hàn lâm” của những cuốn sách khác về Khổng Tử, nhà nghiên cứu Vu Đan đã trình bày một cách giản dị, sinh động và thú vị nhất về những chân lý mang tính ứng dụng cao của triết gia nổi tiếng thông thái này.
Những gì chúng ta có thể học hỏi từ Khổng Tử hôm nay không phải là môn “Khổng học” do Hán Vũ Đế lập ra; không phải là “Khổng giáo” long trọng, cao quý, nặng nghi thức bên cạnh Đạo giáo và Phật giáo; cũng chẳng phải học thuyết Khổng Tử của các học giả, đầy luận chứng sâu xa và mang tính bác học khuôn phép mà là những bài học, những chân lý giản dị mà mỗi người tâm đắc và đều có thể tiếp nhận.
Những chân lý đó đi vào lòng người tự nhiên nhất như chính là tiếng gọi từ bên trong tâm tưởng của mỗi chúng ta. Dù thời gian trôi qua và thế giới có đổi thay thế nào đi nữa thì những giá trị tinh túy nhất của Khổng Tử luôn mãi sống với thời gian.
Cách đây hơn 2.500 năm, các học trò của nhà tư tưởng và triết học Khổng Tử đã cố gắng tìm tòi ghi lại từng mảnh rời rạc và từng câu chuyện rời rạc về cuộc đời và những lời dạy của ông. Những ghi chép, phần lớn dựa trên những bài thuyết giảng, sau này được tổng hợp lại thành sách “Luận Ngữ”.
Cách đây hơn hai ngàn năm, Hoàng đế Vũ của nhà Hán loại bỏ một trăm trường phái triết học khác để ủng hộ Khổng Tử, thực chất là biến nước Trung Hoa thành một nhà nước Khổng giáo.
Cách đây một ngàn năm, Vương An Thạch, tự Giới Phủ, tể tướng đầu tiên của nhà Tống, tự hào cho rằng ông có thể điều hành được thế giới này chỉ với một nửa cuốn Luận Ngữ.
Từ những điều đó, chúng ta có thể thấy vai trò cực kỳ quan trọng của Khổng Tử trong sinh hoạt chính trị và xã hội thời cổ đại, cũng như sự kính trọng mà người xưa dành cho những lời dạy được góp nhặt lại của ông.
Nhưng ý nghĩa thực hành của tư tưởng Khổng Tử trong xã hội và cuộc sống của chúng ta ngày nay là gì?
Có lần, trong một thị trấn nhỏ nổi tiếng với những suối nước nóng ở miền bắc Trung Quốc, tôi đọc thấy dòng chữ “Vấn Bệnh Tuyền” (Suối vấn bệnh). Người ta nói rằng bất cứ ai ngâm mình vào nước ở đây sẽ lập tức hiểu được nguồn gốc bệnh tật của mình: người bị viêm khớp sẽ có cảm giác ngứa ran ở các khớp xương; người có vấn đề về dạ dày sẽ cảm thấy nóng trong bao tử, trong khi người mắc bệnh về da sẽ cảm thấy một cơn nóng bừng lan khắp trên da, như thể một lớp da đang được tẩy sạch, như lớp da bị lột bỏ của con ve sầu.
Theo tôi, minh triết của Khổng Tử chính là một nguồn suối ấm áp, sống động như vậy. Và tôi cũng cho phép mình đắm chìm trong nguồn suối đó, rồi thể nghiệm nó bằng chính con người và máu thịt của mình, như hàng ngàn, hàng vạn người, hơn hai nghìn năm qua đã mê mải đắm mình trong dòng suối đó và trải nghiệm những tặng vật của nó.
Người tốt sẽ nhìn thấy sự thiện hảo trong đó, và người minh triết thấy sự minh triết. Có lẽ giá trị của cuốn sách kinh điển này không nằm ở các lễ nghi và sự tôn sùng gây nên nỗi kính sợ, mà nằm ở tính toàn diện và sự linh hoạt của nó; nằm ở sự minh triết mà rất nhiều người ở nhiều thời đại đã tự mình thấm nhuần để rồi từng cuộc đời và từng cá nhân, tuy lĩnh hội nó theo những cách khác nhau và đi theo những con đường khác nhau, cuối cùng đều có thể đạt đến cùng một mục đích.
Người Trung Quốc có câu: “Chân lý không bao giờ ở xa những người bình thường”, và điều này chắc chắn đúng khi chúng ta tiếp cận với sự minh triết của Khổng Tử. Theo tôi, các bậc hiền nhân không bao giờ dùng những câu trích dẫn tối tăm trong kinh sách để làm mọi người e ngại, cũng không chất đầy trong tác phẩm của họ những cách nói khác thường và những từ ngữ khó hiểu để gây khó khăn cho người tìm đến. Khổng Tử nói: “Ta đang nghĩ đến việc từ bỏ lời nói”. Tử Cống vội hỏi: “Nếu thầy không nói nữa, học trò của thầy lấy gì truyền đạt?”. Khổng Tử nói, điềm đạm và giản dị: “Trời có nói gì đâu? Thế mà bốn mùa cứ thay nhau, vạn vật sinh hóa. Trời có nói gì đâu?”(*).
Những chân lý giản dị về thế giới này có thể đi vào tâm hồn mọi người bởi vì chúng chưa bao giờ là sự áp đặt, mà là một tiếng gọi từ bên trong đánh thức từng trái tim và linh hồn. Những người tìm thấy ích lợi từ minh triết của Khổng Tử có thể trải nghiệm khoảnh khắc khai minh tuyệt vời, khi sự nhận thức đột nhiên chảy tràn qua họ. Khi chúng ta đọc Luận Ngữ trong dòng chảy cuộc sống hôm nay thì mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng với chúng ta, và Khổng Tử chắc hẳn đang mỉm cười lặng lẽ nhìn về chúng ta xuyên qua nhiều thế kỷ.
Những gì chúng ta có thể học hỏi từ Khổng Tử hôm nay không phải là môn “Khổng học” do Hán Vũ Đế lập ra; không phải là “Khổng giáo” long trọng, cao quý, nặng nghi thức bên cạnh Đạo giáo và Phật giáo; cũng chẳng phải học thuyết Khổng Tử của các học giả, đầy luận chứng sâu xa và mang tính bác học khuôn phép.
Những gì chúng ta có thể thu nhận được từ Luận Ngữ của Khổng Tử là những chân lý giản dị mà mỗi người tâm đắc và đều có thể tiếp nhận.
Nửa đêm, 16 tháng 11, 2006
Vu Đan
Source: dtv-ebook.com