Khế Ước Xã Hội – Jean-Jacques Rousseau

white noise for sleeping link
shopee-sale

Jean-Jacques Rousseau ra đời trong Thời kỳ Khai sáng (Enlightenment) trong thế kỷ XVIII của Âu châu. Tư tưởng và học thuật trong Thời kỳ Khai sáng chú trọng về lý tính (rationalism) và thực nghiệm. Trên căn bản duy lý và thực nghiệm, các triết gia thời kỳ này phủ nhận lề lối tư duy truyền thống về xã hội, tôn giáo, chính trị và đề cao vai trò của khoa học. Họ từng tuyên bố: Khoa học sẽ cứu chúng ta. Trong bài luận văn đoạt giải thưởng của Hàn lâm Viện Dijon năm 1749, Rousseau đã tạo cho mình một tư thế riêng khi đưa ra những lập luận bác bỏ toàn bộ những tư duy thời thượng bấy giờ. Ông lập luận rằng càng văn minh thì đạo đức càng băng hoại, khoa học không cứu rỗi được con người, và “tiến bộ” chỉ là ảo tưởng, văn minh hiện đại không làm con người hạnh phúc hay đạo đức hơn. “Hạnh phúc chỉ đến với con người trong tình trạng thiên nhiên”, và đức hạnh chỉ xảy ra trong một xã hội đơn giản, nơi con người sống đời sống đạm bạc, chân chất. Những phát minh của khoa học, những sáng tạo của nghệ thuật, theo ông, chỉ là những “chùm hoa phủ lên xiềng xích trói buộc con người, khiến họ quên đi sự tự do nguyên thủy có từ lúc mới sinh ra, và quên rằng mình đang cam thân làm nô lệ trong kiếp sống văn minh”.

Về điểm này, tư tưởng của Rousseau khá gần với Mặc Tử, nhà tư tưởng cổ Trung Hoa, người chủ trương thuyết công lợi và lên án sự xa hoa; ngay cả âm nhạc cũng bị Mặc tử lên án là vô bổ, làm sa đọa con người (trong khi Nho gia có cả Kinh Nhạc trong Lục Kinh*). 

Mặc dù tư tưởng của Rousseau trực tiếp phản bác tư duy đương thời, Hàn lâm Viện Dijon vẫn trao giải nhất cho luận đề của ông. Đây cũng là nền tảng tư tưởng của Rousseau để từ đó ông viết nên tác phẩm bất hủ Khế ước Xã hội.

Khế ước Xã hội gồm bốn quyển, mỗi quyển có từ mười tới mười lăm chương. Trong lời mở đầu, Rousseau viết: “Với bản chất con người như ta biết, và với tính chất có thể xảy ra của luật pháp, tôi muốn tìm xem trong trật tự của một xã hội dân sự có thể có một luật lệ cai trị nào cho chắc chắn và hợp tình hợp lý…” Trong cuộc hành trình này, Rousseau cũng như các nhà tư tưởng trước ông như Thomas Hobbes và John Locke đều bắt đầu từ nguyên thủy, nhận diện con người trong trạng thái thiên nhiên của nó. Mở đầu chương thứ nhất, Rousseau viết: “Con người sinh ra được tự do, nhưng ở đâu họ cũng bị xiềng xích.” Đối với Rousseau, tự do là điều kiện thiết yếu để con người là một con người. Trong trạng thái thiên nhiên, mỗi con người là chủ chính mình. Nhưng từng cá nhân không thể chống chọi với thiên nhiên để tự tồn mà phải cùng chung sống với nhau hầu có đủ sức để sống còn.

Từ xã hội sơ khai đầu tiên là gia đình, con người quần tụ thành những Cộng đồng lớn hơn, nhưng trong Cộng đồng lớn hơn này cần phải có luật lệ để điều hành trật tự sao cho phúc lợi và tự do của mỗi người vẫn được bảo đảm. Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là “người” đặt ra những luật lệ này khi mỗi cá nhân đều bình đẳng như nhau? Rousseau phủ nhận mô thức chính quyền quân chủ do Grotius và Hobbes đề ra, và lý giải rằng một xã hội dân sự hợp lý, hợp tình chỉ có thể được tạo nên bởi sự thỏa thuận của mọi người tham gia; hay nói cách khác bởi một khế ước xã hội do mọi người cùng lập nên và mọi người phải tuân thủ. Rousseau viết: “Cái mà con người mất đi khi chấp nhận khế ước xã hội là sự tự do thiên nhiên và sự vô giới hạn trong những việc anh ta muốn làm và những thứ anh ta muốn giữ khi chiếm được; bù lại, cái mà anh ta nhận được là sự tự do trong văn minh và quyền sở hữu chính đáng những gì anh ta có.” “Người” có thẩm quyền làm ra luật để cai trị một Cộng đồng được lập nên bởi khế ước xã hội, theo Rousseau, không ai khác hơn là tất cả mọi người cùng trao quyền đó cho một con người nhân tạo gọi là “Hội đồng Tối cao” (Sovereign) bao gồm tất cả mọi người; con người nhân tạo này khi được thành hình bởi khế ước xã hội có đời sống và ý chí riêng. Ý chí riêng của con người nhân tạo này là ý chí của cả tập thể, gọi là “ý chí tập thể” (general will). Ý chí này chỉ nhằm đạt tới cái tốt chung cho cả Cộng đồng, chứ không phải là ý chí của mọi thành viên (will of all) bao gồm ý chí và quyền lợi riêng của mỗi thành viên, khác hơn quyền lợi của tập thể.

Trong chương 6 (quyển I*) luận về khế ước xã hội, Rousseau đã phân định con người nhân tạo thành nhiều loại khác nhau, tùy theo trạng thái hoạt động của tác nhân này, từ Cộng đồng dân chúng (city) – có lẽ Rousseau theo các tác giả thời trước muốn nói đến các thị-quốc (city-state) của Hy lạp; ngày nay thuật ngữ này không còn được dùng nữa, đến Cộng Hòa (Republic) hay là Cơ cấu chính trị (body politic), cho đến Hội đồng Tối cao khi hoạt động và Nhà nước (State) khi không hoạt động. Chính Rousseau cũng thú nhận là cách phân định như vậy dễ làm người đọc thời đó nhầm lẫn, chưa kể đến người đọc thời nay khi các thuật ngữ trên đã được hiểu và định nghĩa khác đi rất nhiều. Điểm quan trọng Rousseau muốn nhấn mạnh là: Khi khế ước xã hội được lập thành, tức khắc nhà nước được khai sinh, và Chủ quyền Tối thượng của nhà nước nằm trong tay nhân dân, những người lập nên nhà nước này, chứ không nằm trong tay chính quyền (chương 7, q. I). Các thành viên của nhà nước trở thành công dân. Hội đồng Tối cao, như đã trình bày, chỉ là một khái niệm trừu tượng, phản ảnh ý chí tập thể qua luật pháp. Ý chí tập thể, Rousseau lý giải trong chương 4 (q. II), phải “mang tính tổng quát trong mục đích cũng như trong bản chất, và phải phát xuất từ tất cả để áp dụng cho tất cả”. Từ nhận định này, Rousseau kết luận là: “không một ai, kể cả vị quân vương, có thể đứng trên pháp luật.”

Tuy nhiên, Hội đồng Tối cao chỉ là một tác nhân trừu tượng, cần có một thực thể để làm luật và thi hành pháp luật. Rousseau nhấn mạnh là cần có hai cơ quan tách biệt hoàn toàn để phụ trách hai nhiệm vụ này. Chính quyền, còn gọi là cơ quan hành pháp, là “cơ quan trung gian làm nhiệm vụ truyền thông giữa người dân và Hội đồng Tối cao, và thi hành luật pháp cũng như bảo đảm tự do dân sự và chính trị”. Chính quyền, hay người đứng đầu guồng máy chính quyền, do đó, chỉ là những nhân viên thừa hành, hưởng lương, nhân danh Hội đồng Tối cao sử dụng quyền lực được trao cho để thi hành pháp luật. Quyền lực này có thể bị Hội đồng Tối cao giới hạn hay thu hồi bất cứ khi nào.

Đó là trên lý thuyết, trên thực tế, Rousseau nhận thấy có một vấn nạn là: Khi nắm giữ quyền lực trong tay, chính quyền dễ có khuynh hướng lạm dụng quyền hành, và khi chính quyền càng cần nhiều quyền lực để điều hành thì Chủ quyền Tối thượng cũng cần có quyền lực tương đương để kiềm chế chính quyền khỏi lạm dụng quyền hành (chương 1, q. III). Thêm vào đó, quyền lập pháp là quyền riêng biệt, chỉ có thể nằm trong tay Hội đồng Tối cao – bao gồm mọi công dân mà chỉ nghĩ đến cái tốt chung cho cả tập thể. Đó chính là vấn nạn vì để luật pháp thể hiện cái tốt chung cho cả tập thể, quyền lợi riêng tư phải được gạt bỏ ra ngoài mỗi cá nhân. Rousseau viết: “Cần phải có một người thông minh siêu tuyệt để có thể thấu hiểu những nhiệt tình của con người mà vẫn không bị ảnh hưởng của thất tình, lục dục; một con người mà hạnh phúc độc lập với con người nhưng lại quan tâm đến hạnh phúc của con người; một con người sẵn sàng làm việc ở đời này cho kết quả ở đời sau” để làm luật. Và Rousseau kết luận, chỉ có Thượng đế mới là một con người như vậy. Cả hai vấn nạn về quyền hành pháp và lập pháp Rousseau không có câu trả lời, nhưng cả hai vấn nạn này sẽ được các nhà sáng lập ra Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ giải quyết trong Luận cương về chế độ liên bang, khi soạn thảo Hiến pháp cho đất nước của họ.

Trong quyển III, Rousseau luận về các hình thức chính quyền. Khi Hội đồng Tối cao đặt chính quyền vào tay tất cả công dân hay đa số công dân thì chính quyền đó được gọi là dân chủ; khi chính quyền nằm trong tay của một nhóm thiểu số, nghĩa là thường dân đông hơn quan chức, chính quyền đó được gọi là quý tộc; khi chính quyền nằm trong tay một cá nhân, chính quyền đó được gọi là quân chủ, và cuối cùng là chế độ hỗn hợp của các chế độ trên. Những thuật ngữ này Rousseau dùng khác với nghĩa chúng ta hiểu ngày nay. Ông cũng phân tích các ưu và khuyết điểm của từng thể chế. Dân chủ, theo Rousseau, chỉ thích hợp cho một nước nhỏ khi mọi người đều tham gia nghị luận chính sách (nhận định này ngày nay không còn đúng nữa). Quý tộc lại được chia làm ba loại: Tự nhiên, bầu cử và gia truyền. Quý tộc tự nhiên là hình thức chính quyền do các bậc trưởng lão điều hành, thích hợp cho các dân tộc sơ khai (hình thức bộ lạc). Hình thức chính quyền “quý tộc” do bầu cử có nhiều ưu điểm, khi quần chúng bầu ra những người có khả năng, kiến thức và kinh nghiệm. Hình thức này gần với thể chế Cộng Hòa ngày nay. Quân chủ, theo Rousseau, không phải là chế độ lý tưởng và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho Chủ quyền Tối thượng, trước hết là quyền lợi riêng tư của nhà vua có thể không tương đồng với quyền lợi của nhân dân, thứ đến là sự bổ nhiệm quan chức rất có thể không căn cứ trên tài năng mà trên tình cảm hoặc tư lợi của nhà vua, và sau cùng là tính gia truyền không bảo đảm người kế vị có đủ tài đức của một vị vua.

Con người nhân tạo “Hội đồng Tối cao” hay Cơ cấu chính trị cũng như một con người thường, có sinh và có diệt. Rousseau ví quyền lập pháp như trái tim của nhà nước, quyền hành pháp là bộ óc điều khiển các chi thể hoạt động. Khi bộ óc bị tê liệt, con người vẫn có thể còn sống dù chỉ sống như thực vật, nhưng khi quả tim ngừng đập thì con người sẽ chết. Cũng cùng một thể ấy, cơ cấu chính trị sẽ chết khi người dân thờ ơ với nghĩa vụ công dân của họ, nhất là trong lãnh vực lập pháp (chương 11, q. III). Không những chỉ trong lĩnh vực lập pháp, “khi công dân không còn quan tâm đến việc phục vụ công ích nữa, và thích phục vụ quốc gia bằng tiền hơn là chính bản thân họ, thì quốc gia đó sắp sửa tiêu vong”. Nhưng làm thế nào để bảo đảm sự trường tồn của quốc gia, của nhà nước, khi con người luôn đặt quyền lợi cá nhân lên trước quyền lợi tập thể? Trong chương 8, quyển IV, Rousseau luận về một loại tôn giáo của dân sự, khác với tôn giáo của tín ngưỡng. Tôn giáo của tín ngưỡng, đặc biệt là Thiên Chúa giáo của Âu châu, không phù hợp với con người dân sự, vì tôn giáo dạy con người yêu mến vương quốc trên trời, chứ không phải đất nước dưới đất; dạy con người chịu đựng khổ đau, chứ không dạy con người chống lại cường quyền (quan niệm này của Rousseau gần với quan niệm Marxist về tôn giáo). Rousseau cho rằng đó không phải là đức tính công dân, ông đề nghị nhà nước phải đứng ra giáo dục công dân về lòng yêu nước, về bổn phận, nghĩa vụ và đạo đức công dân.

Khi đặt bút viết Khế ước Xã hội, Rousseau minh định tìm xem đâu là nguyên lý chính đáng thiết lập nên nhà nước và chính quyền dân sự. Nhà nước được lập nên bởi một khế ước do mọi người dân đồng thuận, trao quyền lực chính trị cho chính quyền là những người công bộc của dân để điều hành đất nước theo nguyện vọng và ý chí tập thể. Quyền lực chính trị của chính quyền sẽ bị thu hồi bất kỳ lúc nào nếu chính quyền không làm đúng chức năng được nhân dân giao phó. Khế ước Xã hội, do đó, được coi là bản họa đồ xây dựng một thể chế Dân Chủ – Cộng Hòa, hiểu theo nghĩa ngày nay là một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Những vấn nạn Rousseau nêu ra về vai trò tuyệt đối vô tư của lập pháp, về sự tiếm quyền của hành pháp đã được các nhà sáng lập nước Mỹ giải quyết bằng nguyên tắc phân quyền và đại biểu dân cử. Dĩ nhiên, không có chế độ nào được coi là hoàn hảo, nhưng như Churchill đã nói: “Dân chủ không phải là một chế độ hoàn hảo, nhưng còn khá hơn bất kỳ chế độ nào đã từng tồn tại trong lịch sử loài người”; và sau này Thủ tướng Nehru của Ấn Độ cũng đồng tình: “Dân chủ là một chế độ tốt vì mọi chế độ khác đều tệ hơn rất nhiều”. Nền tảng tư tưởng chính trị của Rousseau thể hiện trong Khế ước Xã hội – nhà nước được thiết lập bởi một khế ước xã hội, quyền lực chính trị thuộc về toàn dân, nhận định về vai trò tôn giáo trong xã hội – đã tấn công thẳng vào chế độ chính trị đương thời, khiến cho tác phẩm này bị liệt vào hàng các Tư tưởng Nguy hiểm, bị đốt tại Paris và Genève. Rousseau phải lưu vong sang Anh sống dưới sự bảo bọc của David Hume (một triết gia chủ trương thuyết công lợi). Năm 1767, Rousseau trở về Pháp và qua đời năm 1778. Khế ước Xã hội đã từng bị đốt, nhưng không ai có thể tiêu diệt được tư tưởng, và tư tưởng của Rousseau đã góp phần không nhỏ vào cuộc Cách mạng Dân chủ Nhân quyền Pháp năm 1789, vào sự hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 và Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế năm 1948.

Thân thế và Sự nghiệp

Jean-Jacques Rousseau sinh ngày 28 tháng Sáu năm 1712 tại Genève, Thụy Sĩ, trong một gia đình lao động. Thân phụ của Rousseau là Isaac Rousseau, một thợ sửa chữa và chế tạo đồng hồ. Gia đình Rousseau là người gốc Pháp di cư sang Thụy Sĩ hơn một trăm năm trước để tránh bị bách hại vì theo đạo Tin Lành.

Thuở thiếu thời, Jean-Jacques gặp nhiều bất hạnh, mẹ mất ngay sau khi ông mở mắt chào đời, vì thế ông phải than lên rằng: “Ngày sinh của tôi là nỗi bất hạnh đầu tiên trong những bất hạnh của cuộc đời.” Lúc còn nhỏ Jean-Jacques được cha dạy đọc và viết, nhưng thừa hưởng tính ham đọc sách của cha, ngay từ năm bảy tuổi, ông đã cùng cha đọc hết cuốn sách này sang cuốn sách khác, nhiều lúc cho tới sáng. Trong thời gian này, ông đã được đọc những cuốn sách thuộc loại kinh điển như Plutarch’s Lives (Những cuộc đời của Plutarch) của Plutarch hay The histories (Sử ký) của Tacitus. Khi Jean-Jacques được mười tuổi, bất hạnh khác xảy ra khi cha ông – một người yêu nếp sống thiên nhiên và săn bắn – bị cáo buộc đi săn trộm đã rút gươm chống lại cảnh sát, phải bỏ trốn sang xứ khác để lại Jean-Jacques và người anh trai cho bà dì Bernard nuôi. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, dì Bernard cũng không nuôi nổi Jean-Jacques cùng với đàn con của bà, nên Jean-Jacques lại được gửi đi nhờ một cha xứ ở ngoại ô Genève nuôi hộ. Tại đây, Jean-Jacques chỉ được học Kinh Thánh, số học và các bài giảng đạo. Cũng tại đây, Jean-Jacques bị một trận đòn oan và sự kiện này đã tạo ấn tượng sâu sắc cho một cậu bé mới mười một, mười hai tuổi, và là động lực khiến Jean-Jacques viết nên Émile, tác phẩm về giáo dục nổi tiếng sau này.

Đến năm Jean-Jacques mười ba tuổi, thấy ông thông minh, nhanh nhẹn, cha xứ cho ông đi học nghề với người thợ khắc chữ; trong suốt năm năm làm công việc này, Jean-Jacques tập được viết chữ thật đẹp. Nhưng ông thày dạy nghề, cũng như thày dạy chữ, là người thô lỗ, hay đánh đập và chửi bới học trò, nhất là khi thấy ông đọc sách. Sách vở đã là phương tiện giúp Rousseau chắp cánh thoát khỏi cảnh tù túng, khổ sở của một đứa trẻ mồ côi trong thành phố chật hẹp. Năm mười sáu tuổi, Jean-Jacques từ bỏ cuộc đời tập sự khắc chữ và khung trời nhỏ hẹp đó để bắt đầu cuộc sống tự do nhưng cũng lắm gian truân của một nhà tư tưởng vĩ đại.

Trên bước đường trôi nổi, Rousseau may mắn được Phu nhân de Warrens cưu mang trong một thời gian ngắn (bà này sau trở thành tình nhân của Rousseau); trong thời gian này, Rousseau được học âm nhạc. Máu giang hồ lại khiến Rousseau lên đường, tìm đến Paris. Rousseau phải làm đủ nghề để sinh sống, có lúc ông làm thư ký cho một nam tước, có lúc dạy nhạc để kiếm ăn, có lúc phải trộm táo, trộm lê để ăn cho đỡ đói. Cuộc sống giang hồ dạy cho Rousseau nhiều bài học bởi Rousseau có óc nhận xét tinh tế, nhưng chưa bao giờ ông được học hành tử tế. Cuộc sống lang bạt cũng cho Rousseau cơ hội quan sát đủ hạng người, từ thượng lưu cho đến cùng đinh trong xã hội, và giúp ông nhận diện được các tác động thực sự của xã hội đối với những người bình dân, những người mà Rousseau cho là có “bản chất tốt lành”.

Năm hai mươi lăm tuổi nhân dịp trở lại thăm Phu nhân de Warrens, Rousseau nhận được một số tiền hương hỏa từ tài sản của mẹ ông, và vừa dạy nhạc, vừa kèm trẻ, Rousseau sống tương đối thanh thản không phải lo nghĩ về tiền bạc. Ông sống cách ly với thế nhân trong một căn nhà nhỏ, rồi bắt đầu sáng tác nhạc và tự đào luyện mình thành một nhà trí thức bằng cách “làm bạn” với Plato, Bacon, Copernicus, Newton, Galileo, Spinoza và Locke. Chẳng bao lâu tiếng lành đồn xa về Rousseau, một thanh niên không những có học vấn uyên bác và tư duy độc đáo, mà còn đạo đức nữa, vì ông sống thực với triết lý của mình – một đời sống vật chất đơn giản đến mức khắc khổ như dân Sparta, không thỏa hiệp về tín ngưỡng, và không ngớt cổ võ cho sự bình đẳng giữa người với người. Khi đã nổi tiếng trong giới thượng lưu, Rousseau lên Paris và tại đây ông làm quen với những trí thức hàng đầu của Paris thời bấy giờ như Diderot (người soạn thảo Từ điển Bách khoa của Pháp), Condillac, d’Alembert, v.v… Tại đây Rousseau gặp và yêu một cô gái giúp việc nhà, thất học tên là Thérèse le Vasseure. Thérèse ở với Rousseau cho đến khi ông mất.

Sự nghiệp trước tác của Rousseau khởi đầu năm 1749, khi Hàn lâm Viện Dijon đặt ra một cuộc thi luận văn với chủ đề: “Sự tiến bộ của văn minh làm băng hoại hay thăng tiến đạo đức?” Luận văn của Rousseau tuy đoạt giải thưởng của Hàn lâm Viện Dijon, nhưng cũng tạo cho ông một thế đứng riêng, tách biệt khỏi giới trí thức – các triết gia – đương thời. Sau đó Rousseau viết một luận đề khác, cũng dự thi giải thưởng của Hàn lâm Viện Dijon, với tựa đề “Luận đề về Căn nguyên của sự bất bình đẳng của con người”. Luận đề này còn giúp Rousseau nổi tiếng hơn nữa.

Cuối thập niên 1750, Rousseau cho ra đời Tiểu thuyết Héloise và tạo nên một trường phái văn chương mới, tách khỏi trường phái tân-cổ điển đương thời. Hai năm sau Tiểu thuyết Héloise, Rousseau viết Émile, một trứ tác về giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của John Dewey, một triết gia và nhà giáo dục lừng danh của Hoa Kỳ. Khế ước Xã hội cũng ra đời trong giai đoạn này, mở đường cho cuộc Cách mạng Pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp năm 1789.

Mời các bạn đón đọc Khế Ước Xã Hội của tác giả Jean-Jacques Rousseau.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com