Review Hồng Khánh:
“Hòn Đất” là một khúc nhạc kiêu dũng và bi tráng về miền quê hồn hậu và anh hùng trong thời kỳ thương đau của đất nước những năm kháng chiến chống Mỹ – Nguỵ. Đọc “Hòn Đất”, tôi đã mê mải lạc về nơi hang Hòn nơi 17 người du kích đã anh dũng, kiên cường chiến đấu và bám trụ, nơi những khóm ấp ấm áp ngập tràn tình yêu thương. Ở nơi ấy, họ sống, họ yêu thương và sát cánh bên nhau dẫu chết chẳng chia lìa. Nước mắt tôi ướt đầm trang giấy nhỏ bởi sự hi sinh lớn lao, bởi tình yêu nồng nàn thấm từng con chữ.
“Chị Sứ yêu Hòn Đất bằng tình yêu hầu như là máu thịt” Chị “yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da dẻ chị”. Và chị, cũng như tất cả người con của Hòn Đất đã chiến đấu tới cùng vì một tình yêu sâu nặng như thế. Dù kẻ thù có mạnh đến đâu, có bạo tàn đến đâu chúng cũng không khuất phục được, không dập tắt được ngọn lửa rừng rực cháy trong mỗi người dân Hòn Đất, trong má Sáu, Út Quyên, anh Ba Rèn, Cà Mỵ, Ngạn hay San…
Điều tôi yêu thích nhất ở Hòn Đất là cách viết đầy nhân đạo với những người phụ nữ nơi đây. Tất cả đều sáng trong và đẹp đẽ: tấm lòng của người mẹ, người bà, người chị, người vợ hay người yêu đều lấp lánh như sao trời và dịu êm như ánh trăng đổ tràn bên bờ suối, tắm đẫm áng tóc mây của chị Sứ.
Chị Sứ, người con ưu tú của Hòn Đất yên giấc trong lòng đất mẹ, nhưng tinh thần chiến đấu, tình yêu của chị vang vọng và tỏa lan đến từng nhành cây ngọn cỏ của Hòn Đất, cũng là nguyên nhân của biết bao sự kiện khiến lính Cộng Hoà run sợ mà đỉnh điểm là cái chết của thằng Xăm – kẻ trực tiếp xuống tay tàn độc với chị Sứ, cũng là hung thần của Hòn Đất.
Chiến tranh, lúc nào cũng đau thương và khốc liệt, nhưng cảnh nồi da nấu thịt luôn khiến người ta đau đớn gấp vạn lần. Và người phụ nữ khiến tôi xót thương hơn cả chính là bà Cà Xợi – mẹ thằng Xăm. Ai cũng qua một thời tuổi trẻ, bà già gàn dở Cà Xợi xưa kia là người con gái đẹp Khơ Me xinh đẹp, uyển chuyển, dịu dàng nhất vùng. Chả thế mà bà bị ép lấy tên chủ Mưu độc địa và sinh ra thằng Xăm. Dẫu hắn giống cha, ảnh hưởng của cha mà trở nên ác ôn, dẫu cô Cà Xợi bị đuổi đi khi bụng mang dạ chửa đứa con thứ 2, dẫu bà Cà Xợi – người chịu ơn cứu tử, cưu mang của mẹ con chị Sứ- đã nhiều lần van xin dân làng đừng coi hắn là con bà thì sự thật cũng chẳng thể nào thay đổi. Dù thuộc lòng vị trí từng mô đất, viên đá, bà vẫn ngã dúi dụi trên con đường quen thuộc khi hay tin thằng Xăm chuẩn bị về càn, bà ngất lên ngất xuống khi thấy vệt máu nơi khoé miệng hắn, khi hắn vừa ăn xong 1 buồng gan Việt Cộng và trở nên ngây dại từ đó. Đúng là “Cho dù ở Hòn Đất hay là ở trên khắp thế gian, người mẹ nào mà chẳng có nỗi đau khổ của riêng mình, nhưng thật cũng ít có người mẹ nào lại có nỗi đau như bà Cà Xợi”. Bà không dám nhìn bà con chòm xóm, những người mở rộng vòng tay và lòng bao dung với mẹ con bà, bà không dám đối diện với bà Sáu trong tang lễ chị Sứ, bà ngất lịm trước di vật của chị… Nỗi đau cứ lần lượt xếp chồng lên, trĩu nặng trái tim bà. Có người mẹ nào không yêu thương con hơn chính bản thân mình, có người mẹ nào không muốn con sống một cuộc đời thật tốt đẹp. Thế nhưng bà Cà Xợi đã không dưới một lần ước đứa con mình chết đi. Cái hình ảnh bà cầm con dao đứng bên cạnh thằng con say giấc sau bữa cơm rượu mẹ nấu là một hình ảnh đầy bi thương và ám ảnh. Nếu như Anh Đức để bà tự tay kết liễu cuộc đời hắn – như một bà mẹ Liên Xô nào đó đã làm, có lẽ tính tuyên truyền của tác phẩm sẽ vang dội hơn. Nhưng tác giả đã nhân đạo, đã không để bà mẹ Việt Nam lòng đầy yêu và hận làm việc đó. Cũng chính vì điều này, mà tôi thấy tác phẩm đẹp đẽ, trọn vẹn và nhân văn hơn rất nhiều.
Cuốn sách, dẫu đây đó vẫn còn những hạt sạn ở tính Logic trong một vài tình tiết (lí do tên chủ Mưu đuổi bà Cà Xợi khi bà mang trong mình giọt máu của hắn chưa thật thỏa đáng, khói chẳng lùa vào hang, mùa khô mà xuất hiện mưa rào, bà Cà Xợi dễ dàng tìm ra 2 người du kích đầy đủ vũ trang…) thì “Hòn Đất” vẫn là một tác phẩm thật đẹp, rực rỡ như bông hoa Sứ thắm tươi – tên người con gái huyền thoại của Hòn Đất.
Nguồn: dtv-ebook.com