Từ kế Tường
Hoa Lưu Ly Không Về
Chương 1
Xóm Ðáy nằm trên bờ sông. Ðây là một khu dân cư tứ xứ xiêu dạt về lập nghiệp từ lâu đời. Họ từ miền Trung xa xôi vào, từ tận cùng đất nước đến, ở những tỉnh kề bên do điều kiện khắc nghiệt của ruộng đồng, nhất là những vùng gần biển, những năm mùa màng thất bát, vợ chồng con cái đùm túm nhau trên một chiếc ghe tìm đến, hợp với số người địa phương làm nên xóm Ðáy. Như tên gọi của nó, hầu hết người dân ở đây có nghề truyền thống sông nước, đó là thầu những miệng đáy ở các cửa sông, cửa biển. Có những người nghèo khổ phất lên giàu có, nhưng cũng có những người dầm mưa dãi nắng suốt đời này qua đời khác vẫn cơ cực.
Từ một chú bé ngơ ngác như con gà trống choai vừa rời khỏi lớp 9 ở trường huyện, Thẩm vào học lớp 10 Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho và giờ đây anh đã là một thanh niên sắp bước vào cuộc đời, sắp thi tốt nghiệp phổ thông cấp III. Thẩm đã hoà nhập vào xóm Ðáy như một cư dân chính cống của khu vực này. Người ở xóm Ðáy đều khen, Thẩm có nhiều bạn, có những vui buồn, những kỷ niệm suốt bao mùa mưa nắng. Cả những tiếng sóng của con sông Tiền với tâm hồn Thẩm trong từng con nước lớn, nước ròng.
– Anh Thẩm ơi làm gì trên gác đó, xuống ăn cơm.
Tiếng gọi quen thuộc của Thoi Tơ từ dưới nhà vọng lên kéo Thẩm về buổi trưa của xóm Ðáy. Nước của con sông Tiền đang lớn, Thẩm nhìn ra cửa sổ thấy những con sông bạc đầu xô đẩy nhau ngoài khơi xa, nắng chiếu nhấp nháy trên mặt sông, chỗ có màu nước xanh biếc bên kia bờ. Như mọi ngày dòng chảy của con sông Tiền vẫn theo bên bồi bên lở. Thoi Tơ có lần đã đố Thẩm tìm ra một câu ca dao nói về dòng sông bên bồi bên lở. May quá, ngày nhỏ Thẩm đã ngủ trên võng trưa với những câu hát ru của mẹ anh, những câu hát ru ngọt ngào, đầy âm điệu dân gian mộc mạc đó như một thứ mật ngọt, tắm đẫm trong tâm hồn trí nhớ Thẩm nên anh đã thắng Thoi Tơ và cô bé thua cuộc đã đãi Thẩm một chầu kem Duyên Thắm.
– Anh học bài hay…. thả hồn qua cồn Tân Long mà không nghe em gọi xuống ăn cơm?
Thoi Tơ lên gác, cô đứng đầu cầu thang nhìn Thẩm trách móc, đôi mắt của Thoi Tơ khi hờn trách thì mở to, cò đuôi dài, ánh mắt vừa có vẻ tức bực, vừa có vẻ buồn bã, cam chịu khiến Thẩm cũng vừa thấy tức cười, vừa cảm thấy mềm lòng.
– Chà, hôm nay Thoi Tơ mặc chiếc áo màu tím đẹp quá, làm cho căn gác của anh sang hẳn lên.
Thoi Tơ ngượng ngùng, chống chế:
– Ðúng đấy, anh nhắc em mới nhớ. Căn gác của anh phải được dọn dẹp, tẩy uế mới được. Kinh khủng quá. Ở chỗ chật chội, đầy sách vở, bụi bặm như thế này không hiểu sao anh học bài được. Không phải màu áo tím của em làm sang phòng căn gác u tối này mà phải rọi vào đó những tia cực tím để giết vi trùng.
– Thôi đủ rồi, hạ anh vừa vừa thôi cô bé. Hôm nay chỉ có anh và em ăn cơm thôi sao, Thoi Tơ?
– Chứ còn ai vô đây nữa, ba má em đi canh đáy từ đêm hôm qua rồi.
– Hôm nào em thử mời kép của em tới ăn cơm và ra mắt anh luôn thể được không? – Thẩm đùa.
Lập tức Thoi Tơ chộp ngay cây chổi lông gà trên bàn học của Thẩm rượt anh chạy vòng vòng căn gác. Nhưng Thẩm nhanh chân hơn, anh chạy cách Thoi Tơ một khoảng vừa đủ để cho cây chổi lông gà ngắn ngủn của cô gái…. quất vào không khí. Thẩm phóng luôn xuống nhà, trong lúc Thoi Tơ đứng ở chân cầu thang phụng phịu trách móc:
– Bộ anh không đùa, không ăn nói bậy bạ thì ngủ không ngon, ăn không yên sao?
Thẩm cười:
– Ðúng là ăn không yên rồi nè. Nè cô bé, người ta thường nói trời đánh còn tránh bữa ăn, còn em thì rượt anh chạy có cờ trước bữa ăn thì tội ấy xử ra sao?
– Quỷ bắt anh cho rồi.
Thoi Tơ ném cây chổi lông gà và đi dọn cơm. Thẩm ngồi nhìn Thoi Tơ bưng từng món ăn lên bày trên mặt bàn tròn.
Cái bàn cũ kỹ này hình như có từ cái năm Thẩm tới ở trọ, bây giờ cái chân xếp nó lung lay, Thẩm định đóng đinh, gá lại cho chắn mà cứ quên mãi.
– Ăn cơm xong, nhớ nhắc anh sửa lại cái bàn ăn, nhỏ?
– Ðể nó sụm bà chè rồi mua cái bàn mới luôn cho tiện – Thoi Tơ lườm.
– Sao em xài sang thế?
– Thôi, anh ăn cơm đi! Thoi Tơ đẩy chén cơm về phía Thẩm. Cô bé cũng bưng chén cơm lên ăn nhỏ nhẹ như một con mèo. Thẩm nhìn thấy ở trán Thoi Tơ lấm tấm mấy giọt mồ hôi. Vừa từ bếp ra nên gương mặt Thoi Tơ đỏ ửng. Cô bé không có nước da trắng một cách tiểu thư như con gái trong thị xã, nhưng da mặt Thoi Tơ mịn, đậm đà như con gái xứ biển.
– Thoi Tơ năm nay mấy tuổi nhỉ? – Thẩm nhả hạt sạn trong cơm hỏi.
– Xì, đang ăn cơm lại đi hỏi tuổi người ta, anh làm như hỏi tuổi con nít không bằng – Thoi Tơ cự nự.
Thẩm cười:
– Chứ Thoi Tơ đòi lớn với ai?
– Năm nay người ta gần sắp ăn sinh nhật lần thứ 18 rồi. Anh có ngủ mơ không mà thấy em vẫn còn con nít?
Thẩm ngẩn ngơ:
– Thật vậy sao, nhỏ?
– Em có phải là anh đâu mà suốt ngày đùa cợt.
– Mau quá, mới ngày nào anh tới nhà, Thoi Tơ hãy còn là cô bé loắt choắt như con chuột nhắt.
– Thôi đi, hết ví là mèo rồi tới chuột. Bộ không còn hình ảnh nào khác sao?
Thẩm cười giòn:
– Mèo và chuột là hình ảnh quen thuộc trong nhà, ví em như vậy là chứng tỏ anh thương em đó, thế mà cũng làm mặt giận.
– Xì, anh ăn cơm đi, ai them giận anh cho thêm….tức.
Ðưa chén cơm đây em bới cơm cho.
Sau khi nhận chén cơm đầy từ tay Thoi Tơ trao cho, Thẩm nhìn lại cô cười hỏi:
– Bao giờ thì tổ chức sinh nhật, nhỏ?
– Bộ anh gọi em một cách nghiêm túc không được sao mà cứ nhỏ này nhỏ kia. Em ghét ai lên mặt người lớn với em lắm.
– Anh lại thích gọi em là nhỏ hơn. Bao giờ ăn sinh nhật đây lớn?
– Em không đùa à. – Thoi Tơ lườm.
– Chứ gọi là gì, không chịu nhỏ thì anh gọi lớn chứ sao?
– Người ta tên Thoi Tơ. Nguyễn Thị Thoi Tơ đàng hoàng.
Cô bé vênh mặt, hất máy tóc dài qua bên vai áo tím.
Thẩm cười:
– ý có cái tên đẹp khoe hoài. Hồi đó còn đi học, mỗi khi thầy giáo gọi tên em lên trả bài, chắc em vừa đi vừa ngúng nguẩy như một cái thoi tơ trong máy dệt, phải không?
– Không.
– Không là sao?
– Không là…. không them nói chuyện với anh nữa chứ sao.
Thẩm cười giòn:
– Trong nhà này chỉ có hai đứa, em không thèm nói chuyện với anh thì nói chuyện với ai?
– Em nói chuyện một mình.
– Nói chuyện một mình, người ta sẽ nói em khùng.
– Cũng được.
– Con gái mà khùng thì chẳng ai thèm lấy, em ở vậy suốt đời. Em sẽ già, rồi em sẽ chết, chết như vậy em sẽ là con ma khùng.
– Kệ người ta.
– Nhưng anh không nỡ nhẫn tâm để em như vậy.
– Cám ơn lòng tối của anh. Thôi, đưa chén đây em bới cơm nữa cho, lần này nữa thôi, lần sau anh bới lấy và em sẽ bắt đầu không nói chuyện với anh.
Thẩm cười cười, đưa chén cho Thoi Tơ. Cô bới cho Thẩm một chén cơm đầy. Thoi Tơ chớp mắt nói:
– Bới cho anh một chén bằng hai, anh ăn no tới chiều luôn. Chiều nay em sẽ không ăn cơm chung với anh nữa đâu.
Thẩm giả bộ hỏi?
– Chiều nay em đi ăn đám giỗ ở nhà bạn à?
– Xì.
Và Thoi Tơ bắt đầu không thèm nói chuyện với Thẩm nữa.
Cô lặng lẽ ngồi ăn cơm, ăn nhỏ nhẹ như con mèo mướp vẫn thường quanh quẫn với Thoi Tơ. Không khí oi bức của bữa trưa đột nhiên lắng lại trong sự im lặng khó chịu. Trời hình như không có gió, Thẩm nhìn những sợi tóc mai của Thoi Tơ ướt mồ hôi, gương mặt cô ửng đỏ trong cái nóng ngột ngạt.
– Trời nóng quá đi mất, để anh tìm cái quạt. Anh thay trời làm gió, quạt cho em, nghen.
Thoi Tơ làm thinh. Thẩm lên gác lấy cái quạt giấy mang xuống, nhưng bàn ăn trống không, khiến Thẩm ngẩn ngơ.
Thẩm đành ngồi ăn một mình. Nhón lấy một cây tăm, Thẩm vừa xỉa răng vừa đi ra phía sau nhà. Thoi Tơ đang ngồi dưới góc cây cóc, nhìn ra mặt sông với dáng ngồi lặng lẽ và gương mặt buồn rười rượi. Thẩm đi đến bên cạnh hắng giọng nói:
– Ủa, bộ em giận anh thật à?
Chợt Thẩm thấy đôi vai Thoi Tơ run rẩy, cô cắn môi cố giấu một cơn xúc động, nhưng đôi mắt đã nhòa lệ. Thẩm bối rối thật sự và anh luống cuống trước đôi tay thừa thãi của mình. Quả thật, chưa bao giờ Thẩm thấy Thoi Tơ khóc như vậy.
Thẩm hỏi rất ngây ngô:
– Sao em lại khóc?
– Anh đi chỗ khác đi, mặc kệ người ta. Thoi Tơ giận dữ nói.
– Trưa nắng như thế này chỉ có cây cóc già là có bóng mát thì anh phải đi đâu bây giờ?
– Anh đi ra ngoài bờ sông mà đứng, hay là…. nhảy xuống sông cũng được.
Thẩm tức cười:
– Ðể làm gì?
– Cho cá lòng tong, tôm tép nó rỉa anh không còn miếng thịt nào cho bõ ghét.
– A, nhỏ ghét anh thậm tệ phải không?
– Em thù anh, em tức anh, em muốn…. ăn tươi nuốt sống anh. Tại sao anh cứ trêu chọc em hoài vậy, làm như người ta còn là con nít không bằng.
– Trong nhà này chỉ có hai đứa, không chọc em thì anh biết chọc ai bây giờ?
Nghe thế, Thoi Tơ bật cười. Cô vừa cười vừa lau vội những giọt nước mắt.
– Quỷ bắt anh đi, chọc cho người ta khóc đã rồi chọc cho người ta cười. Sao anh ăn ở nhẫn tâm, độc ác quá vậy. Bộ anh không sợ chết mà không nhắm mắt được sao chứ?
– Ủa chơi một chút sao em lại mắng mỏ anh nhiều thế?
Và Thẩm leo tuốt lên cây cóc già đang mùa trái rộ tìm hái cho Thoi Tơ những trái cóc chín vàng lườm mà cô ưa thích, coi như quà tặng để giảng hòa. Ừ mấy ngày nay, người mua cóc quen của Thoi Tơ ngoài chợ chưa vào hái cóc, tối nay thế nào cóc chín cũng rụng đầy, vì vào con nước lớn, giữa khuya về sáng, gió sẽ thổi mạnh.
Từ trên cao, Thẩm nói vọng xuống:
– Nè nhỏ ơi, anh sẽ thẩy cóc chín xuống tha hồ mà núm đấy nhé. Hai bàn tay của nhỏ đâu rồi?
– Hai bàn tay của em nhỏ xíu không núm cóc được đâu.
– Vậy thì em chạy về nhà lấy chiếc nón lá ra mà hứng, đâu có khó gì?
– Anh chờ em một chút.
Thẩm ngồi một cách an toàn trên cái chảng ba và ăn thử một trái cóc chín vàng. Không được ngọt lắm. Con gái thường thích những trái cây vừa chua vừa ngọt. Thoi Tơ sẽ thích chí với những trái cóc Thẩm hái.
Thoi Tơ từ trong nhà chạy ra, trên tay cầm chiếc nón lá. Cô đứng dưới gốc cây nhìn lên gương mặt đỏ ửng vì nắng.
Thoi Tơ vừa cười vừa nói:
– Anh thẩy nhè nhẹ thôi, thẩy mạnh quá hư chiếc nón lá của em à.
– Nếu hư, anh đền cho cái khác, lo gì.
– Ừa bao lần anh làm hư của em nhiều món đồ, anh cũng hứa đền, nhưng có bao giờ anh đền đâu. Anh là vua hứa…. lèo.
Thẩm cười:
– Mấy lần trước anh quên, lần này anh sẽ nhớ.
– Thôi, em không dám tin đâu, anh cứ thẩy nhè nhẹ cho em nhờ.
– Vậy thì em hứng nhé.
Thoi Tơ cầm ngửa chiếc nón lá, Thẩm vừa định ném trái cóc vàng xuống, Thoi Tơ bỗng la lên:
– Trời ơi, anh có bị cận thị không đấy, anh phải thẩy vào chiếc nón lá chứ đừng thảy trúng đầu em nhé.
– Yên chí.
Và mỗi lần Thẩm thảy một trái cóc rơi bịch vào chiếc nón lá, Thẩm đều thấy Thoi Tơ nhắm mắt, rút vai và…. lè lưỡi như con rắn mối. Cô bé nhắm mắt lại vì không dám nhìn trái cóc từ trên cao rơi xuống, sợ…. trúng đầu.
– Một chục trái, đủ cho nhỏ ăn chưa?
– Ðủ rồi, bộ anh bắt em ăn cóc chín trừ cơm sao chứ.
– Ăn cóc chín giải cảm cúm, em đừng lo. Không thấy mấy lần anh bị cảm, cũng đều ăn cả chục trái cóc đó sao?
– Anh nói xạo mà không sợ bị vẹo lỗ mũi à?
Thẩm cười, từ từ leo xuống. Những trái cóc chín vàng nằm yên trong chiếc nón lá của Thoi Tơ. Chiếc nón lá rất dễ thương với cái quai nón màu xanh da trời. Hai người ngồi trong bóng mát, hướng ra mặt sông. Mái tóc dài của Thoi Tơ bị gió cuốn bay, dạt vào một bên mặt Thẩm, anh nghe một mùi hương dịu dàng từ những sợi tóc đen mềm như nhung ấy.
Vừa ăn cóc, Thẩm vừa hỏi:
– Sao hôm nay vẫn không thấy bà gì ngoài chợ vào hái cóc chín?
– Chắc bà ấy bận công việc, chưa vào được.
– Cóc chín đầy trên cây, không hái kịp nó sẽ rụng hết.
– Chắc chiều nay bà ấy vào.
– Cóc ngọt không Thoi Tơ?
– Ngọt ngọt, chua chua.
– Thiếu chén muối ớt thiệt cay.
– Anh ăn cóc nhanh quá làm sao em đâm muối ớt cho kịp?
– Thoi Tơ cười.
Bỗng dưng Thoi Tơ trầm ngâm nhìn ra mặt sông bao la.
Giờ này nước lớn đầy, đang lững lờ mang phù sa về đồng ruộng.
– Tại sao tiếng sóng lúc nào nghe cũng buồn hết vậy anh?
Câu hỏi bất ngờ của cô gái làm Thẩm khó trả lời. Thoi Tơ thường hay có những câu hỏi bất ngờ làm Thẩm lúng túng như vậy.
– Ơ…. tại vì tiếng sóng không buồn thì đâu còn là tiếng sóng nữa.
– Tiếng sóng có phải là tâm sự của dòng sông không?
– Hình như là….
– Anh lúc nào cũng hình nhứ, em thích anh nói rõ ràng cơ.
– Vậy thì anh chịu.
– Anh không biết đâu, những đêm khuya, em thường lắng nghe tiếng sóng vỗ vào bờ đá, em cố tìm hiểu xem tiếng sóng nói lên điều gì.
– Thế em có hiểu được tiếng sóng nói lên điều gì không?
– Không.
– Ðó là những tiếng sông thở dài của dòng sông?
– Vậy khi nào sông thở ngắn? – Thoi Tơ chớp mắt hỏi.
– Khi nào em vui thì dòng sông thở ngắn, khi nào em buồn thì dòng sông thở dài. Dòng sông vui hay buồn cùng với con người ở bên cạnh nó đấy.
– Anh thích dòng sông này không?
– Thích nhưng mà sợ.
– Sao vậy?
– Ngày nhỏ anh bị chết hụt một lần bây giờ nhớ lại còn ớn xương sống.
– Em thì chẳng sợ đâu. Dòng sông với em giống như một người bạn. Em thường ngồi tâm sự với dòng sông đấy.
Thẩm cười:
– Em tâm sự điều gì đấy, có thể nói cho anh nghe được không?
– Không bao giờ.
– Em cũng bí mật như dòng sông này vậy. – Thẩm nói.
Thoi Tơ cười nhìn Thẩm:
– Em mà bí mật gì đâu?
– Con gái thường bí hiểm lắm, nhất là Thoi Tơ lại càng bí hiểm hơn.
– Em như cánh hoa lưu ly trôi nổi trên dòng nước thì có. Anh biết hoa lưu ly không?
– Không.
– Anh có nghe nói tên hoa lưu ly bao giờ chưa?
– Có.
– Em là cánh hoa lưu ly đấy. – Thoi Tơ cười.
– Nhưng nó ra làm sao mới được chú?
– Anh thấy bất cứ cánh hoa gì màu tím buồn, trôi trên dòng sông, thì đó chính là hoa lưu ly đấy.
Thẩm lắc đầu:
– Em nói khó hiểu quá. Thiếu gì hoa màu tím anh thấy trôi trên mặt sông?
– Một ngày nào đó anh sẽ hiểu.
Thẩm ném cái hột cóc râu ria ra mặt sông. Nó bay vèo trước mắt, và rơi mất tăm trong ánh nắng chói gắt. Tiếng mấy con chim hót líu lo đâu đó trên các vòm cây. Thoi Tơ kéo mái tóc bay tung của mình về để hờ qua vai. Không hiểu sao Thoi Tơ ngượng ngùng nói:
– Thôi, anh ngồi đây mà ngắm dòng sông, em phải đi giặt đồ phơi cho kịp nắng.
Nói xong Thoi Tơ đi như chạy vào nhà.