Dương thu Hương
HÀNH TRÌNH NGÀY THƠ ẤU
Chương 1
ĐỨA BÉ MẤT TÍCH
Năm ấy tôi mười hai tuổi. Tôi ở thị trấn Rêu với mẹ tôi. Thị trấn này gồm vài ba dãy phố cũ, toàn những ngôi nhà lợp ngói, hiên rộng, cột gỗ đen bóng, cây ăn quả và những bức tường phân cách thấp lè tè, rêu loang từng đám. Bên kia đường xe lửa, có thêm một dãy phố mới, gồm những ngôi nhà cất trên rẻo đất hoang và nền gạch vỡ tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Nhà ở đây thường hai tầng, lớn nhỏ lô nhô, bao lơn có song sắt hoa đủ kiểu. Dân phố mới phần lớn là thương nhân. Cửa hàng của họ bán đủ thứ vải sồi, mắm muối, gạo bột, tạp hóa khác… Sát đường ray, ở giữa khu phố cũ và dãy phố mới, có một khoảng đất trống. Chợ họp ở đó. Trước cửa chợ trồng cây cột gỗ treo một dải lụa hồng. Hàng năm, trước ngày Tết ông Táo, người coi chợ gỡ mảnh lụa đã bợt màu vì mưa qua gió lại, thay vào đó mộtdải lụa mới tinh khôi, màu hồng thắm. Dân cư trong thị trấn nhìn về phía chợ, lòng hoan hỉ vì thấy dấu hiệu phồn vinh của năm tới.
Ga xe lửa ở ngay gần chợ. Ngày ngày, những chuyến tàu xuôi ngược lướt qua đám dân ồn ào mua bán. Người trên tàu thò cổ ra cửa nhìn xuống chợ. Và dân trong chợ nghếch mắt nhìn con rắn kỳ dị bằng sắt trường đi trên đường ray, vừa đi vừa thở phì phò tuôn về phía sau những luồng hơi trắng như muối.
Phía trên thị trấn chừng nửa cây số có một dòng sông nhỏ. Chúng tôi goi nó là dòng sông Xanh, vì nước sông xanh như thể pha màu lá non. Thuyền qua lại luôn luôn, buồm giương lên như cánh bướm. Đôi khi, gió lặng, người chủ thuyền phải nhảy xuống lội bộ, kéo bằng dây chão tròng qua vai. Những đứa con nhỏ ở khoang giương mắt thao láo nhìn. Và bất chợt, người kéo thuyền cất lên giọng hát trầm trầm, có nhiều chỗ láy. Dòng sông Xanh ấy có hai gò đất lớn, chúng tôi gọi là đảo Hoa Vàng vì chúng mọc đầy cây duối. Quả duối chín vàng như kén tằm rắc kín các lùm cây, trông như ai rắc những lớp bụi kim nhũ lên đó. Đảo Hoa Vàng là nơi cất giấu kho tàng bí mật của chúng tôi. Trên đảo có miếu thờ Ngũ hổ, tuy đã sụt lở nhưng vẫn đủ che cho một người ngủ qua đêm. Những ngày dân trong thị xã ra đảo cúng Ngũ hổ, mùi hương thơm lan khắp mặt sông. Tưởng như những cây duối vàng rực rỡ kia tỏ hương chứ không phải những bát nhang trong ngôi miếu thờ nhỏ cũ kỹ.
Dạo đó là mùa xuân. Bánh chưng Tết đã hết, nhưng bánh gói rằm tháng riêng còn xếp đầy trong những chiếc thúng con ở bếp mọi nhà. Chợ phố họp thật đông. Vào dịp này, những người bán kẹo rong chuyên thổi con tò te bằng đường cô đặc hoặc nặn con giống bằng bột nếp nhuộm phẩm đểu tới chợ để kiếm cách moi tiền trong túi đám khách đi hội, lễ chùa ghé qua thị trấn lại đến cửa chợ. Một cỗ xe ngựa mui khum đứng ngay trên bãi đất trống. Con ngựa già lông hung vục mõm vào giỏ vừa nhai cỏ vừa rùng mình đuổi nhặng. đám lông nơi khuỷu chân trắng phếch bụi đường. Gần đó, khoảng đất lầm bụi cát đã được khoanh lại bới những sợi thừng chăng qua bốn cây cọc. Chủ gánh xiếc, một người đàn ông thấp lùn, nhỏ bé, cái đầu phình ra một cách dị thường, da đen sạm, mắt long lanh, đang biểu diễn trò nuốt lửa, xiên linh, nhào lộn trên dây. Sau đó, ông ta tự bịt mắt bằng một tấm vải đen rồ iphóng dao lên tấm bảng bằng gỗ. những con dao nhọn cắm phầm phập trên tấm gỗ mềm. đứng áp lưng vào tấm bảng, vợ người chủ gánh xiếc dang hai tay, ngẩng cao đầu với vẻ gan góc và hùng dũng hiếm có. Đen trũi, dữ tợn, to béo như hộ pháp, người đàn bà đó khiến chúng tôi vừa kính nể vừa khiếp sợ. Bà ta dương mắt nhìn những ánh thép đang loang loáng lao tới một cách bình thản, trong khi chúng tôi thét lên vì hoảng sợ, tim nhảy trong lồng ngực thình thình. Hết trò ném dao, người đàn ông gỡ mảnh vải chào đám đông với vẻ khiêm nhường. Đoạn ông ta quay lại phía sau, giơ tay vẫy vẫy. Khi bàn tay ông hạ xuống, hai con khỉ đèo nhau bằng xe đạp tiến ra. Cả hai con đều mặc quần đùi đỏ viền đen, áo may ô vàng và đội mũ cát-két đen. Con trước lái, con sau đứng vịn vào vai bạn. Hết một đợt chừng mười vòng, con khỉ đứng sau nhẩy xuống xe, giật mũ chào người xem và xin tiền. Con kia ngồi trên xe, gác chân lên ghi-đông vênh váo. Khi mũ đã đầy tiền giấy và xu, con khỉ chạy lại đưa cho chủ gánh xiếc. Ông cất tiền vào túi bên trái, móc túi bên phải ra một nắm hạt dẻ hoặc vài trái chuối chín thưởng cho hai con vật. rồi ông ta cúi thấp đầu cảm tạ người xem và lui lại phía sau, chuẩn bị đợt diễn tiếp.
Ngày thứ hai tới thị trấn, gánh xiếc đã diễn năm lần mà người xem vẫn còn đông. Trong đám khán giả xúm xít bên ngoài vòng vây bỗn xuất hiện một người đàn ông lạ mặt. dân thị trấn, dân các làng phụ cận, khách vãng lai xem hội và lễ chùa không ai lạ lùng như vậy. Người mới tới bận quần áo đen giống y phục của người Nùng. Áo vạt dài, khuy tết, quần ống rộng. Bên hông đeo chiếc túi vải như mấy ông già Tàu bán thuốc bắc và cao hổ ngày phiên chợ. Mũ đội đầu bằng da bò cáu bẩn. bộ mặt dài, nhiều vết rỗ ở chân lông. Đôi tay to lớn, ửng đỏ, chắc hẳn là rất cứng rắn đặt lên vành mũ che nắng một cách vụng về. Cặp mắt sáng quắc ẩn dưới hai hàng mày rậm đen như than. Người đàn ông lạ đứng ở vòng ngoài cùng, sau lưng những người khác. Ít ai chú ý tới ông ta vì mải xem đôi khỉ đang trêu cợt, cắn nhau chí chóe. Người lạ không xem xiếc. Đôi mắt sáng quắc của ông ta sục sạo khắp đám trẻ thị trấn đang chen chúc nhau đứng sát vòng dây thừng. Khoảng cổ hở ngoài áo đỏ rực, cục yết hầu nhảy lên tụt xuống như trái nhót. Người khách lạ chăm chú nhìn hồi lâu, rồi tự dưng biến mất.
Chiều tối, vợ chồng người làm xiếc nhổ cọc, cuốn thừng gấp vải phông và thu dọn đồ vật cho lên xe. Họ nhốt hai con khỉ vào chuồng. Rồi con ngựa được tròng vào ách. Giỏ cỏ gác phía sau giàn khung. Chiếc xe lên đường. Lũ chúng tôi chạy theo xe, sục vào đám bụi nồng mùi mồ hôi ngựa. Tới khi chiếc xe đã khuất hẳn sau khúc đường vòng, tôi mới quay về. Phố đã lên đèn. Trước cửa đồn công an thị trấn, một đám đông đứng lô nhô. Tôi nghe tiếng xì xào, ồn ã:
– Đứa bé mất tích rồi!… Khốn khổ…
– Sao? Đứa nào mất tích?
– Con lão cai Cân.
– Đứa nào?
– Cái thằng bé nhất, tôi cũng chẳng biết tên.
– À, thằng Dũng còm. Thằng bé lẻo khoẻo, đen thủi, đen thui chứ gì?
– Có lẽ đúng đấy.
– Thằng ấy là đứa ngoan nhất trong đám con nhà cai Cân. Mất thằng bé thì bố nó điên lên mất.
– Ờ… Nhưng cũng chưa chắc. Cai Cân chỉ điên lên khi mất tiền thôi.
– Trời ơi, bà này độc miệng quá.
– À, để rồi mà xem…
Trên thềm, một trung úy cảnh sát bước ra:
– Mời bà con về. Tình hình ra sao, chúng tôi sẽ thông báo sau.
Nhưng đám người xem vấn đứng túm tụm, thì thầm bàn tán. Họ muốn xem mặt cai Cân. Họ vốn không mấy cảm tình với ông ta nhưng tò mò muốn biết thái độ của ông ta trong hoàn cảnh đau khổ này. Người nào cũng chuẩn bị sẵn một lời an ủi. Nhưng kìa, cai Cân đã từ căn phòng lớn của đồn công an bước ra. Mặt ông ta lạnh như tiền. Hai gò má nhẵn, râu cạo trơn tru, vầng trán bóng như xoa mỡ, cặp mắt nhìn bình thản, ông bố đứa bé mất tích bước xuống thềm. giơ một cánh tay lên:
– Các ông các bà tốt phúc sinh con ngoan. Tôi vô phúc đẻ ra đứa chẳng ra gì. Nó bỏ nhà trốn đi lêu lổng mất rồi. Thật không ngờ nó hư đốn thế…
Dân thị trấn chưa kịp nói một lời chia buồn, cai Cân đã vùn vụt đi về. Bóng ông ta khuất dưới bóng dẫy bàng cổ thụ. Không ai nhìn thấy ông ta đang nhếch mép cười. một nụ cười bí hiểm, khinh mạn và tàn ác.