Cung Thị Lan
Hai Chị Em
Chương Một
Hai Chị Em
Truyện dài tình cảm xã hội
Tác giả: Cung Thị Lan
Họa sĩ vẽ tranh bìa: Nguyễn Thế Huỳnh (hls)
Xuất bản ngày 04 tháng 10 năm 2005
Tác giả giữ bản quyền.
Đăng ký tại U.S.Library of Congress
Những ngày trước lễ Giáng Sinh thường là những ngày bận rộn của các tín đồ công giáo, những ngày mong đợi của những đứa trẻ nhà giàu, và cũng là ngày vui của hai chị em con nhỏ. Chúng không phải là con của gia đình công giáo, cũng không phải là những đứa trẻ của gia đình giàu, nhưng chúng luôn luôn mong chờ ngày quan trọng này bởi vì mỗi năm chỉ có một lần, một lần mà thôi. Trong một lần ấy, chúng được nhìn thấy cây Nô-en rực rỡ với những dây kim tuyến lấp lánh và những trái sáng bóng loáng như những khối cầu thuỷ tinh màu trắng hay đỏ nổi bật trên nền xanh của lá trong ngôi nhà lớn của bác Cả; chúng còn được chứng kiến cảnh bốc quà thú vị; hoặc được nhận một vài món quà nho nhỏ hoặc được ăn một vài món là lạ mà chúng không bao giờ nếm được chút nào trong năm như gà nấu ra gu, hay bánh ga tô.
Năm ấy, những ngày trước lễ Giáng Sinh không còn là những ngày vui của hai chị em con nhỏ. Chúng đã bị mất đi những ngày vui trong năm chỉ vì chuyện xích mích xảy ra giữa cô Út và mẹ của chúng.
Sáng sớm, khi sương đêm vẫn còn ướt đẫm trên cây lá trong vườn, mẹ của hai đứa nhỏ đã phải ra vườn để quét dọn. Nhìn thấy cái chổi mới cạnh cái chổi cũ ở một góc nhà kho gần cây ô ma, bà đinh ninh có thể dùng nó để quét sân nên tự ý đem ra dùng. Ngờ đâu việc làm không xin phép của bà đã gây cho sự xung khắc giữa bà và cô em chồng ngày càng trở nên gay gắt hơn. Tiếng chổi quét lá vừa vang lên từ khu vườn vắng, cô Út vội vàng bước ra khỏi ngôi nhà lớn bằng cửa sau để đi kiểm tra. Tức giận tột cùng với hành động ngang nhiên dùng cái chổi mới của người chị dâu, cô đã giựt cái chổi lại, rồi mắng lấy, mắng để về cái tính tự ý, tự thị. Quá đáng hơn, cô đã dùng cái chổi mới xỉ vào mặt của bà mẹ và tuôn ra những lời mất tự chủ. Xui xẻo cho cô, người đàn ông hiền lành đẹp trai, người ngoan đạo công giáo, người chồng đã đính hôn với cô, xuất hiện trên lối sỏi từ cổng nhà lớn hướng về cái sân gạch đàng sau, nơi mà ông chứng kiến rõ ràng người vợ sắp cưới của ông đang xỉa xói người đàn bà mất chồng đáng thương.
Không ai hiểu vì sao ông ta lại xuất hiện trong khuôn viên của đại gia đình họ Hoàng sớm như thế. Cả mẹ của hai con nhỏ và cô Út đều sững sờ và kinh ngạc khi giáp mặt với ông. Cả hai im lặng, bối rối và mắc cỡ vì chuyện riêng tư trong gia đình hai người đã bị phát hiện. Người đàn ông này cũng im lặng như cô Út và mẹ hai đứa nhỏ. Ông đã không nói nguyên nhân nào khiến cho ông phải đến thăm nhà khi mặt trời chưa ló dạng, cũng không hề bình phẩm một lời nào về những gì ông đã chứng kiến mà ông chỉ lặng lẽ quay ra chiếc cổng gỗ trước ngôi nhà lớn. Khi chiếc cổng khép lại, và cái dáng cao gầy của ông ta khuất sau bức tường thành, sự im lặng của ông vẫn còn lưu lại trong khu vườn. Thái độ lạ lùng của ông đã làm cho cô Út ngưng bặt những lời chửi rủa dữ tợn. Cô cầm cái chổi mới đem lại nhà kho, đặt nó ở đó rồi quay vào ngôi nhà lớn. Sự xuất hiện và bỏ đi không báo trước của người chồng sắp cưới của cô Út, cộng thêm cái nín lặng đột ngột của cô ấy làm cho bà mẹ bàng hoàng và sợ sệt như người vừa phạm trọng tội. Ngẩn ngơ trên sân đầy lá úa vàng một lúc, bà lặng lẽ trở lại góc nhà kho, lấy cái chổi cùn và cũ, rồi tiếp tục quét sạch toàn khắp khu vườn.
Từ ấy đến chiều tối, người chồng sắp cưới của cô Út không trở lại. Cô chờ mãi, chờ mãi đến ngày hai mươi bốn tháng mười hai dương lịch, ông vẫn biệt tin. Không ai biết là cô Út có đến nhà vị hôn phu của cô để phân giải hay biện bạch những gì đã xảy ra không; chỉ biết là sau ngày ấy, ông ta không còn trở lại khuôn viên của đại gia đình họ Hoàng thêm một lần nào nữa. Sự biệt tăm, biệt dạng của vị hôn phu của cô Út như báo hiệu là ông đã rời thành phố biển và chối bỏ những ước thề trong buổi đính ước với cô ngày nào.
Tội nghiệp cho cô Út đã phải im lặng chờ đợi mãi đến ngày Giáng Sinh và cuối cùng đi lễ một mình. Cô thường đi lễ nhà thờ bởi vì cô đã rửa tội thành người công giáo, vì ý muốn của người chồng sắp cưới của cô và vì hạnh phúc lứa đôi của cô sau này. Năm ấy, cô Út đi lễ nhà thờ trong ngày Giáng Sinh không phải vì lề thói, phục tùng hay ước nguyện mà vì cô hy vọng gặp lại người chồng sắp cưới của cô.
Hai chị em con nhỏ cũng tội nghiệp như cô Út. Chúng chờ đợi, đếm từng ngày, và bàn luận về những gì đã xảy ra trong những ngày lễ Giáng Sinh năm trước thế mà cái ngày mong đợi ấy đến từ lúc nào chúng không hề hay biết. Cũng năm ấy không biết tình cờ hay chủ ý mà sau khi người chồng sắp cưới của cô Út biệt tăm, hai ông bà bác Cả không trưng bày cây Nô-en trong phòng khách và cũng không đề cập gì đến tiệc Giáng Sinh. Trong đại gia đình họ Hoàng, mọi người theo hai tôn giáo khác nhau: Công giáo và Phật giáo. Ông bác Cả, bà bác Cả và cô Út là những người theo đạo Công giáo và là những người mà hai đứa nhỏ khó gần họ để tâm sự hay hỏi han. Còn những người khác như bà nội, cô Sáu và mẹ của chúng là những người theo đạo Phật giáo nên chẳng ai quan tâm đến những ngày lễ của đạo Công giáo. Mãi cho đến ngày bà bác Cả báo cho mẹ chúng biết là hai vợ chồng ông bà sẽ ăn lễ Giáng Sinh tại nhà con cháu của ông bà và bà mẹ không phải bày dọn thức ăn chiều cho ông bà tại phòng ăn như mọi hôm thì hai con nhỏ hiểu là chúng sẽ không được chứng kiến cảnh ăn lễ Giáng Sinh trong ngôi nhà lớn và cũng không được nếm những món đặc biệt do bà bác Cả chỉ đạo như mọi năm.
Chiều vừa đến, bà mẹ gọi hai chị em con nhỏ về nhà và cho chúng ăn cơm. Thức ăn nguyên vẹn chứ không phải là những phần thừa thải như những lần trước; thế mà hai con nhỏ không muốn đưa đũa lên để gắp món nào. Qua loa lấy lệ vài miếng, hai đứa chạy ra khỏi nhà của chúng ngay. Hối hả leo lên hiên gạch bông của ngôi nhà lớn, chúng vẫn còn nuôi hy vọng là sẽ được thấy cây Nô-en với những món quà trong phòng khách của bác Cả và sẽ có một vài món quà trong ấy. Đáng tiếc thay, những bước chân hăm hở của chúng khựng lại một cách ngỡ ngàng và những đôi mắt háo hức của chúng trở nên thất vọng ghê gớm khi chúng thấy hai cánh cửa ra vào của nhà bác Cả đóng kín mít. Tựa người vào những song sắt của khung cửa sổ đang mở rộng, cả hai nghiêng đầu nhìn vào trong. Không có cây Nô-en, không có quà. Mọi vật quen thuộc cũ đang im lìm trong căn phòng khách vắng người. Nhìn nhau buồn bã, hai đứa ngồi bệt trên cái hiên hành lang rồi cùng nhìn mông lung về phía căn nhà nhỏ nơi mà ba mẹ con chúng cư ngụ. Từ căn nhà nhỏ của mẹ con chúng đến ngôi nhà lớn của hai bác Cả là khu vườn với vô số cây ăn trái. Hàng dừa nghiêng ngọn về phía mái ngói của căn nhà nhỏ như muốn đe doạ là chúng có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Cây vú sữa to sừng sững giữa khu vườn gần giếng với nhiều cành lá um tùm. Tàn cây của nó gần như che kín khoảng không gian rộng thật rộng giữa khu vườn. Hàng cây mãng cầu, cây mận xanh cạnh bức tường thành vươn nhiều cành cân đối đẹp mắt. Cây khế, cây sa bô chê và cây ô ma mọc xen kẽ từ giếng đến tận nhà bếp của bà nội và bác Cả. Những loại cây ăn trái trong vườn chỉ khêu gợi hai đứa nhỏ khi chúng đói và thèm ăn; còn lúc này chúng không có giá trị gì bởi chỉ vì chúng không phải là cây Nô-en. Chúng chỉ có lá và trái chứ không có quà. Chúng không có đèn, cũng không có những dây kim tuyến lấp lánh. Chúng chỉ biết vui đùa với nắng, với gió và muôn đời khoác một màu xanh mà thiên nhiên dành cho chứ không bao giờ được trang điểm bằng những sắc màu khác của những vật trang trí, hoặc những món quà để có thể làm vui và gây hy vọng cho hai đứa nhỏ này được. Bên hông hiên nhà lớn, dọc theo lối từ trước nhà đến sân gạch đàng sau là bụi hoa bông bụt Tây, rồi đến một dãy hoa dâm bụt ta với những cánh hoa đỏ thắm. Trời xế chiều mà màu thắm của cánh hoa vẫn còn nổi trên cành lá rời rạc như những cái chuông đỏ nhỏ với cái nhuỵ dài. Những cái nhuỵ như muốn làm duyên dáng thêm cho những cánh hoa; tuy nhiên, chúng cũng không đủ sức cám dỗ sự yêu thích của hai đứa nhỏ.
Không một cây ăn trái, cũng không có một cây hoa nào trong vườn có thể thay thế cho cây Nô-en mà hai đứa đang mơ ước. Buồn bã, chúng tựa sát vào nhau, yên lặng nhìn cảnh vật im lìm dưới bóng tà dương. Đột nhiên, con nhỏ chị nhảy bật khỏi hiên gạch bông đang ngồi và chạy đến khóm hoa bông bụt Tây cạnh đấy, la to:
– Mình có cây Nô-en rồi!
Con em ngơ ngác nhưng cũng lồm cồm tuột xuống khỏi cái hiên, đến chỗ con chị:
– Đâu? Đâu?
Con chị chỉ vào khóm hoa:
– Đây nè, em thấy chưa! Khóm hoa này đầy lá xanh lá cây đậm như màu lá của cây Nô-en đó! Và những búp hoa đỏ nho nhỏ của nó là những chiếc đèn búp nhỏ màu đỏ.
Hướng theo ngón tay của chị, con em reo lên:
– Mình đã có cây Nô-en! Cây Nô-en với nhiều chiếc đèn đỏ! Nhiều đèn đỏ quá đi! Cây Nô en của chị em mình đẹp nhất trên thế gian này!…Nhưng còn quà nữa, quà đâu chị Hạ?
Con chị đi vòng quanh khóm hoa, vừa chỉ vừa nói:
– Đây nè! Nhiều gói quà ở dưới gốc cây Nô-en đây nè. Bây giờ mình chơi mở quà Nô-en nghe Vy!
Con em gật đầu ngay sau khi nghe lời đề nghị của chị. Nó hoàn toàn hoà vào sự tưởng tượng của con này:
– Chơi, em chơi mở quà! Nhưng chị phải cho em mở quà trước!
– Được rồi, chị cho em mở quà trước! Em thích quà gì?
– Em thích một con búp bê!
– Một con búp bê hả? Quà có con búp bê mà! Để chị lấy cho em nhen!
Con nhỏ chị đưa tay nghiêng người cúi xuống đất giả bộ lấy món quà tưởng tượng đưa cho con em:
– Đây nè, em mở đi!
Con em cũng giả bộ như chị. Nó làm ra vẻ như đang mở quà; hai tay ôm vòng trước mặt đong đưa, điệu bộ như đang ru em bé. Con chị chăm chú nhìn từng cử động của con em, hỏi dồn:
– Em thích nó không? Nó đẹp không?
– Đẹp chứ! Búp bê thì đẹp rồi!
Con chị gật đầu nhưng không hỏi thêm về con búp bê. Nó hỏi sang chuyện khác để không phải nghe con em tả con búp bê khác với sự tưởng tượng của nó:
– Em muốn mở quà nữa không?
– Không. Bây giờ đến phiên chị. Chị mở quà đi.
Con chị tần ngần:
– Chị không muốn quà nữa.
– Chớ chị muốn cái gì?
– Chị cũng thích một con búp bê. Nhưng mà không còn nữa.
– Sao hồi nãy chị nói là nhiều quà xung quanh “cây Nô-en”?
– Thì nhiều quà nhưng quà khác kìa!
– Thì chị lấy quà khác đi!
– Chị không biết cái gì để lấy. Mà chị không thích cái gì trong “đống” quà này nữa!
– Vậy chứ chị thích cái gì?
– Chị thích một trái sáng.
– Vậy thì chị lấy đi.
– Đâu có đâu mà lấy?
– Em lấy búp bê được, chị lấy trái sáng được chứ!
– Nhưng cây Nô-en này chỉ có đèn thôi không có dây kim tuyến hay trái sáng gì cả.
Trong khi hai con nhỏ đang tranh cãi, cô Út đi từ cổng vào. Cô mặc áo dài trắng, búi tóc cao để lộ xâu chuỗi hạt trai sáng trắng lóng lánh chẳng khác nào những trái sáng con con. Con nhỏ chị đứng nép vào bụi hoa chờ cô dừng lại như những lần trước để nhìn kỹ hơn những viên ngọc trai ấy. Nó còn ao ước có được những hạt trai của cô Út trong bàn tay để nó có thể vân vê và lăn chúng qua lại, rồi soi mặt vào trong ấy như những lần nó đã lén những người lớn soi mặt trên những trái sáng được treo trên cây Nô-en trong phòng khách nhà bác Cả khi mẹ nó sai vào đó mời ông bà bác Cả dùng cơm trưa. Nó định chào cô để được nhìn những hạt trai lâu hơn, nhưng chưa kịp mở miệng, cô đã đi lướt qua mặt thật nhanh. Cô lạnh lùng như không thấy chị em chúng, cũng như không thấy con Ki ki và con Vàng đang vẫy đuôi mừng rỡ vây quanh cô. Lần đầu tiên cả hai con nhỏ không thấy cô Út ngừng lại để vuốt ve hai hai con vật mà cô yêu thích nhất trong khuôn viên nhà, như đã từng.
Thường thường, mỗi chiều chủ nhật hay những ngày lễ công giáo, cô Út diện những chiếc áo dài đẹp và các loại trang sức đắt tiền để đi nhà thờ cùng với vị hôn phu sắp cưới của cô. Mỗi lần như thế, cô thường cười vui sánh bước vào nhà với người bạn đời tương lai và hai người thường ngừng lại hỏi thăm hai đứa nhỏ khi thấy chúng lân la trước cổng. Có lúc cô đưa tay vỗ trên đầu hai đứa để cho chúng có dịp hít mùi thơm nước hoa của cô hoặc nhờ chúng giữ hai con chó để chúng không làm bẩn chiếc áo dài đẹp của cô.
Khuôn mặt của cô Út hôm ấy biểu lộ lạnh lùng và khác lạ khiến hai con nhỏ hồi hộp và lo sợ. Chúng ngờ có chuyện chẳng lành sắp xảy ra cho mẹ của chúng nên cả hai chạy toáng về nhà. Căn nhà với cánh cửa gỗ mở hé và trong ấy chiếc đèn dầu leo lét đã chuẩn bị sẵn trên bàn; thế nhưng chẳng có bà mẹ nơi đâu. Hồi hộp và lo lắng, hai đứa lấp ló trước cửa ra vào nhìn về phía ngôi nhà lớn. Chúng biết mẹ chúng đang còn phải làm việc nhà cho ông bà bác Cả cho nên chưa có thể về nhà. Cả hai đứa toan gọi thật lớn để giục mẹ về sớm và trước khi những tai biến có thể sắp xảy ra. Thế nhưng chưa kịp cất tiếng kêu, chúng đã nghe tiếng chửi vang lên dữ dội:
– Hại tau cho hả dạ đi, thứ chó! Sư cha bà tổ quân ác độc!
Không có tiếng trả lời của bà mẹ và hai đứa nhỏ lại nghe thêm giọng la the thé của cô Út:
– Trời tru đất diệt thứ chó chết! Mày hại tao! Mày hại tao! Hại tao hỉ? Trời chừa mày răng? Ma quỷ thánh thần bầm thây mày ra! Tưởng trời chưa hại mày hử? Trời hại mày rồi đó thê! Thứ đàn bà sát phu! Bị trời hại đáng kiếp! Mày bị trời hại nên chừ mày cố mà hại tao mờ!
Những lời chửi bới hung dữ và cay độc được lập đi lập lại nhiều lần đến nỗi hai đứa nhỏ tưởng chừng như cô muốn mọi người thuộc lòng. Loáng thoáng với những tiếng nghe tiếng mất, hai con nhỏ lờ mờ hiểu rằng cô Út căm ph?n mẹ chúng ghê gớm lắm. Và điều này làm chúng sợ không dám rời căn nhà của chúng một bước nào. Bấy giờ, tiếng nói nho nhỏ và đứt quãng của bà mẹ vang lên từ phía sân gạch sau ngôi nhà lớn của bác Cả. Hình như bà đang phân trần một vài điều gì đó mà tiếp theo những lời phân trần này không có một sự cảm thông nào ngoài giọng nói nhão nhoẹt bắt chước của cô Út ngân xa. Cô đã kéo giọng nói dài thật dài để nhại giọng nói quê mùa của bà mẹ. Cô đã lập đi lập lại không ngừng những gì bà vừa thốt ra.
Cuối cùng cô tuôn một tràng thách thức và gây sự:
– Đồ cái thứ nẫu! Đồ cái thứ quê mùa! Anh tao đui mù mới lấy cái thứ quê mùa như mày! Thứ như mày không đáng sống trong nhà tao, trong gia đình tao!
Cô càng nói bao nhiêu, hai đứa nhỏ càng hồi hộp và lo lắng bấy nhiêu bởi vì những từ cô dùng lạ lùng đến nỗi chúng không thể nào hiểu hết được nguyên nhân vì sao có sự xung đột xảy ra giữa cô và mẹ của chúng. Chúng chỉ biết tự trấn an bằng cách ngồi sát vào nhau và cùng giương những con mắt lo lắng bồn chồn chờ mẹ về. Bà mẹ dường như chưa có cách nào để thoát khỏi sự xung đột; bà tiếp tục khóc và nói như để tự minh oan. Tiếng khóc nức nở của bà văng vẳng trong đêm thanh vắng đã khiến con chị nóng ruột. Nó kéo tay con em đứng lên, dợm bước toan chạy thật nhanh. Thế nhưng, bước chân của chúng chưa đến bậc cuối cùng của tam cấp, ý định chạy vào cái sân gạch, tiêu tan theo tiếng la hét dữ dội và khủng khiếp của cô Út. Và rồi cả hai chị em đứng ngay đơ trước cửa nhà như thể đôi chân chúng bị chôn cứng.
Con em thút thít khóc:
– Sao má không chịu về vậy hả chị Hạ?
Con chị cố làm ra vẻ bình tĩnh, trấn an em:
– Chắc má còn phải làm gì cho bác Cả gái nên chưa về được. Nhưng mà không sao đâu Vy! Ngày nào má cũng bị chửi cả! Cô Út “quen” chửi rồi!
Con em không ngưng khóc. Nó mếu máo:
– Em sợ má bị sao đó!
Con chị cũng lo lắng như con em. Nó biết bà nội và Cô Sáu bênh cô Út chứ không bao giờ bênh mẹ của nó cho nên mỗi khi có sự xung đột thường có nhiều điều bất ổn xảy ra cho bà mẹ. Hai chị em nó đã mất cha, niềm an ủi duy nhất của chúng là mẹ. Qua những thái độ khinh miệt, những cái bĩu môi hay những lời nói xa gần, chúng biết mọi người trong nhà nội không thích mẹ chúng vì sự quê mùa, và kém cỏi của bà. Nhưng mà, cho dù những lời nói móc méo hay cử chỉ khó coi kia có tệ hại đến đâu, cũng không làm giảm giá trị sự hiện diện của bà trong trái tim hai chị em nó. Chúng thương yêu mẹ chúng như yêu một niềm an ủi và nương tựa duy nhất trên cuộc đời. Giờ đây bà mẹ đang đối diện với tai biến khủng khiếp mà với cái tuổi lên tám và lên sáu chúng không thể nào làm được gì cho bà. Tưởng tượng cảnh cô Út hành hạ bà mẹ như những lần chúng từng chứng kiến, nỗi lo sợ của hai đứa nhỏ càng lúc càng lớn. Trong vô thức, hai đứa cùng kéo nhau ngồi xuống tại ngưỡng cửa và thao láo mắt nhìn vào phía sân sau ngôi nhà lớn. Đến lúc ấy, chúng thực sự quên hẳn những món quà và các món ăn của ngày Nô-en. Trong đầu chúng chỉ còn một câu hỏi: “Vì sao mẹ chúng phải cam tâm ở trong nhà nội để nghe những lời chửi bới lâu như thế? ” Buồn bã trong im lặng, hai đứa lắng tai nghe ngóng sự tình.
Lần này, không phải là tiếng nói của mẹ nó hay tiếng la của cô Út mà là tiếng nói của bà nội, rồi tiếng nói của cô Sáu. Những tiếng nói đều đều cho biết là bà nội và cô Sáu đang phân bày hay giảng hoà. Tuy nhiên, sau tiếng nói của bà nội và cô Sáu, tiếng chửi rủa và la hét của cô Út trở nên dữ dội và inh ỏi hơn. Dù cố lắng nghe những tiếng chửi rủa inh tai nhức óc ấy, hai chị em con nhỏ vẫn không hiểu những lời ấy có ý nghiã gì và nguyên nhân vì sao cô Út xung đột với mẹ của chúng. Chúng chỉ biết là trong những lời tru tréo, mấy cái chữ “mày, mày, tao, tao” mà cô Út sử dụng là những chữ nặng nề mà mẹ chúng thường bắt buộc chị em chúng không bao giờ được xưng với nhau. Chúng còn hiểu rõ rằng cô Út đã dùng hai từ “mày, tao” khi cãi vã với mẹ chúng chứ không phải nói những từ “mi, ta hay tau” của tiếng Huế mà cô thường nói với những người khác.
Cuộc tranh cãi không cân sức giữa tiếng nói nho nhỏ và tiếng khóc rưng rức của bà mẹ với những tiếng hét la và chửi rủa của cô Út kéo dài mãi đến tận đêm mà vẫn không dứt. Con chị sốt ruột và bực mình vì không thấy mẹ về. Quên cả những con muỗi đang thi nhau chích đốt xung quanh mình, nó ngồi lì với con em ở trước cửa nhà và nhất định chờ mẹ về mới thôi.
Trời càng về khuya cây cối và cảnh vật trong vườn càng trở nên ảm đạm, và hoang dại thế mà cô Út vẫn chưa thôi cơn tức giận. Không gian tĩnh mịch, trong khoảnh khắc, lại vang lên những tiếng la hét của cô mà tiếp theo sau là những tiếng phân trần của bà mẹ, tiếng rầm rì nho nhỏ của bà nội, tiếng khuyên lơn của cô Sáu, và tiếng soàn soạt của những con chim ăn đêm tạo nên khúc nhạc đệm trầm buồn rời rạc hoà theo. Đột nhiên, tiếng rú kinh đảm của cô Út xé toạc hẳn cái không gian yên tĩnh của trời khuya:
– Tao đánh cho mày chết! Chết nè!
Tiếng la thất thanh của bà mẹ vang lên xen lẫn với tiếng tru tréo giằng co của bà nội và cô Sáu. Tất cả các thứ tiếng la hét, chửi rủa, rên rỉ, khóc lóc đã tạo thành âm thanh hỗn độn trong khu vườn.
Con nhỏ chị vụt đứng dậy, kéo con em lên, nói to:
– Dậy đi Vy! Theo chị vào trong đó coi má mình có bị đánh không!
Con em giật mình mở mắt, nắm tay chị, rồi cùng chạy về phía cổng trước ngôi nhà lớn, lần theo bên hông nhà để mon men tiến về sân gạch đàng sau. Đúng lúc hai con nhỏ đặt những bước chân dè dặt đến dãy hoa dâm bụt ta gần chiếc sân gạch, tiếng khoen cài cổng vang lên. Hai con chó Kiki và con Vàng nhảy chồm ra trước nhà sủa ong ỏng, sau đó rít lên mừng rỡ. Chúng quay quanh hai người đang bước vào nhà. Hai bác Cả đi ăn lễ Nô-en về. Cả hai không vào ngôi nhà lớn bằng cửa trước mà đi trên lối sỏi dọc theo bụi bông bụt tây rồi đến dãy bông bụt ta. Hai con nhỏ nép sang một bên nhường lối đi, lí nhí chào:
– Dạ thưa hai bác mới về.
Bác gái Cả không trả lời chỉ lo đánh chó; ngăn không cho chúng nhảy lên chiếc áo dài đẹp. Ông bác Cả nhíu mày:
– Giờ này còn làm gì mà hai đứa chưa đi ngủ?
Không trả lời, hai đứa nhỏ nhường đường cho ông bà đi trước, rồi rón rén theo sau đến bụi bông bụt ta. Nép vào bụi bông, chúng đưa những đôi mắt tò mò và lo âu nhìn về hướng phía sau ngôi nhà lớn, nơi diễn ra một cảnh tượng hết sức trái ngang.
Cô Út, bà nội và cô Sáu đang đứng vây quanh một cái bóng người tiều tuỵ đang ngồi bệt, đầu cúi như gần sát xuống sân gạch tối đen. Cô Út vừa chửi, vừa chỉ trỏ hung tợn vào mặt người đang ngồi bệt trên cái sân gạch đầy bóng tối ấy và người ấy lúc nghiêng phía nọ, lúc nghiêng phía khác, lưng rạp xuống sát sân gạch để tránh những cái xỉ mặt tới tấp. Bà nội và cô Sáu đứng hai bên cô Út, can ngăn và kéo ngược cô lại khi cô định giang tay nhào xuống phía dưới. Bất chấp sự có mặt của hai bác Cả, cô không ngừng xỉa xói, la hét và tuôn ra những lời chửi vần điệu.
Mắt con chị long lên. Nó muốn buông tay con nhỏ em đang đứng cạnh để chạy thật nhanh đến chen vào giữa mẹ nó và cô Út. Nó muốn đẩy hai bàn tay tấn công của cô Út ra khỏi mặt của mẹ nó rồi đỡ thân thể gầy gò của bà mẹ lên để dìu về nhà. Và nó còn muốn hét lên “Đừng ăn hiếp má của ‘tui’ nữa! ”, hay “Tất cả đã đủ cho má tôi lắm rồi! ” Thế nhưng, nó chỉ đứng chôn chân cạnh con em như những lần trước.
Đúng lúc ấy, ông bác Cả bước nhanh tới giữa hai người. Ông giang tay cao, tát mạnh vào mặt cô Út mấy tát tai liên tiếp và la lớn:
– Đừng có hỗn quá quắt như ri nghe chưa!
Tất cả mọi người hiện diện đều sững sờ trước sự bất ngờ; ai nấy đều há hốc miệng và trố mắt kinh ngạc. Còn cô Út như lửa đang bị chế thêm dầu; cô chồm qua người ông bác Cả, cố gắng nhào xuống phía dưới để đánh trả thù bà mẹ cho bằng được. Chưa kịp thực hiện ý định của mình, cô lại bị ông bác Cả trai đá vào ngực cô thêm hai cái nữa.
Lần này, bà nội hét lên:
– Đánh nữa đi! Đánh nữa cho hắn chết đi! Tau nói hắn im đi mờ hắn có nghe chi mô nờ!
Những câu mệnh lệnh của nội dường như chỉ là những lời thách đố cho nên ông bác Cả đã không tuân theo. Ông hừ lên một tiếng rồi bỏ đi. Bà nội, sau khi hét lớn, vừa thở hổn hển vừa mỉa mai xa gần:
– Anh em chi! Đánh cho hắn chết mới ngạ lòng anh, lòng chị tụi mi!
Cô Sáu kéo cô Út ra, càu nhàu:
– Tau can chừng mô mi làm tới chừng nớ mờ! Có nghe tau mô!
Bà bác Cả thong thả đến trước mặt bà mẹ, nói một cách dõng dạc:
– Thím đi về ngủ đi rồi mai vào làm cho tôi, hơi đâu mà chầu chực nghe chửi!
Dứt lời, bà xì một tiếng dài:
– Không biết dị! Ban đêm mà cãi vã, nói lớn tiếng, không sợ hàng xóm cười! Không ra thể thống chi cả!
Mặc cho những người đàn bà lao xao nói to, nói nhỏ, khuyên lơn hay mỉa móc, ông bác Cả yên lặng đi thẳng tới cửa sau để đi vào ngôi nhà lớn. Bác cả gái bước theo chồng nhưng không quên quay lại nhìn mọi người bằng đôi mắt khinh thị.
Có lẽ vì bị đánh đau và vì nghe những lời châm biếm của bà bác Cả mà cô Út không hó hé lời nào nữa. Bà nội và cô Sáu dìu cô ta vào nhà cô Sáu để chăm sóc và khuyên lơn an ủi. Bà mẹ còn lại trên chiếc sân gạch, nơi được bao quanh bởi bức tường sau của ngôi nhà lớn, nhà cô Sáu, dãy nhà bếp của bác Cả với của bà nội và lối ra vườn, ngồi khóc rưng rức.
Từ trong bóng tối của bụi dâm bụt ta, con nhỏ em vụt ra khỏi tay chị chạy đến ôm bà. Nó khóc nức nở:
– Má ơi! Má về ngủ với con!
Bà mẹ ôm chặt con em, gục đầu trên vai nó khóc nấc lên trút hết cơn uất ức mà bà đã chịu đựng. Con chị lặng lẽ đứng yên một chỗ cố định nhìn mẹ và em. Nó đang chờ mẹ nó đứng dậy. Nó chờ mẹ nó đứng lên dắt em nó về để nó có thể bước theo hai người. Mẹ nó không đứng dậy như sự mong chờ của nó. Bà dính chặt trên chiếc sân gạch, nức nở khóc trên lưng con nhỏ em. Bà trông đã mất hết sinh lực sau trận xung đột mà trong đó cái nền gạch trên sân như là vật bám víu độc nhất để bà né tránh cơn thịnh nộ của cô Út.
Nước mắt tuôn rơi không ngừng, con chị chạy ù về phía mẹ và em, nức nở:
– Về nhà mình đi má! Đừng thèm “ở đây” nữa!
Rồi như tủi thân với hai chữ “ở đây” nó nói lớn để trút hết cơn tức giận:
– “Ở đây” làm gì? Bị chửi chứ được cái gì!
Nó định nói thêm điều gì nữa để cho nội và mấy cô của nó hiểu rõ sự căm phẫn mà nó chịu đựng từ lúc nghe những tiếng la ó.
Tuy nhiên với cái tuổi vừa lên tám, nó chỉ nói những lời thách đố lung tung:
– Chửi hoài cho đã đi! Ở đây toàn người ăn hiếp! Có giỏi thì ăn hiếp khi ba “tui” còn sống đi!
Con nhỏ em nghe chị nói to thì ngạc nhiên lắm. Nó nín khóc và im lặng trong lòng bà mẹ; còn mẹ chúng thì hốt hoảng, gượng người lên, kéo tay con chị để bịt miệng nó lại.
– Nín đi! Không được hỗn! Má đi về với tụi con! Má đi về ngay đây!
Dứt lời bà vụt đứng lên, kéo hai đứa hai bên, đi nhanh về phía căn nhà nhỏ. Đến cái lu cạnh giếng, bà múc nước lau mặt và rửa chân cho con em rồi giục con chị rửa chân rửa mặt để vào nhà ngủ.
Vừa đặt lưng xuống giường, con em cất tiếng ngáy ngay. Con chị nằm im. Nó không nói hay hỏi mẹ điều gì mà chỉ lắng nghe tiếng ngáy mệt nhọc của em và tiếng thở dài của mẹ. Mở to mắt trong bóng tối, suy nghĩ vẫn vơ trong đầu, nó tiếp tục im lặng chờ mẹ lên tiếng. Không nghe mẹ nói gì ngoài những tiếng khóc sụt sịt, nó mất hết kiên nhẫn đành cất tiếng hỏi:
– Má có bị đánh không?
Mẹ nó không ngạc nhiên khi biết nó còn thức, cũng không quan tâm với câu hỏi của nó; bà nói xa xôi như tâm sự những điều thầm kín:
– Ngay từ lúc đầu, má biết thân phận mình nên đã không muốn ưng ba con.
Con chị ngạc nhiên:
– Vì sao má không muốn ưng ba?
– Bởi vì ba con là thầy giáo của má. Ba dạy bình dân học vụ cho làng ngoại con. Ba học cao, biết rộng, kiến thức và trình độ của ba hơn má hàng ngàn lần nên má sợ không dám ưng.
Không nghe con chị phản kháng, bà mẹ tiếp tục tâm sự:
– Hơn nữa ba là người Huế. Má sợ người Huế lắm, nhất là gia đình có kiến thức cao rộng. Biết ba là con của gia đình người Huế gia giáo, má đoán gia đình nội khó khăn, bề thế nên từ chối ba con nhiều lần; vậy mà cuối cùng vẫn không khỏi.
Con chị thắc mắc, hỏi:
– Vậy rồi sao má ưng ba?
– Bị má từ chối nên ba tự tử nhiều lần. Cuối cùng ông ngoại bắt má phải ưng ba.
Con chị hốt hoảng:
– Ba tự giết ba hả?
– Ừ, ba tự tử.
– Vì sao ba phải giết ba? Vì sao ba phải tự tử?
– Tại má không ưng ba.
Nghĩ đến ba, niềm thương yêu tràn ngập trong lòng, con nhỏ chị ấm ức vì câu chuyện không ổn, nó hỏi vặn:
– Má nói là không chịu ưng ba, sao má lại ưng ba?
– Ba tự tử đến lần thứ ba, ông ngoại phải đưa dì Bốn vào bệnh viện giả làm má nhận lời kết hôn của ba để ba không tuyệt vọng nữa. Sau khi ba xuất viện, ông ngoại bắt má làm đám cưới với ba.
Con chị không hiểu kết hôn nghĩa là gì. Nó lờ mờ áng chừng kết hôn giống như chữ ưng và đám cưới mà mẹ nó lập đi lập lại trong câu chuyện kể. Với cái chữ ưng này, hình như mẹ chúng muốn bày tỏ cho nó hiểu rằng cũng vì sự quyết định ấy mà bà đã phải chịu những hoàn cảnh khó khăn trước mắt. Thấy mẹ yên lặng sau khi trả lời, nó định hỏi thêm nhiều câu với hai chữ vì sao, nhưng cơn buồn ngủ kéo mắt nó nhíu lại. Nó ngáp dài và từ từ chìm vào trong giấc ngủ.
Mặc cho hai đứa nhỏ đã ngủ say, mẹ hai đứa vẫn miên man suy nghĩ về hoàn cảnh mà bà đã sợ bị mắc nhưng cuối cùng không tránh khỏi. Tệ hại cho bà là khi nghĩ đến những bi kịch vì lấy chồng danh giá, bà chỉ tưởng tượng đến sự mâu thuẫn với gia đình chồng bên cạnh sự nương tựa của chồng chứ chưa bao giờ hình dung mình phải đơn thân đương đầu với tất cả mọi khó khăn như hiện tại. Nhớ lại chuyện ẩu đả trong ngày bà cảm thấy khiếp sợ. Nếu chỉ bị nghe chửi rủa như những ngày trước đó, bà còn có thể tiếp tục vào ngôi nhà lớn để phục dịch cho anh chị chồng, đàng này chuyện lớn đến độ anh chồng đánh cô Út, rõ ràng là chuyện khủng khiếp mà lần đầu tiên bà chứng kiến trong khuôn viên nhà chồng. Bà cảm thấy mình có tội và phân vân không biết phải xử sự như thế nào khi giáp mặt với mẹ chồng, và em chồng vào sáng ngày mai. Bà cảm thấy sợ hãi khi nghĩ chuyện vào ngôi nhà lớn. Bà sợ phải đi ngang cái sân gạch. Bà sợ tiếp xúc và gặp lại người và vật liên quan đến chuyện ẩu đả vừa qua. Bà nghĩ đến chuyện thôi làm việc cho anh chị chồng nhưng không nghĩ ra cách kiếm cơm để nuôi con. Nhớ lại ngày chồng chết, bà chỉ còn hai bàn tay trắng. Toàn bộ những đồng tiền tằn tiện được từ khoản tiền lương công chức khiêm tốn lúc chồng bà làm việc ở sở Hoả Xa đã được chi tiêu khi ông nằm trong bệnh viện. Toàn bộ số tiền do những người quen biết và bà con thân thuộc bên chồng phúng điếu đều đổ vào mai táng. Cho nên, an táng chồng xong, bà hoàn toàn bế tắc trước việc đơn thân nuôi hai đứa con vừa lên ba và vừa chập chững biết đi. Lúc ấy, người chị dâu Cả thẳng thừng nói rằng “Nếu thím không đủ sức nuôi hai đứa con của thím được thì hãy giao chúng cho tôi! Thím có thể ra khỏi nhà và bước thêm bước nữa, nhưng phải để mấy đứa nhỏ này ở lại trong khuôn viên nhà này, trong đại gia đình này. ” Không tiền bạc, không vốn liếng, vô kiến thức, vô nghề nghiệp là tất cả nguyên nhân khiến cho bà chấp nhận lời đề nghị của người chị dâu Cả: Làm tất cả công việc nội trợ trong gia đình bà ta như người làm công để kiếm miếng cơm nuôi con. Hơn thế nữa, bà không thể nào giao núm ruột do bà đẻ ra cho người khác cho nên làm công cho gia đình anh chị chồng là cơ hội để bà có thể tiếp tục nuôi con và ở với con cho đến ngày chúng khôn lớn. Bao nhiêu năm sống trong cảnh mẹ goá con côi, làm lụng cực khổ bà chỉ kiếm được miếng cơm để nuôi con chứ chẳng dành dụm được một đồng nào cho nên bây giờ muốn từ bỏ công việc quen thuộc bấy lâu, bà không thể nào nghĩ ra cách kiếm sống. Bà tự hỏi phải chăng cuối cùng là bà phải tiếp tục quay lại cái cảnh làm thuê làm mướn như những năm trước đây? Phải chăng bà tiếp tục nghe chửi và bị hà hiếp mỗi ngày? Phải chăng cuộc đời của bà và hai đứa con của bà hoàn toàn đi vào lối cụt?
Không một phương kế, không một giải pháp, bà cảm thấy tương lai của mình và hai đứa nhỏ như bóng đen dày đặc đang phủ kín trong căn nhà.