Hà Nội Lầm Than

white noise for sleeping link
shopee-sale

“Tác giả Trọng Lang cũng là cây bút viết phóng sự sớm và chuyên nhất với thể văn này trong một thời gian dài. Các tác phẩm chính của Trọng Lang có Trong làng chạy, Đời bí mật của sư, vãi, Gà chọi (1935), Đồng bóng (1935-1936), Hà Nội lầm than (1937), Làm dân (1938), Làm tiền (1939); và sau này còn có thêm Thầy “lang”, Vợ lẽ nàng hầu, Những đứa trẻ (1941-1944)… Các phóng sự, ghi chép của Trọng Lang in khá rõ phong cách điều tra, kể chuyện, khai thác tư liệu thực tế. Nhà văn đã mở rộng diện đề tài, bao quát cả những khía cạnh đời sống tinh thần, phong tục tập quán và thực trạng những lối sống mới đang nảy sinh. Ở đây có cả thế giới muôn màu vẻ của bọn trộm cắp (Trong làng chạy), đời sống nhếch nhác cùng cực nơi thị thành (Hà Nội lầm than, Làm tiền) và muôn mặt những tệ nạn sau luỹ tre làng (Làm dân, Xôi thịt)… Nhiều trang viết thực sự sinh động, phô bày được những góc khuất tối của bọn người trộm cắp, đồng cốt, gái làm tiền, tệ nạn thuốc phiện… Không chỉ phản ánh và bộc lộ thái độ trước các vấn đề xã hội mà Trọng Lang còn tỏ bày khuynh hướng tư tưởng, chỉ ra những nỗi cơ cực, đau xót của lớp người “làm dân” dưới đáy xã hội. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan từng khái quát ý nghĩa sáng tác của Trọng Lang: “Trong số các nhà văn viết phóng sự gần đây, Trọng Lang có óc phê bình hơn cả. Văn ông đanh thép và sắc cạnh, chuyên về tả cảnh nhiều hơn tả tình… Muốn hiểu tâm hồn những hạng dân quê đã bị “lây” ít nhiều thói tỉnh thành, phải đọc những phóng sự của Trọng Lang; nhưng muốn hiểu tâm hồn những người dân quê còn đặc quê mùa, cần phải đọc những tập phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Ngô Tất Tố”.

(Nguyễn Hữu Sơn)

“Người ta có khi khoe rằng đã đi hát cô đầu, và biết nhảy đầm.

Nhưng, tôi quyết rằng không ai dám nhận đã có đi vào…”nhà thổ”, dù chỉ có một lần nhỏ thôi, trong đời mình… Tôi đã đàng hoàng bước vào nhà thổ….”

Hà Nội lầm than của Trọng Lang đương nhiên khác với Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam. Sự khác biệt ấy không mang lại một vị trí văn học sử đáng kể cho Trọng Lang trong hệ thống sách giáo khoa, giáo trình văn chương khi đề cập đến các cây bút phóng sự có thành tựu giai đoạn 1930 – 1945. Dường như người ta đã phớt lờ Trọng Lang và vì thế, trong trí nhớ và sự tìm đọc của công chúng hiện nay, Trọng Lang khá mờ nhạt.

Một góc nhìn riêng

Hà Nội lầm than (1938)1 có thể coi là thiên phóng sự đặc sắc và được nhắc đến nhiều nhất của Trọng Lang và cho đến hôm nay, sẽ vẫn nằm trong số những diễn ngôn đáng chú ý nhất về mảnh đất này ở giai đoạn nó bị/được bao trùm không khí Âu hóa đa sắc thái.

Hà Nội lầm than là Hà Nội của giai tầng dưới đáy, của những hạng người và hạng nghề nghiệp từng bị đặt trong sự dè bỉu, coi thường của đám đông xã hội. Trong vai một tay chơi có máu điều tra, Trọng Lang đã lần lượt chứng kiến và tái dựng nguyên trạng tình cảnh của những phụ nữ “nô lệ tạm thời” tại các quán bar, tiệm nhảy, nhà thổ…, nơi lui tới thường xuyên của tầng lớp giàu có và ưa thích thú vui xác thịt. Những nhân vật cụ thể được tiếp cận; các mánh khóe buôn da bán thịt được phơi bày; thói thực dụng tiền bạc được liệt kê; những ngóc ngách thân phận được chi tiết tường tận; những tàn tạ, nhếch nhác nhân hình được đặc tả…, tất cả, như vết chàm vô phương cứu chữa, đã là bằng cứ thuyết phục cho đời sống đô thị ở khía cạnh thị trường hóa, hàng hóa hóa len vào mọi nơi chốn, mọi mối quan hệ.

Cố gắng giữ điềm tĩnh nhưng không ít lần, Trọng Lang đã phải thừa nhận sự bất lực trong việc miêu tả “những nỗi thống khổ ê chề của một hạng nô lệ cho xác thịt”, phải gay gắt mỉa mai thay vì cảm thương những nhà thổ “ô uế cực kì, một chỗ để chứng rằng tâm hồn, xác thịt của một đám đàn bà trụy lạc đã thối nát đến bực nào”, hay đám “nhà thổ đực” – “một cái nhục rất đau đớn cho người ‘có râu’”…

Trong khi đẩy cao cảm giác bi phẫn, Trọng Lang đã dừng lại rất lâu ở sự phi lí, ngang trái của những biến đổi văn hóa (chẳng hạn, cô đầu khi xưa là “một cái thú nên thơ” nhưng giờ chỉ là trò mua vui giả dối), những tai ương, bệnh tật, khổ ải đổ xuống bất kì ai trong chốn ăn chơi và sau cùng, những thực tế khó lường của nếp sinh hoạt tiểu nông đang bị tha hóa khi xuất hiện “hạng ăn mày không đói, không rách, có khi sang trọng hơn người viết bài này, có tên là ‘tụi secours’, đi ăn xin nói bằng tiếng Pháp để lấy tiền bao gái và hút thuốc phiện”.

Không chịu im tiếng, người quan sát-tác giả đã tham gia vào các màn đối thoại sinh động, đã khéo léo huy động các tiếng lóng, “từ chuyên môn” và sắc sảo nhất là những so sánh tạt ngang để khóa chặt đối tượng trong không gian tương ứng (“Như chim sơn ca, buồn bã, với tiếng gọi của rừng núi rộng, các cô sống theo tiếng gọi của đàn tâm có trăm ngàn điệu”; “Nếu tất cả những nhà thổ có thể ví được là những miếng thịt trâu ngâm nước, thì ả này là một miếng bạc nhạc, bụng nhụng mà người đồ tể thường cắt vất đi cho chó ăn, và đã rữa ra rồi…”; “Ông khách đó là một mẩu người tủn hoẳn, vừa gầy vừa xanh, quần áo xốc xếch, ngực bó cao, ống quần hẹp”…). Đằng sau các thủ pháp viết lách linh hoạt, Hà Nội lầm than có nhiều câu chuyện “có thể làm cho mặt trăng u ám đi được” vì mức độ tê tái, trắng phớ của nó.

Hà Nội lầm than đương nhiên khác với Hà Nội băm sáu phố phường (1943) của Thạch Lam. Sự khác biệt ấy không mang lại một vị trí văn học sử đáng kể cho Trọng Lang trong hệ thống sách giáo khoa, giáo trình văn chương khi đề cập đến các cây bút phóng sự có thành tựu giai đoạn 1930 – 1945. Dường như người ta đã phớt lờ Trọng Lang và vì thế, trong trí nhớ và sự tìm đọc của công chúng hiện nay, Trọng Lang khá mờ nhạt, bắt đầu từ tiểu sử trở đi. Nhưng cần thiết nhớ rằng, Vũ Ngọc Phan, trong Nhà văn hiện đại, bằng khả năng chọn lọc nhanh nhạy của mình, đã giới thiệu Trọng Lang thật nồng nhiệt: “Trong số các nhà văn viết phóng sự gần đây, Trọng Lang có óc phê bình hơn cả. Văn ông đanh thép và sắc cạnh, chuyên về tả cảnh nhiều hơn tả tình”.

Tiếng kêu thương

Hà Nội lầm than, vào năm 1938, quả thật, đã khía rất sâu vào một trong những thực tế đang trương phình ở các đô thị thuộc địa: nạn mua bán dâm, sự phát triển thiếu kiểm soát của hệ thống nhà thổ, các địa điểm kinh doanh tình dục trá hình. Báo chí thời ấy đã không bỏ qua thực tế này, và theo nhiều cách khác nhau, lần lượt lên tiếng như một nỗ lực khảo tả kĩ càng hơn về vị thế người phụ nữ. Không phải ngẫu nhiên mà Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Phụ nữ tân tiến, Đàn bà mới,… là những tờ báo xông xáo theo đuổi vấn đề mại dâm và hầu hết đều coi đây là một vấn nạn xã hội cần bài trừ. Tờ Trung Bắc chủ nhật ra ngày 27/9/1942 cho biết năm 1938 có tới 216 nhà hát, gần 2.000 cô đầu ở vùng ngoại ô Hà Nội và nạn hoa liễu do các cô đầu gây ra lan nhanh đến mức không thể ngăn chặn. Cô đầu hay rộng hơn, gái mại dâm, là hình ảnh trung tâm của sự khó khăn, bế tắc, mâu thuẫn mà phụ nữ ở các đô thị rất dễ mắc phải bởi những cạm bẫy sinh kế liên tục bủa vây, trong khi khoảng cách giàu nghèo và địa vị hoặc sự nới lỏng đạo đức ngày một nhiều hơn.

Trong thiên phóng sự của mình, Trọng Lang không hoàn toàn đứng về phía bênh vực những cô đầu, gái nhảy, tầng lớp xét cho cùng là bị bóc lột, bị gạt ra rìa dù ông “đàng hoàng bước vào nhà thổ, với ngòi bút và lòng thương”. Về cơ bản, ông phê phán và liên tục chỉ ra thảm trạng bi đát mà họ đang chịu đựng. Với ông, nạn nhân cũng đồng thời là kẻ chủ ý chuốc lấy đau khổ vì đã tự mình lựa chọn một đời sống như vậy. Vì thế, nữ giới trong Hà Nội lầm than không đem lại thiện cảm nhan sắc, tính cách hay những nỗi niềm trắc ẩn số phận. Thái độ này không có nghĩa ông vô can với tha nhân mà trái lại, muốn tỉnh táo ghi chép, phân tích những tiếp nhận thiếu phản kháng từ lối sống chú mục hưởng lạc tai hại trong một đô thị trên đà hiện đại hóa như Hà Nội. Tính chất lưỡng phân của sợi dây đạo đức, vừa căm giận, khinh bỉ vừa xót xa, cảm thông đối với nghề mại dâm, trong trường hợp này, đã không thắt chặt được các ngả rẽ văn hóa của thị dân, nơi nhu cầu thuận mua vừa bán là hiển nhiên công khai. Trọng Lang kết thúc thiên phóng sự của mình trong sự vỡ lẽ rằng, chẳng có một giọt nước cam lồ nào đủ tưới hàng vạn người lầm than, còn bản thân thì lại thêm đau đớn. Khả năng dấn thân của một nhà văn, dù quyết liệt đến đâu, rút cuộc, cũng vẫn chỉ là “tiếng kêu thương”, hi vọng xã hội và chính thể thời điểm đó lắng nghe và thấu tỏ hơn mà thôi.

Đọc Hà Nội lầm than để, bên cạnh những mĩ từ thanh lịch, hào hoa, hào hùng, văn hiến, cần thiết hiểu và cập nhật thêm một Hà Nội, xưa lẫn nay, không thiếu cơ cực, cam chịu và khuất lấp ngoài rìa muôn mặt nhân sinh.

Trọng Lang tên thật là Trần Tán Cửu, sinh năm 1906 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học. Sau khi học xong bậc trung học, ông bắt đầu viết văn, viết báo, trở thành cây bút phóng sự thường xuyên trên các tờ Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội tân văn…

Sự nở rộ của phóng sự giai đoạn này, như ta thấy, đã được nuôi dưỡng bởi sự phát triển đa dạng của báo chí và nhất là một môi trường xã hội mà những vấn đề cấp bách, thời sự trong đó chưa bao giờ lắng xuống, “những điều trông thấy” chưa bao giờ tạm ngưng thúc giục, khiêu khích người cầm bút phải đối mặt trực tiếp, mô tả và lí giải nó. Đời sống nhân sinh từ đô thị đến nông thôn, với tất cả những biến đổi khốc liệt, dữ dội, trái khoáy và thậm chí, đầy bẽ bàng, cay đắng của nó, trong giai đoạn các lực xung va chạm giữa hai thế giới (cũ-mới, truyền thống-hiện đại, phong kiến-thực dân, Việt Nam – Pháp…) đạt đến cao trào, đã trở thành mảnh vỡ nguyên liệu để các ngòi bút phóng sự, vốn nhiệt huyết và sắc bén, giải phẫu một cách chi tiết. Khả năng xét nghiệm chân xác văn hóa đô thị của Vũ Trọng Phụng, mức độ lật tẩy kịp thời hủ tục làng xã của Ngô Tất Tố ởViệc làng, hay tài miêu tả chân thực của Tam Lang trong Tôi kéo xe…, về cơ bản, không chỉ làm đầy thêm các tri nhận về diện mạo, bản chất xã hội Việt Nam thuộc địa mà rõ ràng, còn thúc đẩy sự trưởng thành vượt bậc của thể phóng sự, của văn xuôi quốc ngữ.

Giữa những tiếng nói nổi bật đó, Trọng Lang không hề bị mờ đi. Vì trước nhất, ông đã kiên trì theo đuổi nhiều đề tài gai góc như một cây bút ý thức rất cao trách nhiệm can dự xã hội của mình và thứ nữa, ông lựa chọn kênh phát ngôn chính yếu ở phóng sự, một loại hình lao động chữ nghĩa cần đến cả bản lĩnh và sự trung thực tận đáy. Phẩm chất đó, cùng với việc kịp đứng trong chiến tuyến của tinh thần duy tân sẵn sàng phê phán mọi đối tượng, đã giúp Trọng Lang hoàn thành văn nghiệp đáng kể của mình ngay trước 1945 với những Trong làng chạy; Đời bí mật của sư, vãi; Đồng bóng; Làm tiền; Với các ông lang; Làm dân; Thi vị đồng ruộng…

Năm 1954, Trọng Lang di cư vào Nam, tiếp tục hoạt động văn chương báo chí.
Ông mất tại Sài Gòn ngày 29-4-1986.

—————————-
1 Ấn bản đầu do Đời Nay thực hiện năm 1938. Ấn bản 2015 do NXB Hội nhà văn và Nhã Nam thực hiện.
Mời các bạn đón đọc Hà Nội Lầm Than của tác giả Trọng Lang

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com