Lời nói đầu của tác giả
Chúng tôi đã lấy những gì xảy ra cho Trần Ngọc Châu trong năm 1970 làm đề tài cuốn sách này: chúng tôi muốn trình bày vì sao một người Việt quốc gia, một trong những nhà chiến lược sáng tạo nhất trong lĩnh vực hoạt động chính trị lại bị các thế lực chính trị tham nhũng, trong chính phủ của ông cũng như trong chính phủ Hoa Kỳ, làm cho thân bại danh liệt. Châu đã bị cách chức và bỏ tù với những lời tố cáo bịa đặt. Một số người Mỹ, bạn của ông, đã tìm cách cứu ông mà không được. Những người đó cũng giống ông ở chỗ là họ có quan điểm không chính thống về cách thức tiến hành chiến tranh, thành ra họ bị lạc lõng ngay trong bộ máy quan liêu của họ. Người lớn tuổi nhất trong số đó là Edward G. Lansdale, người hoạt động tình báo đã đi vào truyền thuyết. Nói rộng ra, cuốn sách này là một bản tổng kết những chương trình công tác chính trị đã được đem thí nghiệm ở Việt Nam, một câu chuyện về sự thất bại của Mỹ, thất bại vì đã không hiểu được tính chất của cuộc chiến tranh mà họ đã gây ra trên đất nước bị tàn phá này.
Những vấn đề nêu ra trong cuốn sách này đều xoay quanh những kinh nghiệm hoạt động của Châu, của Lansdale, và các bạn của họ: không có bất kỳ sự liên quan gì đến vấn đề liệu Hoa Kỳ có nên đến Việt Nam hay không, vấn đề cuộc chiến tranh là chính nghĩa hay phi nghĩa, hợp đạo lý hay không hợp đạo lý. Thay vì làm việc đó tôi chỉ đơn giản chấp nhận cuộc chiến tranh Việt Nam như một sự kiện lịch sử, cố gắng vạch ra quá trình diễn tiến của chiến lược tiến hành chiến tranh, quá trình đó đã diễn tiến như thế nào đến nỗi cuối cùng chúng ta lại rơi vào chỗ phải lựa chọn, giữa một bên là những biện pháp thô bạo về quân sự, như đã diễn ra trọng thực tế và, một bên là những chương trình công tác chính trị và kinh tế mà Châu và các bạn ông đã đề nghị. Có lẽ đây là khía cạnh ít được biết nhất, nhưng lại bị hiểu sai nhiều nhất, trong cuộc chiến tranh này.
Nguồn: dtv-ebook.com