Giáo dục là gì ? Giáo dục có từ hồi nào và bao giờ thì chấm dứt ?
Chúng ta không ai là không hấp thụ một nền giáo dục hoặc ít ra một hình thức giáo dục. Tuy nhiên chúng ta không khỏi lúng túng trước những câu hỏi trên vì khó có thể trả lời một cách trôi chảy, vắn tắt và trọn vẹn ý nghĩa.
Chúng ta hãy xem chim mẹ tập chim con chuyền cành, khỉ mẹ tập khỉ con lội qua con suối và gà mẹ trình diễn cách tìm kiếm thức ăn bên đống rác trước mặt đàn con. Rồi chim biết bay, khỉ biết lội và đàn gà đã biết mưu sinh không còn phải theo mẹ. Đó là lối giáo dục của loài động vật. Và như thế chúng ta có thể nói giáo dục đã hiện hữu rất sớm sủa từ khi có những động vật thượng đẳng xuất hiện trên trái đất. Lối giáo dục thô sơ này chỉ là sự truyền tiếp kinh nghiệm cho thế hệ sau qua bản năng sinh tồn mà chính loài người cũng bắt đầu từ đó. Có điều là loài vật không có khả năng truyền đạt bằng ngôn ngữ và không có óc sáng tạo nên ngàn muôn năm lối giáo dục của chúng vẫn không thay đổi. Trái lại loài người cũng khởi đầu giáo dục qua bản năng sinh tồn nhưng dần dần tiến đến ý thức giáo dục. Rồi từ đó loài người đã tiến rất nhanh và rất phong phú về quan niệm giáo dục, phương pháp giáo dục. Họ biết nhận định đối tượng của giáo dục và thấy được mục đích giáo dục mà họ hướng đến. Và vì thế giáo dục thời cổ đã không còn giống thời hiện đại, nó cũng không còn giống nhau ở Đông phương và Tây phương, ở xã hội này và xã hội khác, khiến chúng ta khó tìm được một định nghĩa ngắn gọn cho hai chữ giáo dục. Khi đặt câu hỏi « giáo dục là gì ? » W.O. Lester Smith, giáo sư Đại học Luân Đôn, chủ tịch Hội nghiên cứu giáo dục Anh quốc đã nói : « Khi nghĩ về giáo dục chúng ta không được quên rằng giáo dục có tính cách thành trưởng của một cơ thể sinh động. Trong khi có những tùy thuộc thường xuyên nó vẫn liên tục thay đổi tự thích ứng với những nhu cầu mới và hoàn cảnh mới ». (When thinking about education we must not forget that it has the growing quality of a living organism. While it has permanent attributes, it is constantly changing, adapting ifself to new demands and new circumstances) 1. Giáo dục do đó không phải chỉ thay đổi theo thời gian mà còn thay đổi theo hoàn cảnh nữa. Nó mang ý nghĩa và quan niệm khác nhau theo mỗi hoàn cảnh xã hội và ngay cả trong cùng một quốc gia nó cũng đòi hỏi một ý nghĩa một quan niệm khác nhau cho vùng nông thôn và đô thị kỹ nghệ. Nếu cứ khư khư muốn giản lược ý nghĩa giáo dục vào một danh từ hoặc bảo giáo dục là thế này, là thế khác theo chủ quan của mình, điều đó ắt không phải thái độ của nhà giáo dục. Disraeli đã có lần bảo rằng ông rất ghét những định nghĩa. Ông cho rằng trong việc nghiên cứu giáo dục những định nghĩa ấy không khác những tên đầy tớ tốt nhưng là những ông chủ xấu. Vì sao vậy ? Vì nó phục vụ trung thành cho một quan điểm chủ quan và do đó giết chết ý tưởng, sáng kiến về những quan niệm rộng rãi và phương cách thích nghi trong tiến trình sinh hoạt của loài người trên mặt đất.
Mời các bạn đón đọc Giáo Dục Học của tác giả Thích Nguyên Hồng
Nguồn: dtv-ebook.com