Giải Phẫu Cái Tự Ngã: Cá Nhân Chọi Với Xã Hội

white noise for sleeping link
shopee-sale

Được giới thiệu cuốn Giải phẫu cái tự ngã với tôi là một đặc quyền. Khi Ts. Doi đề nghị tôi viết lời tựa khiêm tốn này, tôi đã cảm thấy rất vui sướng và vinh dự. Mặc dù tôi thân thuộc và thực tế đã luôn luôn quan tâm sâu xa đến các nghiên cứu của Ts. Doi, nhưng tôi thật bất ngờ với hứng thú mà mình có được khi đọc cuốn sách mới này của ông. Một lần nữa nó giúp tôi hiểu rõ cái bổn phận tuyệt đối của mỗi người chúng ta phải chia sẻ những phát hiện của mình với những người khác – bất kể mọi nguy cơ – và tổn thất lớn lao khi người ta thiếu sự tự tin, nghị lực và can đảm để miêu tả một cách hệ thống những thế giới khái niệm trong đó họ sống.

Cuốn sách của Ts. Doi nói về một chủ đề chưa bao giờ xa lạ với lòng tôi: nghiên cứu tâm trí con người và quan hệ giữa những lĩnh vực mở rộng của con người với tâm trí. Đó là cái, theo một nghĩa hạn chế, được biết đến như giả thuyết Sapir-Whorf, hay là nghiên cứu quan hệ giữa ngôn ngữ và tư tưởng như một công cụ khoa học. Miêu tả cuốn sách này, vì nó kích phát quá nhiều ý tưởng trong đầu người đọc, sẽ đòi hỏi nhiều trang hơn cả bản thân cuốn sách. Vì thế tôi phải bằng lòng nói rằng sự phân tích của Ts. Doi là đa tầng và những phát hiện của ông sẽ còn kích thích các học giả rất lâu sau khi cả hai chúng tôi qua đời.

Vì phần Dẫn nhập của Ts. Doi sẽ thông báo cho người đọc về chiều hướng và nội dung của cuốn sách khác thường này, tôi xin hạn chế vai trò của mình trong việc tập trung – hết mức có thể trong một vài lời – vào ý nghĩa của các khái niệm được đưa ra trong cuốn Giải phẫu cái tự ngã khi nhìn trong bối cảnh giao diện căn bản của hai nền văn hóa Mỹ và Nhật. Nghĩa là tôi đặt nhiệm vụ thảo luận về một ít những sự dính líu tới các bộ môn liên quan đến nghiên cứu ứng xử của con người cũng như tới sự hiểu biết liên văn hóa về các khái niệm tatemae và honne, omote và ura như đã được miêu tả. Hoá ra chúng không hề không đáng kể, và như thường thấy, những cái nho nhỏ, trông cứ tưởng vô thưởng vô phạt, lại có thể – khi được hiểu một cách đúng đắn – dính líu sâu tới hiểu biết của chúng ta về những cơ sở của quan hệ giữa người với người.

Thật là vừa thú vị lại vừa thích hợp, ngay trong ngày nhận được bản thảo cuốn Giải phẫu cái tự ngã (tựa đề tiếng Nhật là Omote to Ura), tôi đang đọc tác phẩm của một nhà tâm thần học khác là Erich Fromm, The Anatomy of Human Destructiveness (Giải phẫu tính phá hoại của con người). Cả hai tác giả đều bắt đầu bằng việc giải thích rằng nhiệm vụ họ đặt ra cho bản thân mình lớn hơn là họ dự kiến, rằng họ bị dính sâu vào chủ đề của mình và họ thấy cần thiết phải vượt khỏi giới hạn các bộ môn nghiên cứu của mình và thăm dò những lĩnh vực khác. Bản thân tôi có kinh nghiệm tương tự vào những năm 1940, khi thấy cần thiết phải báo cáo về (đây là nhờ Ts. Doi) tatemae và ura của các công chức ở Denver liên quan đến những cơ may để định chế cái mà sau này được biết như “Cơ hội bình đẳng” trong công ăn việc làm. Dạo ấy không có những mẫu hình với thuật ngữ đi kèm cho sự khác biệt giữa những phát ngôn công khai của mọi người với cách nhìn riêng tư thực ra là phương châm hướng dẫn của họ. Điểm tôi muốn nhấn mạnh là, căn cứ vào nhiệm vụ của tôi là xác định thái độ liên quan đến “Cơ hội bình đẳng”, tôi biết rằng chính việc nói đến ý tưởng ấy – nhìn từ viễn cảnh không khí của thời đại – chỉ đơn giản gợi ra những phát ngôn rập khuôn của tatemae (lý tưởng công khai) mà không xem xét đến cái thực tế thao tác, mặt trái của đồng xu. Để tới được tận honne (nơi xuất phát của cá nhân), cần thiết phải vượt khỏi những lĩnh vực thông thường của khoa học xã hội và nghiên cứu công luận, và tìm ra một mẫu hình thích hợp có thể giải thích những gì được quan sát trong các buổi phỏng vấn của tôi. Vì biết rằng mình chỉ hiểu được (ở mức ngôn từ) cái mà mình cho là nghe thấy, tôi hướng sự chú ý của mình đến những phản ứng không lời của người được tìm hiểu, như những thời gian chờ đợi trong khu vực tiếp khách của công sở, những lần ngắt quãng được tiếp nhận ra sao (vui vẻ hay không vui vẻ), và những thứ tương tự. Mẫu hình duy nhất tôi thân thuộc hồi ấy là mẫu hình Freud. Tiêu đề nghiên cứu của tôi là “Sự lầm lẫn theo mẫu hình Freud như một sự trợ giúp để xác định các thái độ.” Tôi đã khá ngây thơ khi cho rằng mục tiêu của nghiên cứu công luận là xác định các thái độ thực, rằng mình đang đóng góp vào nghiên cứu công luận với việc bổ sung một chiều kích mới cho lĩnh vực ấy. Như đã tiên đoán, nghiên cứu của tôi bị các tạp chí nghiên cứu công luận hàng đầu ở Hoa Kỳ bác bỏ và cuối cùng được in trong tờ International Journal of Opinion and Attitude Research – Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu dư luận và thái độ (Tập 3, Số 1, 1949).

Giờ đây, nhờ những phát hiện của Ts. Doi, tôi nhận ra rằng, vấn đề là ở Hoa Kỳ, người ta được phép miêu tả những quy ước và biểu hiện bằng lời của tatemae, nhưng sự phân tích của ta không được liên kết cái tatemae của tình huống với cái honne – cái nằm ở phía sau mặt nạ được trưng ra công chúng. Còn ở Nhật, hai cái đó không thể không liên kết với nhau trong tâm trí người ta – ta không thể xem xét cái bên ngoài độc lập với cái bên trong, cửa trước với cửa sau, diện độc lập với tâm là điều đưa tới cấu trúc của Ts. Doi về “lý thuyết hai mặt trong ý thức của người Nhật” của ông. Ở phương Tây, chúng ta biết về honne, cái đề cập những động cơ thực thụ của con người, nhưng chúng ta phải làm như cái đó không tồn tại; khi bàn đến honne, ta liền có cảm tưởng chỉ cần nêu nó ra là một cái gì đó bẩn thỉu dính vào.

Vì vậy, cuốn sách Giải phẫu cái tự ngã soi sáng thêm thái độ của người Mỹ đối với Freud, với tâm lý học nói chung, và với tính dục. Những thái độ như thế được thấy ngay cả trong giới các nhà thực hành khoa học xã hội và có thể giải thích ít nhiều sự phụ thuộc của họ vào các bảng câu hỏi thăm dò những ý nghĩ được phát biểu công khai của mọi người, mà tổn phí là những nghiên cứu sâu hơn, sắc sảo hơn nhưng cũng chủ quan hơn. Thực tế là, theo một số nhà thực hành có tiếng trong lĩnh vực ấy, thậm chí thực hiện việc quan sát hành vi tự nhiên của mọi người ở nơi công cộng nhằm biết được những mẫu hình nằm bên dưới – mà không có sự đồng ý bằng văn bản của họ cái đã – bị coi là sai. Theo các vị học phiệt, trong lĩnh vực ấy, không cách nào nghiên cứu những chiều kích “ngầm” của văn hóa, vì ngay khi câu hỏi được nêu lên, điều xảy ra là cái gì đó giống như đứng trước máy quay phim và được bảo là diễn tự nhiên đi. Thái độ ấy ngăn trở sự quan sát khoa học chính những đặc trưng của văn hóa, và dẫn tới những hiểu lầm lớn nhất khi các đại diện của các nền văn hóa khác nhau gặp gỡ. Điều ta có thể thấy từ đó là cái mặt riêng tư hay cá nhân của đời sống bị coi như đối lập một cách không thể tránh với lợi ích công cộng. Rằng, ở phương Tây, tatemae luôn luôn tha hóa khỏi honne, trong khi ở Nhật, hai cái liên kết với nhau và những chiều kích không lời của văn hóa được chấp nhận là có thật. Và đúng là phải như thế.

Với những ai mong muốn có được những phát hiện mới mẻ về quan hệ giữa nghiên cứu tâm lý học và văn hóa, quan hệ giữa ngôn ngữ và tâm trí, cũng như giữa người Mỹ và người Nhật, cuốn sách này rất cần thiết. Ts. Doi đã cho chúng ta một đặc ân khi viết nó.

Edward T. Hall

Giáo sư Danh dự Khoa Nhân học

Đại học North western (Northewestern)

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com