Tây Du kí của tác giả Ngô Thừa Ân, ra đời cách đây hơn năm trăm năm, là một trong bốn cuốn tiểu thuyết lớn hay nhất của Trung Quốc (Tam quốc chí, Thủy hử, Tây du kí, Hồng lâu mộng).
Tây du kí là bộ tiểu thuyết vĩ đại, mượn thế giới thần thoại để phản ánh hiện thực xã hội đen tối lúc bấy giờ.
Do bắt nguồn từ những câu chuyện dân gian, nên ngôn ngữ Tây du kí dùng nhiều thành ngữ, tục ngữ, các nhà nghiên cứu gọi là cách ngôn, là những hạt minh châu lấp lánh, tạo thêm vẻ sáng, vẻ đẹp cho tác phẩm.
Mỗi câu cách ngôn như một ngọn đèn soi sáng trí tuệ, lương tri; có thể giúp người ta nâng cao phẩm đức, tự thay đổi tính cách, bỏ điều xấu, làm điều tốt, cải biến vận mệnh, lịch lãm trong việc đối nhân xử thế, thành công trong sự nghiệp và sống đẹp hơn.
Đó là tính giáo dục của cách ngôn, là mục đích của nền giáo dục nhân bản.
Sách tổng cọng có 79 câu ngắn gọn, dễ nhớ, thông dụng và với 79 câu chuyện minh họa được trích từ trong sử sách.
Mỗi câu cách ngôn như chiếc cầu nối giữa thế giới thần thoại với cõi người, giữa sự tưởng tượng kì ảo, biến hóa, với hiện thực sinh động; tạo nên điều kì thú của sách.
Có người cho rằng, khi đọc sách không nên quá câu nệ là sách đã viết gì ? Mà hãy hỏi là những gì sách đã gợi, đã đánh thức những cái vốn có trong ta ?
Từ khi ra đời, đến lúc lớn khôn, ai cũng thuộc một số câu thành ngữ, tục ngữ, cách ngôn, gần gũi, chân quê, do cha ông truyền lại.
Do đời sống bận rộn, hoặc không lưu tâm, nên chúng chìm khuất, như một túi khôn quý giá, bị bỏ quên cùng năm tháng.
Khi đọc sách cuốn sách này, những câu cách ngôn, tục ngữ, thành ngữ dân dã xưa cũ ấy, sẽ được đánh thức; túi khôn cha ông truyền lại vẫn mới mẻ tinh khôi, giúp ích cho chúng ta rất nhiều trên những nẻo đường đời.
Nguồn: dtv-ebook.com