“Gánh vác ngọt ngào” là tuyển tập gồm 15 nhóm tác phẩm thơ và tản văn được gọi tên là 15 khúc song tấu. Mỗi khúc song tấu sẽ gồm 1 bài thơ và 1 đến 2 bài tản văn có cùng chủ đề, thậm chí cùng tên gọi với bài thơ đó. Các sáng tác thơ và tản văn này được viết trải dài từ những năm 70 của thế kỷ trước cho đến những năm gần đây, phản ánh bối cảnh của sự thống trị về quyền lực, về khủng bố trắng, về những vấn đề nhức nhối của xã hội và nỗi ưu tư của người trí thức. Các sáng tác thơ đề cập đến nhiều phương diện và thể hiện nhiều chủ đề, bao gồm: quan niệm luân lý, các vấn đề của thời cuộc và việc bảo vệ môi trường, nông nghiệp và trồng lúa, cùng sự phản tư về sinh mệnh…
Nhan đề tác phẩm được lấy cảm hứng từ chính một bài thơ in trong tập sách – bài thơ “Gánh vác” viết năm 1977. Bài thơ thể hiện tình cảm sâu đậm của người cha đối với con cái, có thể coi đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Ngô Thịnh. Sự sẵn sàng “gánh vác” trách nhiệm bảo bọc, yêu thương con cái của bậc làm cha mẹ nối tiếp từ đời này qua đời khác, trở thành sự gánh vác chung của con người, theo ông đó chính là một “gánh vác ngọt ngào” mà bất kỳ ai cũng muốn “chịu đựng”.
TS Lâm Minh Đức – Chủ tịch Quỹ nghệ thuật Folklore Trung Hoa dân quốc đã nhận xét: “Ngô Thịnh tôn thờ luân lý gia đình, quan tâm đến luân lý xã hội và kiên trì với luân lý đất đai. Ông là con dân nhà nông đích thực, tình cảm gia đình, tình làng xóm là nội hàm chủ yếu trong thơ ca của ông”.
Như chính chia sẻ của tác giả: “Khi sang tới Việt Nam, được xem những bài múa rối nước, tôi cảm thấy rất giống những trải nghiệm của bản thân khi còn nhỏ. Vì vậy tôi cảm thấy hết sức gần gũi và có những cảm thông với con người Việt Nam. Mong rằng khi mọi người đọc tác phẩm của tôi cũng có sự đồng cảm tương tự như vậy”.
Qua 15 khúc song tấu của nhà thơ, chúng ta có thể thấy “Gánh vác ngọt ngào” tuyệt đối không phải là sự phiên dịch thơ, cũng không phải sự hé lộ đáp án. Ông thông qua tự thông diễn với tản văn để cung cấp bối cảnh sáng tác, trình bày thêm ý nghĩa phức tạp hơn cho thơ.
Nguồn: dtv-ebook.com