Dương Vân Nga: Non Cao Và Vực Thẳm

white noise for sleeping link
shopee-sale

Nhà văn Ngô Viết Trọng trong những năm trở lại đây, thường xuất hiện trên một số báo chí ở Hoa Kỳ qua nhiều truyện ngắn rất mới và rất lạ với những đột biến bất ngờ trong tâm lý nhân vật. Truyện ngắn gây ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là chuyện “Dốc Đời Thăm Thẳm” mà tôi đã đọc được trên một số báo cuối tuần tại San Jose cách đây khá lâu. Tuyển tập đầu tay “Vết Hằn Mùa Xuân” của Ngô Viết Trọng xuất bản vào năm 2001 gồm 20 truyện ngắn, khai thác nhiều nhất hoàn cảnh và tâm trạng của người tù cải tạo. Những năm kế tiếp anh cho xuất bản  “Tình Hận” lịch sử tiểu thuyết (2002), “Ngõ Tím” tập truyện (2003), và “Công Nữ Ngọc Vạn” lịch sử tiểu thuyết (2004). Năm nay anh lại cho ra đời cuốn lịch sử tiểu thuyết khác “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” (2005).

Trong vòng chưa đầy 5 năm, anh cho ra đời 5 tác phẩm, trong đó có 3 tác phẩm tiểu thuyết dựa vào những nhân vật lịch sử có thật, bám sát những gì đã xảy ra trong bối cảnh đương thời, rồi để cho đầu óc tưởng tượng phong phú của nhà văn dẫn đưa vào những tình tiết bất ngờ lý thú (dù là hư cấu) khiến người đọc trong phút chốc đã lẫn lộn giữa hư và thực, giữa những nhân vật trong tiểu thuyết và những nhân vật có thật, đã một thời tác động lớn trên dòng lịch sử Việt tộc.
 

Trong chúng ta, ai đã từng đọc “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” (trong Nam ghi tác giả là Ngô Thời Chí, ngoài Bắc ghi tác giả là Ngô gia văn phái) đều say sưa theo từng gút mắc của các sự kiện lịch sử, chẳng hạn câu chuyện Đặng Mậu Lân, em trai Đặng Thị Huệ, ái phi của chúa Trịnh Sâm đã làm mưa làm gió, bất chấp phép nước làm nhiều điều xằng bậy. Có người cho “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” là một tác phẩm lịch sử tiểu thuyết, nhưng viện Sử Học Hà Nội thì xem đây là một tài liệu lịch sử đáng tin cậy và đã đưa vào danh sách các tài liệu được tham khảo khi viết về thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

 Đọc “Công Nữ Ngọc Vạn” hay “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm”, tôi có cảm tưởng như mình đang đọc “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” vậy.

 “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” kể lại những diễn biến ly kỳ trong cuộc đời của Dương Thái hậu, vợ của Đinh Tiên Hoàng với tước vị hoàng hậu Đan Gia. Dương Vân Nga quả thực là một người đàn bà nhan sắc khuynh thành đã làm Đinh Tiên Hoàng mê mẩn tâm thần, nhất là bà đã sinh được hai vị hoàng tử thông minh đĩnh ngộ nên nhà vua đã dành cho bà sự sủng ái nhiều nhất trong số 5 vị hoàng hậu cùng được tấn phong. Sử sách đã đề cập đến rất nhiều về cuộc đời của vị Thái hậu này. Và định mệnh đau thương về cuộc đời bà cũng vận luôn vào số kiếp bi thảm của nữ nghệ sĩ khả ái Thanh Nga qua cái chết tức tưởi của nàng khi đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga trong vở tuồng cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga và chiếc áo ngự bào”. (Nữ nghệ sĩ Thanh Nga đã bị bắn chết sau khi diễn vở tuồng nói trên tại Sài Gòn vào thời điểm sau khi miền Nam bị mất vào tay Cộng Sản miền Bắc).

 Nhà văn Ngô Viết Trọng trong “Công Nữ Ngọc Vạn” đã theo sát các tài liệu lịch sử để tái tạo lại công lao của một người con gái, thứ nữ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Công nữ Ngọc Vạn đã được vua Cao Mên, Chey Chetta II phong làm hoàng hậu, rồi khi nhà vua băng hà, bà trở thành thái hậu nắm giữ quyền bính trong tay. Sự đóng góp của bà cho quê mẹ đã được nhà văn Ngô Viết Trọng làm sống lại hết sức sinh động trong tác phẩm “Công Nữ Ngọc Vạn” này. Tuy nhiên, trong những nhân vật lịch sử mà nhà văn đã lựa chọn để thể hiện thành tiểu thuyết lịch sử như Trần Thủ Độ trong “Tình Hận” (2002), đến người con gái của chúa Sãi trong “Công Nữ Ngọc Vạn” (2004), và giờ đây là Thái hậu họ Dương trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” (2005), thì phải nói rằng nhà văn đã tạo được một bước thành công đáng kể trong địa hạt viết về lịch sử tiểu thuyết vậy.

 Khi đã gọi là “lịch sử tiểu thuyết”, thì các tác giả có quyền hư cấu miễn sao đừng đẩy nhân vật lịch sử mà mình tái tạo đi quá xa sự thật lịch sử. Giá trị của “lịch sử tiểu thuyết” ngoài tài năng sử dụng điêu luyện ngôn ngữ đương đại của từng nhân vật, ngoài óc tưởng tượng phong phú và kết cấu câu chuyện ly kỳ cùng những đột biến bất ngờ, nhà văn còn phải đạt được kiến thức vững vàng về lịch sử và tâm lý đương đại, nhất là giai đoạn liên quan đến nhân vật mà mình đang xây dựng lại. Nhà văn Ngô Viết Trọng trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” đã nâng kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết dựa vào lịch sử lên một tầm cao mới mà tôi nghĩ, nếu ai đã đọc tác phẩm này rồi, chắc đều đồng ý với sự đánh giá này.

 “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” với nội dung gồm 11 chương trải dài trên cả tác phẩm dày đến… trang, nói về cuộc đời của tiểu thư Dương Vân Nga, con gái độc nhất của Chương Dương công Dương Tam Kha, người đã từng cướp ngôi của cháu là Ngô Xương Ngập và tự xưng là Bình vương (945-950). Sự kết hợp giữa Dương Vân Nga và Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh vốn nằm trong mưu đồ phục hận của Chương Dương công sau khi bị Ngô Xương Văn (em của Ngô Xương Ngập) âm mưu cùng với các tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc cướp lại quyền và xưng là Nam Tấn vương.

 Sự thù hận giữa Dương Tam Kha và Nam Tấn vương hợp cùng với tính khí ngổ ngáo và tham vọng vô biên của tiểu thư Vân Nga đã đưa đẩy người đàn bà sắc sảo này vào những chấn động lớn lao trong dòng lịch sử đương đại. “Non Cao và Vực Thẳm” mà nhà văn Ngô Viết Trọng đặt cạnh tên bà đối ứng chính xác cho cuộc đời danh vọng tột đỉnh và nỗi bi thảm về thân phận cuối đời trong sự mất mát quá lớn mà bà phải chịu đựng. Đây là lịch sử với những dữ kiện về cuộc đời bà mà các tài liệu cổ sử đã ghi lại bằng chữ viết.

 Nhà văn Ngô Viết Trọng trong tác phẩm này đã làm sống lại một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Việt tộc vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên, và tác giả đã bám rất sát sử liệu để tái tạo nhân vật đã một thời ảnh hưởng lớn lao lên vương triều họ Đinh: Thái hậu Dương Vân Nga. 

Ngô Thời Chí khi viết “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” (được coi là một tác phẩm thuộc lịch sử tiểu thuyết), ông có lợi điểm của một người đương thời, cùng hít thở bầu không khí sôi động của các biến cố, cùng vui buồn, cùng nổi trôi theo vận nước, nên tác phẩm của ông mang đầy hơi ấm, nhịp đi, nhịp thở của các nhân vật đương đại. Nói cách khác, tác phẩm của ông chuyên chở sự thật lịch sử, bám sát các biến cố xảy ra như nhận xét của sử gia Nguyễn Phương khi đối chiếu “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” với các tài liệu sử do các vị thừa sai để lại (đề cập đến các biến cố đương thời được nhắc lại trong HLNTC). Nhà văn Ngô Viết Trọng khi viết về cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” không có điều kiện thuận lợi như Ngô Thời Chí vì tác giả sống sau “diễn biến lịch sử” này ngót một ngàn năm. Thế nhưng nhà văn này đã dẫn dắt chúng ta lùi vào dĩ vãng đến cả 10 thế kỷ mà cứ ngỡ như mình đang sống thật trong dọc dài các biến cố đang xảy ra trước mắt. Đây chính là do tài năng thiên phú của Ngô Viết Trọng trong lãnh vực tiểu thuyết lịch sử mà theo suy nghĩ của riêng tôi, nhà văn này còn tiến rất xa nếu tiếp tục sáng tác theo hướng đi này. Để ca ngợi lòng nhân đức và chính sách khoan dung của Đinh Tiên Hoàng (điều này có thật trong lịch sử), Ngô Viết Trọng đã ghi nhận: “Dù đã thống nhất được thiên hạ, Đinh Tiên Hoàng vẫn chưa yên tâm với những dòng họ thù nghịch cũ. Nhưng với bản chất anh hùng hảo hán, ngài tuyệt đối không dùng tới kế sách “trảm thảo trừ căn” như phần nhiều những nhà cai trị khác xưa nay đã làm. Ngài không hề ra tay giết hại một sứ quân hay một kẻ thù nào khi kẻ ấy đã chịu đầu hàng. Về sau ngài cưới thêm bà Hoàng thị, mẹ của Ngô Nhật Khánh, và bà Kiểu Nương, em của sứ quân Kiểu Công Hãn đều nằm trong sách lược trấn an lòng người…” (Ngô Viết Trọng, “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” trang 122 ) 

 Về cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn thì sử có ghi lại rằng “tên Đỗ Thích trước làm lại, đêm mộng thấy sao rơi vào mồm tưởng là triệu mình được làm vua, bèn định bụng làm sự thí đoạt. Một hôm Đỗ Thích thấy Tiên Hoàng say rượu nằm trong cung bèn lẻn vào giết Tiên Hoàng đi, rồi giết cả Nam Việt vương Liễn”. (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược q.1, NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1964, tr 87). Nhưng trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm”, tác giả Ngô Viết Trọng lại đặt Đỗ Thích trong âm mưu thoán đoạt ngôi vị của Lê Hoàn có sự dự mưu của hoàng hậu Dương Vân Nga (vì nhà vua đã khám phá ra sự dan díu giữa Thập đạo tướng quân và Dương hoàng hậu).

 Và để giải thích hành động của Thái hậu Dương Vân Nga khi trao hoàng bào cho Lê Hoàn (Chương Chín), nhà văn Ngô Viết Trọng trong Chương Hai đã hư cấu một chuyện tình thật đẹp giữa tiểu thư Dương Vân Nga và tiểu tướng Lê Hoàn của Hoa Lư Động chủ.

 Những diễn biến trong cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga đã được sắp xếp hư cấu với những tình tiết rất ly kỳ cùng những đột biến tâm lý bất ngờ khiến người đọc tưởng chừng như ngạt thở. Bản thân người viết bài này đã thức gần trắng đêm để đọc hết câu chuyện từ đầu đến cuối vì không thể dừng lại khi các mắt xích của các biến cố buộc chặt vào nhau, liên kết và đột biến quá bất ngờ, không cho phép mình buông sách xuống được.

 Điều nhận xét này của người viết, nếu bạn đọc chưa tin, xin hãy tìm đọc tác phẩm “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” xuất bản vào đầu năm nay 2005. Và xin  được thêm một ý kiến sau cùng: “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô Thời Chí là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, dù được các sử gia cho rằng rất gần với sự thật lịch sử, nhưng nó vẫn là một cuốn tiểu thuyết và sinh viên ngành nghiên cứu sử không được quyền lầm lẫn coi đây là một tài liệu sử đáng tin cậy. Cũng vậy, “Công Nữ Ngọc Vạn” hay cuốn sách mà bạn đang có trong tay “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” dù hay và hấp dẫn cách mấy đi nữa thì cũng chỉ là tiểu thuyết lịch sử, chứ không dùng để làm tài liệu tham khảo được. 

 Xin cám ơn nhà văn Ngô Viết Trọng đã dành cho tôi cơ hội được đọc cuốn sách này khi còn là bản thảo và xin chân thành giới thiệu tác phẩm “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” này đến quí bạn đọc bốn phương.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây