Tiểu thuyết lịch sử “Đức Thánh Trần” của nhà văn Trần Thanh Cảnh chính là diễn giải của tác giả về vương triều Trần lẫy lừng ba lần kháng Nguyên toàn thắng.
Đặc biệt, cuốn sách hướng về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhân vật hiển hách nhất thời đại: Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Diễn giải ấy thể hiện tinh thần cốt yếu của nó ngay trong nhan đề tác phẩm: Đức Thánh Trần. Trần Thanh Cảnh đã thần thánh hóa nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn. Hay chính xác hơn, là tác giả nhấn mạnh và khẳng định phẩm chất thần thánh, vị thế thần thánh, uy vọng thần thánh của Hưng Đạo đại vương.
Diễn giải văn chương đối đầu với diễn giải sử học, đó là điều không lạ. Trong trường hợp này, nó chỉ càng tô đậm thêm sự thật rằng: cái gọi là “lịch sử” không hề đứng yên, mà luôn là tập hợp mở của những diễn giải khả thể về lịch sử.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam từng chia sẻ: “Trần Thanh Cảnh khởi thảo Đức Thánh Trần sau khi đã cho ra mắt độc giả hai tập truyện ngắn mang đậm chất hoa tình, thậm chí là tinh thần ‘phóng dục’ khá đặc trưng cho đất và người Kinh Bắc. Cái ‘nếp’ ấy vẫn được ông giữ lại trong cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay này, qua những trường đoạn viết về ái tình hừng hực nhựa sống và tràn trề đam mê của những đàn ông đàn bà Đại Việt thế kỷ 13. Đọc những trường đoạn ấy và, nếu tiện, thử làm một vài so sánh, ta sẽ thấy nhân vật của Trần Thanh Cảnh khác với nhân vật của các nhà tiểu thuyết lịch sử tiền bối đến thế nào. Và đó cũng chính là một diễn giải lịch sử khả thể.”
Nguồn: dtv-ebook.com