Trung Quốc thập niên 90, làn sóng đóng cửa các quốc xĩ khiến không ít gia đình tan nát, trong đó có cả gia đình Dư Tội.
Mẹ hắn bỏ đi khi hắn vẫn còn ắm ngửa, Dư Tội được người cha đặt lên xe bán hoa quả kéo đi khắp nơi kiếm sống.
Từ nhỏ Dư Tội đã tiếp xúc đủ thủ đoạn đường phố, thiếu thốn tình cảm từ mẹ, thêm kiểu giáo dục đòn roi từ cha.
Dư Tội biến thành kẻ bất trị, từ trộm cắp, đánh nhau, thu tiền bảo kê, không chuyện tệ hại nào không làm.
Lo cho tương lai của con, cha Dư Tội dồn hết tiền bạc chạy cho hắn vào trường cảnh sát, mong con thành người tử tế.
Dư Tội càng lớn càng hiểu chuyện, biết cha mình nuôi mình không dễ, hắn chỉ có một ước mơ nhỏ bé, được về quê làm cảnh sát để bảo kê cho cha bán hoa quả.
Ngày tốt nghiệp sắp tới gần, Dư Tội vô ý đắc tội với hoa khôi trường cảnh sát, rắc rối kéo tới ngay hôm đó khi Dư Tội bị một đám người đột nhập vào trường tấn công.
Bằng vào thủ đoạn ranh ma, Dư Tội không những thoát được mà còn truy ra nguồn gốc của chúng, dẫn theo đám anh em được gọi là 13 con sâu hại đánh cho những kẻ này nhập viện.
Sự việc bị trường phát hiện, 13 con sâu hại đối diện với nguy cơ đuổi học … đây cũng trở thành bước ngoặt cuộc đời của Dư Tội.
————-o0o————-
Dư Tội, từ truyện ra đời, từ đời vào truyện.
(Bài khá dài và khá chi tiết, nên đừng vì thấy dài mà không đọc hết nhé, kẻo bỏ qua một siêu phẩm đấy!)
(Đáng lẽ bài này sẽ chia làm 2 phần, nhưng sợ các bạn chờ phần tiếp theo lâu sẽ mất hứng nên gộp luôn)
Tác giả Thường Thư Hân một quái kiệt hiếm có của làng văn học mạng, cái tên anh không được biết tới nhiều ở Việt Nam, nhưng chắc hẳn không ít độc giả biết tới Dư Tội. Đây là tác phẩm hiếm hoi đạt thành công lớn ở cả ba mặt, tiểu thuyết mạng, sách in và cả phim truyền hình, một thời độ hot không gì sánh bằng, hãy thử nhìn lại năm xưa Dư Tội từng hot thế nào.
Đầu tiên nói tới phim truyền hình, vì nhờ phim mà tên tuổi của anh vang dội khắp cả nước. Ngay từ mùa đầu lên sóng, Dư Tội trở thành hiện tượng, được cư dân mạng Trung Quốc xưng tụng là Hunger Games phiên bản Trung Quốc đạt 600 triệu lượt xem. Tới mùa thứ hai, chiếu chưa được một ngày, lượt xem đột phá 100 triệu, điểm douban lên tới 8.6. Chỉ cần tìm kiếm ở Trung Quốc phim hình sự hay nhất, chắc chắn có cái tên Dư Tội.
Trước khi trở thành bộ phim siêu hot trên mạng, nguyên tác Dư Tội được đăng trên Chuangshi, một trang web đăng truyện thuộc tập đoàn Văn Duyệt giống Qidian. Dư Tội chính là tổng quán quân tuyệt đối hai năm liên tiếp của Chuangshi. Khi truyện mới viết được hết quyển 1 trên 8 quyển, đã được Đằng Tấn mua bản quyền chuyển thể phim truyền hình.
Đến lúc sách in phát hành, cơn sốt Dư Tội vẫn chưa hạ nhiệt, chỉ trong vòng 2 tháng, truyện phải in thêm tới ba lần, tới nay lượng tiêu thụ đột phá 100 vạn, trở thành tác phẩm best seller 5 năm liên tiếp của thể loại hình sự điều tra, thành tích này bị chặn lại bởi chính sách khác của anh.
Khi Dư Tội đạt được sự thành công rực rỡ đó, nhiều tác phẩm của Thường Thư Hân lọt được vào mắt xanh đông đảo độc giả khắp nơi. Nhiều người nhận ra, Thường Thư Hân thậm chí còn có một tác phẩm xuất sắc hơn, cảm xúc mạnh mẽ hơn Dư Tội, đó chính là Hắc Oa. Ngay trong năm đó, Hắc Oa được in thành sách, Đằng Tấn tuyên bố, bấm máy phim Hắc Oa ( Cảnh sát Oa ca), khiến vô số độc giả thốt lên, đó là năm của Thường Thư Hân.
Mặc dù sau đó đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Thường Thư Hân và tập đoàn Văn Duyệt xảy ra tranh chấp bản quyền dữ dội, hai bên kéo nhau ra tòa, phiên tòa kéo dài bốn năm. Kết quả không có gì bất ngờ, một tác giả sao chống nổi tập đoàn lớn như thế, Thường Thư Hân thua, thậm chí tập đoàn Văn Duyệt sở hữu tên Thường Thư Hân tận 15 năm sau khi anh chết, khiến Thường Thư Hân phải đổi tên sáng tác, làm sự nghiệp của anh ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thế nhưng bộ đôi Hắc Oa, Dư Tội là viên ngọc quý trong giới văn học mạng, Văn Duyệt chẳng thể vùi dập được.
Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ chỉ nói tới Dư Tội.
Dư Tội kể về một học viên trường cảnh sát có tên vô cùng kỳ lạ Dư Tội, vì tranh chấp nhỏ trong trường, Dư Tội và 12 người anh em trong trường, được gọi là 13 con sâu hại đối diện với nguy cơ đuổi học. Bọn họ không biết rằng đó là cái cớ, cả 13 người được đưa vào chương trình lựa chọn tinh anh, từ đó bắt đầu cuộc đời cảnh sát đầy câu chuyện cảm động, hoang mang, nhiệt huyết cùng kích động.
Điều đầu tiên nói về Dư Tội thì y là kẻ sống sót, bất kể hoàn cảnh thế nào, người tồn tại cuối cùng sẽ là y. Dư Tội không phải là nhân vật lương thiện, tử tế gì, vì từ nhỏ đã phải lăn lộn phố phường nhiễm vô số thói hư tật xấu của tiểu thị dân, phải nói là nhân vật khó ưa nhưng đồng thời tính cách đa diện cũng làm người ta khó ghét, tính cách phóng túng tùy tiện, nhưng nhìn rõ bản thân, cũng nhìn rõ đối thủ vì thế y luôn là kẻ sống sót rút lui một cách an toàn nhất. Nhìn bề ngoài tựa một kẻ bất chính, gian xảo, tư lợi, hèn hạ kỳ thực đối với người thân, bạn bè, lại thực lòng chân thành, có sự lương thiện thuần túy. Tuy bị gọi là máu lạnh nhưng biết cảm thông, nhìn tựa kẻ hận đời sống buông thả lại khao khát sống đàng hoàng … rất nhiều mâu thuẫn tập trung vào một nhân vật, khiến tính cách trở nên chân thực phong phú, cả cãi xấu cái tốt lẫn lộn, khiến Dư Tội thành một cảnh sát ưu tú nhất vươn tới tầm cao khiến tất cả phải ngước nhìn.
Dư Tội tuy nổi tiếng là tác phẩm hình sự xuất sắc nhất trong thể loại, nhưng so với việc nói nó là tiểu thuyết trinh thám, không bằng nói nó là tác phẩm tuổi trẻ về lý tưởng và tình yêu. Truyện lấy chuyện vụ án chỉ để nói chuyện đời, truyện không đưa ra bài học cho độc giả, nhưng tin rằng khi đọc Dư Tội, không ít đoạn khiến độc giả bỏ sách xuống mà suy ngẫm.
Vì sao Dư Tội thành công lớn như thế, rất nhiều người nói “tiểu thuyết quá chân thật”.
Làm sao không chân thực cho được, vì nguyên hình của nhân vật Dư Tội chính là tác giả, khi phóng viên liên hệ với Thường Thư Hân người được gọi là “Lão Thường” một ông chú lôi thôi đang ẩn cư ở thành phố nhỏ, người mà không ít cư dân mạng suy đoán là một hình cảnh, năm xưa lại là tên tội phạm cướp của bị bắt vào tù, từng là một tên lưu manh đầu đường xó chợ không hơn không kém.
Khi được phóng viên hỏi tới chuyện cũ, Lão Thường ở bên kia điện thoại thoải mái kể lại chuyện năm xưa, chính vì trải nghiệm phong phú đầy vị cuộc sống đó thành chất dinh dưỡng tốt nhất cho tác phẩm của anh. Lão Thường thừa nhận, nguyên hình Dư Tội chính là mình.
Phóng viên vốn muốn hẹn tới nhà Lão Thường xin phỏng vấn, Lão Thường gạt đi, nói mình không phải minh tinh, không cần tốn công như thế, huống hồ nhà anh rất xa, vất vả thế là không đáng.
Tuy chỉ là cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Lão Thường không vì thế mà qua loa, phóng viên hối hận, nếu biết trước được nghe câu chuyện đặc sắc như thế, dù vất vả thế nào cũng phải tới tận nơi, chỉ để tận mắt thấy Lão Thường, so với trong truyện, cuộc đời Lão Thường còn là truyền kỳ hơn nhiều.
Anh sinh năm 1975, năm 1993 vừa tròn 18 tuổi, vào cái thời phương nam hừng hực cải cách mở cửa, anh bất chấp người nhà khuyên can, học theo người ta chạy tới Quảng Châu kiếm tiền. Nào ngờ, tiền chẳng kiếm nổi, đến cơm ăn chẳng no, tuổi trẻ kích động, anh sinh ra ý nghĩ nông nổi, đi cướp.
Khi đó Lão Thường nấp ở một bến tàu hỏa, nhìn người ra rút NDT từ ví ra, chuẩn bị đưa vào cửa sổ thu phí, anh xông tới cướp ví chạy luôn. Kết quả lần đầu gây án đã thất bại, trả giá bằng 8 tháng tù giam.
Lão Thường nói “Đó không phải chuyện hay ho gì, bình thường tôi xấu hổ không nói ra.”. Ở trong tù, anh quen đủ loại người từ buôn ma túy, trộm cắp vặt, làm hàng giả, giết người …v…v…v.. tất cả những người đó là nguyên nhân lớn sau này tác phẩm của Thường Thư Hân luôn sinh động chân thực. “Cảnh sát kể về vụ án thường không tỉ mỉ đôi khi còn phải bảo mật. Nhưng tội phạm thì khác, nhất là ở trong tù, thời gian rảnh nhiều mà.”
Lần lỡ bước đó làm Thường Thư Hân khi còn rất trẻ đã ý thức được, thì ra người bình thường đi theo hướng tà ác lại chỉ cách một bước mà thôi. Trong những năm tháng trong tù, anh được thấy khát vọng trần trụi nhất của con người, cùng nhân tính nguyên thủy nhất, về sau anh đặt tên tiểu thuyết là Dư Tội ( Tội lỗi che giấu) là vì thế.
Thường Thư Hân từ nhỏ mê tiểu thuyết võ hiệp, anh thích nhất Vi Tiểu Bảo dưới ngòi bút của Kim Dung, vì thế Dư Tội trong lòng anh cũng là người bình thường như vậy, không muốn làm anh hùng, chỉ muốn sống sao cho không hối tiếc, sống hết mình, không thẹn với lòng mà thôi.
Đi ra ngoài một chuyến, anh hiểu ra, không bằng cấp tử tế, không dễ tìm việc tử tế.
Thường Thư Hân ra tù về Sơn Tây, anh tự học một năm, thi đỗ vào trường đại học địa phương, không thể không nói đây là kỳ tích vì thời đó đại học vẫn có giá lắm, không tràn lan như sau này, thi vào đại học không hề dễ.
Tuy quyết tâm thay đổi con người, nhưng thời gian trong tù ảnh hưởng tới anh nhiều hơn anh nghĩ, tính cách nóng nảy, ưa bao lực, vì xích mích nhỏ không nhịn được, anh đánh nhau trong trường, vì thế học được hơn một năm đã bị khai trừ. Không lâu sau khi bị đuổi học anh lại nghe tin dữ, cha qua đời bởi tai nạn giao thông, thành hối tiếc suốt cuộc đời Thường Thư Hân, vì tới tận khi cha mất, anh vẫn là đứa lông bông chưa thể làm cha mẹ yên lòng.
Vừa có tiền án, lại bị đuổi học, anh không cách nào tìm được công việc đàng hoàng ngoài xã hội. Vì mưu sinh, anh làm tới ba bốn chục công việc khác nhau, bán rau, bán sách, bán vé số, kéo xe ba bánh, đi khai khoáng, tiếp thị, nấu ăn …
“Có những lúc tôi làm liền mấy việc, cái gì kiếm được tiền là tôi làm. Bán rau, nghề này tính thời vụ cao, thu đông kiếm nhiều, mùa hè bình thường. Bán sách, nghề này chỉ được một hai tháng lúc khai trường, còn là bán sách in lậu.”
Công việc duy nhất anh làm lâu dài làm công nhân cho công ty điện tín đương địa, bắt đầu từ vác thang, kéo dây điện. Mỗi ngày làm việc xong phải viết báo cáo công tác, đó là việc rườm ra phiền phức tốn thời gian mà chẳng ai muốn làm cả, thế nên trong đội đẩy cho anh làm. Kết quả do báo cáo của Thường Thư Hân do gọn gàng đâu ra đó, câu chữ thông thuận, hoàn toàn khác người ta. Dần dà, anh được điều tới văn phòng làm văn thư. Mới đầu anh còn chịu khó học thêm máy tính, một lòng phấn đấu tiến bộ. Đáng tiếc quá khứ lần nữa níu kéo, ngay cả hi vọng ký hợp đồng chính thức cũng vô vọng, không thể tốn thời gian làm việc tạm thời thế này, anh liền từ chức.
Có lẽ suốt thời gian đó, chuyện vui duy nhất của anh là trong thời gian đi bán sách lậu, cơ duyên thế nào, anh quen được một cô giáo, rất xinh xắn. Quen nhau ba năm, cô giáo trẻ không chê anh nghèo, chẳng chê anh có quá khứ không tốt, bất chấp cha mẹ ngăn cản, anh có được cái gật đầu của cô, hai người thành vợ chồng.
“Có lẽ cô ấy mê món ăn tôi làm.” Lão Thường cười ha hả.
Lão Thường không kể nhiều về khó khăn của mình, vì đó thành vốn sống quý nhất của anh, cũng hun đúc cho anh một ánh mắt thấu hiểu cuộc đời.
Lại nói rời công ty điện tín, anh chuyển sang bán máy vi tính, ở cửa hàng vi tính, rảnh rỗi anh vào mạng xem tiểu thuyết. Khi đó anh vừa mua nhà để cưới vợ, áp lực khoản vay mua nhà rất lớn, anh không thể dựa vào vợ nuôi được, thấy người ta ở trên mạng viết tiểu thuyết kiếm nhiều tiền lắm, đó là năm 2008 giai đoạn tiểu thuyết mạng bắt đầu bùng nổ, anh muốn thử xem sao.
Sau hai tác phẩm sáng tác thử, bộ tiểu thuyết chính thức đầu tiên của anh trên mạng là Hồng Nam Lục Nữ, đề tài đô thị, lượng người mua vip cũng được vài nghìn, mỗi tháng anh viết mấy chục vạn chữ, tiền thù lao là 900 đồng, tuy ít nhưng anh kích động lắm, dù sao anh chỉ tranh thủ sáng tác lúc rảnh rỗi thôi. Khi đó tôi nghĩ “Nghề này sống được đấy.”
Sang tới tác phẩm thứ hai Hắc Oa nhờ tích lũy được ít độc nhà từ bộ trước, lần này anh yên tâm sáng tác hơn nhiều, thành tích ngày càng tốt, nhiều độc giả thốt lên, té ra tiểu thuyết mạng còn có thể viết tới mức này. Anh chính thức trở thành tác giả toàn thời gian. Đến khi sáng tác Dư Tội, bắt đầu có công ty lớn phát hiện ra viên ngọc bị bỏ quên, mới viết được xong quyển một, người ta đã mua bản quyền truyền hình.
“Khi đó tôi còn chưa có tiếng tăm gì, bản quyền bán quá rẻ, chỉ được 60 vạn, xung quanh biết được, đều bảo tôi ngốc.”
Thế nhưng ông trời rất công bằng, nhờ thành công lớn của Dư Tội, Thường Thư Hân bán thêm bản quyền truyền hình 3 tác phẩm nữa, trong đó Hắc Oa bán với giá 280 vạn.
Quay lại với Dư Tội, Thương Thư Hân hồi ức, khi anh đang Dư Tội trên mạng, rất nhanh anh có được lượng fan cực lớn. Tháng 10 năm đó, có 20 fan hâm mộ vì hợp ý nhau mà tập trung ở Tấn Thành, bọn họ không ngại đường xá xa xôi tới từ khắp nơi trên cả nước lặn lội tới huyện thành nhỏ vùng tây bắc, họ tới tìm Lão Thường. Làm anh bất ngờ là, 12 người trong đó là cảnh sát. Tất nhiên số cảnh sát đó còn bất ngờ hơn, họ nói “Chúng tôi cứ tưởng anh là đồng nghiệp.”
“Thái độ của tôi với cảnh sát khi đó là kính nhi viễn chi, dù sao tôi từng bị bắt, chẳng may họ tra ra tôi có an thì xấu hổ lắm. Có cả một tạp chí thuộc sở công an liên hệ với tôi, họ tưởng tôi tốt nghiệp trường cảnh sát, mời tôi phụ trách chuyên đề, tôi tất nhiên là từ chối.”
Rồi Dư Tội xuất bản thành sách, một số hình cảnh trong đại đội hình sự thành phố lái xe mang theo đống sách tới nhờ tôi ký tên, họ nói “Cả đại đội hình sự là fan của anh, chúng tôi đi xin chữ ký thay cho họ.”
Từ đó thường có cảnh sát tới tìm Thường Thư Hân trò chuyện, họ tham dự thảo luận tình tiết, còn hiến kế cho anh viết sách, cung cấp tư liệu vụ án, ví như họ nói, “anh bố trí cảnh hàm sai hết rồi, đó là hệ thống của Hong Kong, không phải Đại Lục chúng ta.” Vì thế Lão Thường phát hiện sách của mình còn nhiều sai lầm, anh sửa lại không ít tình tiết trong truyện, Dư Tội anh sửa tới 5 lần, Hắc Oa sửa tới lần thứ 3, các truyện khác không có truyện nào anh đăng lên rồi thôi, mà rất chịu khó sửa lại truyện.
Vụ án trộm trâu, buôn ma túy v..v..v trong Dư Tội đều là vụ án chân thực mà anh được những người bạn cảnh sát cung cấp tư liệu.
Giống Dư Tội, Lão Thường là người sống có phần cô độc kín tiếng, anh không giống tác giả thời đại này, anh không tham gia quảng bá phim, không tổ chức buổi kỳ tên sách, thậm chí còn chẳng mở tài khoản công chúng giao lưu với fan. Bởi thế xung quanh anh, trừ vài người thân và những người bạn cảnh sát, chẳng ai biết được ông chú lôi thôi hay đi dép lê lang thang ngoài đường hay ngậm cọng cỏ hoặc phì phèo thuốc lá như người thất nghiệp lại là tác giả bán được hàng trăm vạn cuốn sách.
Có thể nói Lão Thường thuộc thế hệ cũ rồi, chỉ biết lặng lẽ viết truyện đăng truyện, dùng tác phẩm thay tiếng nói bản thân. Vì vậy tên tuổi anh không nổi tiếng như tác phẩm của anh, nhưng nhờ độc giả yêu thích truyền miệng, tới giờ tác phẩm của anh vẫn luôn được săn tìm.
Vì chuyên tâm sáng tác, Thường Thư Hân trong thời gian sáng tác Hắc Oa đã chuyển về nhà cũ ở thôn quê gần thành phố, sống cuộc đời ẩn cư. Mỗi tối trong khói thuốc mịt mù, anh đánh máy đăng truyện, đêm ngủ tới lúc tự nhiên tỉnh, sau đó lên thành phố làm cơm cho vợ và con, cuộc sống thong dong thoải mái.
Anh nói đùa anh sáng tác là nghề phụ, nghề chính là ông chồng nội trợ. Trừ đưa đón con, làm việc nhà thì anh đóng cửa đánh máy. sở thích nghiệp dư là xem tiểu thuyết, nghe nhạc, tản bộ, cùng người xung quanh đánh cờ, bốc phét với đám bạn cảnh sát.
Vợ anh và con gái đang học cao trung năm thứ hai đều không đọc tiểu thuyết của anh.
“Vợ tôi thích xem phim gia đình, không bao giờ xem phim cảnh sát. Con gái tôi à, nó thích xem phim Hàn, thích theo đuổi ngôi sao, nhưng sách của tôi thì nó chả ưa chút nào, tôi thấy ngôi sao duy nhất mà con gái tôi không theo đuổi, chính là tôi.”
Phóng viên kể, Lão Thường nói câu đó với giọng khoái trá lắm, rõ ràng rất đắc ý về cuộc đời mình.
Mời các bạn mượn đọc sách Dư Tội của tác giả Thường Thư Hân.
Nguồn: dtv-ebook.com