Đời Mưa Gió

white noise for sleeping link
shopee-sale

Khái Hưng, Nhất Linh

Đời Mưa Gió

 

Chương 1

 

 nhà bà phủ về, tuy đêm đã khuya, Chương còn để đèn điện, chưa đi ngủ. 
Chàng đưa mắt nhìn ngắm gian phòng, cảm thấy sự lạnh lẽo của đời mình.
Ra hiên gác tựa lan can, chàng ngước nhìn trời.
Trời đầy sao lấp lánh tia vàng, đuôi chòm Bắc đẩu đã quay quá nửa vòng.
Mặt đường nhựa phản chiếu ánh đèn điện thành từng vệt sáng dài. Không một chiếc xe qua.
Cảnh ban đêm hoàn toàn yên lặng, trái ngược với cảnh rạo rực của tâm hồn Chương. Tâm hồn Chương buổi chiều còn bình tĩnh như hồ nước im phẳng, trong vắt như da trời xanh không vẩn một gợn mây, bỗng trở nên hỗn loạn như mặt biển đầy sóng gió.
Là vì ban nãy chàng đánh tổ tôm bên bà phủ, hình ảnh cô Thu, một cô gái đến thì, mơn mởn như bông hoa xuân đượm hạt móc, đã in sâu vào khối óc chàng tư tưởng êm đềm của một gia đình êm ấm.
Bỗng chàng rùng mình, thốt nhớ tới một quãng đời qua.
Bốn năm trước, một cô thiếu nữ xinh đẹp. Cô Loan! Thu với Loan không biết có ý nghĩa gì nối liền với nhau, không biết vì sự liên tưởng chi mà vừa thoạt nghĩ tới cô Thu, Chương nhớ ngay đến cô Loan.
Chương buông một tiếng thở dài … Phải, năm ấy Loan cũng vào trạc tuổi Thu ngày nay, có phần còn trẻ hơn. Loan cũng xinh tươi, cũng yểu điệu dịu dàng. Trong một năm Chương mơ mộng, Chương ao ước, Chương bài trí ra những cảnh tương lai tốt đẹp.
Rồi một buổi chiều … Buổi chiều hôm ấy, Chương còn bao giờ quên được? …
Chương buồn rầu đến báo tin hỏng thi với người vợ chưa cưới, tưởng sẽ được nàng an ủi khuyến khích, sẽ được nàng đem lời âu yếm vỗ về.
Nhưng trời ơi! Trái hẳn, Chương chỉ gặp vẻ mặt lạnh đạm của ông bố và dáng điệu khinh bỉ của bà mẹ. Nhất, câu nói rất có lý của bà ta, thì luôn luôn, mãi mãi còn văng vẳng bên tai chàng:
“Người lấy con tôi phải là người có nghề nghiệp, căn bản”.
Chương phẫn chí về học, bỏ hết tính mơ mộng, vì chàng nhận ra sự mơ mộng về tình ái đã làm cho chàng thất bại về đường học vấn, thi cử.
Mấy tháng sau, hình ảnh Loan, Chương đã xóa hẳn trong tâm tư. Không những thế, tính tình chàng trở nên cứng cỏi, mất hẳn sự cảm động dễ dàng khi xưa. Chàng cho rằng những cốt cách yểu điệu, mềm mại kia chỉ chứa có một khối hồn khô khan, vụ danh, vị lợi.
Năm sau Chương đỗ đầu kỳ thi Cao đẳng Sư Phạm và được bổ giáo sư tại trường Trung học Bảo hộ.
Từ đó đến nay, không một cặp má hồng nào được lọt vào cặp mắt xanh của chàng. Mỗi cái mỉm cười tươi thắm như hoa xuân đàm tiếu, chàng cho có giấu những tư tưởng vật chất đê hèn, mỗi cái nhìn của cặp mắt trong như nước hồ thu, chàng cho chỉ là cái bình phong che bao tâm hồn thô sơ, trưởng giả.
Chàng đã nổi danh trong giáo giới là một người ghét phụ nữ. Anh em bạn, vô ý nói chuyện gái, chuyện tình ở trước mặt chàng, chàng yên lặng lãng xa ngay. Mà người nào, dẫu thân với chàng đến đâu, nhưng hễ có vợ trẻ, đẹp là chàng không bao giờ bước chân đến chơi nhà. Hơn nữa, những bà giáo, bạn đồng nghiệp, người Pháp hay người Nam cũng vậy, chàng không hề nói chuyện với, và chàng hết sức tìm cách lánh mặt.
Những người biết Chương đều lấy làm lạ về sự thay đổi tâm tính mau chóng như thế. Họ thì thầm bảo nhau:
“Không ngờ một người mơ mộng ái tình đến nỗi biếng lười cả học mà nay bỗng trở nên một người ghét phụ nữ một cách cay độc!”.
Nghe thấy anh bàn luận lào xào về mình, Chương càng tỏ ra một người như anh em phỏng đoán:
một người ghét đàn bà.
Nơi chàng ở cũng không phải là một gian phòng chật hẹp, tối tăm của kẻ ẩn sĩ. Trái lại, căn nhà gác chàng thuê ở đường Quan Thánh thật cao ráo, sáng sủa, có cây lá lăn tăn bao bọc. Khi mặt trời mọc, chiếu in bóng rung rinh vào tường và lên trên bãi cỏ, trông vui tươi như một người trẻ tuổi ham sống.
Song ta nhận xét thấy hai điều này:
Chung quanh nhà chàng tuy có vườn, nhưng tuyệt nhiên không trồng một cây hoa, và trong các phòng quét vôi màu xanh thắm và màu đỏ sẫm, không treo một bức tranh nhỏ. Có lẽ Chương cho hoa và tranh là hình ảnh của mỹ nhân chăng? Hay cô Loan, vị hôn thê tàn nhẫn của chàng, khi xưa thích hoa và tranh? Chẳng biết vì cớ gì, nhưng học trò còn nhớ một lần, năm mới, đem đến dâng chàng một bó hoa cúc, chàng trả lời một cách sống sượng rằng nhà chàng không có lọ để cắm. Rồi vừa ra tới cổng, một người trong bọn học trò ngoái cổ lại, trông thấy Chương tức giận ném bó hoa vào trong sọt giấy. Lại một lần, mở quyển vở thấy có bức ảnh cô gái mơ mộng.
Chương xé nát và phạt cậu học sinh phải ở lại trong trường ngày chủ nhật sắp tới.
Cái tính nết khó chịu ấy, bọn phụ nữ dễ dàng trong một trong một vài gia đình mới đã đặt cho cái tên “Nan du” và lâu dần, họ chỉ gọi Chương là anh chàng “Nan du”, khi Chương có việc gì đến chơi với chồng họ hay anh em họ.
Về phần Chương thì chàng cũng chẳng thèm lưu ý đến những lời dị nghị của bọn “đàn bà” mà hễ thoáng trông thấy, hễ thoáng nghĩ đến là chàng bĩu môi một cách khinh bỉ.
Nhưng cớ sao tối hôm nay, Chương lại sang đánh tổ tôm bên nhà bà phủ?
Câu ấy, chính Chương cũng đương đứng hút thuốc lá, loay hoay tự hỏi. Lấy cớ rằng ham chơi tổ tôm mà sang thì chưa đủ. Chẳng lẽ tính ham mê cờ bạc lại thắng nổi được lòng khinh bỉ đàn bà? Vả chăng, Chương cũng chỉ đánh tổ tôm để tiêu khiển đỡ buồn mà thôi. Cho rằng chàng tưởng bên nhà bà phủ có đàn ông lại càng vô lý. Trong ba năm, một ngày bốn buổi qua biệt thự “Bạch Cúc”, chàng còn lạ gì mặt bà phủ và cô Thu. Đến lai lịch hai người chàng còn biết, nữa là.
Chương dụi tàn thuốc lá vào lan can, mỉm cười. Vì chàng vừa tưởng tới ông huyện Khiết và ông tham Đoàn, nhớ tới dáng điệu xoắn xít của họ đối với bà phủ và cô Thu. Chàng cười mũi, lẩm bẩm:
– Trong hai thằng thế nào cũng có một thằng sẽ bị khốn đốn. Hừ! ái tình …
khốn nạn!
Nhưng, chàng lấy làm ngượng với lương tâm. Ừ, vì sao chàng cứ loay hoay nghĩ tới Thu và hai người kia? Cô Thu, cô láng giềng mà chàng gặp mặt có đến hàng trăm, hàng nghìn lần cớ sao đêm nay chàng phải băn khoăn nghĩ tới? Cô ấy tốt hay xấu, cô ấy sẽ vợ Khiết hay sẽ là vợ Đoàn thì phỏng có can dự gì đến chàng! Đêm đã khuya rồi, vì đồng hồ treo đã đánh hai giờ từ nãy, sao chàng chẳng tắt đèn đi ngủ?
Chương nghe như có ai thì thầm bên tai những câu ấy … Nhưng đêm xuân yên tĩnh, mát mẻ, dịu dàng vẫn gợi những tư tưởng êm đềm về một cuộc đời mơ mộng. Trái tim chàng đập mạnh, chàng thổn thức vì ai. Phải chăng vì ban nãy cặp mắt cô Thu nhìn cặp mắt chàng một cách khác thường? Phải chăng vì ban nãy cô Thu đã cố cãi cho chàng có lý về một ván bài bỏ ù? Phải chăng vì những lời bông lơn có ý vị, vì những câu ca tụng kín đáo của một thiếu nữ như có cảm tình với chàng?
Trời ơi! giả dối! giả dối hết! Chương như xua đuổi những ý nghĩ bậy bạ đi.
Chàng vừa mới nhận thấy, chàng vừa mới nhớ ra rằng hai tiếng “thưa ông” của Thu y hệt lời nói của Loan khi xưa. Chàng cau mày lẩm bẩm:
“Chà! họ giống nhau hết! Có ra gì cái phường giả dối?”. Ngẫm nghĩ một lúc, Chương lại mỉm cười:
“Thì làm gì mà mình phải giận dữ như thế? Đừng nghĩ đến người ta nữa có hơn không? Ta cũng ngộ thật, ban nãy ở bên ấy thì ta cố moi móc tìm những câu mới pha trò có duyên … Bây giờ về nhà ta lại đứng đây hàng giờ mà nghĩ vơ nghĩ vẩn? Giá anh em bạn họ biết thì thật là ta làm trò cười cho họ”.
Chương vào trong nhà đóng cửa chớp, rồi thay quần áo.
Một cái gương để trên bàn rửa mặt. Cầm lấy soi, thấy tóc lòa xòa xuống trán, Chương tự lấy làm ngượng về cách trang điểm lười biếng của mình. Chàng nghiêng đầu về bên này, nghiêng đầu về bên kia, nhếch một nụ cười, lấy làm vui sướng vì chàng nhận ra rằng mình có duyên lắm. Phải, anh em bạn đều bảo chàng có duyên, nhưng lần này là lần đầu chàng nhận thấy như thế. Rồi nhìn vào gương, chàng ôn lại những câu chàng nói với Thu ban nãy, xem khi nói những câu ấy thì vẻ mặt mình ra sao?
Bỗng như tỉnh ngộ, nhận thấy mình lố lăng, Chương ném cái gương xuống đống quần áo rồi tắt đèn đi ngủ Sáng hôm sau, Chương thức dậy, nhìn đồng hồ túi, treo ở đầu giường thấy đã hơn chín giờ rưỡi. “May gặp ngày chủ nhật, không phải đi dạy học”.
Chương nghĩ thế thì lấy làm sung sướng, khoan khoái đứng xuống dép, vươn vai trước cái gương cánh cửa tủ quần áo.
Ánh mặt trời chiếu qua rèm ren, in bóng cành cây sâu xuống ván gác. Gió xuân thoáng qua, bóng lá như chạy, như nhảy múa lẫn với bóng mỏng mảnh, nhẹ nhàng của bức rèm.
Một con chim chích chòe đậu đâu trên nóc nhà cất tiếng hót lanh lảnh. Nhớ đến câu chữ nho:
“Thiếu tiểu tu cần học” từa tựa như giọng chim hót, Chương mỉm cười ngước mắt nhìn lên đám lá cây xanh.
Chàng chẳng hiểu vì sao sáng hôm nay chàng sung sướng. Vì hôm qua chàng được tổ tôm chăng? Quyết không phải. Tổ tôm một hội góp có hai đồng thì được thua phỏng là bao. Có lẽ tại đưa mắt ngắm hai dãy cây bên đường, chàng thấy búp non mới mọc, màu xanh vàng mơn mởn, mũm mĩm như chứa đầy những nhựa xuân, như biểu hiện cho cái sức mạnh của tuổi trẻ.
Tuổi trẻ hai tiếng ấy gợi bao mối cảm tình trong lòng một chàng niên thiếu.
Chương ngẫm nghĩ lấy làm lạ rằng mình đã hai mươi lăm tuổi mà trong ba, bốn năm nay, tình yêu đương không hề rung động tâm hồn.
Có lẽ thất vọng một lần về tình ái nên trái tim chàng rắn lại không thể hồi hộp được nữa vì những sự tươi tốt, êm đềm?
Những búp non mới nhú ở cành cây kia không đủ là câu trả lời có ý nghĩa sâu xa chăng? Gặp tiết đông giá lạnh cây cối khô héo thì sang xuân đầm ấm lại nẩy chồi non.
Lòng người ta sao không thể? Một lần khô héo sao không một lần nẩy nở tốt tươi? …
Đồng hồ đánh mười tiếng. Chương đứng lắng tai đếm nhẩm đủ mười lần.
Chàng bỗng giật mình nhớ ra rằng, tối hôm trước đã nhận lời sáng nay sang ăn cơm bên nhà bà phủ. Chàng cau mày lẩm bẩm:
“Không sang là hơn hết. Phải, sang làm gì? … Sang mà nhìn cái điệu bộ khả ố của hai anh chàng … Không sang, nhất định không sang, ta sẽ gửi giấy cáo từ”.
Song nghĩ như thế, chàng vẫn vào buồng tắm rửa mặt, chải đầu, rồi lấy bộ quần áo mới ra mặc. Người bếp lên gác, chàng vội nói:
– Vi, tao có thư từ gì không?
Chẳng mấy khi chàng nhận được thư. Nhưng hôm nay, chàng chắc chắn rằng có người gửi thư cho chàng. Vi đáp:
– Bẩm có.
– Có à? Đâu? Thư ai gửi thế?
– Bẩm, con không biết. Lúc ông ngủ, con để ở bàn giấy.
– Thế à? Sao không đánh thức tao dậy?
Chương hỏi xoắn xít khiến anh bếp lấy làm ngạc nhiên rằng mọi khi ông chủ lạnh lùng, điềm đạm mà sao hôm nay lại nóng nảy, hốt hoảng đến thế.
Chương chạy vội xuống nhà, đến bên bàn giấy. Một cái phong bì màu tím nhạt chung quanh viền nẹp tím thẫm. Giòng chữ Monsieur Chương nét viết rất mềm mại, có duyên. Chương bóc vội ra xem. Trong có một tờ giấy cũng đồng màu với phong bì. Chàng đọc đi đọc lại mãi một câu vắn tắt:
“Xin mời ông đúng mười một giờ sáng, sang xơi cơm và đánh tổ tôm với chúng tôi”. Dưới ký thấu, chỉ hơi rõ có hai chữ Th. Chương đoán chắc rằng là chữ Thanh, tên bà phủ, nhưng vẫn hy vọng rằng đó là chữ Thu.
Chàng tắc lưỡi, lấy giấy viết thư trả lời từ tạ. Viết xong lại xé, rồi viết bức thư khác, rồi lại xé.
Sau cùng chàng vùng vằng vứt bút, đi lên gác. Đồng hồ điểm mười một tiếng. Chẳng biết thế nào, Chương chép miệng ra đi, đến nhà bà phủ.
Nghe tiếng chuông ở cổng, Thu vội chạy ra sân, rồi vui mừng nói:
– Anh giáo Chương đã đến.
Chương cau mày, nhìn chiếc xe ô-tô đậu bên cổng, rồi thủng thỉnh bước vào.
Chàng ngả đầu chào bà phủ. Khiết và Đoàn đưa tay bắt tay chàng, còn Thu thì đứng nhìn chàng nửa như buồn rầu, nửa như bẽn lẽn.
Bà phủ cười bảo Chương:
– Ông đốc ngủ trưa lắm nhỉ.
– Bẩm bà lớn, một tuần lễ cháu chỉ được ngủ trưa có ngày chủ nhật.
– Mời ông ngồi chơi. Thu! Con đi pha nước ông đốc xơi. Rồi bảo chia bài.
Đánh xong một hội, ăn cơm cũng vừa.
Đoàn tán một câu:
– Bẩm cụ vâng, ắp-pê-ti-tip một hồi thì vừa lắm.
Chương cúi xuống để giấu sự bất bình hiện ra nét mặt. Lúc đặt chén nước lên bàn, Thu thoáng thấy thế, liền quay lại nói với mẹ.
– Bẩm mẹ, sắp được cơm. Xin để ăn rồi hãy đánh.
Chương đưa mắt nhìn Thu, Thu hơi mỉm cười. Chương cũng đáp lại bằng một nụ cười kín đáo như để cám ơn nàng đã đồng ý với mình.
Rồi Thu lảng xuống nhà, sắp cơm. Chương sung sướng. Chàng chỉ muốn Thu không có ở trong phòng khách vì lấy làm chướng mắt thấy Đoàn săn sóc quanh mình nàng. Còn một lẽ nữa, chàng không dám tự thú:
là chẳng biết sao, hễ thấy cặp mắt dịu dàng của Thu để tới mắt mình thì chàng lại ngọng nghịu và nóng bừng cả mặt. Chàng nhận thấy rằng cái tính bẽn lẽn ấy chàng vừa mới có.
Hay là bởi bấy lâu ghét đàn bà, chàng không gần gũi chuyện trò với bọn họ, nên nay cặp mắt đen láy của một thiếu nữ làm cho chàng phải khó chịu.
Đã lắm lúc, Chương tự lấy làm đáng tức cười và toan đứng dậy chào bà phủ để đi về, thoái thác là mình nhức đầu. Nhưng tuy nghĩ thế mà chàng vẫn ngồi lì ở ghế, không nhúc nhích. Và, đưa mắt liếc chỗ sập gụ, Chương thấy bà phủ đương thân mật nói chuyện với Khiết nên chàng không muốn lại gần.
– Mời ông xơi nước.
Bấy giờ Chương mới kịp để ý đến Đoàn ngồi trước mặt.
– Không dám, mời ông.
– Thưa ông, ông làm giáo sư ở trường Bảo Hộ?
– Vâng.
– Ông thi ra năm nào?
– Năm hai mươi bốn.
– Thảo nào mà tôi không biết ông. Năm ấy tôi mới vào Cao đẳng.
Hai người ngồi nói chuyện về việc học, hỏi thăm nhau về các ông giáo, các bạn cũ, về mọi sự thay đổi trong trường. Thỉnh thoảng tiếng cười nịnh của Khiết lại khiến Chương phải quay nhìn tới chỗ sập gụ. Có lẽ Đoàn cũng có một ý tưởng như Chương vì chàng thì thầm hỏi:
– Ông có quen ông huyện Khiết?
– Thưa không. Nhưng tôi thường nghe anh em nói chuyện đến ông ta.
– Vậy ông quen bà phủ?
– Cũng không. Tôi ở gần đây, nên bà phủ tìm sang đánh tổ tôm.
Chàng mỉm cười nói tiếp:
– Mà mới mãi hôm qua tôi mới đánh canh đầu.
Chương cố lấy giọng điềm nhiên nói câu ấy, làm như mình không lưu ý đến bà phủ và cô Thu. Thực ra, ngày bốn buổi qua biệt thự “Bạch Cúc”, chàng chẳng khỏi nhìn vào trong vườn, và hễ thoáng gặp bóng Thu ở đó, chàng lại ngoảnh mặt đi ngay. Lâu nay đã trót đóng vai ghét phụ nữ, chàng vẫn phải giữ cử chỉ, ngôn ngữ và dáng bộ lãnh đạm như thế. Thành thử lúc bất thần, trái tim chàng hồi hộp thì chàng lại cố sức tự phản kháng, tự chế lòng yêu của mình. Rồi chàng sung sướng hay tự cho mình là sung sướng với cái đời trơ trọi, cái đời không tình, không cảm.
Chương tự hỏi:
“Nhưng về phần Thu sao bỗng dưng nàng lại có cảm tình với ta?”. Tự hỏi rồi chàng tự trả lời ngay:
“Đã biết đâu người ta có cảm tình với mình!”. Chàng nghĩ thế thì chàng mỉm cười thầm, khiến Đoàn tưởng chàng chế nhạo mình, đứng dậy đi ra ngoài hiên hút thuốc lá. Song Chương cũng chẳng lưu ý tới Đoàn. Chàng đương đăm đăm nghĩ đến câu phê bình của một bạn đồng nghiệp. Câu ấy còn như văng vẳng bên tai chàng:
“Anh Chương ạ, thằng Phương nó gan quá, hễ thấy con gái nào nhìn nó là nó cho rằng người ta yêu nó, người ta cảm động, hồi hộp vì nó, thế là đêm hôm ấy, nó loay hoay mất ngủ”.
– Mời anh giáo xơi nước.
Chương giật mình ngẩng mặt nhìn lên:
Thu tươi cười đặt hộp thuốc lá Ănglê xuống bàn.
– Cám ơn cô.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây