Lãng Tử Hồi Đầu
Trúc Chi, tác giả “đó đây” (tùy bút, nhà xuất bản Văn Học, Hoa Kỳ, 1999), tên thật là Tôn Thất Kỳ. Sinh năm 1934. Học ở Huế và Đà Lạt. Vào ngành thông tin báo chí từ năm 1960. Biên tập viên ban Việt ngữ đài BBC. Tiếp tục làm cho đài này sau khi rời Luân Đôn vào năm 1967. Làm cho thông tấn xã Reuters, tại Singapore. Cho tới năm 1975, thông tín viên cho Reuters tại Việt Nam và một số các quốc gia Đông Nam Á.
Người viết giới thiệu dài dòng về tiểu sử của ông, là vì một câu hỏi mà bất cứ ai đã từng làm quen với những tuỳ bút của Trúc Chi, đều phải tự hỏi: cả cuộc đời trẻ trung của ông, là liên quan tới báo chí, với lối viết tin “ngắn gọn, trình bầy sự kiện…”, tại sao về già, ông chọn lối viết gần như trái ngược hẳn với “thói quen” của ông? Tại sao lối viết “cà kê, dê ngỗng” đó? Liệu nó có thực “cà kê, dê ngỗng”â không? Liệu có thể sử dụng một lối văn khác, để viết về những chuyện “đó đây” đó?
Sau đây là một số đề nghị, nhằm lý giải câu hỏi nêu trên.
“Không ai bắt mình viết cả, nhưng mà tôi lại phải ngồi vào bàn…” (Một Nét Thu). Và ông giải thích cái lý do phải ngồi vào bàn: Tự nhiên mà không để ý đến ngày tháng, không nhìn tờ lịch, tôi đã biết thu đã lẩn quẩn đâu đây rồi.
W. Faulkner cho rằng, con người là tổng số những kinh nghiệm về thời tiết. Nhưng ở một chỗ khác, ông thêm vô: con người là tổng số những kinh nghiệm về khổ đau.
Thành thử cái lý do ngồi vào bàn của tác giả, có cả hai.
Chao ôi binh lửa ôi binh lửa/Ai giẹp giùm ta trận giặc này… Còn lòng tôi, nghĩ đến thân nhân, bạn bè quê hương xứ sở, lúc này là cả một trận phong ba… (Cành Phượng Tím).
Ai giẹp giùm ta? Trận giặc nào?
George Steiner, qua một cuộc phỏng vấn, được hỏi, ông còn mê viết tiểu thuyết hay không, đã trả lời: Tôi cứ loay hoay với một đề tài nó làm tôi đứt ruột đứt gan. Tôi cứ bắt đầu hoài một câu chuyện nho nhỏ như vầy: Chúng ta đang ở tại một hòn đảo xứ Hy Lạp, thời kỳ mấy ông tướng đang làm mưa làm gió, hay ở Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc Nam Mỹ… Bất cứ nơi nào trên trái đất, nhưng phải là một nhà nước cảnh sát. Một người đàn ông trở về nhà với vợ, với con, và… đúng vào lúc họ ngồi vào bàn ăn, hoặc đi vô giường ngủ, là bà vợ “ngửi” ra cái mùi hôi hám đồ tể ở nơi anh chồng (anh ta đã tra tấn người suốt buổi). Anh chồng chưa hề nói với vợ, nhiệm vụ của anh ở trong ngành, vậy mà bà vợ biết.
Đề tài này, theo Steiner, cội nguồn của nó, là từ Lysistrata, của Aristophanes, về những người vợ không chịu ngủ với chồng, chỉ khi nào anh ngưng chém giết, thì mới cho anh “động phòng”! Ở đây, với Steiner, còn là vấn đề: một căn bịnh khủng khiếp đã tác động vào chính cái hành vi ân ái, sau cùng những người vợ bắt đầu “làm thịt” mấy ông chồng…
(Đề tài này, như tôi biết, được Phạm Thị Hoài sử dụng ngược lại, trong một dụ ngôn, viết về những chàng trai tơ trước khi ra chiến trường, được hưởng mùi đời lần đầu tiên, và có thể là lần cuối cùng. Và họ cứ thế lao vào cái chết. Liệu có một trùng hợp thú vị ở đây, theo đó, Phạm Thị Hoài đã được gợi hứng từ Lysistrata?)
Vẫn Steiner, đã chỉ ra sự khác biệt của văn chương Tây Phương, giữa hai Cuộc Chiến Lớn. Cuộc chiến 1914-1918 đưa tới những tác phẩm cổ điển như “Thôi Đừng Diễn Hành” (No More Parades), của Ford Madox Ford, “Lửa” (Feu), của Barbusse, “Phòng Lớn” (Enormous Room) của Cummings, “Giã Từ Vũ Khí” (Farewell to Arms) của Hemingway, âm hưởng chiến trường và thái độ của người dân ở chương cuối của Proust. Những tác phẩm lớn về thảm họa thứ nhì là phóng sự và chứng nhân tức thời: “Bay Đêm” (Vol de Nuit) của Saint-Exupéry, “Hiroshima” của Hersey, “Nhật Ký” của Anne Frank, “Ghi Chú từ Ghetto Warsaw” của Emmanuel Ringleblum. Không một nhà thơ, không một tiểu thuyết gia nào, cho tới nay, có thể đem đến cho thực tại trại tập trung, sự sáng suốt nghiêm ngặt, làm chủ kinh nghiệm, như là chúng ta nhận thấy ở trong nghiên cứu xã hội “Trái Tim Biết” (The Informed Heart), của Bruno Bettelheim. Giả tưởng ngậm câm trước tính lớn lao của sự kiện; trước uy quyền lồng lộng như thế, chỉ có phóng sự không hoa hòe hoa sói mới có thể làm bật ra được.
Đọc Trúc Chi, tuy ông nói chuyện cà kê dê ngỗng, nhưng lúc nào tôi cũng ngửi thấy cái mùi toát ra từ những bản tin ngắn gọn ngày nào, ngày nào…
Cũng có thể giải thích, Trúc Chi rất mê Nguyễn Tuân của tuỳ bút. Và khi ông viết, ông đã viết lại những trang sách của Nguyễn Tuân, nhưng với một sự khác biệt. Trong tuỳ bút của Nguyễn Tuân, chỉ có Nguyễn Tuân. Ông bầy biện người này, cảnh nọ, thì cũng liên quan đến Nguyễn Tuân. Những Cô Tơ, Con Vượn Gầy, Bá Nhỡ… đều mang hơi hám Nguyễn Tuân. Với Trúc Chi, những nhân vật của ông là do cơ may, ông gặp được, khi làm nghề phóng viên đi đây, đi đó. Ý nghĩa của tập tùy bút, là tính không gian đó đây, và những sự kiện, và những nhân vật của nó. Không có họ, không có “đó đây”. Sự khác biệt thật là lớn lao. Độc giả đọc bất cứ trang sách nào của “đó đây”, cũng có thể làm quen với một nhân vật, hoặc dễ thương, hoặc ngậm ngùi, hoặc có thể đáng giận nhưng không đáng ghét… Tôi đã có lần viết về nhân vật Hương Cơ, và tiếng đàn “thuyền mấy lá, đông tây lặng ngắt” của người đẹp. Nhưng Hương Cơ không được may mắn như nàng kỹ nữ bến Tầm Dương: không phải thuyền mấy lá lặng ngắt vì tiếng đàn, mà là: tiếng đàn lặng ngắt, trước tính dã man của sự kiện, của biến cố Mậu Thân. Của cuộc nồi da nấu thịt. Bạn đọc khó có thể quên được một nhân vật như vậy. Làm sao có thể quên chi tiết về một trận pháo kích: “Hôm trước, khi đến xem vụ pháo kích trường tiểu học Cai Lậy tôi thấy anh không lăng xăng quan sát, hỏi tin tức như thường lệ mà lại đứng thừ người nhìn tử thi mấy đứa trẻ tội nghiệp có vẻ như … đang cầu nguyện”.
Phải nói là nhiều nhân vật như vậy. Nhiều chi tiết như vậy. Độc giả đã làm quen với một chị Hoài của Nguyễn Tuân, làm sao không muốn làm quen thêm một chị Đàn. Đứa bạn trai của đứa em, khi rời “thiên đường tuổi thơ ở Đà Lạt”, lớn lên lăn lộn với đời, có thói quen nhắc ly rượu lên uống là phải để đúng vào cái dấu trôn để lại, nhờ vậy mà không thể nào quên hai từ “tĩnh lự”, bữa ăn khoai lang nghẹn thở, thói dễ ghét của người chồng chị Đàn (cái tật duy nhất của anh mà tôi biết là anh cứ đứng chỉ nước cho cả hai bên mỗi khi xem Đạt và tôi đánh cờ tướng. Dễ ghét lạ.) Ba từ “dễ ghét lạ”, như để giải thích những câu sau đó (Chưa kịp cám ơn, chị đã cốc nhẹ vào đầu tôi), hay là đoạn cuối: “… Cái người chỉ những điều sơ đẳng về phép tĩnh lự cho chị Đàn, là bồ cũ của chị… Toa kể chuyện đời một người nhiều tình cảm như chị Đàn mà lại không nhắc nhở chi đến tình yêu là vụng lắm. Dù là tình học trò vớ vẩn…”.
Tôi nghĩ, phần lớn những nhân vật ở trong “đó đây”, đều là tri âm của tác giả. Trong đời sống, ông đã từng gặp họ, rồi không thể quên được họ. Nào là người sĩ quan tên Duy, câu chửi đổng (Đ.M. tin tức nào mà chờ mấy thằng báo chí đi trễ), cử chỉ (nhét quyển sách chưởng vào túi), bữa cá nướng hết xẩy, tí nhạc sống, nữ ca sĩ tài tử tên Huyền, và buổi hát “trùng phùng”: “Bây giờ là đỡ rồi, hồi trước cứ hát xong bài Buồn Tàn Thu là chỉ khóc ròng… Không biết thiếu tá có để ý không, chứ hồi nãy đến cái chỗ “nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần” chỉ còn rơm rớm nước mắt đó. Em sợ chỉ khóc lớn thì hư cả buổi tối hôm nay. May quá!”. Nào là cái ông bạn tên Pháp (Nguyễn Nhược Pháp), và câu trả lời (Cũng chỗ quen biết cũ), trong lần tác giả ghé thăm Hà Nội…
Vả chăng, tuỳ bút, ở thời đại Nguyễn Tuân, vẫn nằm trong dạng “tĩnh” của nó, chưa thực sự va chạm với đời sống, và đời sống cũng chưa “ròm rỏ” nhiều đến nó. Tôi muốn nói, xã hội thuộc địa hồi còn thực dân Pháp, trước năm 1945, và những nhân vật “nhà văn, nhà báo” như Nguyễn chẳng hạn; họ không thể tưởng tượng ra một nơi chốn mơ tưởng nào khác, bên ngoài những cuốn sách: nhà hát ả đào, cuộc bù khú với bạn bè kế bên một ngọn đèn. Nhân vật, ngôn ngữ, thể loại (tùy bút), đều cảm thấy thật “an toàn”, trong môi trường khép kín như vậy.
Phải tới sau Cuộc Chiến Lớn, và cùng với nó là những điều “không thể nói được”, mọi vấn đề của ngôn ngữ, thể loại văn học mới cảm thấy mất đi sự an toàn “đời đời” của chúng. Ngày nay, thật khó mà gọi, một thể loại viết như ở trong “đó đây”, là “tùy bút”, với tất cả những quan niệm cũ kỹ về nó, từ thời Nguyễn Tuân. Tôi nghĩ, nên gọi chúng là “tiểu luận” (essay).
Sẽ có người bực mình. Tiểu luận, là phải có “vấn đề”, (viết về cái gì, mở đề ra sao, thân đề thế nào, kết luận có không….). Cái kiểu viết đầu cua tai nheo, “viễn mơ”, hoặc nhắc tới hết ông này bà nọ, hoặc khi người đời đang bận rộn với những vấn đề nóng bỏng, nào con bọ, nào tận thế… vậy mà nhân vật xưng tôi lại đâm ngang một câu, rằng làm sao có một chút khói cho một buổi chiều đẹp như thế này, ở nơi quê người!
Trong bài viết Mở Đầu cho tập “Những bài tiểu luận hay nhất ở Mỹ trong năm 1998”, Robert Atwan kể lại thời gian ông dạy đại học, và để ý sinh viên nào cũng thuộc nằm lòng, cách viết một bài essay, mà họ gọi là theme (nghị luận, chủ đề). Một Nghị Luận Hoàn Hảo (Perfect Theme), là như thế này: một đoạn mở đầu, có một câu thuộc loại “Đức Khổng Tử nói”, một thứ định nghĩa, definition, (someone named Webster). Sau đó là thân bài, mở rộng câu phán, tư tưởng chính (the main idea). Rồi tới kết luận (tóm lại đoạn thân bài), và nó thường bắt đầu như vầy: Như vậy, chúng ta thấy rằng…
Kinh nghiệm trên, tôi đã từng trải qua, khi đi học, dốt tiếng Tây, học thuộc lòng mấy câu, khi làm bài Nghị luận đạo đức (Dissertation morale). Theo Atwan, những sinh viên của ông không hề để ý đến chuyện, viết là một hành động khám phá, một cơ hội để nói về một điều mà trước đây chưa từng có ai nói. Ông trích dẫn Robert Frost; nhà thơ Mỹ này cho rằng, với rất nhiều người, suy nghĩ có nghĩa là bỏ phiếu, đi bầu. Tại sao lại lao tâm khổ trí với ba chuyện viết lách về một vấn đề, trong khi chỉ cần, một cuộc thăm dò dư luận (opinion poll)?
Theo Atwan, một essay hay đưa tới một kết luận “chẳng kết luận gì hết” (a “conclusion in which nothing is concluded”). Cứ lửng lơ con cá vàng. Muốn hiểu sao thì hiểu. (Tôi nhớ có lần, khi còn đi học, cả đám bạn bè xúm quanh nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, truy ông tới cùng về một câu thơ trong bài Phục Sinh: Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường. Sao là tại sao, hay sao là những ngôi sao, hay sao là làm sao… Thi sĩ cười: muốn hiểu sao thì hiểu!)
Với “đó đây”, bạn chỉ cần chú tâm một chút, là nhận ra sợi dây dẫn nằm bên dưới những câu chuyện tưởng như tào lao, đầu ngô mình sở đó. Sợi dây dẫn, là mượn thuật ngữ phê bình Tây Phương (fil conducteur). Mấy nhà phê bình ở trong nước thường gọi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, ngụ ý cần phải có đảng tính, có “máu” ở trong đó. Đông Phương ta gọi là: rắn nằm trong cỏ. Cỏ ở đây, có thể là ba cái mớ bòng bong mà người ta gọi là cuộc nồi da nấu thịt, vẫn còn dây dưa tới bây giờ. Rắn là chuyện đó đây, giữa một số người có mắc míu tới nó. Hoặc rắn, chính là kỹ thuật viết của Trúc Chi.
Liệu có một cách viết khác, cho “đó đây”? Vẫn Steiner, sau khi chỉ ra sự khác biệt về thể loại văn chương giữa hai cuộc chiến lớn, ông cho rằng: “có vẻ như chúng ta đang ở trong giao thời, nếu nói về tài liệu mang chất thơ (poetic documentation), một thời mà những kỹ thuật và những qui ước của tiểu thuyết được sử dụng để bầy ra chất liệu mang tính tâm lý, xã hội và khoa học. Thể loại phóng sự và cách trình bầy sự kiện như hiện nay, là kế thừa những tự do của tiểu thuyết.” Nguyễn Tuân, trong suốt cuộc chiến, khi để cho tùy bút đụng đầu với thực tế, nó đã mất đi sức tưởng tượng (của tác giả: một người mê đọc sách, thèm giang hồ…) , sự an toàn (của tầng lớp nhà báo, trung lưu, sống bên trong sự bảo hộ của nhà nước Đại Pháp…) và cuối cùng trở thành (thể loại) ký. Ký, theo tôi, là một tiền-tùy bút. Khi nhà văn xuất hiện, nó biến thành tuỳ bút, giả tưởng, hoặc gì gì đó. Tôi tin rằng, những chi tiết ở trong “đó đây”, chắc chắn đã được tác giả lưu giữ trong những cuốn “sổ nhật trình” từ những ngày nào, ngày nào; bây giờ được tác giả đem ra, tẩm vào chúng cái con người tình cảm, tế nhị, hóm hỉnh, và cũng thật lãng đãng là chính mình…
Lãng Tử Hồi Đầu, là “biệt hiệu” của nhân vật xưng tôi, khi trở về Việt Nam, và được cô em gái (quê hương?) ban tặng. Nó gợi nhớ Sự Trở Về của Đứa Con Hoang Đàng, trong Kinh Thánh. Và nó cũng liên can tới “lịch sử” Việt Nam. Huy Cận, với Lửa Thiêng (1943), đã nói lên cú hồi đầu “đầu tiên”:
Hồn lưu lạc không hề thờ một chúa
Yêu một người, ta dâng cả tình thương.
Trong khi đó Vũ Hoàng Chương, đã không chấp nhận “yêu một người”:
Biển vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy lênh đênh.
Phương hướng, ý nghĩa về một lịch sử tuyến tính, hướng tới một ngày mai ca hát…: không có ta!
[Như người viết được biết, thời kỳ 1946, một số thi sĩ như Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Định (?) – em Vũ Hoàng Chương – Đinh Hùng, Trần Dần, đã thành lập một nhóm thơ tượng trưng, ra số báo đầu tiên tháng 11/1946, có tên là “Địa Ngục”. Tháng Chạp 1946: toàn quốc kháng chiến. Trần Dần, thi sĩ (chủ trương thơ tự do), họa sĩ (lập thể), ở lại, và dính vào vụ Nhân Văn. Tinh thần của nhóm theo Vũ Hoàng Chương vào Nam. Nhóm Sáng Tạo, một phần thoát thai từ Miền Bắc, là theo nghĩa này. Thanh Tâm Tuyền rất “nể” Vũ Hoàng Chương, nhất là chi tiết thú vị: về già ông còn làm một tập thơ (hay một bài thơ?) lấy tên là Ngồi Quán].
Từ “Lãng Tử” còn gợi nhớ từ “Lãng Nhân” (Phùng Tất Đắc rất “tâm đắc” từ này). Lãng Nhân, là từ “Ronin”, dùng để chỉ một võ sĩ Nhật Bản, đã mất chúa, trở thành “lính đánh thuê” (mercenaire, hit man). Nó còn là tên một chiêu thức võ công của Kim Dung. (Nếu gọi cách viết của ông là Lăng Ba Vi Bộ, như vậy ông thuộc môn phái Kim Dung!) Lãng Tử Hồi Đầu còn làm chúng ta liên tưởng đến mấy câu hát ru con, của một bà vợ trong tùy bút Nguyễn Tuân, nhân ngày trùng phùng với ông chồng chỉ mong “khi chết đi, người đời sẽ thuộc da mình, để làm một chiếc vali” (Paul Morand):
Ba năm lưu lạc giang hồ
Một ngày gây dựng cơ đồ, vẫn nên.
Chúng ta cũng có thể giải thích trường hợp “đó đây”, qua tác phẩm “Trái Tim Biết” (The Informed Heart), đã nói ở trên. Khi làm phóng viên, Trúc Chi đã nhận được những thông tin (information). Do cũng được quen biết tác giả, ông có lần tâm sự, ông có cái may là lâu lâu được nhẩy ra khỏi lò lửa, để suy nghĩ về nó. Những thời gian quí báu này, mở ra một trái tim biết; “đó đây”, là một essay, về cuộc chiến, là như vậy: Qua cái mớ bòng bong “cà kê dê ngỗng” đó, có đủ sự thực, để cứu vớt một kẻ dạn dầy. (1)
Với riêng tôi, với “đó đây”, là một anh chàng lãng tử phóng viên, hồi đầu với tuỳ bút. Với văn chương.
Xin chúc mừng!
Nguyễn Quốc Trụ
Chú thích:
Mô phỏng Conrad, trong “Trái Tim của Bóng Đen” (Heart of Darkness): “There was surface-truth enough in these things to save a wiser man.” Một người đàn ông khôn ngoan hơn (a wiser man), là từ dòng chót “Bài thơ của Người Thủy Thủ Già”, của Coleridge:
A sadder and wiser man
He rose the morrow morn.
[Theo ghi chú của Catherine Pappo-Musard, khi dịch Trái Tim của Bóng Đen qua tiếng Pháp.]
(Một người đàn ông buồn hơn, dạn dầy hơn,
Buổi mai thức giấc).
NQT
Nguồn: dtv-ebook.com