“Một thế kỷ trước, người ta thi thoảng mới phải đứng trước những ngã ba của cuộc đời và phải chọn lấy một hướng đi. Hôm nay, chúng ta sống bên trong một tấm vi mạch với hàng triệu con đường mở ra và đóng lại trong mỗi một phần tỉ giây. Điều tệ hơn là có ai đó đang bấm những chiếc nút”.
Khi may mắn được biết đến tác giả Nelson Demille qua hai cuốn tiểu thuyết “Phía sau thảm họa” và “Lửa hoang”, tôi thật sự ưa thích những câu chuyện ly kỳ của tác giả này. Do đó, tôi đã để dành cuốn “Đảo Plum” khá lâu trước khi quyết định lấy ra đọc để vượt qua quãng thời gian hơi buồn chán trong việc đọc sách. Cuốn “Đảo Plum” đã giúp tôi có quá trình đọc thật sự thú vị, cười rất nhiều, say mê theo dõi những đoạn phiêu lưu máu lửa của nhân vật, và cuối cùng khép sách lại với cảm giác thỏa mãn 130%.
Nhân vật chính vẫn là thanh tra cảnh sát John Corey thuộc lực lượng cảnh sát New York, nhưng lần này không có cô vợ xin-lỗi-tôi-quên-tên-cô-ấy-rồi bên cạnh. Truyện chỉ đề cập thoáng qua đến vợ cũ của ngài Corey, được cho biết rằng nghề nghiệp là luật sư. Bối cảnh truyện bắt đầu khi John Corey đang ở nhà ông cậu tại vùng North Fork của bang Long Island, New York để dưỡng thương sau khi bị bắn. Cảnh sát trưởng của vùng đến nhờ John tham gia với vai trò tư vấn vào cuộc điều tra vụ án mạng đôi, nạn nhân là hai vợ chồng nhà Gordon – từng là bạn với Corey. Vợ chồng Gordon là hai nhà khoa học làm việc tại Trung tâm nghiên cứu bệnh dịch động vật trên đảo Plum, thực chất cũng là nơi nghiên cứu về các mầm bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm để phục vụ tấn công hoặc phòng thủ trong trường hợp xảy ra chiến tranh sinh học / chiến tranh vi trùng. Trong quá trình điều tra, John Corey có dịp gặp gỡ những điều dễ chịu: quen được cô cảnh sát xinh đẹp thông minh Beth Penrose và chuyên gia lưu trữ tư liệu Emma Whitestone, nhưng đồng thời cũng đụng độ những gã khó nhằn và nhiễu sự thuộc FBI và CIA. Vì tình bạn với hai nạn nhân đã bị sát hại, Corey bất chấp mọi trở ngại để truy tìm hung thủ, dù điều đó thật sự gian nan.
Trong cuốn tiểu thuyết này chỉ có một yếu tố mang hơi hướm hiện đại là chiến tranh sinh học, những điều còn lại vẫn khiến tôi đoán định rằng đây là một truyện trinh thám cổ điển, có lẽ vì chất nam tính cổ điển đậm đặc toát ra từ nhân vật chính. Truyện cũng không thấy nói gì đến lấy dấu vân tay, xét nghiệm nhóm máu, điều tra hiện trường kỹ lưỡng như trong những cuốn của Jeffery Deaver. Nhận xét thẳng thắn thì nhịp truyện khá chậm, quá trình điều tra được mô tả chi tiết tỉ mỉ, không ít lần dừng lại ở những đoạn chém gió giữa nam chính với nữ chính 1 và nữ chính 2, vậy mà không hiểu sao tôi vẫn kiên nhẫn + thích thú đọc từng đoạn đến hết, không lướt trang nào. Có lẽ vì giọng văn vừa nghiêm túc vừa hài hước, cách xây dựng quan hệ nhân quả đọc thấy rất hợp lý, xen kẽ giữa những đoạn suy luận sắc bén là những trường đoạn hành động rất gây cấn, đúng kiểu không thể buông sách xuống. Đầu sách có lời bình của Dan Brown rằng “Nelson Demille là một bậc thầy về tiểu thuyết trinh thám”, quả thật như vậy, tuy cuốn “Đảo Plum” không được nhiều người khen như “Phía sau thảm họa” hoặc “Lửa hoang” nhưng cá nhân tôi cho rằng chỉ riêng cuốn “Đảo Plum” cũng hấp dẫn hơn vài trong số những cuốn Dan Brown mà tôi từng đọc. Đọc cuốn này, tôi cũng thấy rằng không phải chỉ có tác giả kiêm chuyên gia hàng hải Clive Cussler là có thể tả đại dương một cách ấn tượng. Trong “Đảo Plum”, Nelson Demille đã khiến tôi (và chắc là hàng ngàn độc giả khác trước và sau tôi) khó có thể quên những trường đoạn tả cảnh hành động trên biển và trong bão biển. Dù không có lời nào trực tiếp nói rằng “thiên nhiên thật hùng vĩ và đáng sợ” nhưng trong từng khoảnh khắc người đọc vẫn sẽ cảm nhận rõ rệt thiên nhiên hùng vĩ và đáng sợ trong truyện này.
“Chiếc Plum Runner lách qua eo biển hẹp vào một vịnh nước nhỏ, dường như được tạo ra không phải bởi Thượng Đế vạn năng mà là quân đoàn xây dựng, những người thích đặt những nét hoàn thiện vào những công trình của tạo hóa”.
Qua những cuốn của Nelson Demille mà tôi từng đọc, tôi đã ấn tượng với tính cách của nhân vật John Corey. Đến cuốn “Đảo Plum”, nhân vật này đặc biệt thể hiện rõ nét sự ngang tàng, mạnh mẽ, vô cùng hài hước, galant với phụ nữ ngay cả khi tính mạng bản thân đang lâm nguy nhưng vẫn giữ vững bản chất “vô độc bất trượng phu”. Trong hai cuốn trước mà tôi đọc, John Corey có một người vợ cũng là cảnh sát, tính cách độc lập và xuất sắc không kém chồng. Trong cuốn này, có lẽ vì Corey đang chờ đơn ly dị và độc thân tự do quyến rũ nên nam chính chiếm 60% ‘thời lượng’ truyện. Tôi thích cách Corey rất hiếm khi kiềm chế khi bị hút về phía phụ nữ, đã thích thì tấn công dữ dội, nhưng khi quyết định không dính dáng đến nữa thì lạnh lùng như sông băng. Tuy như vậy sẽ khiến phụ nữ có chút đau lòng, vì hầu hết nữ giới luôn khao khát được khao khát, nhưng cá nhân tôi tán đồng những người đàn ông cương quyết trong tình cảm (và trong những chuyện khác), thà rằng cắt đứt từ khi chưa có gì còn hơn khiến dây tơ hồng vướng víu khắp các lối mình từng qua. ____ Có lẽ vì lý do này mà tôi bắt đầu thích nhân vật John Corey nhiều hơn cả Dirk Pitt, đang mấp mé thích hơn cả Jack Reacher!
Hãy xem vài câu nói khá hay ho của John Corey:
“Ngoại giao là nghệ thuật nói những thứ khốn nạn cho dễ nghe, cho đến khi tìm được một hòn đá”.
“Thật khó khi bạn có nhiều câu hỏi vào lúc hai giờ sáng, bạn lại đang căng lên vì chất cà phê và không có ai muốn nói chuyện với bạn”.
“Những người làm chính trị sợ bất cứ thứ gì mà họ không hiểu, mà họ thì lại chẳng hiểu được thứ gì”.
Tôi cũng thích cả hai nhân vật nữ trong truyện: Beth Penrose xinh đẹp như người mẫu và can trường như chiến binh, Emma Whitestone tinh thông kim cổ và tự tin trong ..mmhh.. một lĩnh vực quan trọng + cần thiết của cuộc sống (tức là tình dục). Tôi tin rằng ngoài đời thực vẫn có những phụ nữ dù bị vết thương đạn bắn nhưng vẫn có thể trải qua nhiều giờ lao đao trên một chiếc tàu cao tốc giữa cơn bão biển để săn lùng hung thủ, nhưng khi đọc thấy nhân vật Beth Penrose thực hiện những điều đó, tôi vẫn vô cùng thán phục cô ấy. Cả hai nữ chính đều có thể đối đáp ngang hàng với một John Corey tếu táo trong mọi thời điểm (kể cả lúc sắp chết). Dù bản thân không thích hình tượng Mary Sue nhưng khi đọc “Đảo Plum”, tôi vẫn mơ mộng mình sẽ có được sự kết hợp những ưu điểm của cả hai nữ chính trong truyện. Vâng, tôi vừa tham lam vừa phi thực tế.
Tuy từ nhỏ đã có niềm yêu thích đặc biệt đối với truyện trinh thám (từ khi tôi còn chưa biết sách chia ra nhiều thể loại và trinh thám là một trong những thể loại đó) nhưng do tham gia hội trinh thám khá muộn (4~5 năm sau khi thành lập) nên tôi đã bỏ lỡ không mua nhiều cuốn hay, trong đó có những cuốn của Lee Child và Nelson Demille. Tuy vậy, tôi rất may mắn được các anh chị trong hội quý mến và rộng lượng cho mượn thật nhiều sách, kể cả sách cũ hiếm, do đó tôi vẫn có cơ hội được đọc những cuốn không còn bán ngoài thị trường, chẳng hạn như “Đảo Plum”. Đây là một cuốn sách bản to, bìa cứng, đủ nặng để không thể nằm đọc, thuộc loại sách mà tôi rất thích ôm đọc đến khi mỏi cả tay. Truyện được dịch thuật tốt, trình bày ổn, cốt truyện và văn phong đều khiến tôi hài lòng. Điều buồn cười duy nhất là thiết kế bìa quá kỳ dị.
(Sea, 10-2-2021)