Tôi tên là Batuk. Năm nay 15 tuổi, tôi có một cái ổ tại Đường Chung ở Mumbai. Tôi đã ở đây 6 năm và được ban tặng một nhan sắc xinh đẹp cùng một cây bút chì.
Cuốn Sổ Màu Xanh mở đầu bằng trang đầu tiên nhẹ nhàng như thế. Nhẹ nhàng, nhưng là để che giấu một câu chuyện tàn khốc và gây phẫn nộ khi nhân vật chính của nó, một cô bé, bị biến thành gái điếm khi em mới chỉ 9 tuổi.
Một cuốn sách nhỏ, về một cô gái nhỏ sống trong cái ổ của mình cùng những đứa trẻ khác với công việc “làm bánh” đầy tủi hổ và nhục nhã. Cuộc đời Batuk cũng như cuộc đời hàng chục đứa trẻ khác, cả nam lẫn nữ, bị mua bán, bị lạm dụng, bị bóc lột cơ thể vì lợi ích của những người lớn nhẫn tâm chôn vùi các em xuống bùn. Lối thoát của em, cuốn nhật ký, không chỉ là một câu chuyện mà còn là một hiện thực được thể hiện bằng văn chương và những câu chuyện hư cấu. Ở đó em được sống với tâm hồn bay bổng, với bình yên và những hy vọng.
Cuốn Sổ Màu Xanh không êm đềm như cái tên nó làm nhiều người lầm tưởng. Những trang sách dễ dàng khiến người đọc bị ám ảnh, vì số phận con người, vì ước vọng chan chứa của một cô bé 15 tuổi không thể thoát khỏi số phận mình, vì những giá trị lớn lao Batuk đã dùng cuộc đời mình trả giá và gửi thông điệp đến nhân loại.
“Cuốn sổ màu xanh” là hình ảnh cô đọng về thân phận của những đứa trẻ hành nghề mãi dâm ở Ấn Độ, mà nhân vật chính là cô bé Batuk 15 tuổi bị người cha ruột của mình đem từ miền quê lên bán cho một ổ chứa ở thành phố Mumbai. Ở đó ngoài công việc tủi nhục, cô chỉ còn một cách duy nhất để giải trí, và cũng là để tìm thấy những khao khát sâu thẳm tâm hồn cô, đó là viết nhật ký. Một cách để cô duy trì cuộc sống. Chúng ta nhận được từ cô bé – không chỉ là những lời gởi gắm tuyệt vọng mà còn là sự thức tỉnh của lương tâm.
Tác giả James A. Levine là bác sĩ người Anh. Trong chuyến đi thực tế ở thành phố Mumbai, ông đã nhìn thấy một bé gái mại dâm đang viết, và hình ảnh đó đeo đuổi tâm trí khiến ông viết nên tác phẩm này.
Nguồn: dtv-ebook.com