Lời nhà xuất bản
Của cải của các dân tộc” một tác phẩm kinh điển đặt nền móng cho khoa học về kinh tế thị trường – được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1776 và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Trong quá trình đổi mới tư duy kinh tế ở nước ta hiện nay, Đại học Kinh tế quốc dân hợp tác với Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức dịch, biên tập và giới thiệu tác phẩm này với bạn đọc Việt Nam.
Những khái niệm kinh tế thị trường rất trừu tượng và khó hiểu, nhưng tác giả đã dùng những hình tượng quen thuộc để cho bạn đọc, ngay cả những người không chuyên về kinh tế, cũng có thể năm bắt được. Những nội dung kinh tế học trong cuốn sách là tài liệu hữu ích phục vụ cho giảng dạy và học tập cũng như nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế. Cuốn sách cũng là tài liệu tham khảo tốt đối với cán bộ nghiên cứu hoạch định chính sách, các cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp ở cấp Nhà nước cũng như các doanh nghiệp.
“Của cải của các dân tộc” là cuốn sách kinh tế học kinh điển tổng hợp nhiều thuật ngữ và khái niệm mà chúng ta mới bắt đầu tiếp cận. Vì vậy, mặc dù chúng tôi đã có nhiều cố gắng song việc biên tập, hiệu đính và sửa chữa không tránh hết những sai sót, nhầm lẫn. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn mọi góp ý của bạn đọc giúp cho lần xuất bản sau được tốt hơn.
Cảm ơn các chuyên gia nước ngoài đã góp ý trong việc lựa chọn và đặc biệt cảm ơn tổ chức SIDA (Thụy Điển) đã trợ giúp và tạo điều kiện cho việc dịch và xuất bản cuốn sách. Chúng tôi cũng cảm ơn Everyman’s Library đã cho phép dịch ra tiếng Việt và xuất bản cuốn sách này.
NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC
LỜI GIỚI THIỆU
Của cải của các dân tộc” là cuốn sách kinh điển lớn đầu tiên về lý thuyết kinh tế. Có thể đi xa hơn nữa và nói rằng về mặt lịch sử, đây là tác phẩm kinh điển lớn nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội. Tôi không muốn nói là cuốn sách này đưa ra những phát kiến cơ bản của chân lý trường cửu (mặc dù chưa phải là cuối cùng) như Những nguyên lý của Isaac Newton trong khoa học vật lý và Nguồn gốc các loài của Charles Darwin trong sinh vật học. Khoa học xã hội hình như không chấp nhận loại thành tựu đó. Nhưng “Của cải của các dân tộc” thực ra rất giống hai cuốn “Của cải của các dân tộc” còn là một mẫu mực về mặt diễn đạt rõ ràng. Khi viết lời giới thiệu về vấn đề giá trị kinh tế khó hiểu trong quyển I, chương 4, Adam Smith nói: “Tôi luôn luôn muốn làm liều là tỏ ra nhạt nhẽo để biết chắc là tôi diễn đạt dễ hiểu”.
Kinh tế học là một môn học phức tạp, và hầu hết các tác giả hiện thời viết về lý thuyết kinh tế đều dùng ngôn ngữ phức tạp. Smith đã cố sức làm cho những đoạn gay cấn trở nên dễ hiểu, và mặc dù đôi khi phải động não khá nhiều, bạn đọc không nhất thiết phải nắm chắc thuật ngữ chuyên môn và giỏi toán học. Nhìn chung, Smith viết bằng tiếng Anh đơn giản. Và mặc dù ông có nói đến sự nhạt nhẽo nào đó trong cách diễn đạt, hầu hết các chương trong cuốn sách đã cuốn hút sự chú ý của người đọc nhờ có một kết cấu được sắp xếp khá tinh vi, mặc dù khi mới đọc sơ qua lần đầu, người ta có thể chưa nhận thấy. Tính chất không phô trương của dàn bài cuốn sách còn thể hiện trong việc Smith sử dụng các ngôn từ hoa mỹ. Khi ông muốn đưa ra một điểm đặc biệt quan trọng, ông không ngần ngại trình bày nó một cách giản dị hoặc đưa ra một ẩn dụ làm cho người đọc sửng sốt và nhớ mãi: “Chính không phải do lòng tốt của người bán thịt, người sản xuất rượu bia hay người làm bánh mỳ mà chúng ta có được một bữa ăn ngon, mà do sự quan tâm của họ tới lợi ích riêng của họ”. Từng cá nhân chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình, nhưng một “bàn tay vô hình” lại dẫn dắt họ thúc đẩy lợi ích chung.
Smith đã biết cách truyền đạt những ý nghĩ khó hiểu bằng một ngôn ngữ giản dị và đôi khi còn dí dỏm nữa ngay từ khi ông còn là giáo sư giảng dạy môn khoa học xã hội tại trường Đại học Glasgow. Sinh viên tại các trường đại học Scotland ở thế kỷ XVIII cũng chỉ bằng tuổi các học sinh trung học bây giờ. Đa số các thiếu niên theo học các lớp của Smith ở vào độ tuổi 12 – 14. Giáo trình bao gồm luân lý học, các nguyên tắc luật pháp và chính thể, kể cả kinh tế học. Nếu muốn cho các vấn đề giảng dạy có sức cuốn hút đối với các em từ 12 đến 14 tuổi, chắc chắn là giáo viên phải tìm mọi cách diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu và bằng những thí dụ giúp chúng có thể nắm bắt được. “Của cải của các dân tộc” thì phức tạp và tinh vi hơn nhiều so với những bài giảng mà từ đó quyển sách được hình thành, nhưng Smith nắm vững mục tiêu mà ông đang theo đuổi và có biệt tài làm cho những người không biết chuyên môn cũng dễ dàng hiểu được những gì ông muốn truyền đạt.
Adam Smith sinh năm 1723 (được rửa tội ngày mồng 5 tháng 6) tại Kirkcaldy ở Fife. Ông sinh ra khi cha ông đã chết từ 4 tháng trước đó. Ông là người con duy nhất của mẹ ông, mặc dù ông còn một người anh cùng cha khác mẹ, tên là Hugh. Mẹ của Hugh chết năm 1717 khi cậu bé mới lên 8. Cha ông tái giá vào cuối năm 1720 nhưng chết hơn hai năm sau đó, vào tháng 1 năm 1723 lúc người vợ kế tên là Margaret Douglas đang có mang. Cả hai đứa lúc đó không được khỏe mạnh, và người thiếu phụ góa bụa đã sống những ngày dài đầy lo âu về chúng. Hugh hình như thể lực có suy yếu hơn nên đã chết năm 1750 ở tuổi 40. Trong hoàn cảnh như vậy, mọi người dễ nhận thấy tình cảm mẹ con của Adam Smith thật là đằm thắm và hết sức trìu mến. Bà mẹ đã sống rất lâu, và chết năm 1784 ở tuổi 89. Bà chết trước Adam Smith 6 năm, và ở chung với con cho đến khi qua đời. Có lẽ vì thế mà ông đã sống độc thân mặc dù ông cũng đã yêu ít nhất một lần trong đời.
…
Mời các bạn đón đọc Của Cải Của Các Dân Tộc của tác giả Adam Smith.
Nguồn: dtv-ebook.com