Coxchia Lùn – I-ô-xíp Lích-xta-nốp

white noise for sleeping link
shopee-sale

Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại đã nổ ra. Tổ quốc của chúng ta đã chiến đấu vất vả với quân thù, giữ vững trận tuyến dài hàng trăm cây số. Những bậc cha, anh của chúng ta không tiếc thân mình đấu tranh chống bọn phát-xít, bảo vệ mảnh đất xô-viết, bảo vệ tự do và độc lập của nó.

Nhiều cuốn sách đã từng viết về những ngày tháng khốc liệt và anh hùng đó: viết về những đội viên du kích quả cảm, những chiến sĩ trinh sát gan dạ, về những trung đoàn, sư đoàn chiến thắng của chúng ta đã giải phóng các thành phố và đất nước…

Cuốn sách “Cô-xchi-a Lùn” của I. Lích-xta-nốp cũng viết về những năm chiến tranh. Song ở đây tác giả không kể về những anh hùng Quân đội Liên Xô mà về mặt trận lao động, về những con người đã làm việc với tất cả sức mình, đôi khi vượt quá cả sức mình trong thời kỳ gian nan ấy tại vùng hậu phương xa xôi – về những người U-ran đã cung cấp vũ khí, xe tăng, máy bay… cho các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Cô-xchi-a Ma-lư-sép, biệt danh là “Cô-xchi-a Lùn” khi tới nhà máy còn là chú bé học sinh nông thôn hoàn toàn non nớt. Chưa hay biết một cái gì nên làm ở nhà máy thật khó khăn đối với em. Sống giữa những người chưa quen biết em buồn nhớ; vùng tai-ga thân thuộc như con nai rừng hoang dại đến nhà máy như để khẩn khoản gọi Cô-xchi-a Lùn quay trở về nhà… Song ý chí, lòng kiên trì, tình bạn hữu, mà điều chủ yếu là nguyện vọng thiết tha làm tất cả những gì có thể làm được cho mặt trận, giúp ích Tổ quốc trong những ngày tháng khó khăn, đã giữ chân Cô-xchi-a Lùn ở lại nhà máy.

Tính cách Cô-xchi-a Lùn, một chú bé vụng về, lầm lì nhưng là một con người có nghị lực, có trái tim nhân hậu đã được nhà văn miêu tả trong truyện một cách nổi bật đến mức bạn sẽ không bao giờ quên nổi chú bé ấy. Cô-xchi-a Lùn là một trong số những nhân vật không hề nghĩ họ là những anh hùng, và đối với họ điều ấy không phải là quan trọng. Họ làm công việc của mình một cách tốt nhất có thể có được, và điều ấy dường như nhiều người có thể làm được. Trong tính cách và năng lực của những con người khiêm nhường, bề ngoài có vẻ bình thường ấy đột nhiên bộc lộ nhiều khả năng đến mức họ trở thành những người lãnh đạo tiến lên phía trước và dẫn dắt những người khác đi theo mình. Cả Cô-xchi-a Lùn cũng là một con người như vậy.

Sáng tạo hình tượng đáng ghi nhớ về người công nhân – thiếu niên phải đứng máy và sản xuất các phụ tùng làm vũ khí bởi vì những người lớn đã ra đi chiến đấu, nhà văn đồng thời đã mở rộng trước bạn đọc cuộc sống và công việc của một nhà máy quân sự lớn – một cuộc sống gian khổ, căng thẳng, sôi động cùng nhịp thở với mặt trận. Trong một cuốn truyện vừa khác của mình, cuốn “Tảng đá xanh”, I. Lích-xta-nốp đã miêu tả một hoàn cảnh dữ dội khi mà “trong các hội trường của các câu lạc bộ máy móc kêu ầm ầm, trên các thảm cỏ là các đống phoi, và phoi bào thép lấp lánh tua tủa”. Trên các nẻo đường “những cỗ xe kéo kéo đi hàng loạt đại bác chỉ vừa mới xuất xưởng, những chiếc xe tải chở bom đựng trong những hòm đan lưới mắt cáo và rồi những chiếc xe tăng với những mối hàn điện mạn thành xe còn mới tinh cũng đã chạy đi”.

Đó chính là vào năm kết thúc bằng chiến trận Xta-lin-grát.

Lích-xta-nốp hiểu rõ và yêu cuồng nhiệt U-ran – vùng đất lạ thường ấy, nơi “hòa trộn hơi thở của một nền công nghiệp lớn với thiên nhiên”, yêu nồng nhiệt những con người quả cảm của vùng đất ấy.

Lích-xta-nốp sinh ra ở U-cra-i-na, tại thành phố Xu-mư năm 1900. Cha ông là thợ may. Khi cậu bé chưa đầy một tuổi thì người đã mất để lại một gia đình đông con. Người mẹ phải đi giặt thuê kiếm ăn, làm tất cả mọi việc có thể làm được chỉ cốt sao nuôi sống được lũ con.

Con cái từ rất sớm đã phải kiếm sống: đứa thì học may, đứa thì đi làm phụ việc cho người bán thuốc…

I-ô-xíp Lích-xta-nốp dù sao cũng đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Ông vào trường thương nghiệp thành phố Xu-mư, nhưng cuộc cách mạng bắt đầu – và thế là chàng trai trẻ Lích-xta-nốp trở thành nhà báo. Trong những năm nội chiến ông làm việc trong các tòa báo “Công xã”, “Ngôi sao đỏ”, “Người cộng sản”…

Những năm này ông rất mê biển cả. Những con tàu, những chuyến viễn du trên biển, lối sống độc đáo của thủy thủ – tất cả những cái đó làm ông xúc động bởi tính chất lãng mạn và phi thường của nó. Có tới gần mười năm trời ông đã làm thủy thủ – phóng viên báo ở Ma-ri-u-pôn, Ô-đét-xa, Xê-va-xtô-pôn, Lê-nin-grát. Tại những nơi ấy ông đã viết những truyện ngắn đầu tiên về biển cả.

Kinh nghiệm lâu năm trong công tác báo chí đã cho phép I. Lích-xta-nốp tích lũy được tài liệu phong phú và bằng tài nghệ cao đã khát quát hóa và thể hiện một cách nghệ thuật trong tác phẩm cuối cùng của mình – tiểu thuyết “Niềm vinh quang vô danh”, được xuất bản sau khi nhà văn qua đời.

Trung tâm cuốn tiểu thuyết là nhà báo trẻ – thanh niên cộng sản Xtê-pan Ki-rê-ép. Hình tượng Xtê-pan hấp dẫn bởi tính trung thực, sự trong sáng của ý thực cộng sản chủ nghĩa mà trong những năm đầu Chính quyền xô-viết anh ta phải bảo vệ trong cuộc xung đột với những con người sống theo nguyên tắc đạo đức tư sản.

Năm 1930 Lích-xta-nốp giải ngũ khỏi Hạm đội Ban-tích, tới U-ran và ở lại đây vĩnh viễn.

Ông đã làm việc mười tám năm ở tờ báo thành phố Xvéc-lốp-xcơ “Công nhân U-ran”. Mười tám năm ông đã đi khắp vùng mỏ U-ran.

Lích-xta-nốp đã viết nhiều ký về những con người U-ran, về công cuộc lao động to lớn, cũng như cuộc sống của họ… Tại đây ông đã sáng tác truyện vừa đầu tiên của mình dành cho thiếu nhi “Những ngọn cờ đuôi nheo đỏ”, hoặc như sau này cuốn sách được đặt tên là “Những cuộc phiêu lưu của thủy thủ thiếu niên”. Song truyện vừa này được viết ra theo các ghi chép sẵn đã có từ lâu của phóng viên báo kiêm thủy thủ nên nó giống như những hồi ức về cuộc sống xưa kia của ông trên những con tàu biển xô-viết…

Và I. Lích-xta-nốp đã viết cuốn sách thứ hai của mình – “Cô-xchi-a Lùn” khi tài năng sáng chói của mình đã đến độ chín mùi. Ở đây ta cảm thấy bàn tay tin cậy của nhà văn, cảm thấy sự hiểu biết sâu sắc đa dạng về nền công nghiệp hùng mạnh vùng U-ran của ông, sự hiểu biết con người đang điều khiển nền công nghiệp ấy, cùng với sự quý trọng chân thành sâu sắc đối với những con người đó.

Nhà văn yêu say đắm cả thiên nhiên U-ran, một thiên nhiên khắc nghiệt mà tuyệt đẹp, đặc sắc. Nhiều lần ông đi xuyên qua những con đường mòn trên núi và cảm thấy dường như ở phía dưới kia là những thung lũng ngập ánh nắng lấp lánh ánh thép ánh ngọc của lòng đất xanh và ở giữa đó “một con suối tóe ra những ánh vàng, và làn nước tràn qua đá như chiếc hồ con lấp lánh bạc”.

Ông còn đi trên những mương sói bị bao phủ bởi “những lớp sương mỏng treo lơ lửng trên rừng tai-ga đầy đầm lầy ngay cả vào những ngày gió lộng”.

Ông còn biết cả đầm lầy với những lớp cây cỏ lâu năm mà những con đường mòn xuyên qua tới những khu mỏ bỏ dở; ông nghe thấy trong rừng rậm tai-ga ngột ngạt “tiếng reo ầm ì, chậm rãi mà kiêu kỳ của những cây tùng bách…”.

Có thể là chính thiên nhiên khắc nghiệt và những khu mỏ cũ đã gợi ra cho ông viết cuốn sách “Tảng đá xanh” – cuốn Truyện vừa này thật hấp dẫn. Cả chuyện như toát lên hơi thở của rừng xanh tai-ga vùng U-ran, trong đó gìn giữ ánh hồi quang những kho tàng dưới lòng đất U-ran.

U-ran đã để lộ ra những tài nguyên vô kể trước đôi mắt thán phục của nhà văn. Và những vùng mỏ sắt vô tận, những khu mỏ đồng, “giống như những công sự của người khổng lồ”, những khu mỏ lộ thiên to lớn, chứa amiăng… Ông đã xuống khu mỏ của vùng than đá Ki-den, ông đã đi ở những đường hầm như mê cung của vùng Nhi-giơ-nhi Ta-ghin, Nê-vi-an-xcơ, các mỏ ở Tu-rin – nghĩa là ở khắp mọi nơi mà bàn tay con người khai thác những tài nguyên ấy. Ông dõi theo cả lịch sử lao động của người thợ mỏ.

Lích-xta-nốp đã kể lại đặc biệt hay về tài nguyên vùng U-ran, về con người U-ran trong cuốn sách “Tên đầu tiên”. Cuốn sách đã khám phá ra vùng đất U-ran rộng mênh mông làm sao, tài nghệ lao động của người thợ mỏ mới cao làm sao! Cuộc đời của các nhân vật – cả thiếu niên lẫn người lớn – đầy hấp dẫn, đầy sự kiện và cảm xúc đã diễu qua trước mắt bạn đọc!

Lích-xta-nốp kể về công việc người thợ mỏ rõ ràng, giàu hình ảnh, có sức lôi cuốn bạn đọc bởi tính lãng mạn của một công cuộc lao động lớn lao.

Tất nhiên ở cuốn sách này có cả các bạn trẻ. Họ đã theo bước những người cha lên gương tầng, phấn đầu theo các chỉ tiêu của những kiện tướng thi đua và họ cũng đã được nêu tên trên tấm bảng danh dự bằng đá khổng tước dành cho những người chiến thắng. Họ tranh luận, họ dàn hòa, họ trải qua nhiều nỗi buồn, song niềm vui còn nhiều hơn; tính cách sôi nổi của họ còn mang vẻ dại dột. Pa-nhi-a Pê-xtốp và Ghê-na Phê-li-xtê-ép, sau một thời gian dài thù địch nhau, dù bằng những con đường phức tạp cũng đã làm bạn được với nhau. Phê-đi-a Pô-lu-kriu-cốp, một con người khỏe mạnh, nhân hậu, công bằng được cả những nhân vật khác trong cuốn sách lẫn bạn đọc quý trọng đặc biệt. Chúng ta cũng không nên bàng quan với Va-đích, một con người tất bật, say mê, và cũng là một người hay tranh cãi, hay gây gổ…

Không thể không yêu sách của I. Lích-xta-nốp.

Những cuốn sách ấy đã kể lại một cách nhiệt tình, chân thành cho bạn đọc trẻ tuổi về vẻ đẹp của mảnh đất chúng ta, về sự dũng cảm của công cuộc lao động tự do, về những con người xuất sắc của giai cấp công nhân. Những cuốn sách ấy được viết ra bằng trái tim của một con người thông minh và nhân hậu, và do đó chúng đã đến thẳng trái tim bạn đọc.

Mùa thu năm 1955 I. Lích-xta-nốp qua đời. Ông đã sớm phải giã từ nhiệm vụ vinh quang, và nói theo ngôn ngữ của vùng mỏ là đã “không cung cấp đủ mức sản xuất”. Một tài năng vững vàng đang phát triển như ông chắc hẳn sẽ còn sáng tác được biết bao nhiêu tác phẩm nữa.

Song chỉ riêng những cuốn sách ông để lại cho chúng ta cũng sẽ giữ cho chúng ta niềm yêu mến với nhà văn và những kỷ niệm về ông.

L. Vô-rôn-cô-va
Mời các bạn đón đọc Coxchia Lùn của tác giả I-ô-xíp Lích-xta-nốp.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com