Công lý thảo nguyên của Ian Manook là một trong những tác phẩm văn học khá mới mẻ trong dòng văn học trinh thám. Trong tác phẩm, Manook mượn các nhân vật để miêu tả xã hội Mông Cổ trong giai đoạn thế kỷ 21, một xã hội đã không còn như cái thời hoàng kim của Thành Cát Tư Hãn, bị Trung Quốc chèn ép và các truyền thống đang dần mai một.
Truyện kể về hành trình điều tra vụ án mạng của một loạt những người dân trên đất Mông Cổ. Năm năm trước, Kushi, con gái út của cảnh sát trưởng Yeruldelgger đã bị bắt cóc và sát hại để buộc ông phải từ bỏ cuộc điều tra về tình trạng tham nhũng của những kẻ rất có thế lực ở Mông Cổ, có liên quan đến việc mua lại những vùng thảo nguyên của đất nước này.
Năm năm sau, trong khi vụ án của con gái vẫn chưa được làm sáng tỏ, vợ hóa điên còn con gái lớn thì căm thù cha, cảnh sát trưởng Yeruldelgger phải điều tra một loạt vụ án bí ẩn khác: thi thể một bé gái bị chôn sống trên thảo nguyên xa xôi cùng với chiếc xe đạp ba bánh màu hồng; ba người đàn ông Trung Quốc bị sát hại, thi thể bị rạch xẻ thành biểu tượng của chủ nghĩa quốc xã, hai cô gái Mông Cổ bị treo cổ, cắt trụi tóc, trên người cũng bị rạch giống như biểu tượng trên thi thể ba người đàn ông Trung Quốc… Ba vụ án tưởng chừng không liên quan gì đến nhau cuối cùng lại khiến viên cảnh sát trưởng phải đối mặt với những âm mưu bẩn thỉu để tranh giành tiền bạc và quyền lực, xung quanh thứ tài nguyên quý giá và được thèm muốn bậc nhất hành tinh: đất hiếm. Cuộc chiến với ông càng trở nên tàn khốc khi chính một số cảnh sát cũng trở thành một mắt xích trong đường dây tội ác, khi đến lượt con gái lớn của ông cũng trở thành nạn nhân của âm mưu nhằm tiêu diệt ông.
Để đấu tranh chống lại những thế lực đang xâu xé đất nước mình, Yeruldelgger sẽ phát huy sức mạnh từ những truyền thống lâu đời của dân tộc, những kỹ thuật điều tra hiện đại và chính nội lực của bản thân.
Nếu như hầu hết các truyện trinh thám hiện đại thường lấy bối cảnh ở Mỹ, Châu Âu,nếu không thì cũng là Trung Quốc hay Nhật thì cuốn Công lý thảo nguyên ngay lập tức được đã giành được điểm cộng khi tác giả dùng bối cảnh là Mông Cổ – một không gian truyện khá độc đáo và mới mẻ. Mặc dù truyện được viết bởi một nhà văn Pháp, ta vẫn có thể thấy nhà văn có tìm hiểu khá tốt về văn hoá cũng như bước phát triển của đất nước này. Manook mượn các nhân vật để miêu tả xã hội Mông Cổ trong giai đoạn thế kỷ 21, một xã hội đã không còn như cái thời hoàng kim của Thành Cát Tư Hãn, bị Trung Quốc chèn ép và các truyền thống đang dần mai một. Qua các nhân vật này, độc giả cũng có thể hiểu hơn về văn hoá và tập quán, lối nghĩ của người Mông Cổ…
Nguồn: dtv-ebook.com