Khi người ta hai mươi bốn tuổi, hãy còn “ít hiểu biết, không kinh nghiệm và dứt khoát muốn sống trong một thế giới siêu thực của mình”, mà bị bắt rồi đưa vào trại tập trung Auschwitz – nơi sau này sẽ được ghi nhận như một trong những nơi chốn khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người – người ta sẽ khó lòng gọi đó là một chuyện may mắn. Có lẽ chỉ khi là một trong số rất ít ỏi người sống sót sau Auschwitz (theo nhiều số liệu thì chỉ khoảng 2% tù nhân Auschwitz là còn sống khi trại được giải phóng) và bắt đầu ghi lại những hồi ức kinh khủng về khoảng thời gian đen tối đó trên những tấm vé tàu ở Turin thì Primo Levi mới, như sau này ông viết trong lời mở đầu cuốn Có được là người, coi việc bị bắt vào Auschwitz tương đối muộn là một điều may mắn: Vào thời điểm ông bị đưa vào Auschwitz, đầu năm 1944, do cần nhân công lao động chính phủ Đức đã quyết định kéo thời gian sống của tù nhân trước khi giết, thay vì đưa thẳng vào trại hơi ngạt.
Được viết năm 1947, Có được là người thuật lại câu chuyện thực của chính tác giả từ lúc bị bắt tại Ý đến khi được/bị đưa vào trại tập trung Auschwitz và chuyện ông đã sống sót trong chốn địa ngục đó như thế nào. Cần nói thêm rằng, vào thời điểm tác giả và những người Do Thái khác bị tống lên đoàn tàu chở người nổi tiếng của Đức quốc xã, Auschwitz đối với họ là một cái tên chưa có ý nghĩa gì mấy – thậm chí họ còn cảm thấy “nhẹ cả người” vì ít nhất cái đích đến đó “cũng là một nơi nào đó trên trái đất này”. Họ sẽ nhanh chóng nhận ra cái “nơi nào đó” kia là nơi mà họ bị tước đoạt tất cả: vợ con, bố mẹ già, tư trang, nhân phẩm, thậm chí cả tên – mỗi người tù chỉ còn biết đến như một dãy số xăm vào cánh tay trái; là nơi mà họ sẽ phải sống – nếu như chưa chết hoặc chưa bị giết – dưới những điều kiện phi nhân nhất; là nơi mà rồi họ sẽ chia sẻ những giấc mơ giống nhau đến kỳ lạ: giấc mơ được ăn, mà mỗi khi thức ăn chạm miệng là vụt tan biến thành nghìn mẩu vụn. Ở chốn này, một ngày được coi là tốt lành khi ngày đó họ có vài giờ để “cảm thấy bất hạnh theo cái kiểu của những con người tự do” – tức khi những người tù xoay xở được thêm chút xúp loãng đủ tạm no nê mà có sức nghĩ về gia đình, vốn là việc những khi khác họ không làm nổi.
Cho đến bây giờ, đã có hàng nghìn cuốn sách viết về những trại diệt chủng trong thế chiến thứ hai. Còn vào thời điểm Primo Levi quyết định kể lại câu chuyện của mình, chúng cũng đã quá nổi tiếng. Levi khẳng định trong lời mở đầu rằng cuốn sách không nhằm đưa ra “những lời buộc tội mới” mà chỉ cung cấp thêm tư liệu cho những nghiên cứu về “tâm trạng con người”. Cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối: khi nào một con người là người? con người khác gì với con vật? liệu một con người có thể lấy đi nhân phẩm của một con người khác? người có thể làm gì đối với người? thiện, ác, đúng, sai liệu có ý nghĩa gì trong một nơi chốn khủng khiếp như Auschwitz? Trong quá trình học cách tồn tại, và nhờ cả may mắn để tồn tại đến những ngày cuối cùng giữa chốn phi nhân đó, Levi luôn tìm cách nhận ra những dấu hiệu con người: một cái ôm với người đồng hương trẻ tuổi Schlome, thái độ không từ bỏ, không chịu chấp nhận của Steinlauf, tình bạn với Alberto, Thần khúc của thi hào Ý Dante và nhất là sự tốt bụng của Lorenzo – người không ngại hiểm nguy tặng thường xuyên tặng xúp và bánh mì cho Levi.
Cho dù sau Auschwitz người ta có thể phục hồi về mặt thể chất, tinh thần là một cái gì đó khó hồi phục hơn nhiều. Không phải ai cũng có thể chịu đựng được những hồi ức về quãng lịch sử đen tối đó. Bản thân con người tốt bụng Lorenzo kia đã không vượt qua nổi chứng rối loạn về tâm lý và cuối cùng chết vì thiếu sự chăm sóc bản thân vào năm 1952. Còn Levi, dù chọn cách đương đầu với quá khứ bằng cách viết sách và đi nói chuyện về Auschwitz, thì chết vào nhà riêng vào năm 1987, và cái chết nhiều bí ẩn của ông được nhiều nguồn tư liệu coi là tự sát. Dẫu sao, thì như Elie Wiesel, một tù nhân Auschwitz khác, đã nói, thực ra Primo Levi đã chết từ bốn mươi năm trước trong Auschwitz.
Với một câu chuyện u ám như thế, lẽ ra Có được là người phải là cuốn sách nặng nề và khó đọc. Nhưng thật lạ kỳ, đây lại là một page turner – một cuốn sách bắt người ta phải lật không ngừng. Sức hấp dẫn của cuốn sách không nằm ở câu chuyện mà nằm ở cách tác giả kể chuyện – đó gần như là một giọng kể phi cảm xúc, che giấu sự kinh tởm trước những gì được mô tả – và cách mà cuốn sách gợi ra những suy nghĩ, những truy vấn mênh mang trong người đọc.
* Có được là người – Primo Levi, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn, Trần Hồng Hạnh dịch từ nguyên bản tiếng Ý
Nguồn: dtv-ebook.com