Truyền thuyết về truyện tình của Tristan và Iseult là một sáng tạo lớn của trí tuệ, được hình thành bởi sự gặp gỡ của nhiều luồng tư tưởng văn minh khác nhau. Truyện tình rất đam mê, ai oán, não nùng, nhưng cũng rất “người” này, cho thấy là khi đụng phải nó, các cổ tục khắc khe, các luật lệ nghiêm khắc đều phải bó tay. Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, mối tình của Tristan và Iseult vẫn làm say mê lòng người cũng như vẫn gây những xúc động mạnh.
Trong một số tác phẩm văn học xưa và nay, đôi khi xuất hiện những nhân vật ảo xen lẫn với nhân vật thực, thí dụ như trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỉ 16). Có lẽ cũng là một hình thức hữu hiệu để tác giả phát biểu được ý kiến của mình trên một số vấn đề tế nhị. Mặt khác, ở chính trong một con người – tác giả – cũng có thể có mặt này và mặt nọ, vv. , làm tôi liên tưởng tới truyện Dr. Jekyll và Mr. Hyde (1886) của tác giả (người Anh) Robert Louis Balfour Stevenson. Bác sỹ Jekyll, là con người thiện, tình cờ phát minh ra được một liều thuốc, uống vào thì biến thành ông Hyde, một con người ác. Nhưng trong bài viết này, không phải là lúc luận chuyện thiện hay ác, thuần đạo hay nghịch đạo, có chăng chỉ là hình thức phát biểu.
Tôi có một kẻ đối thoại, thực và ảo, gọi là Y, thường cùng tôi trao đổi, luận bàn, trong những buổi thư nhàn hay trong những cơn mộng mị. Y và tôi có qui ước như sau : khi đã trao đổi xong về một vấn đề gì mà y muốn tôi viết ra, tôi mất công ghi chép, thì tôi nhận phần « hơn » : những gì ôn tồn, nghiêm chỉnh, thanh tú, thì tôi nhận phần tôi ; những gì thô bạo ngang ngược, chướng tai thì y phải nhận ; và y đã đồng ý. Lại qui ước với nhau về cách xưng hô : gọi nhau bằng « vị », xưng tôi, để tránh gọi nhau bằng « Ngài », xưng « tại hạ », vv., lủng củng và lỉnh kỉnh.
Source: dtv-ebook.com