Dương thu Hương
Chuyện tình kể trước lúc rạng Đông
Chương 1
Hai mươi năm trước, vào một buổi tối mùa thu năm một ngàn chín trăm năm mươi tám đại đội trưởng Vũ Sinh mời vợ vào buồng riêng nói chuyện. Vợ anh, chị Lựu, một cán bộ phụ nữ huyện ngạc nhiên. Bình thường không người đàn ông nào gọi vợ như thế:
– Lựu này, tôi muốn nói với Lựu câu chuyện. Lựu vui lòng nhé. Mời Lựu vào buồng.
Nói song, anh đứng nghiêm trang, chờ chị rửa hai bàn tay trắng xóa bọt xà phòng. Rồi hai người bước vào buồng riêng. Dó là một trong năm gian nhà của ông bà thân sinh ra đại đội trưởng. Anh là con trai duy nhất nên toàn bộ ngôi nhà năm gian có hiên rộng, lợp ngói ta rất dày cùng cái sân có tường hoa thấp bao quanh đều thuộc quyền sở hữu của anh. Hai gian ở đầu hồi xây tường con kiến ngăn thành buồng riêng có cửa lớn thông với ba gian giữa và có hai cửa sổ, một cửa mở trông ra trước sân, cửa kia ngó ra khu vườn sau, nơi những khóm hoa móng rồng xanh om suốt bốn mùa thoang thoảng đưa hương. Một trong hai gian ấy của vợ chồng Vũ Sinh. Họ lấy nhau từ năm bốn mươi chín do đoàn thanh niên Cứu Quốc tổ chức. Hồi đó, cả hai đều là cán bộ phân đoàn.
Ðại đội trưởng Vũ Sinh gạt đống chăn gối xếp ở đầu giường vào góc trong:
– Mời Lựu ngồi.
Còn anh, anh tháo dây thắt lưng có móc khẩu súng ngắn treo trên tường. Xong đó, anh ngồi xuống cuối giường:
– Ðã từ lâu, tôi định nói với Lựu …
Người đàn bà ngước nhìn chồng: Không có niềm vui không có nỗi buồn trong đôi mắt anh. Chỉ có vẻ thầm lặng và u uẩn đã trở thành thói quen nhiều năm nay.
Sinh đứng dậy, ra gian thờ chính giữa nhà, bưng bộ tách chén, hộp chè và phích nước vào, chờ nước ngấm, rót cho vợ một chén, cho mình một chén rồi nói tiếp:
– Lựu thấy đời sống của vợ chồng của chúng ta ra sao?
Giọng nói trầm trầm của anh khiến câu nói đó không cần là nỗi băn khoăn cần giải đáp và giống như hồi âm của một nỗi buồn từ vực sâu ký ức vọng về.
Lựu không hiểu chồng muốn nói gì. Chị hỏi:
– Sao cơ?
Vũ Sinh nhắc lại:
– chúng ta có phải là một cặp vợ chồng không, chẳng lẽ Lựu chưa hề nghĩ đến điều đó?
Người đàn bà trợn tròn mắt. Chị tưởng chồng lẩn thẩn, như người ta vẫn nói là mắc bệnh tâm thần, hoặc anh sốt âm ỉ mà không nói nên lâu dần hóa cuồng ngôn. Chị đứng dậy, định đặt tay lên trán anh. Nhưng Vũ Sinh mỉm cười, ngăn lại:
-Lựu đừng lo, tôi không ốm đâu. Sáu tháng liền tôi vẫn huấn luyện lớp hạ sĩ ngoài thao trường. Tôi muốn nói chuyện với Lựu một cách rõ ràng, nghiêm chỉnh.
Ðôi mắt anh mở rộng, nhìn chị. Ðôi mắt khôn ngoan, tư lự. Ðó không phải là đôi mắt của kẻ mắc chứng cuồng ngôn hoặc đang chìm đắm trong cơn mê sảng nào. Lựu thu tay vào lòng, bối rối ngồi xuống giường.
Ðại đội trưởng Vũ Sinh nhẹ nhàng nói tiếp:
– Chẳng nhẽ Lựu không thấy rằng giữa tôi và Lựu lâu nay…
Người đàn bà bỗng dưng đỏ mặt, từ cổ cho đến hai tai. màu đỏ mỗi lúc mỗi gay gắt và hổ thẹn thầm kín bị chôn vùi trong tâm tư chị bỗng hóa niềm căm giận. Chị quắc mắt nhìn chồng giây lát rồi quay đi.
Ðã hơn nửa năm nay, anh chưa hề một lần ôm ấp chị, đừng nói chi tới chuyện ái ân. Trước kia, hai tuần anh về một lần, vì đơn vị đóng quân cách nhà có mười hai cây số. Mỗi lần ấy, nếu anh không vướng vào các cuộc giỗ tết, thăm viếng bạn bè hoặc họ hàng, và nếu chị hoàn toàn khỏe mạnh, họ chung đụng một cách hối hả vào đêm trước khi anh đi… Nhưng sáu tháng nay, người chồng hầu như chỉ ôm ấp, hôn hít hai đứa con rồi đạp xe đi chơi rong suốt ngáy nghỉ. Dến khuya, anh mới trở về. Lựunằm ôm đứa con gái nhỏ. Chị thao thức trờ anh. Khi anh về, chị lặng lẽ như đã ngủ. Người chồng nhẹ nhàng cài chốt cửa, vén lá màn, trèo lên giường. Anh bước qua chân vợ một cách khéo léo để khỏi giẫm đạp phải chị. Rồi anh vào phía trong, sát tường, ngủ ngay. Ðôi lần anh cũng còn thao thức. Chị nghe thấy anh thở dài rồi sau đó chừng một giờ, anh mới khe khẽ gáy. còn chị, chị trăn trở tới gà gáy canh ba. Thoạt đầu, chị ngỡ anh qúa mệt mỏi vì những ngày luyện tập ở thao trường, và cả những bữa rượu kéo dài mà mấy ông chú ông bác trong họ nhất quyết bắt anh tham dự. Sau đó, chị ngờ anh có một người đàn bà nào đó, hoặc một cô gái mũm mĩm trẻ măng nơi đóng quân. Lòng ghen bóc phừng phừng như lửa. Nhưng vốn là một cán bộ của huyện hội phụ nữ, những người nổi tiếng trầm tĩnh, chừng mực, giản dị, biết hy sinh, nên chi không giám làm điều gì đó thô bạo, hàm hồ. Chị trình bày hoàn cảnh với người bạn từ thuở còn chăn trâu trên đồng làng là Hồng Thắm. Hồng Thắm là huyện hội trưởng. Chị triệu tập ngay một mạng lưới cán bộ phụ nữ xã, truyền đạt câu chuyện và yêu cầu họ mở cuộc điều tra để bảo vệ hạnh phúc cho bạn.
mặc dù, mạng lưới cán bộ phụ nữ đó đã giăng kín khu vực đóng quân của Vũ Sinh. Mặc dù, họ đã dò xét một cách thật kỹ lưỡng từ các tình tiết đáng ngờ vực nhỏ nhất nhưng cũng không có kết qủa. Vũ Sinh không có một cô gái mũm mĩm nào cả. Anh hoàn toàn vô tội. Lựu không còn cách nào hơn là yên lặng chờ đợi. Mặc dù, trong thâm tâm, chị hoang mang vì không rõ vì tình trang đó là do bệnh tình của chồng hay nỗi ghét giận ngấm ngầm không được bộc lộ. Có vài lần, chị hỏi anh:
– Em có lỗi gì với anh không?
Nhưng đáp lại đôi mắt băn khoăn, hồi hộp của chị, anh chỉ lắc đầu đáp:
– không.
Chị chẳng thể hỏi anh một câu nào khác nữa, vì sự hổ thẹn đã ăn sâu trong cội rễ tâm hồn. Cuộc sống bất thường kéo dài tới ngày người chồng đặt câu hỏi một cách nghiêm trang cho vợ …
Ðại đội trưởng Vũ Sinh nhìn ngọn lửa căm tức vừa cháy rực lên trong ánh mắt người đàn bà. Anh đưa tay nắm tay Lựu:
– Ðừng giận tôi … Tôi biết Lựu rất khổ tâm. Nhưng tôi không thể … Người chồng ngừng lại, ngắc ngứ chút ít rồi nói tiếp: Tôi không thể như vậy … Vì sao, tôi cũng chẳng biết nữa? … Có lẽ, vì chúng ta không có tình yêu …
Anh cúi đầu. Mái tóc anh đổ xuống trán. Những sợi tóc rễ tre, cứng, quăn tự nhiên. Lựu nhìn những sợi tóc vừa quen thuộc lại vừa xa lạ của chồng: Không có tình yêu? … Anh ấy nói thế nào nhỉ? … Tình yêu? …
Ngày đó, hai người cùng là phân đội trưởng trong tám phân đội của huyện đoàn. Họ thường gặp nhau trong các cuộc họp. Có lần, họ cùng phụ trách một đoàn dân công tải lương lên chiến khu. Dọc đường những cơn mưa rào ập xuống. Mọi người lấy áo tơi, vải sơn che gạo, cố đẩy những xe thồ nặng nhọc tới lán chú quân. Ai lấy áo quần ướt sũng. Một anh chàng cất tiếng hò:
Trời mưa ướt áo ướt quần
Nhưng sao ướt được tinh thần dân công
Hò lớ, hò lơ …
Ðoàn người cất tiếng hò hưởng ứng. Những thanh âm bị rung chuyển trong tiếng mưa quất rào rào. Nhưng đoàn người vẫn vui như đi trẩy hội. Tới lán, họ đốt lửa sưởi. Và trong đám trai tinh nghịch ngồi hong quần áo một anh chàng bỗng lại cất tiếng hò:
Lạy trời cho cải lên xanh
Cho hoa gạo đỏ, cho anh lấy nàng …
Lúc ấy Lựu ngồi đối diện với Vũ Sinh. Không hiểu vì sao, chị lại đưa mắt nhìn anh. Sinh cũng nhìn chị. Và cả hai người cùng đỏ bừng mặt lên.
Người thanh niên vừa cất tiếng hò thấy hai người bối rối sau câu hò đầy ý nghĩa đó thì khoái chí reo:
– A … a … a, bắt được qủa tang rồi nhé. Bắt được qủa tang rồi … A ha … ha … ha … “Vì cam nên quýt đèo bòng. Vì cơn gío giật, anh phải lòng… cô em…”.
Cứ thế, anh ta vừa hò, vừa cười cợt vừa vỗ tay đôm đóp. Vũ Sinh và Lựu mặt đỏ tía tai, không làm sao chạy trốn được vòng tròn những làn sóng trêu cợt mỗi lúc một ráo riết bao vây họ …
– Cô ả Lựu phải lòng anh Sinh rồi… Tụi mình lo thêu khăn tặng đám cưới là vừa…
Mấy cô bạn cùng làng đi dân công đợt ấy về kháo ầm ĩ. Cả cơ quan huyện đoàn cũng vậy. Hiển nhiên việc Vũ Sinh và Lựu yêu nhau trở thành một nội dung trong cuộc họp cán bộ đoàn. Ðồng chí phụ trách gọi hai người tới:
– Các đồng chí yêu nhau từ bao giờ mà không báo cáo tổ chức?
Cả Lựu lẫn Vũ Sinh đều ấp úng:
– Thưa đồng chí, tôi không biết, tôi không…,
Chính họ, họ cũng không thể hiểu được mình yêu nhau từ bao giờ. Sau khi đưa đoàn dân công trở về, mỗi lần gặp lại nhau, hai người cùng đỏ bừng mặt vì sấu hổ, nhưng thích thú. Một nỗi thích thú khó giải thích của tuổi trẻ. giống như cơn choáng váng êm dịu của kẻ chưa bao giờ uống rượu lần đầu được nhấp một ngụm rượu nếp pha lẫn mật ong.
– Thưa đồng chí, tôi không…
Vũ Sinh ấp úng nói lần thứ hai. Anh bỗng có cảm giác no âu. Nỗi no âu mơ hồ nhưng rất rõ ràng đè nặng trái tim và khiến anh lúng túng, hoang mang.
Ðồng chí phụ trách nhìn anh với cặp mắt thương yêu trìu mến:
– Các đồng chí yên tâm. Dù công việc chiến đấu với kẻ địch còn nặng nề, nhưng tổ chức vẫn có nhiệm vụ quan tâm tới hạnh phúc của các đoàn viên. Chúng ta có sức mạnh tập thể, các đồng chí đừng lo ngại. Mọi chuyện sẽ được giải quyết gọn nhẹ và ổn thỏa.
Vũ Sinh lật đật đứng dậy gãi tai:
– Báo cáo, tôi chưa sác định được là…
Cán bộ phụ trách đưa tay gạt anh xuống:
– Tôi hiểu, tôi hiểu… Các đồng chí không nên lo ngại điều gì…
Lựu ngồi im. Lúc đó, chị cũng hoang mang như Vũ Sinh. Thực tình, Lựu thấy thích Sinh. Có lẽ từ buổi tối trong lán dân công, khi bếp lửa bập bùng nhảy nhót, khi những gương mặt chan hòa niềm vui, má ửng đỏ vì hơi than nóng còn ánh mắt long lanh vì ánh lửa. cũng có lẽ chị là một cô gái đã tới tuổi dậy thì, còn anh là một cậu trai khôi ngô tuấn tú… Lựu không biết Vũ Sinh. Chị ở một xã hẻo lánh, còn anh sống ngay trong phố huyện. Chị chỉ biết bố anh là thày thuốc, còn mẹ anh ở nhà làm vườn, cộng thêm hàng xay hàng xáo… Nhà anh rất đẹp. Khang trang hơn ngôi nhà mái tranh, rường cột tre của thầy u chị dưới làng… Ngoài những điều đó, anh là một người xa lạ.
Thế nhưng chị không biết nói sao với đồng chí cán bộ phụ trách. Mọi ý nghĩ trong chị đều mờ nhạt, không rõ rệt. Vả chăng, lúc đó chị mười tám tuổi. chưa hề cầm tay người con trai nào. Chưa hề thầm thương trộm nhớ ai. ngoài công tác đoàn thể, Lựu chỉ có niềm vui duy nhất là về thăm thầy u và lũ em nhỏ. Ði cấy cho nhà vài buổi. Ði gọi lũ em đi chăn trâu hoặc bắt ốc ngoài đìa về luộc nồi khoai bở lên ăn lúc còn nóng hôi hổi hoặc ngồi bới tóc sâu bắt chấy cho u. Từ dạo đưa đoàn dân công về, thêm một nỗi thích thú nữa là gặp Sinh. Vừa thích vừa sợ, vì Lựu thấy anh sinh trai hơn mình, sang trọng hơn mình. Anh biết để mái tóc kiểu thành thị và kể chuyện thơ Nhị Ðô Mai, đọc Kiều rất giỏi…
– Các đồng chí cố gắng công tác cho tốt. Tổ chức sẽ quan tâm tới các đồng chí với khả năng cao nhất.
Cán bộ phụ trách kết thúc với câu nói đó. Xong anh hối hả bước ra, để đôi bạn trẻ có thời gian tâm sự.
– Báo cáo…
Vũ Sinh đuổi theo, nắm vạt áo anh. Nhưng người cán bộ phụ trách mỉm cười gạt tay Sinh một cách khéo léo. chắc hẳn, anh tưởng chàng trai làm một động tác để tránh cơn e thẹn.
khi người phụ trách đi hẳn. Vũ Sinh quay vào nhà. Tâm hồn anh tràn ngập nỗi bối rối.