Chúa đã khước từ mở đầu như một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Mười bốn mục sư bị bắt khi quân Bắc Hàn chuẩn bị tiến vào Nam Hàn năm 1950. Mười hai người đã chết, một kẻ hóa điên, và mục sư Shin câm lặng. Sự thật nào đang bị che giấu? Sự câm lặng kia là tuẫn giáo hay hèn hạ?
Câu hỏi ấy không được trả lời ngay. Mục sư Shin hiện lên vừa như Judas “kẻ phản Chúa” nhận lời sỉ vả của giáo dân, vừa như Chris một mình bị đóng đinh vào thánh giá giữa nhân quần đang say máu chém giết. Ông là ai, hỡi người tu sĩ không thần linh, gánh vác trách nhiệm về “sự thật”, về “niềm tin” khi mà Chúa đã bỏ loài người.
Sự thành công vang dội của Chúa đã khước từ nằm ở chỗ nó gợi nhớ đến vô số ẩn dụ lớn về tầm vóc con người trong mối quan hệ với đức tin thiêng liêng: liệu có thể chết cho một đức tin mỏng manh như ảo ảnh; liệu chỉ cái chết mới có thể phục sinh lại những điều tốt đẹp đã mất; liệu cứu rỗi có tồn tại và nếu có, nó có tới từ các thánh thần hay không; liệu có thể có hy vọng nào cho loài người – những kẻ không còn đức tin đang lao vào những cuộc “thánh chiến” ý thức hệ.
Những câu hỏi ấy vang lên khi trong lòng phương Tây đang khủng hoảng niềm tin vào những truyền thống Ki-tô và phương Đông đang rên xiết trong những cuộc tranh chấp quyền lực. Một hiện thực đau đớn đến độ cá nhân tuyệt vọng mong cúi đầu chờ sự ban phước của Chúa trời rồi nhận lại câm lặng hư không. Trong cơn phi lý cùng cực ấy, kẻ vác thánh giá chỉ có thể là cá nhân lẻ loi, như mục sư Shin, chọn im lặng để lộn trái lại hiện thức không còn lối thoát.
Tư tưởng ấy, đúng như lời đề tặng đầu sách, có ảnh hưởng lớn lao từ nhà hiện sinh chủ nghĩa Camus với tiểu thuyết Dịch hạch, khi mà chúng ta không thể trốn tránh và chiến thắng sự phi lý tồn tại hiển nhiên khắp nơi, cái làm nên nhân tính là việc cá nhân đối mặt với sự phi lý ra sao.
Chúa đã khước từ loài người, loài người đã khước từ lẫn nhau, chỉ còn cá nhân và cây thánh giá riêng anh ta phải vác mà thôi.
Nguồn: dtv-ebook.com