Trên văn đàn Việt Nam, có lẽ hiếm tác giả có sức viết dẻo dai, bền bỉ như nhà văn Ma Văn Kháng. Sau gần ba mươi tác phẩm ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn…; mới đây, ở tuổi ngoài 80, nhà văn Ma Văn Kháng cho ra mắt tiểu thuyết Chim én liệng trời cao – tác phẩm gần 400 trang sách phát triển từ truyện ngắn Chim én do ông khởi bút gần nửa thế kỷ trước.
Bút danh Ma Văn Kháng khiến nhiều độc giả tưởng rằng đây là nhà văn miền núi, người dân tộc thiểu số, chứ ít ai nghĩ ông là nhà văn Hà Nội gốc, tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ra tại làng Kim Liên, quận Đống Đa, một ngôi làng cổ của Hà Nội. Ông từng là giáo viên dạy văn và hiệu trưởng một trường cấp ba tại tỉnh Lào Cai. Hơn 20 năm tuổi trẻ gắn bó với vùng đất này, dường như cuộc sống, văn hóa của người dân vùng núi rừng Tây Bắc đã trở nên máu thịt trong ông.
Ông từng chia sẻ: “Linh giác đây là vùng đất, vùng thẩm mỹ đầy bí ẩn đã mê hoặc tôi ngay từ khi tôi vừa đặt chân lên mảnh đất Lào Cai, vùng địa đầu của Tổ quốc. Gọi linh giác có lẽ là chính xác vì lúc đó tôi 18 tuổi, vậy mà lại đinh ninh rằng ở vùng đất này, mình sẽ làm được cái gì đó để lập thân, lập nghiệp và có ích cho đời, thế có lạ không?”.
Chim én liệng trời cao là khúc ca đẹp, hùng tráng về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của người dân vùng núi rừng Tây Bắc khoảng thời gian cuối những năm 40, đầu những năm 50 của thế kỷ trước.
Bối cảnh câu chuyện diễn ra tại địa bàn Cam Đồng, một xã gồm bốn thôn người Tày và một thôn U Sung trên núi cao thuần người Dao. Cuộc chiến đấu đầy gian khổ, sự trưởng thành của người dân về tư tưởng và tinh thần đấu tranh cách mạng thể hiện xuyên suốt qua nhân vật Tiển. Từ một cậu bé ở bản quê Cam Đồng hằng ngày ngồi trên lưng trâu, ngắm “bầy chim én cất tiếng rộn vang trên bầu trời sớm mai”, thổi sáo trúc bài “Chim én liệng trời cao”, Tiển sớm gia nhập vào hàng ngũ những người làm cách mạng, trở thành chiến sĩ liên lạc và trưởng thành cùng sự phát triển của cách mạng trên mảnh đất quê hương.
Nguồn: dtv-ebook.com