Chiếc thang cao màu xanh là câu chuyện về sự trưởng thành, về tình yêu của một chàng trai – một tu sĩ. Tác giả Gong Ji Young đã vẽ nên câu chuyện tình yêu xen lẫn sự bàng hoàng của Yo-Han – một chàng trai sống và làm việc trong tu viện. Đó là quá trình mà Yo-Han gặp gỡ, yêu và trưởng thành, từ đó đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Con người ta vì sao mà tồn tại? Nỗi thống khổ vì đâu mà có? Và tình yêu rốt cuộc là cái gì?”…
Thời gian dần qua đi, khi tất cả những sôi nổi yêu thương ngày nào đã trở thành dĩ vãng, Yo-Han của ngày hôm nay đã có thể bình tâm nhìn lại quá khứ:
“Ai sống trên đời cũng có những khoảng thời gian không thể nào quên. Đau khổ… Tươi đẹp… Cả những vết sẹo đã mờ nhưng vẫn còn nhức nhối… Mỗi khi nghĩ về quãng thời gian ấy, trái tim đang đập của tôi dường như nguội lạnh và phủ đầy rêu phong…
Nỗi buồn dù có tụ hội lại và sự thật về nỗi đau sót lại cũng không còn nhiều trong kí ức của tôi, nhưng những thứ còn lại của tình yêu thì đến giờ tôi vẫn nhớ. Có một nhà thơ đã hát lên rằng: “Tình yêu, điều mà không bao giờ biến mất, tuổi trẻ ơi hãy ở lại đây”. Tôi đã muốn nói lên như vậy. Tình yêu à, hãy ở lại đó mãi mãi. Khi đó tiếng chuông ngân lên. Tiếng chuông ngân lên như một chiếc thang đan bằng những sợi dây thừng màu xanh thẳm tuôn ra từ bầu trời…”
Câu chuyện bắt đầu từ một ngày nọ, Yo-Han nhận được tin của Soo-Hee và những ký ức về thời tuổi trẻ của ông trỗi dậy. Ngày ấy, Yo-Han trong khi giúp đỡ cô gái trẻ Soo-Hee làm luận văn đã nảy sinh một thứ tình cảm khác lạ, chưa từng biết đến, thôi thúc anh nghe theo tiếng nói nhân từ vang lên từ trái tim: “Ta đã mang cô ấy đến cho con. Hãy yêu đi, Yo Han”. Nhưng rồi sóng gió cuộc đời ập đến làm cho cuộc sống trong tu viện vốn đang trôi qua một cách bình lặng đột nhiên dậy sóng, nhấn chìm tất cả mọi bình yên đang có, và cuộc đời mỗi nhân vật rẽ sang những hướng khác nhau. Đó là một đêm mưa tầm tã, hai người bạn thân của Yo-Han là Micheal và Angelo chết vì tai nạn giao thông trong một cuộc tìm kiếm những chính kiến và niềm tin của riêng mình. Quá khủng hoảng, Yo-Han đã quay lại nhà thờ để cầu xin được gặp Soo-Hee một lần cuối cùng, nhưng cô đã không đến…
Xuyên suốt cuốn sách là cách kể đan xen giữa những câu chuyện về thời kì Chiến tranh thế giới thứ 2 của một cha xứ người Đức, câu chuyện về cuộc loạn lạc trong nội chiến Nam – Bắc Hàn… và hơn hết là câu chuyện thấm đẫm tình yêu và sự hi sinh. Hóa ra, tình yêu thực sự không phải là cố công giữ lấy, mà là biết buông tay và quay đi để người kia bước tiếp mới thực là tình yêu cao cả. Câu chuyện đến cuối cùng mới để người đọc hiểu ra rằng, hóa ra tình yêu của cô gái trẻ Soo-Hee với Yo-Han lớn lao đến thế.
Nội dung cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin thực tế về xã hội Hàn Quốc, có một số chi tiết đề cao tính nhân văn cao cả của tình yêu con người, sự hi sinh giữa cái sống và cái chết, giữa sự lựa chọn mất còn. Những chuỗi hồi tưởng nối tiếp nhau như ngàn con sóng vỗ bờ, kí ức với những cảm xúc sống động một thời tuổi trẻ sôi nổi và yêu thương của lớp người sinh ra sau chiến tranh, hưởng thụ cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng không vì thế mà không có lí tưởng về sự công bằng, về những điều đúng – sai, phải – trái, hoặc những bất công trong xã hội.
Câu chuyện tình yêu của nhân vật chính được vẽ nên bằng thủ pháp hồi tưởng, vì vậy càng khiến nó rung lên như những giai điệu trữ tình, sâu lắng nhất mà cũng ám ảnh nhất: “Thời gian đã làm hao mòn đi mọi thứ, chỉ còn lại những thứ mang tính bản chất. Và cuối cùng thì tuổi trẻ lại không phải là thứ mang tính bản chất ấy, vì tuổi trẻ cũng sẽ bị hao mòn. Nhưng trong tâm trí luôn hướng về những điều ấy của tôi thì không hề bị hao mòn. Tình yêu của tôi là thật lòng”. Có thể nói, toàn bức tranh trong câu chuyện Chiếc thang cao màu xanh khiến người đọc cảm thấy thỏa mãn cả về thông tin cũng như về tiết tấu cảm xúc của nhân vật trong truyện. Nhà xuất bản Phụ nữ xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn tiểu thuyết này, hi vọng mỗi độc giả sau khi đọc xong sẽ tự tìm được câu trả lời cho câu hỏi luôn ám ảnh chúng ta suốt cuộc đời: “Con người ta vì sao mà tồn tại? Nỗi thống khổ vì đâu mà có? Và tình yêu rốt cuộc là gì?”
Tác giả
GONG JI YOUNG
Sinh năm 1963 ở Seoul, tốt nghiệp khoa tiếng Anh trường Đại học Yonsei – một trong những trường đại học nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Bà là một trong bốn nữ nhà văn đương đại có sức ảnh hưởng lớn trên văn đàn Hàn Quốc, tác giả của nhiều cuốn sách bestseller.
Tác phẩm của bà được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong đó có một số đã được dịch sang tiếng Việt như Cá Thu, Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ, Yêu người tử tù…
Bà được nhận nhiều giải thưởng văn học có uy tín:
– 2001: Giải Văn học Hàn Quốc thế kỉ 21 lần thứ 7 và giải Văn học Tiểu thuyết lần thứ 27 của Hiệp hội Nhà văn Hàn Quốc.
– 2004: Giải Văn học Oh Young Soo lần thứ 12.
– 2011: Giải Văn học Yi Sang.
Dịch giả:
NGHIÊM THỊ THU HƯƠNG
Sinh năm 1979, Tốt nghiệp đại học chính quy ngành Tiếng Hàn, nhận học vị Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học, từng được giải thưởng Sinh viên nước ngoài có thành tích học tập xuất sắc nhất năm 2005 của Bộ trưởng Bộ tri thức Kinh tế Hàn Quốc. Hiện đang giảng dạy tại khoa Tiếng Hàn Quốc, Đại học Hà Nội.
Các tác phẩm đã xuất bản:
Cẩm nang cho con gái đi lấy chồng (dịch chung), NXB Thanh niên, 2001
100 mẫu câu tiếng Hàn dành cho giáo viên và học sinh (Lee Yun Jin), NXB Giáo dục, 2004
Ngữ pháp tiếng Hàn đơn giản cho người nước ngoài (viết chung với tác giả Doo Won Sook), NXB Language Plus (Hàn Quốc), 2006
Hướng dẫn học và thi KLPT, NXB Giáo dục, 2008
Nâng cao năng lực dịch Hàn – Việt (viết chung với tác giả Lee Kye Sun), NXB Moon Erim (Hàn Quốc), 2015
Cá thu (Gong Ji Young), NXB Hội Nhà văn, 2015
Mây họa ánh trăng – Tập 5 (Yoon Isu), NXB Phụ nữ, 2018.
Một số trích đoạn trong tác phẩm:
1. […] Nói về cuộc sống trong tu viện, điều đầu tiên phải nhắc đến có lẽ là sự im lặng. Sống ở nơi này, tôi ngộ ra rằng sự im lặng không đơn giản là sự thanh vắng hay là trạng thái không có tiếng động, cũng không phải là khoảng lặng giữa những thanh âm. Ngược lại, có thể gọi nó là trạng thái của sự lắng nghe tích cực. Để tiếng ồn át tiếng ồn, cảm xúc vượt lên cảm xúc thì im lặng là lẽ tất nhiên.
Lần đầu tiên đến nơi này, tôi đang dạo bước bỗng dừng lại bởi nghe thấy tiếng chân mình – thứ âm thanh tôi chưa từng nghe thấy. Phần đế dép của tôi lúc đó bằng cao su, hầu như không phát ra tiếng động. Vậy mà có vô số tiếng động ẩn sau tiếng dép khe khẽ ấy vọng đến tai tôi. Tiếng của những bông hoa tuyết phủ trên cành thông rơi rơi, tiếng những cành cây trơ trụi lặng lẽ rung rung trong gió, tiếng côn trùng trở mình trong lòng đất, tiếng rễ cây từ từ vươn những nhánh rễ nhỏ đâm sâu vào đất mẹ. Tiếng gió nhẹ thoảng qua bên tai tôi lúc đó, phải chăng là tiếng ma sát của trái đất tự quay quanh trục? Dù vũ trụ, thần hay là người, khoảnh khắc dường như hé lộ về bản thân một cách ít ỏi, chính là những lúc như vậy. Thi thoảng những lúc ấy, bầu trời bất chợt mở ra với tôi, và có cái gì đó như sự bình yên không thể diễn tả được cứ lan ra trong lồng ngực.[…]
2. […] Bi kịch của cuộc sống là khi ta giải mã được những tín hiệu đó thì sự việc đã kết thúc, hoặc không thể quay lại được nữa. Khi tất cả mọi sự đã chấm dứt rồi, ta nhìn lại, ta cứ tin rằng cuộc sống sẽ cho ta thấy những điểm sáng, nhưng cuộc sống lại phản chiếu cho ta những khung cảnh lộn xộn.
Thế nên, tôi biết bắt đầu câu chuyện năm đó từ đâu nhỉ? Phải nói về ai trước nhỉ?
Núi Bulamsan, tu viện Joseph, hoa lê trắng… Phải rồi, tên của cô gái ấy, tôi sẽ viết ra tên của cô ấy lần đầu tiên ở đây. Kim So Hee, So Hwa Teresa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô ấy, cô ấy mặc chiếc áo len chui đầu màu đậu đỏ rộng thùng thình, đôi tất trắng cao đến đầu gối, đôi giầy thấp màu xanh nhạt diêm dúa. Khi tôi lần đầu tiên ngắm nhìn từ xa bóng dáng nhẹ nhàng ấy, cô gái ấy đang bước cùng một tu sĩ khác dưới những cành hoa lê. Cô vuốt ve mái tóc dài xõa ngang vai và nói gì đó với tu sĩ đang đi bên cạnh rồi nghiêng đầu về phía sau cười khúc khích. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô ấy, dáng vẻ của cô ấy là như thế đó. Lúc đó, tuy ở khoảng cách rất xa nhưng tôi vẫn như thấy rõ cô ấy đưa những ngón tay trắng ngần lên vuốt mái tóc. Những ngón tay mảnh mai. Và tôi giấu bức tranh chớp nhoáng của kí ức lần đầu gặp mặt người con gái ấy xuống tận đáy sâu của vô thức. Có lẽ là tôi đã xúc động mãnh liệt. Nếu lần đầu gặp mặt không bị uy hiếp thì chắc chắn tôi đã không cần thiết phải như vậy. Một thời gian sau, phải đến khi nhận được câu hỏi đầy thách thức của người con gái ấy ở thành phố W, kí ức cũ kĩ được lưu giữ trong vô thức kia mới hắt lên hóa thành ý thức của tôi. Đến lúc đó và một thời gian từ sau đó, cô ấy đã không hề có ý nghĩa gì đối với tôi.
“Cháu gái của Đức Giám mục, đã hoàn thành khóa học thạc sĩ ở Mỹ và về nước viết luận văn. Hình như là viết về sự áp lực của người theo tôn giáo. Thấy bảo là nhất định phải đến thành phố W”.[…]
3. […] Đêm hôm đó, dường như tôi đã mang về phòng mình hình ảnh em bước đi giữa những bông hoa lê trắng, bộ váy trắng ngang đầu gối bay phất phơ, đôi chân nhỏ khi cánh cửa tàu bật mở, dáng ngồi nghiêng nhìn đăm chiêu qua khung cửa sổ, và tiếng em nghiêng đầu cười khúc khích.
Khác với cảm xúc hân hoan trong lòng, người tôi mệt lử, tôi không buồn nghĩ đến việc tắm rửa, mà đổ ập xuống giường và tắt đèn. Đúng khoảnh khắc đèn tắt, có luồng ánh sáng vụt qua. Tâm thức mệt ngoài của tôi tự hỏi, hay là tôi chưa tắt đèn? Chính giây phút tưởng lầm ấy, tôi hiểu ra ánh sáng đó chính là gương mặt em. Tôi chẳng ý thức được hết tất cả, gương mặt trắng mịn của em làm giãn các đốt xương tôi, ùa vào trái tim tôi. Ngẫm lại, có lẽ điều đó đi kèm với một chút đau đớn. Tôi hiểu đây là tình yêu. Dù tôi đã nhìn thấy mũi tên em bắn vào trái tim tôi, tôi nhìn thấy khoảnh khắc mũi tên lao đến, tôi đổ gục, nhưng tôi biết mình chẳng thể làm gì được. Nỗi đau của cảm giác ngọt ngào cực độ, nỗi đau của cảm giác cay đắng nghiệt ngã… “Như vậy không được đâu!” Tôi từ chối bằng một giọng rất nhỏ và cảm thấy thanh thản hơn.
“Tại sao bạn yêu người ấy?” là một câu đúng về ngữ pháp. “Làm thế nào mà bạn được người ấy yêu?” cũng là một câu đúng về ngữ pháp. Thế nhưng thực tế, những câu đó không thể trả lời được. Nếu có thể nói rõ ràng lí do tại sao yêu thì là bởi vì trước đó không phải là tình yêu. Mãi sau này, một người đồng môn của tôi đã yêu một người con gái và rời tu viện để cưới cô ấy. Khi được hỏi tại sao cậu thấy yêu cô ấy, cậu ta đã trả lời thế này: “ Khoảnh khắc tớ nhìn thấy đôi tay cô ấy lúc đưa cho tớ tờ giấy A4, tớ đã phải lòng cô ấy rồi.” Thế thì là vì tờ giấy A4, hay là vì đôi tay của cô ấy? Câu trả lời là vì tình yêu, vậy thôi! […]
4. […] Đêm đó, tôi mang về phòng mình gương mặt em sau khi xóa lớp trang điểm có vết tàn nhang mờ mờ dưới mắt, tôi mang về đôi tay em mềm mại như cục bột mì mới nhào và giọng nói pha chút nũng nịu của em nữa. Lần này, trước khi tắt đèn, tôi thấy hình ảnh em vội nắm lấy và kéo tay tôi lại. Tôi không nhớ đã nhìn tay mình từ lúc nào. Tay trái tôi là tay So Hee, tay trái ấy nắm lấy tay phải. Bàn tay đã sần sùi nhiều. Tôi ngượng nghịu xoa xoa bàn tay thô ráp lên mu bàn tay khô. Rồi tôi ngả lưng, tôi trông thấy gương mặt em với đôi mắt mở to, chớp chớp và cứ thế tôi gọi tên em. “So” nghĩa là Hy vọng, “Hee” nghĩa là Màu trắng. Tên em nghĩa là HY VỌNG MÀU TRẮNG. Tôi gọi tên em mà thấy như từ đâu những bông hoa trắng đang rơi rơi.
Tôi không kể với ai chuyện có hình bóng em trong trái tim tôi. Mỗi ngày, tôi cầu nguyện vì em. Tôi tin những lời cầu nguyện của tôi là chân thành, và tôi hạnh phúc. Tiếng chuông sáng sớm vừa reo, tôi cất gương mặt trắng mịn ấy trong lồng ngực và dự giờ cầu nguyện sáng. Cả thế giới đang là mùa xuân, khắp đất trời đang ngập tràn hương hoa.[…]
5. […] Chúng tôi đi vào con đường hướng ra phía bờ sông. Thành phố W rất yên tĩnh. Thỉnh thoảng có chiếc xe chạy ngang qua rất nhanh như cắt mặt đường nhựa nhợt nhạt, gió thổi mạnh làm mái tóc của So Hee tung bay, và mỗi lần như thế, tôi lại nghe như có một mùi hương tựa hương hoa thần bí lãng đãng đâu đây. Mặt trăng đang chiếu soi mọi con đường của thành phố W. Con đường hắt lên thứ ánh sáng bàng bạc, và những cột đèn đường màu vàng đứng sừng sững như những cây hoa cao lớn ở thành phố W lúc về đêm. Bóng của chúng tôi đổ xuống lắc lư, dài ngoằng. Lúc đầu, khoảng cách giữa cô ấy và tôi rộng đủ để gập cả khuỷu tay, nhưng rồi theo bước chân và hình dáng của con đường mà khoảng cách ấy dần dần thu hẹp lại, và cứ mỗi lần bờ vai của hai chúng tôi va vào nhau, chúng tôi lại cúi đầu và tiếp tục bước đều, xen lẫn chút căng thẳng.
Mỗi người cầm một lon bia trên tay, và chúng tôi ngồi xuống một chiếc ghế băng bên bờ sông. Dường như thứ bột ánh sáng bạc từ mặt trăng rắc xuống đang bao phủ cả thế gian này. Dường như khi chúng ta ngủ, bằng một mùi hương khác, thế gian như bị ủ lại, muối và lên men. Việc tôi ngồi cùng cô ấy ở bờ sông đêm nay chỉ như một giấc mơ. So Hee ngồi trên băng ghế, chân đung đưa, chắp hai tay lại ngay ngắn và nhìn ngắm nước sông. Chiếc bóng của vầng trán trắng, của sống mũi thật sự rất đẹp.
“Em đã đọc một bài viết của tác giả nào đó. Trong đó có nói là thế giới này có hai loại người. Một là bỗng dưng vào một đêm nào đó muốn nắm tay ai thật chặt và bỏ chạy, một là chưa từng có suy nghĩ như vậy. Vấn đề là ở chỗ phải nắm tay thật chặt”.
So Hee nhìn dòng sông và lẩm nhẩm như đang nói một mình, vừa dứt lời liền quay đầu nhìn tôi chăm chú.
Tôi không nhớ rõ ai là người đã tiến đến gần với người kia trước. Và rồi đêm hôm ấy, hai cặp môi, một thì lạnh như đá khô và một thì nóng bỏng như lò luyện, một nét đẹp như cánh hoa hồng và sắc ngọt như một vết thương của lưỡi dao lam đã khắc sâu vào trái tim tôi. Khoảnh khắc môi chạm vào bờ môi, toàn bộ cơ thể tôi như tan vụn xuống giống những hạt vụn bạc, và toàn bộ cơ thể tôi lại đột ngột trong tích tắc như muốn bay vút lên đỉnh núi. Máu trong huyết quản dồn ứ như nước sông xoay vần, và một dòng điện hàng vạn vôn khiến tôi không còn chút sức lực nào, tôi thấy mình rộng thênh thang như những bình nguyên lộng gió. Chúng tôi ngồi trên băng ghế, hai tay của mỗi người vẫn giữ những lon bia, đôi môi vừa chạm nhẹ, So Hee liền vừa vòng tay ôm lấy cổ tôi, vừa nép sát vào người tôi.
“Chúng mình nắm thật chặt tay, rồi… bỏ chạy nhé?” Tôi hỏi.
“Ừ, chúng mình nắm thật chặt tay rồi…”
Cô ấy đã trả lời. Chúng tôi đã nắm tay thật chặt và ngồi ở đó cho đến khi mặt trăng gần như lặn mất ở phía bên kia sông. Ngày hôm ấy, dòng sông, ánh trăng, băng ghế, con đường và những thân cây đã hiện diện cùng chúng tôi hết sức bình yên. Đến khi giây phút mà tôi đã ước gì thời gian ngưng lại được ấy, cái đêm mà tôi đã nghĩ muốn buộc chặt trăng vào bầu trời trên kia, giữ lại nước sông và làm cho những thân cây với màu xanh mơn mởn sẽ mãi mãi đung đưa trên đầu chúng tôi ấy tàn đi, chúng tôi lại bước về hướng tu viện. Tu viện đang chìm trong giấc ngủ. Thế nhưng tu viện đang ngủ như bao ngày khác đó, đối với tôi đã không còn là tu viện ấy nữa. […]
6. […] “Bà chỉ sống chung được với ông khoảng một năm sáu tháng. Nhưng năm mươi năm trôi qua, chưa một lần tình yêu của bà với ông thay đổi. Thật đấy! Dù chỉ là một lần… Như cháu đã biết, sau này bà cũng có những người bạn mới. Nếu nói bà không có người bạn khác là không đúng. Nhưng bà không thể tiến xa hơn với họ được bởi không thể hứa hẹn được điều gì. Vì trong lòng bà, ông ấy vẫn còn hiện hữu. Đừng có mang cái nét mặt như thế, Yo Han! Điều đó không có gì phải buồn! Không phải là vì sau này bà yêu những người đó ít hơn, mà là vì dù cho họ có là ai đi nữa thì tình yêu của bà với họ cũng không thể nào sống động, mạnh mẽ như tình yêu của bà với ông cháu được. Và bà cũng không cảm thấy được ở họ cảm xúc như của ông khi yêu bà. Sau một thời gian dài, thỉnh thoảng bà lại nghĩ, liệu mình có phải là một người phụ nữ hạnh phúc ở tuổi này hay không?”
Hồi tưởng lại những việc đã qua hơn năm mươi năm, sức mạnh tình yêu có thể khóc lên như vậy gọi là gì? Là sức mạnh có thể nói rằng: Hạnh phúc khi trải qua nỗi đau? Hay sức mạnh tình yêu ngắn ngủi mãnh liệt hơn tất cả? Người ta cho rằng thời gian là liều thuốc chữa lành vết thương, thời gian trôi đi ta có thể quên tất cả, tôi tin những người lớn tuổi sẽ nói như vậy. Thế chẳng phải thời gian có thể xoa dịu nỗi đau hay sao?
Sau đó rất lâu tôi vẫn cứ nghĩ mãi về điều ấy. Và sau rồi tôi nhận ra, sự mài mòn của thời gian chẳng có ý nghĩa gì. Tình yêu chân chính dường như là thứ không thể nào mòn được, nỗi đau chân chính, nỗi buồn chân chính và cả niềm vui chân chính, thời gian có thể làm tiêu tan, làm biến mất mọi thứ giả dối nhưng để lại tất cả những chân tình, đích thực. Như vậy, có thể nói cái mà thời gian có thể khiến ta quên đi được không phải là những chân tình. […]
7. […] Một hôm, sau lễ Misa, tôi quỳ lạy ở bục xưng tội và lại ngước nhìn lên cây thánh giá.
“Ta gửi cô ấy đến bên con. Hãy yêu đi! Hãy yêu nhiều hơn nữa”.
Dường như giọng nói ấy lại vang lên. Sự tức giận vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai. Rốt cuộc Người bảo tôi hãy yêu nhiều hơn nữa, yêu hết mình rồi lại bảo “cái gọi là tình yêu nghĩa là tình yêu không báo đáp”, rốt cuộc thì Người đang chế giễu tôi. Vào một đêm mất ngủ, tôi nghe thấy tiếng những con rệp kêu dai dẳng. Tôi chợt nhận ra mùa thu đã tràn ngập khắp nơi, vào giây phút vũ trụ vẫn đang chuyển mình như thế, tôi thậm chí còn cảm nhận được những chuyển động rất nhỏ. Đó là bởi từ nơi sâu thẳm bên trong tôi có điều gì đó đang thay đổi và đang muốn thay đổi. Bên trong tôi, những điều không muốn thay đổi và những điều muốn thay đổi đang cọ xát và tranh đấu với nhau. Những vết thương lại đau đớn và nhức nhối. Tôi cảm nhận được linh hồn mình sốt cao. Dù không biết điều gì sẽ đến, nhưng tôi dự cảm được rằng qua đêm nay sẽ có điều quan trọng nào đó đến. Dù sao, đêm nay giống như một tiết giao mùa của cuộc đời.
Tôi đứng dậy và đi đến gần cửa sổ. Lâu lắm rồi tôi mới ngước nhìn bầu trời đêm. Mặt trăng tròn viên mãn, phía nửa kia là những vì sao đang tỏa sáng hòng đua tranh. Tôi bỗng lại nhớ về một đêm trong thời gian tu tập ở tu viện. Tôi nhớ đến cây thánh giá của tu viện sáng lấp lánh nhờ luồng sáng kì lạ do những chòm sao gắn với nhau tỏa ra. Sự khoan khoái mỗi khi ngắm nhìn cây thánh giá của tu viện, tấm chân tình của tuổi thanh xuân nồng nhiệt hướng đến thánh thần của tôi đã đi đâu mất rồi?
“Bởi tình yêu không biết đi”.
Câu nói của tu sĩ Thomas lại vang lên.
Tôi cũng nhớ đến câu nói của vị linh mục người Đức: “Đối với chúng ta, cho dù không có niềm tin đủ để xê dịch núi sông, cho dù không thể nói được thứ ngôn ngữ kì lạ, dù không chết vì người khác, nhưng nếu có tình yêu thì chúng ta cũng không vì những điều đó mà trở nên vô nghĩa”. Nghĩ đến việc trong muôn vàn tình yêu thương mà tôi được nhận từ khi sinh ra mà không có thứ gì đọng lại làm trái tim tôi thấy xót xa. Tôi cảm thấy thật bi thảm, cảm thấy mình có lỗi và một chút gì đó như bi quan khiến tôi không thể hiên ngang được.
Kể từ sau khi Michael và Angelo chết, tôi còn lại có một mình. Sự cô độc đã kéo tôi chìm sâu hơn nữa vào trong nỗi cô đơn. Sự trầm mặc thì luôn nặng nề mà sự cô đơn thì luôn yếu đuối. Tôi mang tâm trạng hoang mang của một người không biết phải đi đâu, mà con đường trước mắt thì mờ mịt như sương phủ kín. Giống như lời của một nhà thơ nào đó đã nói, “đến cả một chỗ để đặt chân” cũng không thấy. Hàn Quốc trong trái tim tu sĩ Thomas cũng vậy, ông nội tôi trong trái tim bà tôi cũng vậy, Michael trong trái tim cô gái ấy, tôi trong trái tim của người mẹ đơn thân Monica kia, đâu đó luôn ngự trị một tình yêu. Nhưng trong trái tim tôi chẳng có gì. Tự nhiên, lúc đó trong lòng tôi lại vang vang những lời như ai đó đang thủ thỉ vỗ về:
“Không sao đâu Yo Han! Thế cũng được mà”.
Trong phút chốc tôi bỗng thấy bàng hoàng, tôi do dự hỏi lại chính mình “có thực sự là không sao không?” và bật khóc. […]
8. […] Tôi đã rời khỏi tu viện. Bỗng nhiên đập vào mắt tôi là hình ảnh cây mộc liên mà tôi đã từng treo bộ lễ phục tôi cởi ra để đi dạo đêm với So Hee. Trong mười năm vừa qua, cây đã lan ra thành rất nhiều tán và cao lên nhiều. Dưới bóng râm của tán cây ấy, Angelo trẻ tuổi đang đứng chất những hộp nến sáp ong mới làm xong lên. Michael đang từ từ lần chuỗi hạt và treo hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh lên. So Hee mặc áo len trắng, tai đang đeo tai nghe và vẫy tôi từ đằng xa. Thời gian đã làm hao mòn đi mọi thứ. Chỉ còn lại những thứ mang tính bản chất. Và cuối cùng thì tuổi trẻ lại không phải là thứ mang tính bản chất ấy. Vì tuổi trẻ cũng sẽ bị hao mòn. Nhưng trong tâm trí luôn hướng về những điều ấy của tôi thì không hề bị hao mòn. Tình yêu của tôi là thật lòng.
Tu sĩ Thomas, người đã lên thiên đàng năm ngoái, đã từng nói với tôi như thế này:
“Tình yêu là thứ không thể mất đi được. Vì tình yêu là thứ không biết đến sự ra đi”.
Nỗi buồn dù có tụ hội lại và sự thật về nỗi đau sót lại cũng sẽ không còn nhiều trong kí ức của tôi, nhưng những thứ còn lại của tình yêu thì đến giờ tôi vẫn nhớ. Có một nhà thơ đã hát lên rằng tình yêu, điều mà không bao giờ biến mất, tuổi trẻ ơi hãy ở lại đây. Tôi đã muốn nói lên như vậy. Tình yêu à, hãy ở lại đó mãi mãi. Khi đó tiếng chuông ngân lên. Tiếng chuông ngân lên như một chiếc thang đan bằng những sợi dây thừng màu xanh thẳm tuôn ra từ bầu trời.[…]
Mời các bạn đón đọc Chiếc Thang Cao Màu Xanh của tác giả Gong Ji Young & Nghiêm Thu Hương (dịch).
Nguồn: dtv-ebook.com