Trải nghiệm về cuộc sống của mỗi người là khác nhau, và bi kịch cũng như thế. Nhưng chiến tranh, với bản chất tàn bạo của nó, đã tạo ra những nạn nhân ở cả hai phía. Và khi chiến trường phủ lên toàn bộ một đất nước – như trong Chiến tranh Việt Nam – thì toàn bộ nhân dân của đất nước ấy đều là nạn nhân”.
Với quan điểm đó, Chân Trần, Chí Thép trở thành một cuốn tư liệu về những con người, những khoảnh khắc mà có thể ta đã biết nhưng không bao giờ có thể hiểu được tường tận. Hàng chục câu chuyện, hàng trăm con người, hàng ngàn thời điểm được nhắc đến ở đây xuyên suốt 20 năm chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn 1961 – 1975, thậm chí, còn có những câu chuyện hậu chiến.
Không phải ngẫu nhiên mà Chân Trần, Chí Thép được đánh giá cao về mặt nội dung. Trong cuốn sách, cuộc chiến được đặc tả thông qua con người thật, sự kiện thật nhưng lại bằng quan điểm của một chiến binh đã từng đứng bên kia chiến tuyến. Khác biệt ngôn ngữ, khác biệt quan điểm, khác biệt lý tưởng ấy không biến những cảm xúc thành lạc điệu mà ngược lại, nó đồng cảm đến tận cùng, bởi, chiến tranh, dù thắng hay thua thì tổn thất là không thể đo đếm được. Có những gia đình không bao giờ có ngày đoàn tụ. Có những người mẹ vĩnh viễn mất đi những người con của mình. Có những chiến sĩ chiến đấu đến giây phút cuối cùng vì lý tưởng và niềm tin thống nhất đất nước. Có những đứa trẻ vượt Trường Sơn, rời khỏi chiến trường để cha mẹ yên tâm chiến đấu… Và còn có hành trình không mệt mỏi của những người còn sống tìm kiếm hài cốt đã mất của đồng đội sau khi chiến tranh kết thúc.
Những câu chuyện trong Chân Trần, Chí Thép đều gắn với một con người cụ thể, có thể là một cô văn công, có thể là một vị tướng, cũng có thể là một người dân thường… Sự đa dạng ấy khiến Chân Trần, Chí Thép trở nên thật đến trần trụi khi khắc họa chiến tranh và hậu quả chiến tranh để người đọc có cái nhìn sâu hơn, chi tiết hơn về những con người đã góp mặt trong thời điểm ấy.
Trong Chân Trần, Chí Thép, quá khứ và hiện tại được liên kết với nhau, đôi khi để hiểu thêm bối cảnh của những câu chuyện nhưng đôi khi là để thể hiện thái độ của người viết (và cả người được phỏng vấn) khi nhìn về quá khứ. Tràn ngập trong Chân Trần, Chí Thép là tinh thần hòa hợp hiếm có giữa những bên đã từng là kẻ thù thì nay là bạn. Tinh thần hòa hợp ấy từng bước góp phần chữa lành vết thương tinh thần của những con người, chủ động hoặc bị động, tham dự vào cuộc chiến, và rồi nó sẽ mở ra cánh cửa cho tương lai bằng nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, không chỉ với hàng trăm ngàn người còn mất tích, không chỉ với hàng triệu thương, bệnh binh, hàng triệu nạn nhân bị chất độc Cam dày vò.
Chân Trần, Chí Thép, vượt ra ngoài cái tên của nó, là một thông điệp hòa giải, là một cách nhìn nhận thẳng thắn về cuộc chiến, về con người, về Việt Nam.
©
Từ những cuộc gặp gỡ với người dân cũng như các quân nhân Việt Nam sau chiến tranh, cựu trung tá thủy quân lục chiến James G. Zumwalt viết cuốn ‘Bare Feet, Iron Will’. Ngày 21/4, ông đến Việt Nam ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm này.
Cuốn sách Bare Feet, Iron Will do NXB Fortis ấn hành tại Mỹ tháng 4/2010. Cuốn sách ngay lập tức được nhiều bạn đọc Mỹ đón nhận. Trên mạng bán sách trực tuyến Amazon, có độc giả để lại nhận xét về cuốn sách như sau: “Các nhà lãnh đạo trên thế giới, những người có thẩm quyền phát động chiến tranh, cần đọc cuốn sách của Zumwalt. Thông điệp ở đây là, chính quyết tâm của nhân dân và “quy mô” trái tim của họ, chứ không phải sức mạnh quân đội và quy mô của kho vũ khí, quyết định chiến thắng”.
Bản dịch tiếng Việt tác phẩm này có tên Chân trần, chí thép do First News và NXB Tổng hợp TP HCM vừa xuất bản. Cuốn sách dày gần 400 trang, tập hợp thông tin từ gần 200 cuộc phỏng vấn do James G. Zumwalt thực hiện với các “cựu chiến binh Bắc Việt và Việt Cộng cũng như dân thường Việt Nam”, theo cách nói của ông. Đan xen giữa những câu chuyện kể là các đánh giá, nhận xét táo bạo của tác giả, một người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.
Bên cạnh các trang viết của tác giả Zumwalt, bản tiếng Việt còn có lời giới thiệu cùng các bài nhận xét, phân tích của Thượng tướng Phan Trung Kiên – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Lê Thành Tâm, PGS – TS Hà Minh Hồng…
Trong lời giới thiệu, Thượng tướng Phan Trung Kiên viết: “Tôi khâm phục sự trung thực và dũng cảm của tác giả quyển sách khi bộc lộ những cái nhìn khác biệt về cuộc chiến tranh”.
Tác giả James G. Zumwalt sinh ra trong gia đình có truyền thống binh nghiệp. Cha ông là đô đốc Elmo R. Zumwalt, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam, và sau này là Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ. Trong vai trò chỉ huy Hải quân Mỹ tại Việt Nam, bắt đầu vào năm 1968, Tư lệnh Elmo Zumwalt đã phát động chiến dịch rải chất độc màu da cam dọc các bờ sông ở miền Nam Việt Nam.
Nhiều chiến binh Mỹ trở về từ cuộc chiến cũng bị phơi nhiễm chất độc này, trong đó có người con trai cùng tên với ông là Elmo R. Zumwalt III. Elmo R. Zumwalt III qua đời năm 1988 vì ung thư, hậu quả của phơi nhiễm chất độc.
Sau chiến tranh, đô đốc Zumwalt trở lại Việt Nam để thúc đẩy các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh. Ông cũng là người ủng hộ quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ – Việt của Tổng thống Bill Clinton.
James Zumwalt cũng từng tham chiến tại Việt Nam, sau đó tham gia cuộc can thiệp của Mỹ vào Panama năm 1989 và Chiến dịch Bão táp Sa mạc tại vùng Vịnh năm 1990-1991. Năm 1994, lần đầu tiên ông cùng cha – đô đốc Zumwalt – trở lại Việt Nam trong một chuyến đi tìm hiểu tác hại của chất độc màu da cam lên sức khỏe con người.
Chính từ chuyến đi ấy, ông Zumwalt được tiếp xúc với nhiều vị tướng lĩnh cấp cao, các cựu quân nhân từng tham gia cuộc chiến chống Mỹ cũng như những người dân thường. Sau đó, ông còn trở lại Việt Nam nhiều lần nữa. Zumwalt chia sẻ, mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp cho ông một cái nhìn mới, một nhận thức mới về đất nước và con người ở đây. “Khi hiểu biết đơm mầm, lòng thù hận âm ỉ bấy lâu tan biến, thay vào đó là sự thông cảm, sẻ chia. Giờ đây, tôi coi những người bên kia chiến tuyến là bạn bè”, tác giả này nói.
Nguồn: dtv-ebook.com