Cuốn Cấu Trúc Các Cuộc Cách Mạng Khoa Học được Kuhn viết và cho xuất bản vào năm 1962, lúc đầu được đăng tải như một mục trong bộ Bách khoa Thư Khoa học Thống nhất [International Encyclopedia of Unified Science] do các nhà duy thực chứng của Câu lạc bộ Wien ấn hành.
Khác với quan niệm về tính phản nghiệm của Karl Popper, trong cuốn sách của mình, Kuhn muốn chứng minh rằng các lý thuyết khoa học trong lịch sử không hề bị loại bỏ khi chúng tỏ ra sai, mà chỉ đến khi nào chúng được thay thế. Sự thay thế này là một hiện tượng “xã hội” đòi hỏi phải có sự tham gia của cả một cộng đồng các nhà nghiên cứu, cùng thống nhất với nhau về một quy trình xoay quanh việc giải thích một số hiện tượng hoặc một số thí nghiệm nhất định. Cộng đồng này có một cấu trúc đặc thù riêng (các cuộc tọa đàm, hội thảo, các ấn phẩm…). Trong lịch sử, theo ông, không hiếm khi xảy ra trường hợp nhiều trường phái cùng tồn tại trong một mối quan hệ đối lập, và ở một mức độ tương đối, họ không hề biết tới công việc của nhau.
Dấu ấn của Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học cho đến giờ này vẫn chưa hề phai nhạt và tính thời sự của nó vẫn còn nguyên vẹn. Công trình của Kuhn ngày nay vẫn được sử dụng khá triệt để trong khoa học xã hội, chẳng hạn trong những tranh cãi về Quan hệ Quốc tế của các trường phái hậu thực chứng.
Khái niệm “mẫu hình” của ông dường như là một khái niệm cơ bản của môn Xã hội học về Tri thức Khoa học. Có thể nói không ngoa rằng hiếm có sinh viên thuộc các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn nào không nghe nói đến Thomas Kuhn và lý thuyết về “mẫu hình” của ông. Cho đến cuối thế kỷ XX, cuốn Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học có lẽ là cuốn sách triết học bán chạy nhất ở châu Âu và Mỹ, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và số lượng phát hành bằng tiếng Anh lên đến hàng triệu bản. Cho đến nay, theo thống kê của một số tạp chí, đây là một trong những cuốn sách được các tác phẩm triết học trích dẫn nhiều nhất.
Sự ra đời của nó vào năm 1962 đã đánh dấu sự cáo chung của những tư tưởng triết học khoa học thịnh hành từ những năm 1930 cho tới thời điểm ấy. Nó đồng thời đánh dấu sự mở màn của một tư tưởng triết học mới, ít thiên về phân tích logic và phân tích khái niệm mà chú trọng thích đáng hơn đến lịch sử và xã hội học khoa học.
Source: dtv-ebook.com