Lời nói đầu Có phải bạn nghĩ rằng em bé không biết gì cả?
Con sợ mẹ đau nên không đạp đấy ạ!
Quá trình mang trong mình một hình hài bé nhỏ giống như một trường đoạn trong bộ phim cuộc đời, trong đó người phụ nữ có những sự biến đổi cả về thể chất lẫn tâm hồn.
Chắc chắn, rất nhiều bà mẹ luôn trân trọng, nâng niu những ký ức khi mang thai, khi sinh con, cũng như khoảnh khắc lần đầu tiên được ôm con vào lòng.
Vậy, nếu nói rằng em bé có ký ức về thời gian ở trong bụng mẹ cũng như thời điểm được sinh ra thì các bà mẹ sẽ nghĩ sao?
Đối với những trẻ còn nhỏ, những ký ức ấy có thể vẫn còn được lưu giữ lại. Để xác nhận điều này, năm 2000, tôi đã thử làm một cuộc điều tra trên 79 bà mẹ có con từ 2 đến 7 tuổi.
Và kết quả đã vượt xa tưởng tượng của tôi: Khoảng một nửa trong số các bà mẹ đó nói rằng con mình có những ký ức như thế.
Khi yêu cầu các bà mẹ miêu tả lại nội dung trò chuyện với bé về ký ức trong bụng mẹ, tôi nhận được những mẩu chuyện như sau:
♠ Khi mẹ hỏi: “Vì sao lúc ở trong bụng mẹ, con không đạp nhiều vậy?”, bé trả lời rằng: “Vì mẹ bảo ‘Đau’, con thương mẹ, sợ mẹ đau nên con không đạp nữa đấy ạ!” (bé trai, 4 tuổi 9 tháng)
Nghe vậy, người mẹ liền nhớ lại sự việc đã xảy ra: Khi mang thai đứa con này, chị suốt ngày phải vật lộn với đứa con lớn, đã vậy còn bực bội với ông chồng không biết thông cảm với những mệt nhọc cơ thể của mình.
Có một lần, khi thai được khoảng 7 tháng tuổi, em bé trong bụng đạp dữ dội quá, người mẹ bèn vỗ vào bụng và nói: “Đau! Con đừng đạp mạnh quá!”.
Giờ đây khi nghe con trai kể lại như vậy, người mẹ vừa thấy trong lòng trào dâng cảm xúc biết ơn đứa con bé nhỏ biết thông cảm cho mình, vừa cảm thấy có lỗi với con.
Thế đấy, đứa trẻ dù ở trong bụng mẹ vẫn hết sức nhạy cảm và có thể cảm nhận rất rõ mẹ đang làm gì, đang nghĩ gì. Vậy nên, bạn hãy nhớ rằng, không phải chỉ có mẹ mới quan tâm, nâng niu em bé trong bụng, mà em bé cũng yêu mẹ, quan tâm đến mẹ bằng hoặc hơn thế nữa.
Và đây là câu chuyện thứ hai:
♠ “Lúc ở trong bụng mẹ, con nghe thấy giọng của bố và mẹ đấy! Bố còn hát thế này: ‘Con vỏi, con voi, có cái vòi thật dài’” (bé gái, 3 tuổi 6 tháng)
Đúng là ông bố này có sở thích về âm nhạc và rất thích hát nên lúc vợ mang bầu, anh ấy thường áp vào bụng vợ để hát cho con nghe. Và từ lúc sinh ra đến giờ, hai bố con họ lúc nào cũng quấn quýt với nhau.
Con nhớ những chuyện trong bụng mẹ đấy!
Quan điểm về em bé có ký ức từ bên trong bụng mẹ được công nhận trên thế giới từ hơn một trăm năm về trước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của học thuyết Freud, hầu hết mọi người vẫn tin rằng “Trẻ sơ sinh không thể có ký ức”. Từ những năm 1960, cùng với sự phát triển của y học, con người dần biết được những gì xảy ra bên trong bào thai.
Nhờ đó, chúng ta đã kiểm chứng bằng các số liệu khoa học rằng em bé trong bụng mẹ có những năng lực kỳ diệu hơn chúng ta tưởng tượng. Theo đó, việc em bé có ký ức cũng không phải là điều gì lạ lẫm.
Khi thống kê kết quả điều tra, tôi nhận thấy câu trả lời của các em bé về thời gian còn ở trong bụng mẹ có xu hướng phổ biến nhất là về màu sắc hoặc trạng thái ánh sáng như “tối lắm” hoặc “có hơi sáng một chút” hoặc “toàn màu đỏ”.
♠ “Tối. Ấm. Bồng bềnh. Bịch bịch.” (Bé trai, 1 tuổi 8 tháng).
♠ “Trong bụng mẹ vừa tối vừa ấm. Con chỉ muốn ở mãi trong đó thôi” (Bé gái, 2 tuổi 8 tháng).
♠ “Ở trong bụng mẹ rất là dễ chịu. Trong đó toàn màu đỏ và ấm nữa. Con ngủ suốt” (Bé trai, 2 tuổi 6 tháng).
Dạng câu trả lời thường gặp thứ hai là về những chuyển động trong bụng mẹ như “con đã nhảy múa”, “con đã đạp”.
♠ “Con đã đạp bịch bịch vào bụng mẹ đấy.” (Bé trai, 3 tuổi).
♠ “Ở trong bụng mẹ lúc nào con cũng nhảy múa cả. Ôi, con muốn quay vào trong đó quá đi!” (Bé trai, 3 tuổi).
Cũng có những bé còn mô tả rất cụ thể những gì trong bụng mẹ, thậm chí còn nhớ mình đã nằm tư thế như thế nào.
♠ Bé vừa đưa tay xuống rốn vừa nói: “Ở trong bụng mẹ, chỗ này có cái dây màu trắng dài ra nè. Em bé cắm ống hút vào miệng và nối với lỗ rốn của mẹ đấy. Khi cắt “phựt” cái dây rốn của em bé thì em bé sẽ chui ra mẹ nhỉ?” (Bé trai, 3 tuổi 4 tháng)
♠ “Lúc ở trong bụng mẹ, con đã mút tay đấy.” (Bé trai, 2 tuổi 11 tháng).
♠ Biết mẹ đang mang thai em bé thứ hai bị ngôi ngược, cậu con trai nói: “Hồi đó con chúc đầu xuống dưới đấy!” (Bé trai, 3 tuổi 3 tháng).
Thính giác là một trong những giác quan phát triển khá sớm đối với em bé trong bụng mẹ. Chính vì thế mà trong các câu trả lời được gửi đến, có rất nhiều câu trả lời rằng đã nghe thấy rất rõ những âm thanh hay tiếng nói ở bên ngoài.
♠ “Con nghe thấy bố mẹ vuốt ve cái bụng rồi vỗ bịch bịch và nói chuyện với con đấy!” (Bé trai, 2 tuổi 7 tháng)
♠ “Con nghe thấy bố mẹ bảo: ‘Con ơi, vài bữa nữa con hãy chui tọt một cái ra nhé!’” (Bé trai, 3 tuổi)
Con nhìn thấy qua lỗ rốn mà!
Ngoài ra, phiếu điều tra cũng có những câu trả lời hơi khác lạ một chút. Có cả bé nói rằng đã “nhìn thấy bên ngoài”.
♠ Khi mẹ lần đầu đưa bé đi dạo công viên mà trước đây khi mang thai mẹ thường hay đi dạo, bé liền bảo: “Con biết chỗ này mẹ ạ. Con nhìn thấy qua lỗ rốn đấy!” (Bé gái, 4 tuổi).
♠ Trước đây, lúc mang thai người mẹ thường hay vừa đi dạo vừa ngắm hoàng hôn ở dọc bờ biển. Và cậu con trai của bà mẹ này kể rằng: “Lúc con ở trong bụng ấy, con nhìn thấy cây, thấy tòa nhà, thấy dây điện đấy mẹ. Mây có màu đỏ cam nè, giống như hoàng hôn vậy á. Con đường cũng có màu đỏ cam mẹ ạ.” (Bé trai, 2 tuổi 7 tháng).
♠ Lúc mang thai, người mẹ thường hay xem chương trình kinh dị trên tivi cùng với ông bà. Cậu con trai của người mẹ này nói: “Mẹ ơi, chương trình đó hay quá mẹ nhỉ? Ngày xửa ngày xưa, mình có xem chương trình kinh dị đấy! Mẹ xem với ông bà. Lúc ở trong bụng mẹ, con đã nghe thấy mà!” (Bé trai, 4 tuổi).
Có lẽ chúng ta không thể tưởng tượng được cơ chế nhận thức và ký ức của con người có vô vàn điều bí ẩn mà khoa học chưa thể lý giải.
Người ta thường nói, em bé có thể nhìn thấy bên ngoài qua “lỗ rốn”. Khoan bàn câu này có đúng nghĩa đen không, nhưng rõ ràng em bé trong bụng mẹ có những năng lực vượt xa tưởng tượng lâu nay của chúng ta. Dường như từ trong bụng mẹ, em bé có thể quan sát thế giới bên ngoài.
Trong phiếu điều tra, rất nhiều bà mẹ đã đưa ra những ví dụ cực kỳ thú vị về ký ức lúc mới sinh của em bé. Hầu hết trong số đó là ký ức khi em bé chui qua cửa mình của mẹ như “đau quá”, “kinh khủng quá”.
♠ “Em bé chui ra chắc là đau lắm đấy! Con nhớ là con đã rất đau mẹ ạ!” (Bé trai, 3 tuổi 9 tháng).
♠ “Con phải làm vậy mới chui ra được nè!” rồi bé bắt chước vặn xoay người như đinh ốc (Bé trai, 2 tuổi).
♠ “Con chui ra bằng đầu. Con mở từng cánh cửa một rồi chui ra đấy!” (Bé trai, 3 tuổi 3 tháng).
♠ “Bác sĩ gọi con ‘Ra đây nào!’, con trả lời ‘Vâng ạ!’ rồi chui ra. Con không sợ đâu!” (Bé trai, 2 tuổi 2 tháng).
Những ký ức như thế này cũng khác nhau tùy thuộc vào cách sinh con của mỗi bà mẹ. Những ca sinh dễ thì có bé nhớ, có bé trả lời là “không nhớ gì cả”, nhưng những ca sinh khó thì tất cả các bé đều trả lời “còn nhớ rõ” và hầu như đều là những ký ức không mấy dễ chịu.
♠ Quá ngày dự sinh 9 ngày mà mẹ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ nên bác sĩ truyền thuốc kích thích và hút em bé ra. Ca sinh này mất một ngày. Sau này bé kể lại: “Con rất muốn ra sớm đấy! Nhưng mãi không ra được. Đau cực kỳ! Mà lại chói nữa!” (Bé trai, 3 tuổi)
♠ Vì em bé quá lớn nên phải có hai nữ hộ lý đè lên bụng mẹ để đẩy bé ra. Bé kể lại rằng: “Cái cổ của con bị đau!” (Bé gái, 2 tuổi 7 tháng).
♠ Mẹ bé phải vừa thở oxy vừa rặn mất một tiếng đồng hồ em bé mới ra được. Bé kể lại rằng: “Con sợ và hồi hộp quá chừng! Giống như bị rớt xuống cái lỗ nhỏ đen chật ních vậy á! Con muốn nói gì đó, nhưng mà không hiểu sao không phát ra tiếng, không thể nói được!” (Bé trai, 5 tuổi)
Ở trường hợp sau cùng, người mẹ ghi là “sinh dễ” nhưng câu chuyện thì chẳng giống sinh dễ chút nào.
Vì vậy, tôi đã thử hỏi lại người mẹ. Lúc đó, người mẹ bảo rằng: “Theo cô hộ lý nói thì ca của tôi là sinh dễ nhưng tôi thấy rất đau. Đầu của bé to nên mất khá nhiều thời gian, phải vừa thở oxy vừa rặn mất một tiếng mới ra được.”
Y học không có tiêu chuẩn nào để phân biệt chính xác thế nào là sinh khó, thế nào là sinh dễ, nhưng chắc chắn, cảm nhận của người mẹ lúc sinh là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến ký ức của em bé.
Ngoài ra, một số bé trả lời rằng vẫn còn nhớ lúc vừa mới chui ra ngoài, trong số đó, nhiều bé nói rằng “thấy rất chói”. Nhiều bé kể rằng bé đã chui qua một con đường hầm có ánh sáng đằng trước.
♠ “Lúc chui ra, đầu con rất đau. Mà lại chói nữa. Khuôn mặt mẹ nhìn rất lạ, nên con cứ nhìn mẹ mãi” (Bé gái, 2 tuổi 8 tháng).
♠ Khi đi tàu điện, lúc tàu chui qua đường hầm, bé reo lên: “A! Em bé sắp ra rồi!”. Lúc tàu vừa chui ra khỏi đường hầm, bé lại reo lên: “Em bé ra rồi!” (Bé trai, 2 tuổi 11 tháng).
♠ “Lúc con vừa chui ra khỏi bụng mẹ, con thấy bên ngoài rất sáng và chói. Có nhiều người lắm! Bố còn hát nữa!” (Bé gái, 3 tuổi 6 tháng).
Có bé nhớ những gì mọi người trò chuyện xung quanh.
♠ “Con nghe thấy bố mẹ nói: ‘Con ơi, hãy chui tọt một cái ra nhé!’” (Bé trai, 3 tuổi 6 tháng).
♠ “Con nghe giọng mẹ rõ nhất!” (Bé gái, 2 tuổi 7 tháng).
Có nhiều người cho rằng những ký ức này thật ra là kiến thức mà bé học được từ người lớn hoặc từ các chương trình ti-vi. Đúng là có một số trường hợp như thế nhưng không thể kết luận rằng tất cả đều vậy.
Thực tế, theo kết quả điều tra, cũng có nhiều câu chuyện về những ký ức mà bố mẹ chưa từng kể với bé hoặc chỉ có bản thân bé mới biết được thôi. Trong số đó, có những bé có ký ức về việc vỡ ối hay đi phân su.
♠ Với ca sinh mà người mẹ vỡ nước ối nhiều đến mức nghe thấy tiếng ục ục, bé kể: “Lúc sinh ra, con tè kêu ‘ục, ục’ đấy!” (Bé trai, 4 tuổi 8 tháng).
♠ Khi ca sinh của bé có nước ối bị đục do có phân su, bé kể: “Lúc ở trong bụng mẹ, con đã đi ị đấy! Rồi có cái gì đó mắc trong cổ, làm con ‘oẹ’ luôn!” (Bé gái, 3 tuổi 4 tháng).
Ở mẩu chuyện sau cùng này, người mẹ kể rằng: “Bé vừa sinh ra, bác sĩ đã đặt ống vào miệng bé để hút nước ối. Bé bảo có gì đó mắc trong cổ, tôi nghĩ chắc là cái ống lúc đó”.
Hãy bắt đầu tạo mối liên kết với con ngay khi vừa thụ thai
Mặc dù số lượng điều tra còn ít nhưng tôi đã có được một bảng thống kê thú vị với khá nhiều kết quả giống nhau. Khi được đăng lên nhật báo Asahi(1), kết quả này đã nhận được rất nhiều phản hồi từ các bậc cha mẹ, vượt xa mong đợi của tôi.
Với các kết quả điều tra này, tôi nhận thấy chúng ta cần phải xem xét lại cách chúng ta cư xử với em bé trong bụng mẹ.
Một khi biết được em bé trong bụng mẹ có thể hiểu được và có phản ứng với những gì đang diễn ra bên ngoài, chúng ta có thể giao tiếp với trẻ một cách phong phú hơn rất nhiều so với lúc còn suy nghĩ “đằng nào con cũng không hiểu gì đâu”.
Ngay từ lúc em bé vừa được hình thành trong bụng mẹ, chúng ta hãy thử tạo kết nối với bé. Nếu chúng ta tập giao tiếp với con từ trong bụng mẹ, việc nuôi dạy con sau này chắc chắn sẽ vui hơn, nhàn hơn rất nhiều. Và quan trọng là cách giao tiếp này cực kỳ đơn giản.
Chẳng hạn, khi nhìn hoặc nghe thấy điều gì hay, mẹ hãy nói với em bé trong bụng: “Hay quá con nhỉ?”. Mẹ có thể trò chuyện với con về bất cứ nội dung gì, chẳng hạn như: “Hôm nay trời đẹp quá, đúng không con?” hay “Mẹ thích món này lắm đấy!”.
Mẹ cũng có thể hát cho bé nghe bài hát yêu thích của mình. Chắc chắn là em bé trong bụng đang lắng tai nghe đấy.
Nếu mẹ cảm thấy cô đơn hoặc lo lắng bất an, hãy nghĩ đến em bé trong bụng, chắc chắn em bé sẽ luôn ở bên mẹ và muốn nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!”. Em bé rất nhạy cảm với những thay đổi cảm xúc của mẹ, cùng buồn, cùng vui với mẹ. Đương nhiên, bố hãy thường xuyên áp vào bụng mẹ trò chuyện với bé, hát cho bé nghe, chắc chắn sau này bé sẽ rất yêu bố.
Giờ đây, khi đã biết rằng em bé trong bụng mẹ có thể hiểu và rất nhạy cảm với thế giới bên ngoài, có ký ức về lúc sinh ra như “Lúc sinh ra con thấy chói, thấy đau mắt” hay “Con sợ quá”, có lẽ chúng ta cũng cần phải suy nghĩ về tư thế sinh tốt hơn cho con.
Từ xưa đến nay, trên bàn sinh, có lẽ vì quá lo sợ những biến cố có thể xảy ra nên chúng ta thực hiện quá nhiều thủ thuật can thiệp. Oái ăm thay, nhiều khi chính những sự can thiệp y học đó đã tạo ra những ca sinh khó. Thay vì đứng trên quan điểm của y học để kiểm soát việc sinh đẻ, đã đến lúc chúng ta cần phải nghĩ tới cách sinh thật sự an toàn cho sự phát triển cả thể chất lẫn tâm hồn của trẻ.
Sinh con là một cột mốc quan trọng trong quá trình nuôi dạy con, có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách của đứa trẻ. Tôi mong rằng sẽ ngày càng có nhiều ca sinh mà chúng ta có thể chào đón em bé chào đời trong niềm hân hoan: “Thế giới này đẹp lắm, vui lắm con à!”
Mời các bạn đón đọc Cảm Ơn Con Đã Chọn Bố Mẹ của tác giả Akira Ikegawa.
Nguồn: dtv-ebook.com