Bước Vào Cửa Hiệu Nhiệm Màu

white noise for sleeping link
shopee-sale

Đối mặt với những nỗi đau và thất bại của bản thân, Tiến sĩ James R. Doty viết nên quyển sách “Bước vào cửa hiệu nhiệm màu” đầy lôi cuốn bằng tất cả trải nghiệm của ông.

Chính trong câu chuyện chân thật đó, người đọc dễ đồng cảm và tìm thấy hình ảnh của mình trong sách.

James R. Doty là giáo sư lâm sàng tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh, là người sáng lập, điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lòng trắc ẩn và vị tha (CCARE) tại đại học Y Stanford. Trên nền câu chuyện y khoa, ông đặt vào trong đó là những trải nghiệm từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, xâu chuỗi nó thành những xúc cảm đầy trải nghiệm. Dù ở khía cạnh nào, tác giả cũng chia sẻ, lý giải những vấn đề cuộc sống mà bất kỳ ai cũng sẽ trải qua.

Xuyên suốt 3 phần của quyển sách, tác giả lần lượt hồi tưởng lại những giai đoạn cuộc sống của mình. Can đảm để đối diện với những vết thương, nhìn nhận sự thất bại là cách mà James R. Doty viết nên quyển sách “Bước vào cửa hiệu nhiệm màu”.

Nhận xét về cuốn sách, thầy Thích Nhất Hạnh đã nhấn mạnh là “sâu sắc và đẹp đẽ”, bởi vì dù trong bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời, James luôn giữ niềm hy vọng tích cực, hạnh phúc để làm kim chỉ nam trong hành trình đi tìm mục đích sống. Và ông truyền tải tinh thần đó xuyên suốt các trang sách, để người đọc thấy được ý nghĩa bản thân.

Từ một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình tầng lớp thấp ở vùng Lancaster, tuổi thơ của tác giả vẫn nuôi trong mình một ước mơ. Rồi cậu gặp gỡ bà chủ của một tiệm bán đồ ảo thuật tên Ruth, bà đã chỉ Jim một “màn ảo thuật” đặc biệt. Mà tác giả gọi trong sách là “4 bí quyết của Ruth” gồm: Thả lỏng cơ thể, Thuần hóa tâm trí, Mở rộng trái tim và Tinh lọc mục tiêu. Chính cuộc gặp gỡ đó đã tạo ra một động lực phi thường để cậu bé Jim hoàn thành ước mơ trở thành một bác sĩ Phẫu thuật Thần kinh.

Phép màu mà tác giả nói đến trong sách chính là định hình mục tiêu của bản thân, đặt suy nghĩ luôn hướng về điều đó và giữ niềm tin vào con đường của mình để đi đến đích. Não bộ sẽ luôn chọn lựa những gì quen thuộc thay vì những gì xa lạ. Bằng việc tưởng tượng ra tương lai thành công của mình, bạn đã khiến não quen thuộc với thành công này. Như cách James tôi luyện tâm trí mình trở thành một bác sĩ rất lâu trước khi nộp đơn vào trường y, đơn giản bằng cách hình dung mình là một bác sĩ.

Ai trong đời đều có mục tiêu để đi về phía trước. Nhưng nếu bản đồ cuộc sống bắt bạn trải qua nhiều thử thách thì bạn cần chiếc la bàn để định vị lại. Như tác giả phải tự xoay sở trước những sóng gió mà gia đình mang đến. Ông không ngại việc “vạch áo cho người xem lưng” khi nói về gia cảnh của mình. Nhưng tuyệt nhiên, trong những câu từ đó không hề là sự trách giận, ngược lại nó chứa đầy tình yêu thương.

Chẳng có cái gọi là cuộc đời hoàn hảo mà chúng ta sinh ra đã ở sẵn trong đó. Ngay cả khi thành công, cuộc sống cũng sẽ mang đến thách thức để “đánh giá” khả năng xử lý hoàn cảnh của chúng ta. Ai cũng đều muốn được công nhận về năng lực của mình dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Nhưng sẽ là tự mãn nếu chúng ta không giữ được thăng bằng giữa những sự nhìn nhận đó.

Tác giả không chỉ kể về những thành công mà còn đối diện với sự thất bại bởi tính kiêu ngạo của chính mình mà ông viết trong sách: “Tôi đã trở nên ngạo mạn. Phương pháp có được mọi thứ tôi muốn, kỹ thuật chuyên môn trong giải phẫu thần kinh của tôi đã khiến tôi cảm thấy mình quan trọng và đặc biệt theo một cách tôi chưa từng cảm thấy trước đây”.

Điều đó dẫn đến việc ông phải đối mặt với cái chết là lúc câu chuyện đẩy lên cao trào. Trong hành trình cận tử đó, ông như được thức tỉnh, tự nhủ rằng đây không phải là cách mà cuộc đời ông nên kết thúc. Như tác giả viết trong sách, chúng ta có thể chết đến ngàn lần trong cuộc đời này. Và đó là một trong những món quà tuyệt vời nhất của việc được sống.

Vết thương lòng vẫn thường trao cho ta cơ hội lớn lao để trưởng thành. Cuộc sống phải mất nhiều năm trời và nhiều sai lầm đau đớn trước khi chúng ta nhận ra điều đó. Như không để chúng ta mất nhiều thời gian tương tự, nên tác giả quyển “Bước vào cửa hiệu nhiệm màu” đã gói gọn hết những ý nghĩa đó trong hơn 300 trang sách. Những khoảnh khắc tiêu cực nhất lại chứa đựng sự tích cực khi nó thúc đẩy nội tại chúng ta thay đổi. Và trên hết thảy những cảm xúc đẹp đẽ và mãnh liệt, tác giả dần đưa người đọc đi sâu hơn vào ý nghĩa hạnh phúc của cuộc đời.

Giống như rất nhiều thứ khác trong đời, niềm tin của chúng ta vốn là hiện thân của những trải nghiệm sống của chúng ta. Theo lý giải của tác giả, trái tim là nơi chúng ta tìm thấy sự an ủi và an toàn trong tăm tối. Nó là thứ ràng buộc chúng ta lại với nhau và là thứ tan vỡ khi chúng ta chia lìa. James R. Doty cũng khẳng định, đầu óc là sức mạnh, nhưng nó chỉ có thể đạt được thứ ta thật sự muốn nếu ta mở rộng trái tim mình trước tiên. Mà ông gọi đó là la bàn trái tim.

Chúng có thể làm tăng sự tập trung, đưa ra quyết định nhanh hơn, nhưng khi có sự khôn ngoan và mở rộng trái tim. Hành trình của chúng ta không chỉ là một hành trình đơn độc đi vào nội tâm, mà còn là hành trình hướng ngoại với sự nối kết. Cách duy nhất để thật sự thay đổi và biến chuyển cuộc đời mình theo hướng tốt đẹp hơn chính là làm thay đổi và biến chuyển cuộc đời của những người khác.

Tổng thể cuốn sách là một sự chiêm nghiệm sâu sắc, với trải nghiệm mà ai cũng sẽ đôi lần chạm phải. Tác giả tạo ra sự thân thuộc trong cách kể chuyện của mình bằng sự tinh tế, thấu cảm. Với tất cả những mảng màu đó, ông đưa người đọc tìm về ý nghĩa của hạnh phúc. Mỗi chúng ta có câu chuyện của riêng mình, trong mỗi câu chuyện ấy đều có những phân đoạn đớn đau và buồn bã. Chúng ta có thể tạo ra mọi thứ chúng ta muốn. Trao đi yêu thương luôn là điều có thể. Mỗi hành động của lòng trắc ẩn, mỗi khoảnh khắc của thấu hiểu là một món quà dành cho thế giới này và cho chính bạn. 

Về tác giả sách “Bước vào cửa hiệu nhiệm màu”:

Tiến sĩ James Doty (sinh ngày 1-12-1955) là giáo sư lâm sàng tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Đại học Stanford, là người sáng lập và điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lòng trắc ẩn và vị tha (CCARE) tại đại học Y Stanford. Ông đã hoàn thành chương trình giáo dục đại học tại Đại học CA, Irvine và trường Y thuộc Đại học Tulane.

Ông có nhiều đóng góp trong lĩnh vực chuyên môn và cả những hoạt động xã hội. Ông là Chủ tịch của Quỹ Dalai Lama, phó chủ tịch của tổ chức Hiến chương Nhân ái Quốc tế, thành viên của Hội đồng Tư vấn Quốc tế về Nghị trường và Tôn giáo thế giới.

Theo First News

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com