“Một trong những tác phẩm viết về tình yêu hay nhất của nền văn học Pháp”. Sự đánh giá ấy đối với cuốn tiểu thuyết Bông huệ đỏ đã có từ lâu, và gần như được công nhận hoàn toàn trong đông đảo người đọc, cũng như trong giới phê bình Pháp.
Hay nhất, không phải vì nội dung tác phẩm, số phận nhân vật và tình yêu của họ đã vượt ra ngoài tầm cỡ con người bình thường, mà trái lại, là một bước dấn sâu hơn vào thế giới nội tâm phong phú phức tạp của những con người bình thường. Ba người ấy, nàng Thérèse diễm lệ và đa tình, chàng Le Ménil, rồi chàng Decharre, hoàn toàn không phải là những “siêu nhân”. Họ trần tục như hết thảy những người trần tục nhất. Họ đến với nhau, hòa quyện vào nhau, thiêu đốt nhau trong ngọn lửa đắm say cực kỳ mãnh liệt, để rồi cùng chính lúc ấy, họ gieo mầm khổ ải cho nhau bởi sự ham hố bất tận, tính ích kỷ và sự ghen tuông. Tình yêu là hạnh phúc, nhưng tình yêu cũng là khổ đau? Hạnh phúc trong khổ đau? Hay khổ đau trong hạnh phúc? Con người không phải không luôn luôn tự đặt ra những câu hỏi như vậy. Nhưng kết cục con người vẫn không thoát khỏi nỗi đam mê mà tấm lưới tình yêu đã giăng sẵn để đón chờ họ.
Bông huệ đỏ được viết sau hàng loạt các tác phẩm lừng danh của Anatole France, ghi nhận một bước chuyển khá quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo của ông. Nếu như trong các tiểu thuyết Ðảo chim cụt, Thiên thần nổi loạn, Thais, v. v.., nhân vật của ông là những trí thức khép kín, mang nỗi đau khổ âm thầm của thời đại, thì trái lại, trong Bông huệ đỏ, Thérèse, Le Ménil, Decharre… đều bình thường, gần gũi. Có người cho rằng đó là sự phản ánh một phần tâm trạng thực của tác giả qua mối tình “hạnh phúc và đau khổ” của ông với bà Caillavel, người phụ nữ trí thức nổi tiếng thời bấy giờ.
NHÀ XUẤT BẢN PHỤ NỮ
Anatole France (tên thật là François-Anatole Thibault, 16 tháng 4 năm 1844 – 13 tháng 10 năm 1924) sinh ở Paris, là con của một chủ cửa hàng sách, từ nhỏ đã ham mê văn học, nghệ thuật. Học ở trường Collège Stanislas. Trong thập niên 1860, France tiếp xúc với nhóm Parnasse và xuất bản tập thơ đầu tiên (1873). Sau đó ông chuyển sang viết văn xuôi và thật sự có tiếng tăm khi cuốn tiểu thuyết Le crime de Sylvestre Bonnard (Tội ác của Sylvestre Bonnard, 1881) ra đời và được nhận giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp. Trong thập niên 1890, ông viết nhiều bài phê bình văn học cho Le Temps (Thời báo) và in thành 4 tập sách với tên La vie littéraire (Đời sống văn học).
Những năm cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, tư tưởng và sáng tác của Anatole France đã có những thay đổi. Ông từ bỏ lập trường người quan sát để trở thành chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ. Cụ thể là trước kia ông thường miêu tả cuộc sống và con người thời kỳ Trung cổ hoặc thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến, thì nay ông viết về các sự kiện lịch sử và xã hội đương đại, đồng thời tiếp tục truyền thống nhân văn chủ nghĩa của Rabelais và Voltaire, phê phán nền cộng hòa thứ ba của Pháp, chế giễu không thương xót những kẻ gây chiến tranh xâm lược tàn khốc. Năm 1921 ông được trao giải Nobel Văn học vì “những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gô-loa đích thực”…
A. France là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thời cận đại, trải qua một con đường khó khăn và phức tạp từ chủ nghĩa nhân đạo ảo tưởng đến chủ nghĩa hiện thực cách mạng. Ông mất ở Tours, Indre-et-Loire.
Nguồn: dtv-ebook.com