Bàn về Tinh Thần Pháp Luật – Montesquieu

white noise for sleeping link
shopee-sale

Năm 1982, tôi dịch xong cuốn Bàn về Khế ước xã hội (Du Contrat social) của J. J. Rousseau. Mười năm sau (1992), bản dịch được Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Nhiều bạn đọc phản ánh với tôi niềm phấn khởi lần đầu tiên được đọc bản dịch đầy đủ Contrat social mà trước kia chỉ có Nguyễn An Ninh lược dịch một chương. Tuy vậy, cũng có bạn gợi ý, đáng lẽ Thanh Đạm nên dịch Esprit des lois (Tinh thần pháp luật) của Montesquieu, vì đó là một bộ đôi xây dựng lý thuyết về xã hội công dân và Nhà nước pháp quyền, dẫn tới cuộc Đại cách mạng Pháp 1789, mà Montesquieu lại là người đi trước. (“Esprit des lois” ra đời năm 1748, 14 năm sau (1762) mới có “Contrat social”).

Gợi ý này giúp tôi thấy rõ điều bất cập của mình. Thật ra trước đây tôi chưa từng đọc “Esprit des lois”.

May sao anh Dương Trung Quốc, hồi miền Nam mới giải phóng, mua được cuốn Vạn pháp tinh lý – bản dịch Esprit des lois, do Trịnh Xuân Ngạn dịch thuật, xuất bản tại Sài Gòn năm 1962. Bản dịch này dựa theo sách Esprit des lois – Extrait có nhiều phần “tiểu dẫn”. Biết tôi đang quan tâm tìm hiểu vấn đề Khai sáng nên anh Quốc đã tặng tôi cuốn sách này.

Đọc Vạn pháp tinh lý, tôi vui sướng thâu nhận những ý kiến lỗi lạc của Montesquieu. Nhưng một điều băn khoăn nảy ra, vì sao Nhà xuất bản Classique Larousse tục bản chỉ có mấy chục chương của “Esprit des lois”? Vậy thì diện mạo toàn bộ tác phẩm quan trọng này như thế nào? Theo lời tiểu dẫn trong bản dịch của Trịnh Xuân Ngạn thì “Esprit des lois” gồm 31 quyển, mà ở đây Nhà xuất bản chỉ in lại 18 quyển, mỗi quyển cũng chỉ trích lấy mấy chương.

Tuy vẫn chỉ là trích dịch nhưng tôi đã chọn lọc những chương, những đoạn thực sự cần thiết cho bạn đọc Việt Nam ngày nay. Những chương, đoạn không dịch thuộc về những vấn đề mà tôi thấy là không cần thiết lắm hoặc không phù hợp.

Tiêu đề sách “De l’Esprit des lois” tôi đã dịch là “Tinh thần Pháp luật”, nay đổi lại cho đúng nguyên tác, là “Bàn về Tinh thần pháp luật” như Montesquieu đã viết. Tôi cũng dịch thêm một số phần có tính chất tiểu dẫn và phụ lục, được in trong hai cuốn sách “Montesquieu – Pages choisies – Esprit des lois – Extrait” và “Montesquieu – Pages choisies – Lettres persanes et Considérations”, nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về tác phẩm “Tinh thần pháp luật” cũng như quá trình chuẩn bị của Montesquieu trước khi viết tác phẩm và những lời bình luận sau khi tác phẩm ra đời.1

Riêng phần tiểu dẫn, về bố cục, soạn thảo, xuất bản, về phương pháp của Montesquieu và về ảnh hưởng của tác phẩm “Tinh thần pháp luật” thì tôi xin giữ nguyên những trang dịch của Trịnh Xuân Ngạn. Vì bản dịch này dựa theo bản tiếng Pháp in năm 1958 (mà tôi không sưu tầm được), so với bản tiếng Pháp in năm 1934 (mà tôi có trong tay) thì nó cung cấp cho ta nhiều tư liệu và nhận định phong phú hơn. Tôi chỉ thay thuật ngữ “Vạn pháp tinh lý” bằng “Tinh thần pháp luật”2. Trong lần tái bản năm nay (2004) tôi phải dịch bổ sung Chương 3 và Chương 4 Quyển II (trích dịch và bổ sung) vào phần Phụ lục một bài nghiên cứu của tôi: “Tóm tắt Tinh thần pháp luật của Montesquieu” để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Vì tò mò khoa học, thích thú tìm hiểu các nhà Khai sáng Pháp, và muốn góp phần nhỏ bé vào việc giao lưu văn hoá Việt – Pháp trong giai đoạn đất nước đã vươn lên đổi mới, nên tôi đã dịch sách này với tất cả cố gắng và nhiệt tâm. Nhưng chắc rằng khó tránh khỏi thiếu sót. Xin sẵn sàng tiếp thu sự chỉ bảo của bạn đọc.

 

Hà Nội, mùa thu 2004

HOÀNG THANH ĐẠM

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com