Bạc Áo Hào Hoa” là một cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của Thẩm Thệ Hà, một trong những tác giả thuộc thế hệ 1945, thế hệ những Vũ Anh Khanh, Lý văn Sâm, Quốc Ấn. Thế hệ nhà văn kháng chiến.
Đề tài của cuốn Bạc áo hào hoa là đề tài của tình yêu, của tuổi trẻ, của thác loạn.
Những chương đầu của Bạc áo hào hoa, Thẩm Thệ Hà viết rất hồn nhiên, viết rất trôi chảy. Những nhân vật tiểu thuyết sống rất linh động, sống rất tình cảm, rất thời đại.
Bản chất của văn chương là phải thật tự nhiên, thật trong sáng. Thẩm Thệ Hà không phải là không biết như vậy, nhưng ông là nhà văn có lý tưởng, ông là nhà giáo yêu nghề, ông muốn làm văn chương tải đạo. Ý hướng văn chương tải đạo là ý hướng tốt. Nhưng chất đạo đức, chất tư tưởng đòi hỏi một kỹ thuật văn chương tinh vi, tiếc rằng Thẩm Thệ Hà chưa đạt được cao độ, chưa đạt được sự tinh vi, nên để lộ cái ý muốn tải đạo ra.
Nói như vậy không có nghĩa là văn chương của Thẩm Thệ Hà trong Bạc áo hào hoa không bay bướm, không tươi trẻ. Văn chương Thẩm Thệ Hà rất bay bướm, rất tươi trẻ, nhưng đó là vẻ bay bướm, tươi trẻ của nhà văn thế hệ 1945.
Tóm lại, Bạc áo hào hoa là một cuốn tiểu thuyết viết về tình yêu tuổi trẻ chiến tranh, một cuốn tiểu thuyết của một tác giả danh tiếng và được tác giả sáng tác khá thận trọng.
Kết luận, Bạc áo hào hoa là một tiểu thuyết đáng đọc, tác phẩm lành mạnh cho tuổi trẻ hôm nay nhận diện mình, nhận diện cuộc đời, nhận diện hiện tại và tương lai.
Sự Thật – Số 125
(Ngày 23-5-1970)
Truyện dài “Bạc áo hào hoa” diễn tả nỗi thống khổ và niềm khát vọng hòa bình của người dân quê yêu nước trong cuộc chiến tranh khủng khiếp, điêu tàn. Truyện được chia thành hai phần.
Phần đầu lấy bối cảnh nếp sống của thanh niên ở thành thị chịu ảnh hưởng của chiến tranh, học đòi theo lối sống đợt sống mới, hyppies, bất cần tương lai chối bỏ hiện tại. Phần thứ nhì trình diện những nếp sống tinh thần và vật chất của thanh thiếu niên ở thôn quê, chịu ảnh hưởng trực tiếp và triền miên của chết chóc, của tàn phá chiến tranh đến không còn sức để chịu dựng.
Và niềm khát khao chung của mọi người là hòa bình cho đất nước, hòa bình cho mọi người Việt Nam đã hơn hai mươi năm chịu đựng cuộc chiến khủng khiếp.
Qua trọn nửa phần đầu quyển truyện, tác giả sẽ rước lấy thất bại nếu người đọc không đủ kiên nhẫn. Tác giả đã trình diện nếp sống tinh thần và vật chất của thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng theo đợt sống mới. Mất tin tưởng về cuộc đời. Ích kỷ và chỉ biết hưởng thụ trong cuộc sống thác loạn.
Ngược lại nửa phần sau, tác giả đã thành công dễ dàng trong việc lôi cuốn người đọc, đưa họ trở về thực trạng của chiến tranh: từng giờ từng phút, từng đêm từng ngày, không lúc nào là không có chết chóc. Chú Tư đầu xóm bị trúng đạn pháo kích chết không kịp ngáp. Cặp trâu của ông Năm bị trúng mảnh bom nằm ngay đơ trên bờ ruộng. Hai bên vừa đụng độ nhau ác liệt ở ngã ba, xác chết ngổn ngang, đầu một nơi, mình một nẻo máu nhuộm đỏ cả một quãng đường.
Nhiều nhà tan hoang vì bom đạn. Chết chóc, tang tóc. Lầm than. Ngay cả lớp học đang dạy. Ngay cả đám trẻ đang ôm cặp vào lớp, đang chơi ngoài sân trường cũng bị chết tức tưởi vì chiến tranh. Chiến tranh tàn phá, giết chóc từ nhà này qua nhà khác, từ làng này qua làng khác. Bom đạn đào xới cả mồ mả của người mới chôn.
Chiến tranh cướp hết tình người, giết chết hạnh phúc gia đình của người dân quê.
Trong nỗi thống khổ tột cùng đó, mọi người dân thiết tha khát vọng hòa bình.
Và truyện dài “Bạc áo hào hoa” của Thẩm Thệ Hà đã khơi bùng lên niềm khát vọng hòa bình đó của mọi người yêu nước quá thống khổ vì chiến tranh tàn phá.
Hà Liên Tử
(Tia Sáng 29-5-1970)
Nguồn: dtv-ebook.com