Viết về cuộc sống của những con người bình thường nếu không nói là tầm thường, nên ngôn ngữ giọng điệu của những con người ấy được Nguyễn Bình Phương thể hiện rất sinh động và chân thật trong tác phẩm của mình. Sống là tồn tại và suy tư, như Descartes nói: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (Je penxe, done je suis). Nhân vật của Nguyễn Bình Phương sống trong những suy tư miên man về thân phận con người. Có lẽ hiếm có nhà văn Việt Nam nào như Nguyễn Bình Phương lại để nhân vật của mình trầm tư và suy nghĩ nhiều đến vậy.
Bả Giời là một trong những tác phẩm thuộc giai đoạn đầu trong gia tài tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Cuốn sách tuy mỏng nhưng ẩn chứa trong đó là sức nặng của câu chữ. Nó cho ta nhận diện một gương mặt văn chương độc đáo, cá tính với văn phong mạnh và kết cấu lạ hóa. Đặc biệt là trong giai đoạn sôi động của văn chương sau Đổi mới, đầu những năm 90.
Trong Bả giời ngoài những suy nghĩ miên man của Tượng, còn là tiếng nói của những con người xa xưa vọng về với giọng đầy ai oán, hoài niệm. Tượng suy nghĩ về tình yêu của mình với Thủy và hồi tưởng về tuổi thơ cô độc của mình. Không chỉ có Tượng mà ông Bồi cũng “nghĩ đến Tượng, người con trai đầy bí hiểm và hiền lành. Ông nghĩ về dáng người to bè của lão Mộc. Ông miên man… Xa xửa xa xưa…” (Bả giời, tr.126), bà Linh lùn nhìn cảnh cũ nhớ chuyện xưa: “Cảm giác là lạ, quen quen, xâm chiếm bà Linh. Bà như người đi xa giờ mới có dịp trở lại… Xa xửa xa xưa…” (Bả giời, tr.185). Những dòng suy tư của những con người đang sống và những người vô hình trong làng Phan tạo cho ngôn ngữ câu chuyện mơ hồ, huyền ảo, giàu chất thơ.
Source: dtv-ebook.com