Ảnh Hưởng Của Sức Mạnh Trên Biển Đối Với Lịch Sử 1660-1783 – Alfred Thayer Mahan

white noise for sleeping link
shopee-sale

Khi độc giả cầm trên tay ấn bản tiếng Việt, tác phẩm Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660-1783 thì nó đã có hơn 120 năm tuổi. Tuy vậy, nó vẫn là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất đến tư duy chiến lược hải quân trên thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với một nước như Việt Nam ngày nay, nhất là trong giai đoạn khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức đang lớn lên mỗi ngày trên Biển Đông. Mặc dù tác phẩm này nói nhiều về những cuộc hải chiến và tư duy hải quân, nhưng thông điệp từ cuốn sách lại rất có ích cho các nhà lãnh đạo quốc gia muốn hoạch định chiến lược biển một cách tổng thể.

Khi tác phẩm này ra đời vào năm 1890, nước Anh đang thống trị trên các đại dương, và hải quân Mỹ chưa thực sự là một thế lực có thể cạnh tranh với họ. Tác giả A.T. Mahan qua đời khi Thế chiến I vừa kết thúc được vài tháng và chưa kịp chứng kiến sự oai hùng của hải quân Mỹ sau Thế chiến tiếp theo. Vậy mà, 100 năm trước khi ông hoàn thành bản thảo cuốn sách này, nước Mỹ từng không có hải quân trong một thập niên và tình trạng thê thảm đến mức tàu buôn của họ liên tục bị hải tặc tấn công. Cuộc Nội chiến 1861-1865 đã dạy cho nước Mỹ một bài học rất rõ ràng rằng, sức mạnh vượt trội nằm trong tay những người làm chủ được mặt biển. Trên thực tế, nước Mỹ cũng chỉ có thể trở thành siêu cường nhờ nắm được sức mạnh của đại dương.

Là một sĩ quan hải quân từng phục vụ trong cuộc Nội chiến 1861-1865, và sau này trở thành thuyền trưởng một tàu chiến Mỹ, A.T. Mahan đã viết về lịch sử từ năm 1660 đến năm 1783 của các quốc gia ven bờ Bắc Đại Tây Dương, dưới góc nhìn của mình. Ở đó, trật tự giữa các quốc gia được định đoạt trên mặt biển và bước ngoặt lịch sử được xác lập thông qua những cuộc hải chiến. Trong tác phẩm của mình, A.T. Mahan lần lượt miêu tả sự trỗi dậy và những thăng trầm của các đế chế hải quân châu Âu như Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, không chỉ qua những cuộc chiến tranh ở châu Âu mà còn ở Bắc Mỹ, trong việc tranh giành các lợi ích lớn lao ở châu lục mới này. Điều đó có nghĩa là, đằng sau sức mạnh hải quân và các cuộc hải chiến là sự thúc đẩy mạnh mẽ của các tham vọng thương mại. A.T. Mahan thậm chí còn cho rằng, thương mại là điểm tựa quan trọng nhất của các lực lượng hải quân, và sự tồn tại của hải quân chỉ chính đáng khi nó bảo vệ được những lợi ích thương mại tương xứng.

Những con tàu của nước Anh và Hà Lan đã ra khơi với một tâm thế không có đường lui, bởi họ sẽ chết đói nếu cứ bám vào những vùng đất nghèo nàn của mình. Lý do này cũng có thể dùng để lý giải cho vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với dân cư miền Trung Việt Nam, vốn không thể khai thác được gì nhiều từ dải đất liền hẹp và bị chia cắt mạnh bởi đồi núi. Trong khi đó, trong một thời gian dài, nước Pháp đã không chú trọng vào hải quân, bởi họ tìm thấy rất nhiều lợi ích trên đất liền và gần như không có nhu cầu ra khơi xa.

Sự phát triển của các ngành kinh tế biển, đặc biệt là vận tải biển, đến một lúc nào đó, cần sự hỗ trợ của hải quân trước các nguy cơ trên biển, mà chủ yếu là sự tấn công của các lực lượng bên ngoài. Ngược lại, kinh tế biển cũng là chỗ dựa vững chắc về nguồn lực, đặc biệt là tài chính, để duy trì lực lượng hải quân. Tính gắn bó hữu cơ này giữa kinh tế và hải quân phải là nền tảng cho bất kỳ một chiến lược biển hiệu quả nào. Trong cuốn sách này, A.T. Mahan từng đặt ra cho người Mỹ một câu hỏi: Sự tồn tại của hải quân có ý nghĩa gì khi mà hàng hoá của nước Mỹ lại do tàu nước ngoài chuyên chở?

Tuy vậy, trong các tham số tham gia vào việc định đoạt tư duy chiến lược biển của các quốc gia, ngoài những yếu tố tự nhiên như vị trí địa lý, điều kiện vật chất, quy mô lãnh thổ và đặc điểm của người dân, còn có vai trò mang ý nghĩa quyết định của nhà nước.

Vua Louis XIV, người trị vì nước Pháp từ năm 1661 đến năm 1715, đã không đánh giá một cách chính xác vai trò của mối liên hệ hữu cơ giữa kinh tế và hải quân. Ông mê tàu chiến, nhưng lại bỏ rơi ngành vận tải biển và những ngành kinh tế biển khác; đồng thời, theo đuổi chính sách mở rộng lãnh thổ trên đất liền. Kết quả là, vào cuối triều đại của ông, nước Pháp đã bị Anh và Hà Lan gạt ra khỏi “cuộc chơi” trên mặt biển. Không có một hạm đội lớn nào của ông ra khơi trong những năm chiến tranh liên miên đó. Ngược lại, các triều đại của Hoàng gia Anh lại rất kiên trì với các mục tiêu kinh tế biển và trở thành siêu cường số một thế giới trong hàng trăm năm, với hệ thống thuộc địa trên khắp thế giới. Nhờ các đoàn tàu buôn đầy tham vọng mà “mặt trời đã không bao giờ lặn trên đất nước Anh”.

Trong tác phẩm của mình, A.T. Mahan cũng đưa ra những phân tích liên quan đến sự khác biệt về sức mạnh trên biển giữa các quốc gia tự do và chuyên chế. Ông cho rằng, các thể chế tự do luôn có cách tiếp cận hiệu quả nhất trong việc phát triển những tiềm lực kinh tế biển và hải quân quốc gia, nơi các nhà buôn được tự do phát huy mọi năng lực thương mại của mình và sau đó đóng góp trở lại cho ngân khố. Nước Anh là ví dụ điển hình của thể chế tự do này.

Các thể chế chuyên chế cũng có thể đạt được sự phát triển rực rỡ đó, nếu họ có các nhà lãnh đạo đủ thông minh và độc đoán, đủ sức ép nhân dân của họ đi theo một lộ trình, vươn tới những mục tiêu mà các thể chế tự do phải mất nhiều thời gian hơn mới đạt được. Tuy vậy, sức mạnh đó có duy trì được trong suốt cuộc đời nhà độc tài hay sau khi nhà độc tài đó qua đời hay không lại là chuyện khác. Bản thân vua Louis XIV cũng đã đạt được sức mạnh đáng nể về hải quân một cách độc đoán và duy ý chí, dựa trên ngân sách quốc gia chứ không phải hầu bao của những người đi biển. Kết quả là lực lượng hải quân trông có vẻ hùng hậu đó lại chỉ là một gã khổng lồ chân đất sét và nhanh chóng gục ngã trước thể chế tự do của nước Anh.

Ngày nay, cuộc chơi biển trên thế giới đã phát triển đến mức một quốc gia không có biển như Thụy Sỹ cũng trở thành cường quốc vận tải biển. Bài toán đặt ra cho một nước có 3.260 km đường bờ biển như Việt Nam thực ra là một bài toán rất cũ. Chúng ta sẽ phát triển theo hướng nào khi đã cơ bản khai thác cạn kiệt những tài nguyên trên đất liền? Câu trả lời gần như chỉ có một. Điều rất rõ ràng là tương lai thịnh vượng của Việt Nam không còn nằm trên rừng nữa, bởi rừng đã hết vàng.

Lựa chọn những học thuyết, cơ sở lí luận nào để hoạch định chiến lược biển là việc không dễ dàng. Những món nợ khổng lồ của hai tập đoàn kinh tế biển Vinashin và Vinalines, sự manh mún của các cảng biển, cuộc vật lộn của những ngư dân ra khơi trên những chiếc tàu bằng gỗ và sức mạnh hải quân không thể nói là mạnh của Việt Nam đã cho chúng ta những bài học lớn về tư duy chiến lược biển. Rõ ràng, vai trò có tính chất trụ cột của nhà nước đối với sức mạnh trên biển của một quốc gia mà A.T. Mahan đã chỉ ra không chỉ đúng với các nước Âu, Mỹ. Cuốn sách này có trở thành một tham chiếu lí luận cho các chiến lược biển của Việt Nam hay không, sẽ phụ thuộc nhiều vào sự tìm hiểu và ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo. Theo thời gian, cách “chơi” trên biển có thể khác đi, nhưng bản chất của nó dường như không thay đổi. Những bài học lịch sử trong cuốn sách này sẽ giúp cho chúng ta có một tư duy đầy đủ hơn về thế giới mà chúng ta đang và sẽ trải qua, nơi Việt Nam buộc phải lựa chọn cho mình một hệ thống thái độ hết sức rõ ràng trước sự hình thành của một trật tự chiến lược mới mà trọng tâm của nó là Châu Á – Thái Bình Dương.

Nhà báo Trịnh Hữu Long
Mời các bạn đón đọc Ảnh Hưởng Của Sức Mạnh Trên Biển Đối Với Lịch Sử 1660-1783 của tác giả Alfred Thayer Mahan.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com