Amrita – Yoshimoto Banana

white noise for sleeping link
shopee-sale

Vào cửa hàng sách và cứ đứng tần ngần mãi để chọn một quyển truyện phù hợp với tâm trạng lúc bấy giờ. Lúc đấy tôi cảm thấy bản thân mình đang thấy quá nặng nề và cần cho mình một thứ gì đó thật nhẹ nhàng mà sâu lắng, lướt qua và lướt qua các kệ sách, bỗng nhiên dừng lại với Amrita.

.

Sau khi mất người em gái xinh đẹp của mình, một nữ minh tinh trứ danh, chết vì tự sát, Sakumi ngã cầu thang và mất trí nhớ do chấn thương sọ não. Cố gắng tìm lại trí nhớ về những người cô yêu thương và về những gì cô đánh mất, cô bắt đầu bước vào một cuộc hành trình cảm động độc nhất vô nhị, đôi khi có người yêu của em gái đã mất đồng hành, đôi khi người đồng hành lại là cậu em trai có khả năng dự cảm tương lai. Và Amrita chính là câu chuyện về hành trình khác thường của Sakumi qua nỗi đau, những giấc mơ, và bóng tối, tới một nơi mà tâm hồn được khám phá và biến đổi.

.

Đọc Amrita, cả người, cả trí óc như đang chìm đắm trong một vùng kí ức xa xôi mà lâu lắm rồi tạm cất nó ở đâu đó trong một góc trái tim. Nhiều người ví tiểu thuyết của Banana Yoshimotogiống như một trò Jet-coaster – một trò chơi cảm giác mạnh, một khi đã ngồi lên rồi thì ta sẽ bị cuốn đi đến tận cùng với tốc độ của nó. Nhưng với Amrita, điều này có gì đó đúng lại cũng có gì đó không đúng. Vì đúng là khi đã đọc thì không thể dứt ra được, cứ muốn đọc mãi không thôi. Nhưng phải đọc Amrita, hay những tác phẩm khác của Yoshimoto mới thấy, giọng văn của bà quá đỗi nhẹ nhàng, như làn mây khói thoảng qua trong đầu mỗi người, mà lại thấm sâu vào từng ý nghĩ.

Amrita, không cao trào và kịch tính như mọi người tưởng khi đọc xong giới thiệu. Câu chuyện cứ đan xen giữa việc Sakumi trong hành trinh tìm kiếm bản thân và việc Sakumi nhớ lại những điều trước và trong khi Mayu tự vẫn. Tôi rất thích bà mẹ và cô bạn của mẹ Sakumi- cô Junko, thích cả cách mà hai người ý sống và xử lí mọi việc xoay quanh cuộc sống của bản thân và con cái mình. Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của Sakumi sau khi cô tìm lại được trí nhớ : “Sớm mai ra, tôi vẫn muốn mình sẽ thức giấc ở đâu đó“. Nó tạo thêm niềm tin và sức mạnh để sống, để mà chờ đợi ngày mai đến.

Amrita khiến cho chúng ta sống chậm lại hơn trong cái guồng quay hối hả của vòng đời bây giờ. Lối viết văn của Yoshimoto giúp cho mỗi ai đọc sẽ quay đầu nhìn lại những quá khứ, để biết mình đã làm những gì, để thấy lại những điều giản dị thân quen mà đôi khi, do nhịp điệu của công việc mà ta vô tình bước qua.

Có một người bạn có nói với tôi, Amrita mang màu sắc của tâm linh nhiều quá nên bạn không viết review. Đúng thế. Amrita có nhưng không đến nỗi quá nhiều khiến người ta cảm giác linh thiêng thần thánh. Chỉ đơn giản là đề cập đến Yoshio – em trai của Sakumi – có khả năng dự cảm được tương lai, hay Saseko – một trong những người bạn của Ryuichiro ở Saipan – có thể nhìn thấy người chết, trò chuyện với họ hay hát cho họ nghe. Tôi rất thích những điều như thế này, chúng tuy thần bí nhưng vẫn gần gũi với cuộc sống.

Sakumi và Ryuichiro, rốt cuộc cũng yêu nhau. Không hiểu sao, trong đầu tôi khi nghĩ đến tình yêu của họ, lại cảm thấy rằng Sakumi như đang yêu Ryuichiro cho cả phần của Mayu nữa. Và cách mà Sakumi đối xử với tình yêu của mình cũng khá đặc biệt. Không quá vồn vã. Không quá tình cảm. Có gì đó lành lạnh. Nhưng trong trái tim thì lại thầm cầu nguyện: “Sớm mai khi tình dậy, mong rằng anh đừng chết, đừng ra đi mãi mãi, và nếu ngày ấy có phải đến như một lẽ đương nhiên, thì cũng làm ơn đừng báo trước cho tôi điều đó.” Có lẽ, đến đây thì tâm trạng của người đang yêu cũng có phần nào phù hợp hơn với Sakumi.

Đọc Amrita mất nhiều thời gian hơn tôi nghĩ. 506 trang, và là những khoảng thời gian đọc cách quãng. Thỉnh thoảng nhớ đến tôi lại lôi nó ra đọc, và lại đọc ngấu nghiến. Không phải truyện dở. Không phải vì bận bịu không có thời gian. Mà bởi, truyện nhẹ quá, đọc như không, cảm thấy cầm quyển truyện dày hơn 500 trang trên tay mà nhẹ hẫng, chẳng khác nào đang cầm một đám kẹo bông. Do vậy, nên tôi cố dứt ra khỏi trang truyện để nó không cuốn mình trôi đi.

Và cứ thế, dù cho có chuyện gì xảy ra, cuộc sống của tôi vẫn không có gì thay đổi và chỉ trôi đi mãi, không ngừng.

.

Cuộc đời của một con người, luôn cứ trôi chảy vô tình và đều đều như thế. Nhưng mấy ai đã thử một lần đặt chân lên hành trình đi tìm chính bản thân mình?

Tiểu sử tác giả

Tên thật là Yoshimoto Mahoko (吉本 真秀子 Yoshimoto Mahoko, Cát Bản Chân Tú Tử), sinh ngày 24 tháng 7 năm 1964tại Tokyo, nhóm máu A, là con gái của triết gia Nhật nổi tiếng Yoshimoto Takaaki. Banana tốt nghiệp ngành Văn, khoa Nghệ thuật trường Đại học Nihon. Tại đây cô đã lấy bút danh là Banana, cái tên mà theo cô là rất “chúa” và “lưỡng tính”. Trong khi làm bồi bàn tại một nhà hàng vào năm 1987, Banana bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình.

Kitchen, cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô ngay lập tức trở thành hiện tượng với hơn 2,5 triệu bản sách được tiêu thụ và đã tái bản trên sáu mươi lần tại Nhật Bản. Báo chí gọi đó là “Bananamania” (hội chứng Banana). Kitchen giúp cô đoạt đuợc các giải thưởng văn học như Giải Kaien cho các nhà văn mới năm 1987, Umitsubame First Novel Prize, Best Newcomer Artists Recommemded Prize của Bộ Giáo Dục và Giải văn chương Izumi Kyoka cùng vào năm 1988.

Sau Kitchen, cô đã bán trên sáu triệu bản sách tại Nhật Bản và trở thành tác giả nổi tiếng trên toàn thế giới với hàng loạt các tác phẩm như N.P, Lizard, Asleep, Vĩnh biệt Tsugumi, Amrita… Đến nay tác phẩm của Banana bao gồm mười hai tiểu thuyết và bảy tập truyện ngắn. Hiện tại, cô đã lập gia đình và sống ở Tokyo. Khá khiêu khích, nữ tác giả còn phát biểu rằng tham vọng lớn nhất của mình là đoạt giải Nobel Văn học. Rất đặc biệt trong cách công bố tác phẩm của mình. Cô rất hăng hái tung các tác phẩm của mình không những trên những tạp chí văn học mà còn cả ở tạp chí làm đẹp, thời trang có đông người đọc. Hành động có hàm ý là văn học không phải là một hình thức nghệ thuật dành riêng cho giới đặc tuyển có học, mà là một kiểu văn hóa cùng hàng với nhạc pop, truyện tranh, trò chơi điện tử và thời trang. Đây có thể là một trong những nguyên nhân làm nên hiện tượng Banana.

Những tác phẩm của Yoshimoto Banana được dịch

·     – Kitchen, Lương Việt Dũng dịch, Nhà xuất bản Hội nhà văn, H. 2006 

– N.P, Lương Việt Dũng dịch, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006

– Vĩnh biệt Tugumi, Vũ Hoa dịch, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007.

– Amrita (Amurita), Trần Quang Huy dịch, Công ty Nhã Nam, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2008.

– Say ngủ, Trương Thị Mai dịch, Công ty Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2008.

– Thằn Lằn, Nguyễn Phương Chi dịch, Công ty Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn học, 2009.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com