Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, tác giả của cuốn tiểu thuyết 24 giờ lên đỉnh, Cháy đến giọt cuối cùng, các tập truyện ngắn: Vạn liên thanh cho Hải Quỳ, Không nhan sắc, Thiếu học phí làm người, Năm thằng cao kều, Hải tặc một mắt…
Khi mới gặp chị, tôi hỏi: Có gì mới không, đang viết gì? Này em làm thơ nhé (rúc rích), em làm thơ, sợ không? Thư cười trả lời tôi, rồi bấm điện thoại đọc thơ. Tôi bảo, chao ôi Tết nhất tưng bừng ngoài kia, mà hai “mụ” ngồi đọc, ngồi nghe thơ. Thơ của một nhà văn từng đoạt giải truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc 27 tuổi năm 1986, làm thơ ý tứ tỉnh như “sáo sậu”, tôi nén nghe câu thơ: Đường trần mỗi ngày mỗi tối/ loáng thôi sắp hết kiếp người.
Một năm ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, công việc Nguyễn Thị Anh Thư biên tập hàng trăm đầu sách, thơ, văn xuôi của các nhà văn và các tác giả chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp. Chị là bà đỡ cho rất nhiều tên sách như người mẹ đỡ đầu đứa con tinh thần vậy. Ví dụ như tên một bài thơ của cố nhà thơ Đồng Đức Bốn mới đầu lấy tên là Tân Cương, chị góp ý nên đổi là Tìm em ở bến sông Mê, tập thơ của tác giả Trần Văn Lan có tên Nghiêng 23 độ đổi thành tên Sông Ba mùa nhan sắc, hay tác giả Nguyễn Hoàng Kim Oanh có tập thơ mới đầu định đặt tên là Hồn quê chị góp ý đổi tên Khi hồng nhan hát thánh ca. Hoặc cũng tác giả này khi lần đầu tiên đến nhà xuất bản, chưa biết nên đặt tên tập thơ của mình là gì, chị đã sửa câu thơ Ngũ hành năm ngón tay hoa thành Ngũ hành năm ngón tài hoa rồi đặt tên cho tập thơ thành Nhũ ngọc tài hoa.
Tác giả Thế Dũng trong tác phẩm Bên dòng sông tình sử có kể lại việc chị đã tận tình biên tập tiểu thuyết Một nửa lá số của anh như thế nào. Anh đã viết rằng: “…Nhưng rốt cuộc chương 43 đã được biên tập viên của NXB đặt tên là Vĩ thanh. Tôi đã hơn 2 lần cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư vì điều này…”. Anh Thư đã từng thẳng thắn góp ý cho tác giả này bớt đi vài ba chương hoặc cắt đi vài trăm trang sách, để tác phẩm hay hơn, chặt chẽ hơn. Nhưng cũng có khi chị lại đề nghị tác giả khác viết thêm để tạo đất cho nhân vật sinh động, có hồn hơn (như Quyên của Nguyễn Văn Thọ).
Không chỉ có những tác giả đã kể trên mà còn rất nhiều nhà thơ, nhà văn khác, đã một lòng tin tưởng gửi tác phẩm đến cho nhà văn Anh Thư đều được chị chăm sóc nâng giấc đứa con tinh thần của họ rất kỹ càng. Và thành quả là nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhà văn, như Nguyễn Quang Thân với Con ngựa Mãn Châu, Nguyễn Văn Thọ với Quyên, Nguyễn Hữu với Cõi thực…
Tôi biết có những đêm dài mùa đông giá rét, chị ngồi lọ mọ cạo từng con chữ, cắt cắt, dán dán những tờ giấy can, để dùng đúng chữ như linh hồn của tác giả và tác phẩm. Ngày ngày chăm sóc đứa con tinh thần cho mọi người cầm bút, đó là công việc của cơ quan, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, thời gian còn lại cho riêng mình để sáng tác, Anh Thư chỉ còn mỗi cách cắt bớt giấc ngủ của chính mình.
Tôi cũng biết thời gian để hoàn thành tiểu thuyết 24 giờ lên đỉnh, chuông đồng hồ của chị luôn để hai giờ sáng. Chị ngồi viết đến 6 giờ, ngủ đến 7 giờ, rồi dậy đi chợ, làm cơm trưa cho chồng con, chuẩn bị bữa tối sẵn, rồi mới đi làm… Vòng tròn cuộc đời tối mắt tối mũi, ngày tiếp cộng tác viên, giải quyết hàng loạt bản thảo đến 5, 6 giờ chiều. Về nhà làm tròn nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ, rồi vừa xem phim, vừa ngủ lơ mơ đến 9, 10 giờ đêm lại lôi các tập bản thảo dày, đòi hỏi phải yên tĩnh ra biên tập. Đêm lại đêm, bật dậy ngồi viết là niềm vui của chị.
Tôi nhớ năm 1993, hồi đó Nhà xuất bản Hội Nhà văn đang gặp khó khăn về kinh tế, nhà văn Nguyễn Kiên lúc ấy làm Giám đốc, chị Nguyễn Thị Anh Thư mới đi học thêm một bằng đại học thứ 2 (đại học xuất bản) về, chị tình nguyện ra ngồi bán sách ở cửa hàng giới thiệu sách. Ngày đó, tôi làm ở Báo Lao động Thủ đô gần đó hay chạy sang ngồi bán sách với chị. Có hôm hai chị em ngồi bán sách chỉ để xem một khách hàng mua sách mở hàng có may mắn không, có bán chạy sách văn học không. Có người tôi dự đoán sai, có người Thư dự đoán đúng qua cách nhìn chân tướng. Không ngờ cách quan sát trực tiếp tinh tế đã giúp chị Anh Thư viết văn ngày càng đằm thắm và tinh tế hơn.
Để viết cuốn tiểu thuyết 24 giờ lên đỉnh, để viết được về số phận của đàn bà, để viết về một vấn đề kinh tế đang nóng bỏng trong cuộc sống này, Anh Thư phải học, phải nghiên cứu rất kỹ mới dám đi vào nhân vật có nghề nghiệp không hề dán mác hay sắp đặt sẵn cho họ. Cái nhìn thấu tâm can đàn bà từ những câu chuyện như Không nhan sắc, đến Món giả cầy, cái khát vọng nhất mà Anh Thư đau đáu là nhân vật người đàn ông vừa tài hoa, lịch lãm, vừa biết trân trọng phụ nữ. Nhân vật như ước mơ ấy thì chỉ có văn chương xây dựng nên. Thật khó tìm trong đời thực.
Hãy để bạn đọc khát khao, hãy để bạn đọc cùng hy vọng dưới trang văn của mình, chỉ ra những cái tàn ác không nhìn thấy, không dễ thấy cũng là nhiệm vụ của nhà văn. Để bạn đọc đọc sách, ngấm, và rút ra kinh nghiệm ở đời.
Gần đây những bài thơ của Anh Thư làm gửi tôi đọc, tôi thấy chị còn run rẩy trước tình người, còn phẫn nộ trước cái ác như cây đàn một dây níu giữ trầm buồn. Thơ chị viết “tỉnh” như văn xuôi, nhưng tứ thơ lại biết dồn nén, nhà văn như Nguyễn Thị Anh Thư đã cày, đã vỡ vạc đất đai, để trồng cây như bao nhà văn Việt Nam gieo mùa vàng cho tác phẩm của mình
Nguồn: dtv-ebook.com