Sử Việt 12 khúc tráng ca – Giá trị nhất khi đọc Lịch Sử là để biết được tương lai và nhìn được hiện tại, vì lịch sử vận động theo hình xoáy trôn ốc.
Lưu ý: Bài viết này một phần hoặc toàn bộ được tham khảo từ các nguồn trên internet. Mọi vấn đề về bản quyền vui vòng liên hệ tại đây.
Sử Việt hay chẳng kém Sử của quốc gia nào trên thế giới này.Tuy vậy, tôi sẽ không đưa các bạn lạc vào các thuyết âm mưu.
Nội dung bài viết
Review sách lịch sử hay: Sử Việt 12 khúc tráng ca – Tác giả Dũng Phan
SỬ VIỆT: 12 KHÚC TRÁNG CA: Biến cái khô khan thành mềm mại, biến cái giáo điều thành câu chuyện, biến cái lối mòn thành tư duy, vén tấm màn đen sau những sự việc tưởng như đơn giản, lại hóa ra là các âm mưu tranh đoạt hoàng quyền.
Giới thiệu tác giả: Dũng Phan – Người viết cuốn sách “Sử Việt – 12 khúc tráng ca”
- DŨNG PHAN – Sinh ngày: 1/4/1988
- Nguyên quán: Quảng Bình
- Nghề nghiệp chính: Kỹ Sư Xây Dựng
- Tốt nghiệp trường Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng, hiện đang công tác tại một công ty xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Quản trị blog lịch sử The X File Of History với hơn 120.000 người theo dõi.
“Tôi yêu thích lịch sử từ khi còn rất nhỏ. Mẹ tôi là giáo viên dạy văn, mẹ dạy cho tôi thói quen đọc sách, nhưng giai đoạn ấy khó khăn, truyện tranh hay truyện chữ không có nhiều, tôi hay có những giấc mơ mà quanh mình chỉ toàn là truyện. Hồi đó, mẹ có một tủ sách với rất nhiều cuốn sách sử. Những lúc rảnh rỗi và không có gì đọc, tôi thường lục giá sách của mẹ và ngấu nghiến những cuốn sách lịch sử ấy.
Thời gian lớn lên, mẹ tôi ra đi, nhưng tình yêu sử ấy, Mẹ để lại cho tôi rồi. Tôi tin rằng, nếu hôm nay giới trẻ thờ ơ với lịch sử, ấy là do người lớn đã sai trong cách truyền bá. Điều tôi làm, đơn giản chỉ là kể lại bằng một giọng hấp dẫn hơn mà thôi.”
Ý nghĩa của cuốn sách: Sử Việt – 12 khúc tráng ca
Khi lịch sử gọi tên, bạn là ai không quan trọng, là một công nhân viên chức, là một anh bốc vác, là một chú lớn tuổi, là một cháu học sinh, là một cô nữ sinh, là những công dân hải ngoại, là những bậc lớn tuổi.
Tất cả chúng ta đều mang trong mình tình yêu đất nước, lòng kính trọng các bậc tiền nhân đã xây dựng nên nước Việt Nam này. Trong phút giây biên soạn cuốn sách này, tôi tự hào vì mình là một trong số các bạn, của dòng máu Lạc Hồng, của quốc gia nhỏ bé chưa bao giờ mất đi tiếng nói suốt ngàn năm dựng nước và giữ nước dù bao trập trùng nguy nan, đã dựng nên những giá trị, đã sinh ra những bậc tiền nhân kiệt hiệt: có đủ gian hùng và anh hùng chứ không chỉ một màu hồng.
Cảm nhận cuốn sách: Sử Việt – 12 khúc tráng ca do chính tác giả giới thiệu
Khi biên soạn cuốn sách này, có hai lần tôi vỗ đùi vì những gì cha ông làm được còn hơn hẳn mấy đồng chí ở Tam Quốc Diễn Nghĩa.
“… Tháng Sáu, Tô Trung Từ ban đêm sang nhà ở Gia Lâm để cùng với công chúa Thiên Cực tư thông, bị chồng của Công chúa làm Quan nội hầu là Vương Thượng giết chết. Vậy là Tô Trung Từ, bậc kiêu hùng nắm giữ triều chính, dẹp loạn hết mọi cựu thần nhà Lý, cuối cùng lại chết bởi một mỹ nhân.
Lùi lại trước đó, Đại Việt sử lược chép “… Biết đã đến lúc dân ở vùng Hồng đi đón rước mà Phạm Du còn cùng với Công chúa Thiên Cực tư thông…”. Phạm Du chính là người được lệnh của vua Cao Tông đi liên hệ với họ Đoàn nhằm tấn công Trần Lý và Tô Trung Từ sau sự việc tự ý đưa thái tử Sảm lên ngôi. Nhưng vì bận đắm say với Công chúa Thiên Cực mà lỡ hết việc lớn. Vậy Công Chúa Thiên Cực, nàng đẹp đến thế nào mà một mình có thể khiến hai quyền thần phải đắm say mà dẫn đến cái chết vậy, rồi dọn đường cho nhà Trần lên ngôi như thế?”
Lịch sử Việt Nam có người con gái “khuynh quốc khuynh thành” đến thế ư? Hay sau lưng công chúa, là âm mưu của cựu thần nhà Lý. Để “lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy phấn son làm khôi giáp, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ.” Và các âm mưu này cuối cùng lại thất bại trước Trần Thủ Độ.
Và bạn đã biết gì về Lê Hoàn chưa? Bạn có hiểu về hoàn cảnh cô đơn của ngài khi chống quân Tống không? Bạn có thắc mắc vì sao phải đích thân nhà vua cầm quân ra trận không? Và bạn có biết có một địa danh mà đáng lẽ cái địa danh ấy phải sánh ngang với những Bạch Đằng, Chi Lăng, Điện Biên Phủ…: những công tích oanh liệt ngàn thu của dân tộc. Thế mà bị khói bụi lịch sử xóa mờ đi. Cuốn sách sẽ gọi lại cho bạn địa danh ấy.
Nhưng cũng có một lần tôi suýt rơi nước mắt khi viết dòng này:
“…Quang Toản quay lưng bỏ chạy. Chỉ còn Bùi Thị Xuân đứng đó, trên lưng voi, tay cầm súng và một tấm áo giáp đẫm máu trên khuôn mặt người phụ nữ Việt Nam không kém phần nhan sắc mà độ ngoan cường thì hơn đứt nhiều đấng mày râu khác….”
“…Từ Quy Nhơn, Trần Quang Diệu đau đớn. Nhưng cái đau của ông sẽ không thể đau đớn hơn người vợ của mình, đô đốc Bùi Thị Xuân. Bây giờ, vinh quang cuối cùng, oanh liệt cuối cùng, vẻ đẹp cuối cùng của quân Tây Sơn, hóa ra được một người phụ nữ gánh vác lấy…”
12 bản tráng ca này, tôi sẽ kể cho các bạn nghe lại hết cả dòng chảy lịch sử phong kiến, kể từ ngày chúng ta bắt đầu vén mây bước ra để tạo nên diện mạo chữ S. Bạn sẽ gặp được những nhân vật đã đi vào huyền thoại như Trần Hưng Đạo, Đinh Bộ Lĩnh … nhưng chợt nhận ra bạn lại biết về họ vẫn còn hời hợt. Bạn sẽ đến với những nhân vật bị “bỏ quên” (tôi dùng từ “bỏ quên” chứ không phải lãng quên) chẳng hạn như Khúc Hạo, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Cảnh.
Đất Thăng Long – Hà Nội đẹp đến thế nào để Lý Công Uẩn dời đô đến, rằng Nguyễn Trãi là ai ở khởi nghĩa Lam Sơn? Hơn cả, những lần chuyển ngôi từ Đinh Lê Lý Trần có thực là dễ dàng? Hay là rất nhiều máu tươi đã rưới xuống để sử gia đời sau có thể viết lên vài dòng ngắn gọn. Và bao nhiêu bậc gian hùng đã ở đó !
Khi bạn cầm cuốn sách trên tay, khi 272 trang của 12 khúc ca này gấp lại, thì tiếng gầm mây thét gió của tiền nhân suốt chiều dài 1000 năm sẽ ở bên tai các bạn, đi vào với các bạn, đó là tiếng lòng vĩ đại nhất để hậu nhân lắng lấy, mà vững vàng bước đến tương lai. Giá trị của đất nước ta hôm nay có thể còn nhiều điều khiến chúng ta buồn lòng, hay tự hào, nhưng trên tất cả những mâu thuẫn:
“Dù người Nam hay người Bắc, bao thế hệ người Việt ra đi mở cõi, bao thế hệ lưu lạc, tha phương, thì hồn người nước Việt đến chân trời góc bể nào, vẫn nhớ mình thuộc nòi giống Lạc Hồng. Ngàn đời nước Việt bền vững, chính bởi người Việt chưa bao giờ quên đi những khúc Sử Ca và những bậc tiền nhân đã tạo nên diện mạo hình chữ S.“ – (Trích khúc tráng ca số 12).
Download sách:
Hoặc bạn cũng có thể mua sách giấy để ủng hộ tác giả và nhà xuất bản:
Nguồn: kesachonline.com