“Hùng biện kéo dài gây chán ngấy.”
– Pascal
Phải! Hùng biện mà tâm phục là chuyện thường. Nhưng thinh lặng mà hùng biện là “vấn đề”. Trong cuộc giành độc lập cho Ấn Độ, theo đường lối bất bạo động, Thánh Gandhi mỗi lần phát biểu với chính quyền Anh, ông không cần biện một cách hùng, mà lúc nào cũng ăn nói nhỏ nhẹ, mềm mỏng, lắm lúc ông có thái độ trầm tư và im lặng. Thế mà chính quyền Anh lại rất nể phục ông.
Phong thái tọa thiền, tướng diện im như bàn thạch; tâm vô quái ngại1 của Đức Thích Ca là một hùng biện nói lên cho chúng sinh cái ngộ tuệ bất khả dĩ ngôn truyền.
Chữ vô vi của Lão Tử là một hùng biện chiếu tỏa cái đạo cũng bất khả dĩ ngôn truyền.
Khi bị môn đồ niên trưởng của mình là Phêrô chối mình đến ba lần trước mặt kẻ bách hại mình, Chúa Giêsu không ồn ào trách móc, mà thinh lặng nhìn ông. Cái nhìn ấy thuộc dạng hùng biện nhất của nhân loại.
Phải! Không hạt giống nào trở thành cây cổ thụ sau này mà không im lặng nảy mầm từ lòng đất chui lên.
Có thiên tài nào của nhân loại trong các địa hạt khoa học, nghệ thuật, văn học mà sáng tác những kiệt phẩm thiên thu bất hủ giữa đường phố ồn ào, giữa chợ trời náo nhiệt đâu. Người ta chẳng đã nói “Thinh lặng là quê hương của thiên tài và là lò đúc những công trình bất tử” sao?
Phải! Mặt biển ồn ào nổi sóng to gió lớn làm cho người ta ít ghê sợ nó hơn một mặt biển gió yên sóng lặng. Nghĩa trang gây lạnh lùng kinh rợn là do nó cô liêu quạnh quẽ. Người trầm lặng dễ gây uy tín và ảnh hưởng hơn người nói nhiều. Cười mỉm và tế nhị thì đi vào lòng người hơn cười bắp rang pháo nổ.
Ít ai để ý cái ma lực ám tàng của thinh lặng. Càng ít ai lắng nghe được tiếng nói vô ngôn, thậm chí vô thanh nữa của thinh lặng. Trên tử sàng, bất cứ người sắp chết nào, lúc họ thinh lặng chuẩn bị bắt tay tử thần, họ cũng làm cho kẻ đứng xung quanh phát sợ hơn là lúc họ phều phào trối trăng điều này điều nọ. Con người có khuynh hướng tự thông đạt bản ngã và nội tâm qua nhiều hình thức mà điển hình là cử chỉ, lời nói. Nhưng có một hình thức cũng có mãnh lực không kém cử chỉ, lời nói, đó là thinh lặng. Ta ra điệu bộ cũng như ta nói khiến người khác hiểu ta mà phần gợi hứng, phần bắt buộc người khác phải tưởng tượng, phải động não qua cử chỉ, lời nói của ta, không bằng sự kiện ta im hơi lặng tiếng. Thinh lặng trong trường hợp bị cáo gian, vu khống hoặc khi những tác phẩm có giá trị bị phê hình bất công, là thứ thinh lặng mà nhân cách đòi buộc phải có và nó trả lời hùng biện hơn là đính chính, phân bua.
Trong mấy chục năm qua, khi gửi đến bạn đọc các cuốn Thuật hùng biện, Muốn thuyết phục, Thuật nói chuyện, Hoạt bát và tâm phục, Người bản lĩnh, Đức điềm tĩnh, tôi cũng đã bàn với bạn vai trò của thinh lặng. Nhưng mà ở đây, tôi muốn nhấn mạnh với tuổi trẻ (nhất là một số tuổi trẻ giữa thời đại có quá nhiều nhạc và nhảy ồn ào này) rằng thinh lặng nếu bạn biết sử dụng, nó sẽ giúp bạn nghe nhiều và cũng nói nhiều điều bạn tâm đắc mà sự náo động không khả năng cung cấp được.
Thinh lặng còn một quyền năng phi thường nữa là nó di dưỡng tình bạn. Nó tạo cho phía bên trong ngoại hình, ngoại diện của bạn một quyền lực ngấm ngầm hậu thuẫn tủa ra chung quanh bạn một hào quang nhân cách gia tăng uy tín cá nhân bạn. Cái mà người tiếp xúc với bạn tự nói trong lòng họ rằng: “Bạn là người có tư cách”, cái đó chính là món quà vô giá mà đức thinh lặng tặng cho bạn. Bạn để ý tôi gọi thinh lặng là một đức, cũng như 40 năm về trước tôi gọi tự chủ là một đức vậy.
Thinh lặng khi nó là một đức, hiểu là nó dùng cái phanh hãm của tự chủ kiềm chế dục vọng ham nói nhiều và dục vọng buông thả cử động do thúc đẩy của các bắp gân và thú tính. Bạn biết con chó vì nô lệ bản năng thú tính, nên khi hăng sủa, không khả năng tự chủ để ngừng sủa hay “kế hoạch hóa” sự sủa cho thành lúc sủa lúc không. Một mụ đàn bà trong cơn ghen bốc lửa cũng như một người say rượu không có khả năng tự chủ để thinh lặng được. Bởi vì hai người ấy đang ở trong gọng kiềm không phải của lý tính. Khi thinh lặng được đức tự chủ lèo lái, người ta “ăn có nhai nói có nghĩ”, chọn lọc điều gì nên nói, điều gì không. Thậm chí người ta còn tự hỏi làm thinh có lợi hơn nói không. Rồi khi phải “Nói điều cần nói, cho người cần nghe, vào lúc cần nói”, người thinh lặng có sắc nét bình thản trên gương mặt vì ăn nói ôn tồn, cẩn trọng như cân từng lời nói. Đức thinh lặng là bàn tay hộ pháp yểm trợ cho lời nói của họ gây thế giá cho người nghe.
Thinh lặng chẳng những là cái gì thiêng linh xung khắc với cái gì náo nhiệt, ồn ào, hấp tấp, dục tốc, đa ngôn, ba hoa, vụt chạc, liến thoắng, rối ren. Nó còn là một cái gì không làm cho người ta lẫn lộn nó với thứ im lặng vì ngu dốt, không có gì để nói, vì quê mùa, kém phong cách văn minh, lịch sự nên ngồi im như cây cột, hoặc vì non sức bật phản ứng mà ù lì biểu lộ một tướng mạo trì độn lúc xã giao. Điều này cũng nhắc ta nhớ có nhiều người trong giao tiếp, mới gặp ta thấy họ ít nói, ngồi nghe hơn nói, khiến ta phân vân về giá trị tinh thần và phẩm cách của họ. Nhưng bởi vì không phải họ im lặng bởi có đức thinh lặng, mà sở dĩ họ im hơi lặng tiếng là tại vì không có gì để nói, nếu không nói là họ trì độn. Đừng bao giờ lẫn lộn sự trì độn và đức thinh lặng.
Đức thinh lặng được phân tích như trên ta có thể có do bẩm phú. Nhưng thường có do công phu luyện tập và có từ trường học của kinh nghiệm lọc lõi nơi trường đời.
Thậm chí có người vì quảng kiến đa văn2 quá, vì am hiểu chuyện đời quá, mà trong nhiều tình huống họ thinh lặng nên “lười biếng nói”. Hoặc vì mê mệt tình đời quá mà họ thích làm thinh. Có lẽ mấy lần La Sơn Phu Tử từ chối lời mời hợp tác của Nguyễn Huệ và cuối cùng không chịu hợp tác với Nguyễn Ánh là cũng do ông quá ngao ngán thế thái nhân tình mà muốn “nói” với Sơn Thủy hơn là nói với nhân thế lắm tai nhiều miệng…
Thinh lặng không phải giản đơn là một cái vỏ im lặng lấp đặt lên ngoại hình một con người. Sở dĩ nó có một giá trị tuyệt chiêu là do ở phía trong và phía sau, nó có một nhân cách được dệt bằng đức hạnh, thông minh và lịch thiệp.
Tôi biên soạn cuốn sách này là cố ý giúp một số bạn trẻ tự trang bị một số yếu tố điều kiện đó của đức thinh lặng. Trong nhiều trường hợp cần biểu lộ tình cảm, tư tưởng, ý muốn của mình, bạn có thể nhờ đức thinh lặng “nói” thế giùm cho ba tấc lưỡi. Và bạn sẽ cảm nghiệm hiệu lực này: “Thinh lặng cũng là hùng biện”. Thân ái chào tạm biệt bạn.
HOÀNG XUÂN VIỆT
Vu Lan, 1995
Nguồn: dtv-ebook.com