Năm 2009, Toà nhà Yongsan tại Seoul (Hàn Quốc) bị phá bỏ với mục đích tái cấu trúc. Bố của nhà văn Hwang Jungeunlà một trong số những người làm việc ở đây. Sự kiện này có lẽ đã tác động đến Hwang rất lớn, để một năm sau đó cô hoàn thành cuốn tiểu thuyết lạ lùng, đầy ám ảnh: Một trăm chiếc bóng.
Cọ quậy sống giữa siêu đô thị
Một trăm chiếc bóng là câu chuyện về những con người làm việc trong các toà nhà, thực chất là khu thương mại được quy hoạch phá bỏ. Ở đó những người lớn tuổi, ông chủ của những xưởng sửa chữa điện tử nhỏ phải tìm cách mưu sinh, rời đi, xây dựng cơ sở mới mà hơn ai hết họ biết rằng, sẽ chẳng có kết quả nào tốt đẹp hay khả dĩ hơn.
Trong khi đó, những người trẻ (thông qua hai nhân vật chính Eun Gyo và Mujae) làm việc cho các ông chủ trên bờ vực phá sản cũng phải chịu cảnh khốn đốn tương tự. Họ gần như không thể đưa ra những quyết định, phó mặc cuộc lo cơm áo gạo tiền cho ông chủ. Để rồi, cuộc sống của họ dần dần bị bóp nghẹt.
Cả hai thế hệ xuất hiện trong Một trăm chiếc bóng, họ giống nhau, cùng mắc kẹt bởi cảnh bần cùng đang trực chờ ngay đầu mũi. Họ gần như bị bít lối, tìm cách xoay xở, cọ quậy sống giữa siêu đô thị Seoul những tưởng đầy “hoa” nhưng thứ họ có chỉ toàn “lệ”.
Đó là nhánh rễ thứ nhất của câu chuyện. Nhánh rễ thứ hai của Một trăm chiếc bóng chảy theo mối quan hệ mong manh của hai nhân vật chính, Eun Gyo và Mujae, được Hwang giới thiệu ngay từ trang đầu tiên của cuốn sách. Họ là những người trẻ theo đuổi cuộc sống bình thường, với những công việc bình thường, giữa một siêu đô thị đang dần bị bóp nghẹt bởi vòng quay của kinh tế, của đồng tiền.
Tất nhiên, Hwang không viết Một trăm chiếc bóng như một tiểu thuyết tình yêu, với những tình tiết lãng mạn để cân bằng lại với những khắc nghiệt đời sống. Cô viết về những người sống bên lề, khó (hay không thể) nắm lấy vận mệnh của mình.
Một trăm chiếc bóng của Hwang Jungeun thực sự đã chuyển tại được sự cô độc của những thị dân với những thế hệ nối tiếp nhau, dưới sức nặng của một xã hội đầy khắc nghiệt và bạo tàn.
Cái “bóng” hay cái chết?
Nhà văn Han Kang (đoạt giải Man Booker International 2016) từng nhận xét: “Cuốn sách nhỏ này (Một trăm chiếc bóng) chứa một vẻ đẹp lạ lùng khó quên. Đây đó có những yếu tố kỳ ảo, nhưng cùng lúc cuốn sách cũng nghiêm ngặt tới cùng cực, lột tả một cách hiện thực thế giới mà nó dựng lên”.
Đúng như lời Han Kang nhận xét. Nếu chỉ rặt những chi tiết hiện thực đầy đau khổ, Một trăm chiếc bóng có lẽ sẽ chỉ khơi lên mối đồng cảm nhưng không thể chạm đến được thẳm sâu về nỗi sợ, sự ám ảnh về cuộc sống trong lòng độc giả. Hwang không kể câu chuyện thẳng băng theo cách thông thường mà kết hợp những yếu tố kỳ ảo, những huyễn tưởng.
Tất nhiên, “chiếc bóng” của Hwang Jungeun chưa hoàn hảo. Có thể xem, cái “bóng” mà một chi tiết ẩn dụ, được cô nhào nặn, thường xuyên sử dụng trong tác phẩm với một dụng ý cụ thể: thứ ám lên cuộc sống vốn đã khổ sở vẫn luôn chực chờ kết liễu những con người nhỏ bé trong xã hội.
Tuy nhiên chi tiết ẩn dụ này là chưa đủ nặng; hay cái “bóng” quá yếu? “Cái bóng” đó thực chất là gì? Nỗi sợ hãi mà cái bóng đè lên cuộc sống ngoài cái chết là gì? Có lẽ Hwang JungEun chưa tường minh được. Hoặc có thể, đó là cách cô tìm cảnh hình tượng hoá nỗi cô độc và tuyệt vọng ám ảnh con người. Hoặc có thể, đó là sự chấp nhận một điều vô lý ở mức hiển nhiên, và không thèm đặt những câu hỏi tại sao, để giải thích, thông hiểu và hành động chống lại?!
Tuy nhiên, chi tiết cái bóng vẫn đặc biệt có ý nghĩa và đầy ám ảnh. Nó làm tốt, thậm chí là xuất sắc về yếu tố kỳ ảo, huyễn tưởng, mang đến cho câu chuyện một chất liệu đầy ma mị, khiến người đọc giật mình, sợ hãi, thậm chí là ám ảnh.
Bên cạnh hình ảnh ẩn dụ về “cái bóng”, Hwang Jungeun cũng tạo nên một chi tiết mang yếu tố kỳ ảo khác chính là ông chủ tiệm Omusa. Đây có thể xem như một trong hình tượng tươi sáng, tốt bụng và tử tế nhất trong câu chuyện, gần như không có thực nhưng lại phần nào soi sáng được cái bóng tối, mệt nhoài trong suốt câu chuyện. Tuy nhiên, hình tượng này cũng rất yếu và nhỏ bé, chực chờ bị bóng tối nuốt chửng.
Tiếng nói độc đáo của Hwang Jungeun
Ra mắt độc giả Việt Nam vào cuối năm 2018, cuốn tiểu thuyết Một trăm chiếc bóng của Hwang Jungeun mang đến một hơi thở khác trong văn chương đương đại Hàn Quốc. Chỉ thông qua cuốn sách mỏng này, Hwang đã phác hoạ được phần nào xã hội hiện đại tại đất nước cô, không chỉ là những cá nhân mà cả một thế hệ.
Đây chính là điểm độc đáo của Hwang so với những nhà văn đương thời nổi tiếng tại Hàn Quốc hiện này như Kim Young Ha, Han Kang, Shin Kyung Sook, Jeong You Jeong… Nếu như các tác giả kia đi sâu vào từng cá nhân, từng cuộc đời cụ thể thì Hwang khái quát lên, cho thấy bức tranh rộng hơn – thực tế của xã hội hiện đại ngày nay. Bên cạnh đó, việc kỳ ảo hoá chồng lên tính hiện thực, khiến cho câu chuyện mà Hwang Jungeun mang đến cho độc giả trở nên lôi cuốn lạ lùng, không thể bỏ qua.
Hwang Jungeun sinh năm 1976 tại Seoul, là một trong những cây bút độc đáo và giàu nội lực của văn chương Hàn Quốc đương thời. Trong 30 năm hoạt động sáng tác, Hwang đã mang đến cho độc giả ba tập truyện ngắn và ba tiểu thuyết. Một trăm chiếc bóng ra mắt độc giả Hàn Quốc lần đầu tiên vào 2010. Với tiểu thuyết đầu tay này, cô đã nhận được giải thưởng Văn học Hanguk Ilbo.
Source: dtv-ebook.com