Võ Văn Trực
Cọng Rêu Dưới Đáy Ao
Chương I
Bóng ngựa phi
Cha mẹ đặt tên anh là Toàn. Sau Cách mạng Tháng tám, chính quyền thôn thấy trong làng có một người nữa tên là Toàn, nên đổi tên anh thành Hiền. Anh thích lắm: được chính quyền cách mạng đặt tên! Gặp người bạn nào anh cũng nói “uỷ ban cách mạng đặt tên tao là Hiền. Từ nay mày đừng gọi tên tao là Toàn mà gọi là Hiền’’. Nhưng một số người cứ quen gọi anh là Toàn. Anh tỏ ý không bằng lòng. Có người đứng từ xa gọi “Toàn ơi! Toàn ơi!’’, anh không trả lời. Chợt hiểu ra, gọi “Hiền ơi!”, anh mới quay lại: “có Hiền đây! Có Hiền đây!”
Năm ấy anh mười tám tuổi. Cả làng đói lăn chiêng. Ai cũng lo đi kiếm miếng ăn hàng ngày. Thế mà bỗng nhiên anh đi biền biệt suốt nửa tháng trời, đêm không ngủ ở nhà. Thỉnh thoảng anh mới về nhà lấy cái quần cái áo, rồi lại đi ngay. Tôi hỏi anh đi đâu, anh không trả lời. Cha mẹ tôi nói với tôi: “Anh đi công việc của anh, con hỏi làm gì. Con đừng nói cho ai biết là anh đi suốt ngày suốt đêm”. Tôi linh cảm thấy có một điều gì hệ trọng.
Một buổi sáng, tôi đang ngủ, mẹ gọi dậy: “Xí ơi! Dậy nhanh đi con! Ra nhà thờ đại tôn nghe bác Chắt Kế hiểu thị!” Tôi chẳng biết “hiểu thị” là gì, nhưng tôi cũng cảm nhận được đây là việc quan trọng. Tôi vùng dậy, chạy ra, thấy người đã đứng đầy cả sân nhà thờ. Chừng hai chục thanh niên sắp hàng ngay dưới gốc cây phượng, một tay cầm dao một tay cầm cờ đỏ sao vàng. Tôi chăm chú nhìn anh Hiền cũng đứng trong đó. Người tôi run lên sung sướng. Một cảm giác thiêng liêng kỳ lạ ập đến choán hết cả tâm trí tôi. Trời, anh Hiền! Anh cũng đi theo bác Chắt Kế làm cách mạng, đuổi Pháp đuổi Nhật, giành độc lập cho đất nước!
Sau khi diễn thuyết, bác Chắt Kế trao cho anh Hiền và anh Tòng lá cờ to. Anh Tòng trèo rất nhanh, cắm lá cờ lên ngọn cây phượng. Anh Hiền cầm dao đứng gác dưới gốc cây.
Dân làng reo lên. Đôi mắt tôi dõi theo anh. Và tôi khóc. Tôi cố mím chặt môi, nhưng nước mắt cứ trào ra… Tiếp sau đó, bác Chắt Kế dẫn đoàn thanh niên đi cắm cờ khắp các làng trong huyện. Tiếng trống nổi lên từ làng này đến làng khác. Cờ đỏ mọc lên từ làng này đến làng khác. Cả người tôi như bồng bềnh trong tiếng trống, tiếng reo hò, trong màu cờ đỏ lựng. Còn gì sung sướng hơn khi được biết anh trai mình theo bác Chắt Kế làm cách mạng.
Gần một năm sau, anh gia nhập quân địa phương huyện. Cả huyện Diễn Châu lúc ấy chỉ có một trung đội. Vì được học ít nhiều chữ quốc ngữ và chữ Tây, nên anh được cấp trên chỉ định làm trung đội trưởng. Cả Huyện đội có hai con ngựa: huyện đội trưởng Cao Xuân Khuê sử dụng một con, anh Hiền sử dụng một con. Trong những cuộc biểu tình trên huyện, nhân dân đứng hai bên đường quốc lộ, ông Cao Xuân Khuê cưỡi ngựa và mang gươm bên hông, đi đi lại lại trên đường, trông rất oai vệ. Đầu ông đội mũ nồi, một tay giơ lên, một tay cầm dây cương. Thỉnh thoảng ông lại giật cương, con ngựa ngẩng đầu và dựng tung bờm. Nhân dân kính cẩn đứng dẹp vào sát vệ đường. Anh Hiền không được cưỡi ngựa đi dọc đoàn biểu tình, mà chỉ được cưỡi ngựa đi lại trước hàng quân. Người làng tôi chỉ trỏ và xì xào: “Ông Khuê làng cấp chỉ huy to nhất huyện. Chú Hiền đứng hàng thứ hai. Làng ta có chú Hiền cũng là vinh dự lắm rồi’’.
Thỉnh thoảng Huyện đội tổ chức tập trận giả. Vũ khí chiến đấu là một cây tre dài chừng ba mét, một đầu đập xơ ra và tẩm bùn. “Kẻ địch” bị đâm thì trên tay áo có dấu bùn, xem như đã chết, không được tiếp tục tham chiến nữa. ác liệt nhất là lúc xáp lá cà, hai bên cầm cành tre đâm nhau, bùn bắn tung toé, có người bị bùn bắn vào mắt, đành phải ôm mặt chạy về.
Những cuộc tập trận giả như thế thường được tổ chức trong toàn huyện. Anh Hiền phi ngựa từ làng này qua làng khác như con thoi để kiểm tra trận địa.
Cuộc tập trận giả năm ấy tổ chức vào đúng mùng ba tết Nguyên đán. Dân quân trong toàn huyện mang vũ khí và bánh tét ra trận. Anh Hiền đang phi ngựa trên đường số bảy, gần đến lên Hai Vai, thì có một ông cụ từ Đan Trung chạy ra, đứng ngáng ngang đường. Anh dừng ngựa. Cụ già vừa chắp tay vái vừa nói như thét vào mặt: “Thưa với ông đội! Trăm nghìn lạy ông đội! Quân hai bên đang đánh nhau trên đồi hung dữ lắm. Hai bên đánh xáp lá cà. Có người gãy tay. Không bên nào chịu bên nào. Trăm nghìn lạy ông đội lên bảo hai bên lui quân. Nếu trận đánh kéo dài, bị thương nhiều không có người cày cấy”. Nghe xong anh Hiền liền cho ngựa phi về phía Đan Trung, xông thẳng vào trận địa. Ngựa phi lên đỉnh đồi. Anh ngồi lẫm liệt trên mình ngựa, hai tay cầm hai lá cờ đuôi nheo, dõng dạc ra lệnh: “Mệnh lệnh quân sự! Hai bên rút quân về hai phía chân đồi, không được đánh nhau nữa! Tất cả đều phải theo lệnh tôi!” Thế là trận đánh ngừng lại. Anh buông dây cương, cho ngựa đi thong dong từ bên này sang bên kia đồi.
Mấy chú dân quân làng Hậu Luật cậy thế anh Hiền là người làng mình, chạy tới:
“Chú Hiền ơi! Chúng tôi đã rút rồi, mà bên địch không cho rút.”
Anh Hiền nghiêm nét mặt:
“Việc quân sự, không chú cháu gì ở đây cả! Tất cả phải theo lệnh của tôi, về vị trí ngay tức khắc!”
Mấy chú dân quân đành rút lui, bàn tán: “Hàng ngày trông chú hiền thế, mà lúc chỉ huy cũng hắc ra phết”.
Không có ô tô đã đành, nhưng đến cái xe đạp cũng không có, đi đâu anh cũng dùng ngựa. Cưỡi ngựa trông lại oai vệ hơn đi xe. Mỗi lần anh về làng, bà con đang làm đồng cũng nhìn theo. Lũ trẻ con hễ thấy bóng ngựa trên đường số bảy là rủ nhau chạy ùa ra: “Ngựa chú Hiền đã về! Ngựa chú Hiền đã về!” Rồi chúng chạy theo ngựa về đến tận nhà tôi. Chúng xúm xít quanh con ngựa, tìm các thứ cho nó ăn: đứa thì vốc một nắm cám, đứa thì xúc một bát thóc lép…
Có lần lợi dụng lúc anh Hiền đang trò chuyện với bà con hàng xóm, lũ trẻ thách nhau cưỡi lên bành ngựa. Lúc đã cưỡi được rồi thì thách nhau phi ngựa. Không đứa nào dám phi cả. Bị nhiều đứa kích dữ quá, thằng Bá bặm môi, nhảy lên lưng ngựa, điều khiển cho ngựa phi ra đường quốc lộ. Lũ trẻ đứa thì reo hò khoái chí, đứa đứng im sợ tái xanh mặt, đứa lại hét toáng lên: “Đừng có liều mạng! Xuống ngay, Bá ơi!” Con ngựa thông minh dường như biết người ngồi trên lưng mình là một chú nhóc ngu ngơ nghịch ngợm, hắn bèn chơi khăm bằng cách nhảy cẫng lên. Thằng Bá sợ tái mặt, nhưng lại cố làm ra vẻ “tao rất dũng cảm”. Bá bặm môi, tay nắm chặt dây cương, hai chân lớ ngớ tìm cái bàn đạp. Con ngựa càng biết thằng nhóc con lần đầu tiên ngồi trên lưng mình càng chơi khăm hơn. Hắn co chân, dựng bờm, nhảy cẫng thật cao. Bá lúng túng sợ hãi nhưng vẫn cố hét toáng lên: “Tao không sợ! Tao không sợ!” Bá ngồi xiêu bên này xiêu bên kia, lao người ra phía trước, ngửa người ra phía sau. Trong chốc lát, bành ngựa rơi hẳn ra một bên… Lũ trẻ chỉ còn một vài thằng reo hò, còn tất cả bắt đầu hốt hoảng. Tôi cuống quýt đi tìm anh Hiền. Anh không kịp lồng chân vào giày, chạy ra. Con ngựa thấy ông chủ thân yêu của mình, bèn đứng im, ngoan ngoãn đi theo ông chủ về đến tận ngõ.
Thằng Bá chạy biến mất. Con ngựa lại hiền từ lim dim đôi mắt nhìn lũ trẻ như muốn nói một lời thân ái: “Phận sự của tôi là đưa ông Hiền đi lo việc quân việc nước, chứ không phải để cho các chú nghịch. Từ nay các chú đừng có đụng vào tôi”.
Chuyện thằng Bá dám liều lĩnh phi ngựa chỉ chốc lát đã loan khắp làng. Các bậc cha mẹ dặn con cái không được nghịch liều như thằng Bá.
Từ hôm ấy mỗi lần anh Hiền phi ngựa về làng, lũ trẻ chỉ dám đứng quanh để xem, chứ không đứa nào dám mó tay vào. Nhưng lúc rong trâu ra đồng, chúng thi nhau trèo lên lưng trâu rồi đánh cho trâu chạy như ngựa. Trâu đứa nào chạy trước là thắng cuộc, và con trâu đó được phong là “tuấn mã”. Không hiểu một bài đồng dao hình thành từ lúc nào mà mỗi lần thúc trâu chạy thì lũ trẻ lại đồng thanh hát:
Nhông nhông ngựa ông đã về
Mang rổ mang mê
Mà đi xúc cám
Bưng ra đầu trạm
Cho ngựa ông ăn
Ngựa ông béo năn
Ngựa ông béo nỉ
Đi đánh giặc quỷ
Đi đánh giặc tây
Ngựa ông béo quay
Ngựa ông béo quắt
Ngựa ông sáng mắt
Ngựa ông sáng tai
Ngựa lớn một
Ngựa lớn hai
Ông Hiền tốt
Ông Hiền tài
Ông đi đánh giặc
Tặc tặc tặc
Nhông nhông ngựa ông đã về …
* * * * *
Trong hai năm, Võ Văn Trực, vốn được biết đến như một nhà thơ, liên tiếp ra hai cuốn tiểu thuyết tạo ra những xôn xao lớn trong giới văn chương Việt Nam. Sau Vết sẹo và cái đầu hói (2006), Cọng rêu dưới đáy ao mà chúng tôi giới thiệu kỳ này tiếp tục “được” hưởng một số phận về xuất bản đầy cam go ngay từ khi mới xuất hiện: bị chính NXB quyết định thu hồi sau khi phát hành được gần 1 tháng.
talawas chủ nhật