Lửa Hòa Bình

white noise for sleeping link
shopee-sale

Sơn Tùng

Lửa Hòa Bình

 

Chương 1

 

 
Giữa tháng 3 năm 1975, Phan Thanh Nhàn đưa ba đứa con rời bỏ Pleiku, cùng rừng người di tản, theo những đơn vị của quân đội miền Nam, vượt con đường tử thần 7-B ra miền biển.  Với những gì đã xảy ra trên con đường hãi hùng ấy, Nhàn không hiểu làm cách nào bốn mẹ con đã sống sót và về được tới Lái Thiêu.

 

Đoàn quân dân di tản khỏi cao nguyên đã bị truy đuổi, bị pháo kính, bị chặn đánh ngày đêm không ngừng.  Quá nhiều người đã chết trên con đường từ Pleiku tới Tuy Hoà.  Nhàn đã thấy người chết trước mặt, người chết sau lưng, chết bên phải, chết bên trái, đã thấy thây người trên mặt đất, thây người trên cây, thây người dưới nước…  Người ta có thể chết trên mỗi tấc đường.

 

Hàng triệu người đã đạp nhau, chen nhau chạy trốn hoà bình, mặc dầu mọi người đều biết con đường trước mặt là con đường gian nan vô định.  Họ đã bỏ lại cho hoà bình tất cả – nhà cửa, ruộng vườn, của cải, có khi cả người thân.  Nhàn cũng đã phải bỏ lại chồng, Đại Úy Huỳnh Lâm đang mất tích cùng đơn vị, để đem các con chạy trốn hoà bình.

 

Khi ấy, mọi người ở miền Nam Việt Nam đều cảm thấy cuộc chiến tranh tàn phá đất nước này trong hơn mười năm sắp chấm dứt.  Hoà bình đã ở trước mặt.  Nhưng không ai bắt gặp một nụ cười, một ánh mắt hân hoan.  Chỉ có những gương mặt thất thần, tiếng khóc đau thương, tiếng kêu la tuyệt vọng của những người chạy trốn.  Từ Trung vào Nam, từ Nam ra nước ngoài, hay không biết chạy đi đâu như cô Nhàn.

 

Không còn nơi nào để chạy, và cũng không còn nơi nào để dung thân trên mặt đất này, Nhàn đưa ba đứa con về Lái Thiêu, nơi có ngôi nhà mà cô đã sống suốt tuổi ấu thơ và niên thiếu.  Nhưng đã gần mười năm, Nhàn không đặt chân về đây, và bây giờ không biết sẽ được đón tiếp ra sao.

 

Nếu không có chiến tranh, có lẽ Nhàn đã nối nghiệp cha, trở thành một cô giáo tỉnh lẻ trong khuôn phép. Nhưng chiến tranh không phải chỉ có khả năng tàn phá, hủy diệt, mà còn có khả năng sáng tạo. Nó đã tạo ra ba đứa bé – một trắng, một đen, một vàng – mà Nhàn đưa về đây sau mười năm bỏ nhà ra đi.

 

Nhàn bồn chồn, tim đập thật mạnh khi trông thấy bóng ngôi nhà nổi rõ trong ánh trăng, bên cạnh vườn cây im lìm. Cô dừng lại bên một cây cầu đúc bắc qua một con suối nhỏ.  Nước chảy róc rách dưới chân cầu, bình thản như hàng ngàn năm qua. Tiếng dế kêu rền rĩ trong đêm hè.  Những con côn trùng nhỏ bé – tin tưởng ở hầm trú sâu trong lòng đất của chúng – có vẻ không run sợ trước tiếng đại bác âm vọng thật gần. Tiếng gầm thét của chiến tranh hay của hoà bình?  Nhàn tự hỏi, và nhìn ngôi nhà trước mặt với hàng chục câu hỏi khác. Có những ai đang ở trong nhà?  Ai còn sống và ai đã chết?  Cô sẽ được mọi người tha tội hay không?

 

Nhàn đã bị cha cấm đặt chân trở lại nhà từ mười năm nay, và từ đó không biết những gì đã xảy ra cho những người thân trong gia đình, và những người trong gia đình cũng không biết những gì đã xảy ra cho cô trong mười năm chinh chiến.

 

Tội của Nhàn: lấy Mỹ.  Lấy một người lính Mỹ tên là John McCoy. 

 

Câu chuyện về John McCoy bắt đầu với một quả lựu đạn nổ bất ngờ trên đường phố Sài Gòn.  Nhàn bị xô ngã xuống và không còn biết gì nữa.  Cô tỉnh lại trong một bệnh xá của quân đội Mỹ với những vết thương và bông băng khắp người.  Cách đó vài cái giường, McCoy cũng đang nằm bất động trong đống bông băng.  Anh ta bị thương nặng hơn vì là người đã trông thấy cái lựu đạn lăn trên đường phố và xô Nhàn ngã xuống.

 

Mấy ngày sau, khi đã đi đứng được McCoy làm quen và nói với Nhàn:

 

–  Lúc ấy, tôi đang đi phía sau cô và không thể làm gì khác.

 

–  Tôi biết lấy gì để đền ơn anh?  Có ai chết không?

 

–  Hai người chết và độ một chục bị thương. Tôi là nạn nhân người Mỹ duy nhất.

 

–  Nhưng anh mới chính là mục tiêu đấy. Những người Việt Nam như tôi chỉ là nạn nhân tình cờ…

 

–  Cô nói tiếng Anh giỏi quá. Cô làm gì ở đây?

 

–  Sinh viên Văn Khoa, ban Anh ngữ.

 

–  Hèn nào. Học xong, cô đi dạy học hả?

 

–  Chưa biết.  Văn Khoa là cái trường đào tạo ra những kẻ thất nghiệp. Còn anh, anh làm gì ở đây?

 

–  Việt Cộng nói chúng tôi sang đây cướp nước. Còn chính phủ Mỹ thì nói chúng tôi sang làm cố vấn cho quân đội miền Nam chống Cộng sản xâm lược.  Và tôi thì đang tìm hiểu coi thực sự mình đang làm gì ở đây.

 

–  Nghe hay đấy! Có vẻ như là một trò đùa. Nhưng quả lựu đạn ném trên đường phố là thực. Người chết là thực. Những vết thương trên thân thể tôi là thực. Những vết thương trong tâm hồn tôi là thực. Có những kẻ đang đùa giỡn trên xương thịt của người Việt Nam chúng tôi.

 

Họ nói chuyện với nhau mỗi ngày trong suốt thời gian điều trị tại bệnh xá. Nhàn coi đây là cơ hội trau giồi khả năng Anh ngữ của mình. Và, sau khi ra khỏi nhà thương cô vẫn thường nhận lời đi chơi với McCoy.

 

Một buổi tối, trên sân thượng khách sạn Caravelle, dưới một bầu trời tím thẫm đầy sao, McCoy cầm tay Nhàn nói :

 

–  I love you.

 

Nhàn thở dài:

 

–  Anh có biết đó là câu nói sẽ mở đầu cho một bi kịch? John, nên ngừng lại ở đây.

 

–  Cô cũng ghét người Mỹ?

 

–  Tôi không nói như thế.  Nhưng, anh sẽ không hiểu đây.  Cũng như các cấp trên của anh, những người lãnh đạo nước anh, họ hăm hở nhảy vào Việt Nam mà không hiểu biết gì về đất nước và con người ở đây cả.

 

–  Nhưng hình như tôi hiểu trái tim của cô.

 

–  Anh lại chủ quan và quá tự tin rồi.  Tôi không biết đó là ưu điểm hay khuyết điểm của người Mỹ.  John, anh đừng nên quên rằng đất nước tôi đã có một lịch sử hơn bốn ngàn năm và Hoa Kỳ chỉ mới lập quốc chưa đầy hai trăm năm.  Các anh có quyền tự hào là một siêu cường hàng đầu thế giới trong khi chúng tôi vẫn còn là một nước chậm tiếng.  Nhưng, ai cấm người Việt Nam nuôi dưỡng trong đầu những ý tưởng tự cao điên rồ?

 

–  Thí dụ?

 

–  Thí dụ… tôi mà yêu anh và lấy anh thì sẽ bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà và sẽ bị xã hội nhìn như một con điếm.

 

–  Quả thật tôi không hiểu.

 

–  Dĩ nhiên. Tôi đã nói rồi mà !

 

Bỗng Nhàn bật khóc, rồi cố dằn nén cơn xúc động và vừa lấy khăn tay chậm nước mắt vừa nói:

 

–  John, hãy quên tôi đi. Đây là lần gặp nhau cuối cùng. Tôi vẫn còn bị ám ảnh vì cái chết của người yêu tôi hai năm trước đây. Tôi không muốn lại là vai chính trong một bi kịch khác. Các anh đang lao vào một cuộc bắn giết, và nạn nhân vẫn là những người đàn bà, bất kể màu da của xác chết. Tôi đã khóc nhiều rồi, và không muốn khóc thêm nữa. Anh biết không, Nhàn – tên tôi – trong tiếng Việt có nghĩa là “an easy life”, hay một cái gì tương tự như thế, nhưng mối tình đầu của tôi đã là một tương lai bất trắc.

 

Sau đêm hôm ấy, Nhàn lánh mặt McCoy. Cô cố gắng quên người lính Mỹ, dù biết hình như đã quá muộn. Cô tự trách mình đã quá dễ dãi, đã bạo dạn bước ra khỏi cái khuôn mẫu của một cô con gái Việt Nam con nhà gia giáo. Nhân mấy tháng hè, Nhàn về sống với gia đình để tìm thêm chỗ dựa tinh thần, thực tế chỉ để cảm thấy không thể quên McCoy.

 

Chiến tranh vẫn tiếp tục tăng thêm cường độ khắp nơi nhưng Lái Thiêu, nhờ nằm sắt nách Sài-gòn, vẫn còn được hưỡng những ngày yêu tỉnh với những vườn cây trái xum xuê để đón tiếp dân thủ đô vào các ngày cuối tuần.

 

Rồi một buổi trưa Chủ nhật trời nóng như rang, Nhàn trông thấy McCoy trong đám người lên đây tìm chút bóng mát trong vườn và thưởng thức những trái cây tươi ngọt.  Vừa mừng vừa sợ, Nhàn kéo tay McCoy vào sau một thân cây chôm chôm, hỏi:

 

–  Anh làm gì ở đây?

 

McCoy trả lời bằng một cái hôn dài Nhàn muốn ngộp thở.

 

–  Anh điên rồi! – Nhàn lắp bắp:

 

McCoy nắm hai tay Nhàn, và cũng lắp bắp:

 

–  Tôi đã được lệnh đổi lên Pleiku ngày mai. Tôi đề nghị cô bỏ cái vườn trái cây này và lòng tự cao lố bịch của người Việt Nam để đi với tôi.

 

–  Anh điên thật rồi!  Anh điên thật rồi! – Nhàn kêu lên và bỏ chạy về nhà.

 

Một tuần lễ sau, trong lúc lái chiếc xe Jeep trên đường phố tỉnh Pleiku, McCoy tưởng mình hoa mắt khi trông thấy Nhàn, với chiếc va-li trên tay, đang đứng trả giá với một người lái xe ôm.  Anh ta đạp thắng thật mạnh bên cạnh chiếc xe gắn máy, và nói lớn :

 

–  Tôi nghĩ rằng người khách này là của tôi!

 

Người lái xe ôm nhún vai, trả lời bằng tiếng Anh khá trôi chảy :

 

–  Dĩ nhiên là tôi không thể giành mối với ông, Trung Úy.

 

Thế là họ sống với nhau như hai tên điên trong cuộc chiến tranh không ngày mai.  Hai kẻ thách đố định mệnh, thách đố quy ước.  Một hôm, Nhàn nói:

 

–  Khi nào có anh bên cạnh tôi mới tin đây là hạnh phúc có thật.  Tôi vẫn không tin là tôi dám làm việc này.  Với một phụ nữ tại Mỹ, hành động của tôi chắc không có gì đặc biệt, nhưng với người Việt Nam, đây là một cuộc nổi loạn.  Mà thật vậy, có một cái gì trong tôi chỉ muốn nổi loạn.  Nổi loạn chống lại tất cả.  Chiến tranh.  Xã hội.  Tập quán…  Nhưng tôi quá nhỏ bé, không thể làm gì được để thay đổi…

 

–  Chúng ta sẽ cùng về Mỹ sau khi tôi mãn nhiệm kỳ.  Vài tháng nữa thôi.  Mình sẽ tới Toà Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn để làm hôn thú.  Cuộc chiến tranh khốn nạn này sẽ chấm dứt với chúng ta.

 

Cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã chấm dứt với John McCoy sớm hơn là anh dự định, và không chấm dứt với Nhàn.  Anh ta đã bị tử thương trong một cuộc phục kích, hai ngày trước khi mãn nhiệm kỳ, và không biết Nhàn đã có thai.

 

Nhàn từ chối nhìn các xác không còn mặt của McCoy trước khi được chở đi “chế biến” – may vá, moi bỏ ruột gan, ướp thuốc – để đưa về Mỹ.  Cô cũng không khóc trước mặt mọi người.  Cô lặng lẽ khóc một mình cho đến khi khô nước mắt.

 

Trời khuya đã qua nửa đêm.  Sự tĩnh mịch của khu vườn trái cây mang một vẻ giả tạo khác thường giữa một đất nước đang tan vỡ.  Nhàn có cảm tưởng như lạc vào một ốc đảo an bình giữa một sa mạc nóng bỏng, và nó có thể bùng nổ, cháy đỏ bất cứ lúc nào.  Cô cúi nhìn ba đứa bé và tự hỏi rồi số phận chúng sẽ ra sao.

 

Mệt lả và đói, ba đứa bé nằm lăn ra ngủ trên bải cỏ bên cạnh mẹ chúng.  Ba đứa trẻ, ba màu da.  Chúng nắm tay nhau như cùng buộc chung vào một định mệnh.  Ngồi bên cạnh chúng, Nhàn chưa quyết định sẽ phải làm gì.  Cô đưa chúng về đây vì không còn biết đi đâu.

 

–  Ai ở đây giờ này?

 

Nhàn giật bắn người, ngước mắt nhìn toán Nhân Dân Tự Vệ vừa từ đâu xuất hiện trước mặt.  Dưới ánh trăng, họ xúm lại nhìn mấy mẹ con Nhàn với vẻ tò mò hơn là đe dọa.  Toán tự vệ gồm bốn người, hai người có súng, hai người kia cầm đèn bấm và gậy.  Một ý nghĩ kỳ dị thoáng qua óc Nhàn khi cô nhớ tới cảnh hàng ngàn quân với xe tăng đại bác đã chen nhau rút chạy.  Nhưng Nhàn cảm thấy chán chường hơn là hài hước.  Bỗng, người lớn tuổi nhất trong nhóm, tay cầm khẩu carbine, kêu lên như vừa khám phá ra điều gì quan trọng:

 

–  Trời đất!  Cô Tư Nhàn đây mà.  Đúng không?

 

Nhàn nhìn anh Nhân Dân Tự Vệ, gật đầu:

 

–  Vâng, tôi đây.  Còn anh là anh Sáu, phải không?

 

Anh Sáu hãnh diện, toét miệng cười, phô ra một chiếc răng vàng ở cửa hàm trên:

 

–  Dữ hôn, có đến chục năm rồi!  Y đưa tay không cầm súng chỉ mấy đứa bé –  Cái gì đây?

 

–  Người ta. – Nhàn trả lời.

 

–  Biết rồi, người ta… nhưng…

 

Anh Sáu Răng Vàng ngập ngừng.  Nhàn biết anh ta thắc mắc về màu da của ba đứa bé nên gạt đi:

 

–  Ba má tôi mạnh giỏi cả, hả anh Sáu?

 

–  Ông bà Hai vẫn bình thường.  Nhưng sao cô đi lâu quá vậy không về?

 

–  Thì bây giờ tôi trở về đây!

 

–  Cô ở ngoài Trung chạy về hả?

 

Nhàn gật đầu:

 

–  Vâng.  Còn tình hình ở đây thế nào, anh Sáu?

 

–  Vẫn bình yên, như cô thấy.  Nhưng ngày mai không bảo đảm, kể cả cái mạng của tôi.  Dù sao cũng mừng cô về tới đây an toàn.  Nhưng sao cô không về nhà mà còn ở ngoài này?

 

–  Mấy đứa nhỏ kiệt sức rồi. – Nhàn ngập ngừng.  Cho chúng nghỉ mệt đã.

 

–  Ở ngoài trời đêm khuya như vầy không được đâu.  Để tôi tới đánh thức ông bà Hai dậy.

 

Nghe ồn ào, ba đứa trẻ mở mắt nhìn đám người lạ với vẻ sợ sệt.  Bé Thiên Lý tức Lisa, 9 tuổi, da trắng.  Ni tức Tony, 6 tuổi, da đen.  Tuấn, 3 tuổi, da vàng.  Ba sản phẩm hỗn hợp của chiến tranh và tình yêu.  Nhàn vuốt ve trấn an chúng:

 

–  Các chú đây sẽ giúp đưa mình về nhà ông bà ngoại.  Không còn sợ gì nữa, các con.  Nhà ông bà ngoại kia kìa.  Cố đi tới đó rồi ngủ tiếp.

 

Nhàn đứng lên, khoác lên vai chiếc ba-lô đựng tất cả gia sản còn lại của bốn mẹ con.  Tay ẵm bé Tuấn, tay kia dắt hai đứa lớn, cô đi theo toán Nhân Dân Tự Vệ.

 

Sáu Răng Vàng gõ cửa và xưng tên mấy lần mới có người bên trong lên tiếng và cánh cửa hé mở.  Một người đàn ông xuất hiện, trên tay cầm cái đèn dầu, tay kia chống nạng với một chân bên phải bị cụt ngang đầu gối.  Y nhìn đám người lố nhố bên ngoài, hỏi với giọng ngáy ngủ:

 

–  Anh Sáu hả?  Có chuyện gì đây?

 

Nhàn lên tiếng:

 

–  Anh Ba, em Nhàn đây.

 

Phan Văn Dũng, tức anh Ba, trợn tròn mắt và cứng họng như trông thấy ma.  Nhàn nói thêm, và ngạc nhiên thấy mình còn có thể bông đùa:

 

–  Đúng là em đây.  Không phải ma đâu!

 

–  Em ở đâu về đây? – Dũng mở miệng một cách khó khăn và đưa mắt nhìn ba đứa trẻ như không tin ở mắt của mình.

 

–  Chuyện dài dòng lắm, kể cả ngày chưa hết. – Nhàn đáp, và nhìn một chân bị cụt của người anh, thấp giọng hỏi – Anh Ba, tại sao thế này?

 

Dũng đập tay vào chiếc nạng gỗ, thản nhiên trả lời:

 

–  Thương phế binh. – Anh ta quay sang nói với mấy người Nhân Dân Tự Vệ – Cám ơn các anh.  Để tôi lo cho em Tư tôi và mấy đứa nhỏ.

 

Anh ta mở lớn cánh cửa:

 

–  Tư đưa mấy đứa nhỏ vô nhà đi.  Căn phòng của em vẫn còn y nguyên như khi em đi.  Em đưa chúng vô đó ngủ.  Nếu cần thì tắm rửa cho chúng và ăn uống cho no bụng.  Trong nhà có cả mấy thùng mì gói phòng khi giặc giã…

 

Nhàn ngập ngừng hỏi sau khi toán Nhân Dân Tự Vệ đã đi khỏi:

 

–  Nhưng còn ba má?

 

–  Ba má ngủ rồi.

 

–  Em không hỏi ba má ngủ hay thức.  Nhưng…

 

Dũng chợt hiểu Nhàn muốn nói gì, anh ta nắm tay cô em gái:

 

–  Chuyện xưa rồi.  Tư biết ba má thương em nhất nhà mà…

 

Nhàn theo chân Dũng bước vào căn nhà.  Cô dừng lạ vài giây nơi phòng khách và có cảm giác kỳ lạ như từ một thế giới khác trở về với cuộc đời cũ tưởng đã mất hẳn hàng ngàn năm.  Mỗi món đồ trong nhà đều như hiện ra từ trong một giấc mộng và nhắc lại biết bao kỷ niệm xa xăm.  Từ chiếc bàn thờ gia tiên trang nghiêm đến những miếng gạch bông có nhiều chỗ men đã mòn vì những bàn chân của nhiều thế hệ.  Bức tranh sơn dầu vẽ Chợ Bến Thành của một hoạ sĩ vô danh mà suốt thời thơ ấu cô nhìn ngắm như nơi đô hội xa xôi vẫn còn treo trên tường.  Giờ đây, trong ánh sáng của ngọn đèn dầu, bức tranh mang một vẻ huyền ảo, gợi nhớ những giấc mơ nhỏ bé hiền lành của những năm tháng đầu đời.

 

Nhàn có cảm giác như tất cả đều không phải là thực, và sẽ tan biến đi bất cứ lúc nào.

 

Trong khoảnh khắc, Nhàn mất ý niệm về thời gian và như lạc trong không gian của một vũ trụ không bờ không bến.  Và cơn mệt lả sau một cuộc hành trình kinh hoàng lại ập đến.  Cô dắt mấy đứa bé vào phòng ngủ như bước đi trong một cơn mộng du.

 

Thân thể rũ ra, Nhàn mau chóng rơi vào một giấc ngủ vùi.  Khi cô thức giấc, trời đã hừng đông.  Vài tia sáng nhẹ lọt qua cánh cửa sổ lá sách.  Cô nghe một cảm giác ấm áp từ bàn tay phải, và từ từ mở mắt ra nhìn.  Cô nhận ra bà mẹ già đang ngồi bên cạnh từ bao giờ.  Cô vùng ngồi dậy, ôm chặt lấy mẹ và bật khóc, toàn thân run lên bần bật.  Tất cả khổ đau như tuôn ra thành nước mắt chảy ra không ngừng.

 

Ở bên ngoài, những con chim chào mào vẫn đua nhau hót, đón chào bình minh.

 

 

 

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây