Minh Đức Hoài Trinh
Trà Thất
Chương 1
– Trà Thất.
– Chưa ngủ sao? Thế mà nằm yên lặng từ nãy đến giờ bắt người ta cũng phải yên lặng theo.
Giọng người đàn ông tỉnh táo trách vợ, âu yếm, một thứ âu yếm quen thuộc, nói lên sự hạnh phúc bình yên, không hề gợn sóng của một gia đình may mắn trên nhiều phương diện.
– Còn anh? Em cứ tưởng anh cũng ngủ rồi, hơi ngạc nhiên, sao ngủ mà ngoan thế, không nghe tiếng ngài ngáy như mọi khi.
– Tại em đấy, ai bảo đã chiều rồi mà còn dụ dỗ người ta uống trà, bắt người ta thức.
– Dụ dỗ, nói nghe đến phát ghét, tại mình đòi uống cho được, không tự kiềm chế nổi, còn đi trách người ta.
– Kiềm chế gì, ma vương cám dỗ Bồ Tát.
– Sao Bồ Tát không giỏi từ chối đi, làm anh hùng thử coi, để em uống một mình, em đã nhường cho, chia đôi chén trà thứ nhất, thế mà không biết cảm ơn. Mấy đời mới có một chén Bạch Trà ngon nhứ thế nhỉ, phải chịu là quá sức ngon phải không anh?
Duyên như còn nghe hương vị ngọt ngào, thanh khiết của chất trà thoang thoảng trên môi, trong lưỡi, trong cổ. Nàng nuốt nước miếng, tưởng chừng như đang nuốt hương trà, vị trà thoáng ngọt, thanh khiết.
– Thơm chi lạ lùng, đến nước thứ mấy chục vẫn còn thơm… Anh nhỉ?
– Ừ khá thơm, phải chịu là đặc biệt.
Hai vợ chồng kể tiếp tục câu chuyện, cãi qua cãi lại bằng một giọng cố hạ trầm, sợ làm thức giấc các con ở phòng bên cạnh, chỉ cách có một bức tường.
– Nhưng hình như anh vừa nghe Duyên nói gì phải không? Em nói gì vậy?
Suỵt, khẽ chứ, em nói gì, em có nói gì đâu?
– Có mà, hình như em đang nói trà thất trà thiết gì đó, em có nói anh mới biết là em còn thức.
– À… ờ nhỉ, em đang mơ đến một ngôi trà thất.
Người đàn bà định trả lời cho qua chuyện rồi bỏ lửng không nói thêm nữa, vì đêm đã khuya, lại thêm sợ nói nhiều sẽ không tránh được sự tố cáo những ý nghĩ riêng tư của mình với chồng chăng.
Ấn không chịu thua, tuy rất cưng và chiều vợ, tuy biết rằng đêm đã khuya cả hai đều cần phải ngủ nhưng chàng vốn ghét những câu chuyện, những ý kiến nào nói ra rồi bỏ dở sau đó. Ai nói gì với chàng là phải nói cho hết, làm việc gì cũng phải làm cho xong chàng mới chịu.
– Nhưng sao em lại nói lên hai chữ ấy?
– Thì em đã bảo với anh là em đang mơ đến một ngôi trà thất mà lạị..
– Nhưng sao lại một ngôi trà thất mới được chứ?
– Tại vì… trà thất, tại vì trà thất là cái trà thất…
Duyên lúng túng trả lời, chưa tìm ra lối thoát.
– Biết rồi cái ghế là cái ghế, cái bàn là cái bàn, cô nầy đến vớ vẩn, ai chẳng biết trà thất là cái trà thất.
Người chồng vừa nói vừa kéo dịch chiếc gối của mình lại gần vợ, nhất định bắt Duyên phải giải thích cho hết ý tưởng của mình, nhưng lại sợ nằm hơi cách xa nhau, phải nói cao giọng làm thức giấc các con. Ấn nhận thấy vợ mình mỗi ngày một đặc biệt hơn, độc đáo hơn, không phải như bao nhiêu người đàn bà khác, cậy có chồng con rồi là bỏ bê. Không chịu trau dồi thêm tư tưởng, không chịu học hỏi tìm hiểu, để cùng ngang một nhịp với chồng, không cho chồng được cái hân hạnh kiêu hãnh sung sướng vì vợ. Các bà cứ dùng những đứa con làm hậu thuẫn để rồi sau đó lại đi phàn nàn rằng chồng bỏ bệ..
Duyên biết tính chồng, thôi thì nhượng bộ, giải thích cho ông ấy yên lòng, nếu không thì rồi đến sáng cả hai cũng còn chưa ngủ. Duyên vẫn nói đùa là chồng mình chọn nhầm nghề, chàng đáng phải là công an mật vụ hoặc cảnh sát chuyên lấy khẩu cung mới đúng, chẳng bao giờ tha cho ai một câu.
Vẫn bằng một giọng thì thầm, Duyên giảng giải, kể lể bên tai chồng, cho chồng nghe câu chuyện trà thất… Tại Nhật Bản, những gia đình khá giả ngoài ngôi nhà chính là tư thất người ta còn cất thêm một ngôi trà thất trong góc vườn. Nếu không có vườn thì chọn lấy một gian phòng riêng biệt ngay trong nhà dành làm trà thất.
Bước chân vào trà thất, tâm hồn sẽ thanh thản, quên hết tất cả mọi sự tranh dành tính toán dơ bẩn của cuộc sống. Khách vào, phải bỏ dép đi chân đất cũng như chủ nhân, vũ sĩ cũng phải cởi bỏ vũ khí. Cửa vào trà thất không xây cao, bắt người phải cúi mình tỏ sự khiêm tốn, đoạn tục. Phần trang trí bên trong cũng phải đơn giản, do những bàn tay chuyên môn có đầy đủ kiến thức đảm nhận. Bình hoa cắm với tất cả nghệ thuật cổ truyền, đi cùng một bức tranh, hoặc hòa nhịp, hoặc tương phản với đầy dụng ý. Âm thanh của trà thất chỉ là tiếng nước sôi reo u ẩn như tiếng suối từ xa vọng về. Câu chuyện trao đổi giữa chủ và khách cũng không phải là thứ chuyện trần tục, một vài chữ, đôi ba lời đủ để hiểu nhaụ.. Được mời đến dự một buổi trà đạo là cả một sự hân hạnh, không phải ai cũng được cái hân hạnh ấy.
Ngôi trà thất bé nhỏ không chứa quá năm người, chủ và khách đều ý thức rõ rệt, từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động của mình. Trà thất khơi nguồn từ những ngôi đền thanh bạch của các vị thiền tăng. Con đường từ bên ngoài dẫn vào trà thất là những bước đầu của sự suy tư nhập thiền, dứt bỏ mọi ưu phiền, quên hết mọi hỗn tạp của cuộc thế…
– Ngủ rồi saọ..
Duyên ngừng. Tiếng ngáy nhè nhẹ bắt đầu, có lẽ chàng đã đi vào giấc ngủ từ lâu và giọng nói của người vợ như một giọng ru, hay giọng kể chuyện cổ tích mà ngày còn là chú bé, Ấn hay được nghe u già kể những câu chuyện cổ tích thần tiên. Đây cũng là một trong những điểm làm cho Ấn say mê vợ, Duyên khẽ gỡ cánh tay chồng nằm lùi ra xa, Ấn cũng trở mình quay ra phía quen thuộc của thân thể con người trong khi say ngủ.
Duyên mừng thầm, thế là yên, chồng đã ngủ, nếu không thì ngày mai làm sao chịu nổi. Ngày mai lại là ngày xem mạch đặc biệt dành cho nhà nghèo mà Ấn đã bỏ ra mỗi tuần lễ một lần. Người nghèo đến đông, Ấn sẽ mệt, Duyên sẽ ân hận đã vô tình không cho chồng ngủ.
Tuy nhiên, ân hận thì ân hận, Duyên vẫn hài lòng đã cho Ấn nếm được thứ trà ngon, dùng chữ của Quốc tức là đã “văn hóa” được chồng thêm chút nữa. Duyên vẫn thích được chia xẻ với chồng, cái gì cũng phải hưởng chung, có như vậy câu chuyện mới dồi dào, một bí quyết để bảo vệ hạnh phúc mà hình như có nhiều người đã bỏ quên.
Theo lời Quốc, người bạn thân của gia đình thì đây là thứ Bạch Trà đã được Huy Tông Hoàng Đế phẩm định là Thiên hạ đệ nhất danh trà. Ông vua nầy là người đã chịu xuất ra rất nhiều tiền trong kho để tiêu dùng vào việc lùng kiếm những thứ trà quý. Thứ Bạch Trà nầy ngày trước chỉ mọc ở vùng Hổ Khâu, nơi chôn vua Ngô Hạp Lư, người ta mang giống đi trồng khắp các nơi đều không bằng. Ngày nay nhờ có những cố gắng của khoa học, người Đài Loan đã tìm cách gò gẫm ép buộc thiên nhiên chọn một vài vùng có không khí tương tự, cùng với sức lực trí tuệ của các chuyên gia, rồi nào chăm bón, hái trà, sấy trà, để gọi là cố giữ cho đúng cái hương vị của giống Bạch Trà tại Hổ Khâu ấy. Năm nào cũng có những nhà giàu đặt tiền mua hết cả đồi trà để uống riêng một mình chia với các bạn thân, đồng đạo, đồng chí.
Của quý nghìn năm một thuở mà Quốc phải là người sành lắm mới được một ông bạn già ở Chợ Lớn nhường cho mấy ấm, chứ đâu phải dễ.
Câu chuyện Trà Thất cũng do Quốc đã nhiều lần kể đi kể lại cho Duyên nghe và Duyên đã vui thích, nhớ mãi. Nhận thấy một ý nghĩa sâu sắc mà mọi người đều cần phải suy nghĩ lâu dài mới đủ sức lĩnh hội. Phải đọc, phải học, phải chịu khó tìm kiếm thêm để bổ túc cho sự hiểu biết nhỏ bé của mình.
Ngày mai biết trước sẽ dậy muộn, mỗi lần gặp Quốc, uống trà vào là khó ngủ, Duyên đã cắt đặt công việc cho người làm, nấu món gì cho chồng con ăn sáng.
Ấn ngủ say lắm rồi, Duyên có thể tự do thả tâm tư lang thang, tìm đến những nơi thầm kín có thể gọi là u ẩn mà ban ngày, hoặc những lúc còn đèn sáng, chưa chắc Duyên đã dám cho mình được với tới, giờ phút nầy Duyên có thể cho phép mình đi tìm ngôi trà thất.
Mỗi người ai cũng phải cần một ngôi nhà để che nắng mưa, nhưng giá có thêm được một ngôi trà thất để tìm đến mỗi khi buồn, mỗi khi nghẹn ngào, cho tâm hồn được lắng đọng, gột bỏ mọi ưu tư, thì mới thật là lý tưởng.
Cuộc sống sẽ sáng tươi, sẽ bớt nặng nề… Đây cũng chỉ là những ý kiến của Quốc mà Duyên chỉ nhắc lại với mình, hoặc với chồng một vài khi. Quốc như một vị thầy, một đạo sĩ, ra đề tài và Duyên là cô bé học trò, là một tín đồ ngoan ngoãn, chỉ biết theo đó mà làm bài, mà suy tư, hành động, nhắm mắt không dám cãi.
Quốc, Nguyễn Kinh Quốc, hình ảnh người đàn ông ấy hiện ra rõ rệt trong đêm tối. Dẫu cho Duyên có đang nhắm mắt hay mở mắt, mà có lẽ khi nhắm mắt hình ảnh như lại càng sáng tỏ hơn, tưởng như chàng đang đâu đây. Duyên có thể nghe, có thể hỏi, có thể nhìn thẳng vào mắt, cho cái nhìn của mình được đắm chìm vào trong đôi mắt kia, dễ dàng như Duyên vẫn làm một vài khi.
Mười hai năm trước. Mười hai năm qua rồi, ngày ấy Duyên là một nữ sinh trường bà Sơ. Mười bảy tuổi, tuổi của yêu đương của mơ mộng, mọi người đều bảo thế, nhưng Duyên không chịu tin, không tin cho tới ngày gặp tình yêu.
Độ ấy là độ vừa thi xong phần tú tài thứ hai, cô nữ sinh có mái tóc uốn nhẹ, dài ôm bờ vai, hay buộc thêm cái nơ nhung đen như đôi cánh bướm. Mỗi khi trời nóng bức, để lộ chiếc gáy tinh khiết với vài sợ tơ măng.
Duyên nổi tiếng là vừa xinh đẹp, vừa chăm học, lại vừa đứng đắn ngoan đạo nhất trường. Những yếu tố mâu thuẫn thường chẳng mấy khi đi cùng trong một người, vì nhan sắc và trí não là một sự sâm thương mà Duyên là một trường hợp đặc biệt để khẳng định cái luật ấy chăng?
……